27.3.16

Mô hình nào cho Tự do Dân chủ?

Cân bằng. Nguồn: Internet.
Sự tiến hóa trong dòng lịch sử của nhân loại là một cuộc hành trình đến tự do mà ở đó dân chủ là hình thái cuối cùng của nó. 


Có vài lẽ. Tự do là những điều kiện tiên đề trước khi một xã hội có dân chủ. Chỉ khi xã hội có một mức độ tự do đủ lớn thì dân chủ mới diễn ra, và dân chủ là một hệ quả của tự do khi mà ở đó người dân tự do chọn lựa một khế ước chung sống với nhau và tự do lựa chọn những người đại diện dẫn dắt cộng đồng mình. Đến phiên nó, dân chủ bảo đảm một chính quyền gồm những người đại diện cộng đồng duy trì và phát triển tự do. 


Tự do cũng là nguồn gốc của mọi sự phát triển. Không một xã hội nào phát triển được nếu ở đó con người thiếu tự do. Ngay cả ở những chế độ độc tài, sự tiến bộ của xã hội cũng nhờ ở sự nới lỏng tự do từ kinh tế cho tới truyền thông. 


Nhờ ở tự do, mà những ý kiến được giãi bày, những tư tưởng được đề xuất và những hướng đi được thảo luận, nhờ đó mà những chọn lựa được thực hiện tốt hơn.


Nhưng thể chế xã hội dân chủ, cũng như những thể chế xã hội khác, thay đổi theo thời gian. Có những mô hình dân chủ phát triển và có những mô hình dân chủ thất bại. Chứng kiến những biến chuyển của các thể chế dân chủ, có một câu hỏi cần đặt ra đối với các quốc gia mong muốn xây dựng một thể chế dân chủ cho chính mình rằng đâu là những đặc tính cần có cho một thể chế dân chủ và liệu rằng có tồn tại một mô hình tối ưu? 


Để có một phân tích đầy đủ về các mô hình dân chủ, độc giả có thể đọc ở “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số” của cùng tác giả trên tạp chí Thời Đại Mới, số 33 tháng 7, 2015 (xem đường dẫn ở cuối bài). Riêng đối với câu hỏi đâu là một thể chế dân chủ tối ưu, câu trả lời là một thể chế dân chủ tối ưu cần có 5 đặc tính như sau: 


• Giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới. 


• Giúp ngăn ngừa đảo chính. 


• Bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc. 


• Ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở. 


• Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.


Vậy có tồn tại một cơ chế chính trị giúp bảo đảm các yêu cầu trên? Câu trả lời là có. Dưới đây chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích các cơ cấu của các mô hình dân chủ nhằm bảo đảm cho các đặc tính trên.



A. Ngăn Ngừa Sự Hình Thành Một Chế Độ Độc Tài Mới.



Để giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới cũng như ngăn ngừa sự khuynh loát hệ thống chính trị của một đảng cần thiết phải có tản quyền. Có hai dạng tản quyền: tản quyền của trung ương về các chính quyền địa phương và tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương. 


Cơ chế tản quyền của trung ương về các chính quyền địa phương được thực hiện trong các hệ thống chính quyền liên bang. Một số nước tiêu biểu có hệ thống chính quyền liên bang gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Thụy Sỹ, Bỉ, Ấn Độ, và Malaysia. Tùy mỗi nước mà vai trò của chính quyền liên bang khác nhau. Một chế độ độc tài chỉ tồn tại được khi chính quyền trung ương kiểm soát được tất cả các chính sách của chính quyền địa phương. Một khi các quyết định của chính quyền trung ương không thể ép buộc được các mong muốn của chính quyền địa phương chế độ độc tài trung ương sẽ bị kềm chế. 


Cơ chế tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương thể hiện ở cách phân bổ quyền lực và kiểm soát quyền lực ở chính quyền trung ương. Cơ chế tản quyền này được thực hiện thông qua hai cách. Với các chế độ nghị viện, đó là thiết kế các cách bầu cử nhằm làm cho không một đảng nào chiếm đa số ghế để có thể một mình lập nên chính phủ; các chính phủ do đó là các chính phủ liên minh. Mối lo ngại duy nhất là sự ổn định của các chính phủ liên minh. Để giải quyết điều này cần thiết phải thiết kế một hệ thống bầu cử nhằm loại bỏ đi các đảng quá nhỏ. Chẳng hạn như trường hợp của Đức, chỉ có những đảng chiếm ít nhất 5% tổng số phiếu mới được có mặt ở quốc hội. Với các chế độ tổng thống như Hoa Kỳ, cơ chế tản quyền trung ương được thực hiện thông qua nâng cao quyền lực của hai viện trong quốc hội và bầu chọn riêng lẽ các thành viên trong hai viện của quốc hội.


