Những ngày ở Đức, khi gặp bạn bè người Đức nói chuyện, hỏi các bạn có ghé Bắc Âu chưa, bạn nhíu vai bảo chưa, lạnh lắm. Đối với nhiều người châu Âu, đi đâu thì đi, không muốn đến Bắc Âu, vì lạnh. Và vì thế Bắc Âu, dù được coi là một phần của châu Âu, đối với những người châu Âu khác như là một nơi xa xôi, cách trở, dù đi máy bay cũng chỉ có hai giờ đồng hồ. Nó cũng như hỏi nhiều người Sài Gòn rằng đã ra Hà Nội hay Huế chưa, để nhận lại một cái lắc đầu, xa quá.
Thì Bắc Âu lạnh. Một năm 12 tháng thì có đến những 9 tháng bạn phải mặc áo ấm khi ra ngoài. Và bốn tháng lạnh nhất, bạn phải mặc ba áo. Những ngày đến Nauy, cô hướng dẫn bảo người Nauy có câu rằng, xứ Nauy không có lạnh, chỉ có bạn thiếu áo ấm thôi.
Những ngày ở Stockholm, một hôm mình tiếp một người bạn từ Việt Nam. Bạn của bạn. Là một quan chức và anh đã đi nhiều nơi trên thế giới. Dẫn anh đi chơi lòng vòng giữa những ngày hè nắng ấm của Stockholm, mùa đẹp nhất của Bắc Âu, anh than buồn quá. Anh bảo anh ở đây mới mấy ngày mà thấy buồn vậy, sao tụi em ở đây lâu hay vậy. Anh bảo sáng bước ra ngõ chẳng thấy một ai. Có nhà, có cửa, có xe, lâu lâu có chim hót, nhưng không thấy người. Xứ gì lạ hoắc, người ở đâu không thấy.
Ngày đến trường ở Stockholm, trong buổi giới thiệu về văn hóa Bắc Âu, anh hướng dẫn bảo, lối sống của người Bắc Âu xoay quanh chữ “lagom”, tiếng Thụy Điển nghĩa là “vừa đủ”. Sống không cố giàu cũng không lười để nghèo. Cái gì làm được họ tự làm tại nhà: sơn nhà, lắp nhà, sửa nhà, sửa xe… Nói theo người mình là dân họ có nhiều nghề lẻ. Mà việc này không chỉ gói gọn trong cánh đàn ông. Những ngày hè đẹp trời ở Stockholm mình rất ngưỡng mộ khi nhìn thấy các chị bắc thang sơn nhà, những việc mà thường chỉ thấy cánh đàn ông đảm trách. Phụ nữ Bắc Âu rất mạnh mẽ. Họ quan niệm công bằng không những theo nghĩa phụ nữ cũng phải có vai trò ngang bằng trong đời sống mà họ còn tiến một bước xa hơn là tự động nhận lãnh những công việc nặng nhọc. Nếu bạn là bạn trai sống chung với họ, họ sẽ tự động trả một nửa tiền nhà cho bạn. Đi ăn họ cũng sẽ tự động trả phần của họ. Trong luật các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, thành phần hội đồng quản trị phải đảm bảo ít nhất 40 phần trăm là nữ. Nếu công ty không đáp ứng yêu cầu này phải có bản giải trình hằng năm và có thể đối diện nguy cơ phải đóng cửa.
Nhiều bạn, nhất là các bạn nam sẽ thắc mắc chuyện các bạn Bắc Âu hẹn hò như thế nào. Sẽ có một vài sự khác biệt nhỏ trong văn hóa hẹn hò giữa các nước Bắc Âu, nhưng tựu chung, mô típ sẽ đi theo các bước. Gặp nhau ở một bữa tiệc của một người bạn. Uống thật xỉn, âu yếm nhau, hoặc ngủ với nhau. Nhớ ghi lại số điện thoại. Hôm sau, nhắn tin, rủ uống cà phê, ăn bánh, mà tiếng Thụy Điển gọi là “fika”, coi như là không biết chuyện gì xảy ra hôm trước. Lặp lại quy trình gửi tin nhắn và đi ăn bánh, cà phê vài lần, sau đó đi ăn tối, nhớ rằng tiền ai nấy trả. Dọn về ở chung.
Những người bạn của mình từ các nước phía dưới của châu Âu thỉnh thoảng ghé thăm Bắc Âu khen người Bắc Âu hiền, dễ mến. Cảm giác giống như là bạn từ thành thị mà về nông thôn, gặp những người dân hiền hòa, tươi cười dễ chịu. Cũng như ở các khu thành phố trung tâm Oslo hay Stockholm mà bạn đi vài chục cây số ra ngoại ô, gặp những người dân ở đây. Người Bắc Âu hiền và dễ cười, nhưng không có nghĩa bạn dễ làm thân với họ. Dưới vẻ thân thiện, dễ mến là một ốc đảo lạnh lùng, rất khó để xây dựng một mối quan hệ thân hơn mức xã giao. Nó không chỉ với người nước ngoài mà chính giữa những người Bắc Âu với nhau. Và đó cũng là điều dễ hiểu mà ở trên bạn thấy thông thường họ hẹn hò, quen nhau khi đã uống một chút.
Người Bắc Âu có tính độc lập. Trẻ con từ bé đã được dạy làm việc một mình. Một văn hóa có từ lâu đời khi phải tồn tại giữa một vùng đất rộng lớn, thưa người. Đó cũng là một yếu tố giúp phát triển các sáng kiến. Vì các ý kiến mới thường được phát triển bởi một người và nếu người đó có khả năng thực hiện được, nó sẽ trở thành một sáng kiến. Đó là ý kiến cốt lõi của hệ thống IKEA: bạn mua những vật dụng về để tự bạn lắp ráp.
Những ngày ở Stockholm, khi vào trường, các thầy trong khoa bảo học trò, khi các bạn tốt nghiệp từ trường này ra các bạn làm gì cũng được. Mà quả thật là sinh viên tốt nghiệp xong làm cái gì cũng được thật, chỉ cần cho họ một vài tháng tự tìm hiểu. Vì đơn giản là các thầy không dạy gì cả. Các thầy đưa bài tập, nhưng không đưa bài giải và đáp án. Hỏi thầy thì các thầy bảo rằng mai mốt mày đi làm thì mày hỏi ai, mày là thằng duy nhất tự tìm hiểu để biết nó đúng hay sai thôi. Khi làm luận văn mỗi người một luận văn riêng lẽ, tự đề ra luận văn và tự viết, thầy không góp ý, gửi email cũng không trả lời, đến ngày bảo vệ thầy sẽ là người phản biện. Nó giống như thả một người xuống biển và nếu anh ta, bằng cách nào đó, biết bơi thì sẽ trao cho anh ta bằng tốt nghiệp học bơi.
Mỗi nơi có một nền văn hóa riêng. Nhập gia tùy tục. Bạn ở nhà sẽ cười khi thấy các sinh viên ở Stockholm mỗi buổi sáng đi học cầm theo một hộp thức ăn. Đúng 12h trưa, ở phòng ăn các bạn sẽ xếp một dãy dài, quanh khoảng hơn 10 cái microwave và mỗi bạn sẽ chỉ có từ hai mươi đến ba mươi giây để hâm nóng hộp đồ ăn của mình.
Nhiều bạn sẽ hỏi rằng ngọn gió nào đã đưa mình đến Bắc Âu và sao ở lâu vậy. Đó là một câu chuyện dài và mình chưa từng nghĩ mình sẽ ở lâu vậy. Với Nauy, đó là một chuyến lang thang từ Stockholm xuống miền cực Tây của Nauy như một lữ khách rong rủi trên đường để rồi gặp một cô thôn nữ duyên dáng trên xe buýt mà lòng xao xuyến, hi vọng một ngày nào đó có dịp gặp lại.
Nguyễn Huy Vũ
Oslo, 15.4.2014