27.6.25

Thuế của Việt Nam cao hay thấp?

Chính quyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Tô Lâm đang muốn sửa lại hệ thống thuế nhằm mục đích tăng thu ngân sách. Một vài kinh tế gia của chính quyền đánh tiếng rằng thuế của Việt Nam rất thấp và rằng đã có thu nhập thì tất phải đóng thuế, thậm chí thu nhập một triệu vẫn phải đóng thuế một ngàn đồng mỗi tháng. Việc đánh thuế không chỉ là một vấn đề liên quan đến ngân sách mà nó còn có những tác động vĩ mô lâu dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế và sự thịnh vượng của quốc gia.
 
Câu hỏi đầu tiên đó là mức thuế của Việt Nam hiện nay cao hay thấp, so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn biết mức thuế của Việt Nam cao hay thấp so với các nước thì chúng ta có thể so sánh mức thu ngân sách từ thuế so với tổng thu nhập quốc nội (tax revenue / GDP) mà gọi tắt là tỉ số thuế trên GDP (tax-to-GDP ratio).


Theo số liệu của OECD, năm 2022, mức thuế trên GDP của Việt Nam là 19%, xấp xỉ mức trung bình của 36 nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 19,3%. Tỉ lệ thuế trên GDP của Việt Nam là 19% có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là trung bình quốc gia làm ra 100 đồng thì 19 đồng sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước.

Đây là mức thu nhập thuế cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ thuế trên GDP của Việt Nam, 19%, cao hơn con số này của Philippines (18,4%), Thái Lan (16,7%), Campuchia (14,1%), Malaysia (12,2%), Singapore (12,1%), Indonesia (12,1%), và Lào (10,3%).

Tỉ lệ thuế trên GDP, 19%, của Việt Nam cũng có nghĩa là nếu một người dân trung bình Việt Nam tạo ra 100 đồng thì họ sẽ đóng 19 đồng vào ngân sách nhà nước. Nhưng những ai am hiểu về nền kinh tế thực của Việt Nam đều biết rằng số thuế mà một doanh nhân đóng cho nhà nước chỉ là một phần nhỏ trong số tiền mà họ phải nộp. Một người kinh doanh bình thường ở Việt Nam ngoài nộp thuế cho nhà nước, anh ta còn phải trả tiền cho công an khu vực, tiền lót tay cho nhân viên thuế vụ, tiền cho các cơ quan thanh tra khác nhau — mà số tiền để bôi trơn này là một con số không hề nhỏ. Chỉ cần lấy một con số tượng trưng xấp xỉ là số tiền bôi trơn này chiếm khoảng 50% lượng thuế mà một doanh nghiệp phải đóng, thì chúng ta sẽ thấy rằng một doanh nghiệp trung bình ở Việt Nam cứ mỗi 100 đồng làm ra họ phải trả cho nhà nước và bôi trơn hệ thống tới 30 đồng — tức mức đóng thuế thực trên GDP của Việt Nam khoảng 30%, trong đó 19% vào tài khoản nhà nước và phần còn lại vào tài khoản các cán bộ khu vực.

Để biết con số 30% tỉ lệ thuế trên GDP cao như thế nào thì chúng ta phải so sánh nó với con số ở các nước phát triển OECD, nơi mà hầu như tiền thuế của người dân chảy vào ngân sách nhà nước. Mức thuế trên GDP của các nước OECD trung bình là 34%, trong đó có những nước phát triển ở Nam Mỹ có mức thuế rất thấp như Mexico (16,8%), Colombia (19,7%), Chile (23,8%), Costa Rica (25,2%); ở châu Âu có Ireland (20,3%), Thuỵ Sỹ (26,9%); Thổ Nhĩ Kỳ (20,9%), Úc (29,4%), và Mỹ (27,6%).

Như vậy chúng ta thấy rằng mức thuế mà người dân Việt Nam phải đóng, về mặt thực chất — cho chính phủ và cho các cán bộ quản lý của nó — là rất cao và nó ngang ngửa hoặc hơn mức thuế mà người dân các nước phát triển phải đóng cho nhà nước.

Đóng một mức thuế cao như vậy nhưng người dân Việt Nam nhận lại được những gì so với chất lượng sống mà chính phủ ở các nước như Malaysia, Singapore, các nước phát triển ở Nam Mỹ, và các nước ở châu Âu và Mỹ đã làm cho người dân của họ? Hỏi cũng là trả lời — ở các nước phát triển, nơi mà tham nhũng thấp, thuế được trả cho việc xây dựng và chỉnh trang hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, bên cạnh nhiều vấn đề khác.

Do đó, trước khi đánh thêm thuế đối với người Việt Nam — vốn đã rất cao — một chính phủ có trách nhiệm trước hết phải rà soát lại các khoản chi tiêu để đảm bảo rằng nó được chi dùng hợp lý. Sau đó, cần thiết kế một chế độ kiểm soát nhằm ngăn chặn cán bộ thuế vụ, thanh tra, và cơ quan an ninh khu vực có cơ hội tiếp xúc và làm tiền doanh nghiệp.

Người lãnh đạo chính quyền nên hiểu rằng số tiền lời của doanh nghiệp — thay vì phải trả những mức thuế quá cao cho chính phủ — nếu nó ở lại với doanh nghiệp, nó sẽ trở thành những nguồn đầu tư nhằm tạo ra nhiều của cải, công việc, và sự thịnh vượng của quốc gia. Sự giàu có và phát triển của cá nhân đến lượt nó sẽ làm giàu quốc gia, đúng nghĩa dân giàu — nước mạnh.

Trong một chính phủ mà người dân có đại diện hợp pháp qua các cuộc bầu cử tự do, việc đánh mức thuế như thế nào cần phải có ý kiến của quốc hội — tức đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Trong chế độ cầm quyền bởi đảng Cộng sản hiện nay, người dân không có đại diện trong quốc hội, bởi không có bầu cử tự do. Do đó, những tiếng nói đòi đánh mức thuế này, cải cách hệ thống thuế theo kiểu kia, v.v. nó không phải là những tiếng nói của những người đại diện cho dân và dĩ nhiên nó không thể hiện được nguyện vọng của người dân.

Một chính sách lấy đi tài sản của người dân thông qua thuế mà không có sự chấp thuận của họ (qua những người đại diện) thì đó thực chất là một hành động trấn lột dù biện minh theo kiểu nào.

Nguyễn Huy Vũ

27/6/2025