Nhưng tản quyền mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là cần phải có một cơ chế nhằm kềm chế quyền lực của người lãnh đạo cầm quyền. Những kinh nghiệm của hệ chống chính quyền liên bang Malaysia cho thấy cho dù hệ thống chính trị của Malaysia có tản quyền giữa trung ương - địa phương nhưng liên minh cầm quyền UMNO vẫn có thể tiếp tục khuynh loát hệ thống chính trị và đàn áp đối lập kể từ ngày giành độc lập cho tới nay. Đảng đối lập cho đến gần đây dù đạt đến hơn 50% tổng số phiếu toàn quốc nhưng vẫn chỉ đứng ở vị trí đối lập. 


Có hai cách để kềm chế quyền lực của lãnh đạo cầm quyền: hoặc là cố định số nhiệm kỳ đảm nhận vai trò lãnh đạo như trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ khi tổng thống chỉ có thể tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ; hoặc là thiết lập một hệ thống bầu cử sao cho không có một đảng nào đủ đa số để nắm quyền và một chính quyền trung ương là một liên minh giữa các đảng lớn như trường hợp của Đức. 



B. Giúp Ngăn Ngừa Đảo Chính.



Đảo chính sẽ có cơ may xảy ra khi những kẻ âm mưu đảo chính biết rằng họ có khả năng nắm giữ quyền lực sau khi đảo chính thành công. Việc nắm giữ quyền lực sau đảo chính sẽ chỉ được thực hiện khi có sự tiếp tay của một lực lượng chính trị nhằm dựng nên tính chính danh của lực lượng đảo chính. Lực lượng chính trị này sẽ chỉ hợp tác với nhóm đảo chính chỉ khi quyền lợi chia chác sau đảo chính lớn hơn quyền lợi và vị trí họ đang có. Đảo chính do đó có nguồn gốc từ xung đột quyền lợi và quyền lực chính trị. Muốn ngăn ngừa đảo chính hệ thống chính trị cần phải có khả năng chia sẻ quyền lợi và quyền lực chính trị giữa các nhóm chính trị lớn. Sự ổn định chính trị chỉ có được khi các bên đồng ý với các thỏa hiệp chính trị. 


Hệ thống chính quyền liên bang do đó là một thành tố quan trọng giúp giảm thiểu các xung đột quyền lực chính trị và ngăn ngừa đảo chính. Thất bại trong cuộc bầu cử giành chính quyền trung ương không phải là mất tất cả khi mà các đảng phái hay cá nhân có thể tranh cử để dành các vị trí xứng đáng ở các chính quyền địa phương hay vùng. Sự định hình một thể chế dân chủ do đó trước hết là những thỏa hiệp quyền lợi và quyền lực giữa các địa phương và các đảng phái với nhau, và chính quyền trung ương đóng vai trò điều phối. 


Một đặc điểm nữa của hệ thống liên bang là giúp thúc đẩy hình thành một đất nước đa cực về quyền lực kinh tế-văn hóa-chính trị. Khác với các hệ thống chính trị tập quyền nơi mà kinh tế, văn hóa và chính trị hay tập trung về một nơi, hệ thống liên bang giúp thúc đẩy việc hình thành các trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị vệ tinh. Các trung tâm vệ tinh này sẽ cạnh tranh với nhau trong phát triển, là động lực cho nền kinh tế, cũng như phân cực quyền lực khi các nhóm chính trị lớn duy trì ảnh hưởng ở các vùng. Khi các trung tâm vệ tinh lớn mạnh và cạnh tranh với thủ phủ trung ương nó sẽ giúp ngăn ngừa đảo chính vì một nhóm đảo chính cho dù nắm giữ được thủ phủ trung ương cũng không thể nào kiểm soát hết được tất cả các trung tâm vệ tinh còn lại. 


Hệ thống chính trị Thái Lan cho ta một bài học kinh nghiệm. Mô hình chính trị Thái Lan là một mô phