Khi nhìn người dân Miến Điện cầm những lá phiếu tự do bầu chọn cho các đảng
phái (dù hệ thống dân chủ vẫn chưa phải là đầy đủ), nhiều người Việt dâng lên một
cảm xúc tự hỏi rằng khi nào thì chính những người Việt được như người Miến, cầm
trên tay lá phiếu và cũng tự do bầu ra các lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình.
Tiến trình chuyển tiếp dân chủ của Miến Điện diễn ra một cách yên bình,
ít nhất là cho tới nay, đưa ra một minh chứng sống động rằng dân chủ không phải
là một điều xa xỉ và cũng không nhất thiết đòi hỏi một dân trí rất cao hay một
mức độ giàu có và phát triển mới cần và có được dân chủ. Vì dân chủ trước hết
là sự tôn trọng phẩm giá của con người. Chính quyền tôn trọng dân và dân tôn trọng
bầu chọn nên chính quyền.
Miến Điện Nguồn: Internet. |
Một câu hỏi luôn đặt ra là tại sao đã 40 năm kể từ ngày đảng Cộng Sản kiểm
soát toàn bộ đất nước, người Việt không hề có được một tổ chức chính trị đáng kể
nào khác ngoài đảng Cộng Sản đủ uy tín và tầm vóc để người Việt có thêm một lựa
chọn?
Có vài nguyên nhân. Những cuộc cải cách thường được dẫn dắt bởi các trí
thức. Cuộc chuyển đổi ở Miến Điện cũng không ngoại lệ, nó bắt nguồn từ các
phong trào sinh viên; Aung San Suu Kyi lúc đầu chỉ là một biểu tượng. Nhưng trí
thức Việt hiện nay làm gì và ở đâu? Nhìn quanh, bạn và tôi sẽ thấy rằng những
trí thức tiếng tăm nhiều người không muốn làm chính trị, không thể hiện một
chính kiến rõ rệt và dường như đã bỏ mặc đất nước nổi trôi. Có thể rằng vì những
nguyên nhân khác nhau, một trí thức chọn không làm chính trị, nhưng ít nhất
cũng phải chọn cho mình một chính kiến và một cách tự nhiên đứng về phía những
người dân bị đàn áp. Nhưng thất vọng nhất có lẽ là những trí thức thành công,
đã trải nghiệm ở các nước dân chủ, lại lớn tiếng cho rằng đất nước không cần những
cải cách chính trị theo hướng dân chủ. Trí thức Việt Nam lo cho bản thân và gia
đình nhiều hơn là lo cho xã hội, ít nhất là so với Miến Điện. Trong bản xếp hạng
mức bố thí quốc gia, World Giving Index, đứng đầu là Miến Điện, Việt Nam không
nằm trong top 20 (xem hình dưới). Có lẽ đặc tính của trí thức Việt chịu nhiều ảnh
hưởng bởi văn hóa Khổng Nho, lo thành danh cho chính bản thân mình, khác với
văn hóa Miến Điện chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Ấn Độ dấn thân, bố thí nhiều
hơn cho xã hội.
Một nguyên nhân thứ hai là do lịch sử. Cuộc chia ly Bắc Nam 1954 đã đưa
đa số những trí thức chống đối chủ nghĩa cộng sản vào miền Nam. Kế tiếp, sự sụp
đổ của miền Nam đã đưa phần lớn thế hệ trí thức dấn thân không cộng sản ra nước
ngoài bằng cách này hay cách khác.
Kể từ đó trí thức Việt Nam đa số chỉ còn lại là trí thức được đào tạo từ
các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Những trí thức này phần vì không có cơ hội tiếp cận
với thế giới dân chủ với các khái niệm về dân chủ nhân quyền, phần vì có người
thân trong chính quyền, hoặc được cất nhắc những vị trí trong chính quyền, nên,
ngoại trừ một thiểu số, phần đông không hề dấn thân đòi hỏi những cải cách
chính trị.
Vậy liệu rằng có một tương lai nào cho Việt Nam? Những quan sát trong
các hệ thống chính trị hiện đại cho thấy một qui luật 50 năm. Những thay đổi
chính trị mạnh mẽ nhất thường xảy ra trong khoảng thời gian này. 50 năm là
quãng thời gian để thế hệ thứ 3 trưởng thành. Qui luật này đúng ở những cuộc
chuyển đổi dân chủ ở các nước Đông Âu, ở Đài Loan, Ấn Độ, và giờ đến Miến Điện.
Nếu như những phản kháng của thế hệ đầu bị dập tắt nhường đường cho một chế độ mới,
thì thế hệ thứ 2 và sự nhập cuộc của thế hệ 3 là những hạt nhân cho những phong
trào đòi thay đổi. Quan sát những diễn biến ở Việt Nam gần đây cho thấy một sự
nhập cuộc ngày càng đông đảo những người trẻ đòi hỏi những thay đổi cho đất nước.
Sự thay đổi do đó sẽ diễn ra khi đám đông những người trẻ dám cất tiếng nói đủ
lớn, và 10 năm tới là khoảng thời gian của hi vọng.
Nguyễn Huy Vũ
Minneapolis,
11/11/2015
Nguồn: CAF World Giving Index 2015, Charities Aid Foundation: https://www.cafonline.org/about-us/publications/2015-publications/world-giving-index-2015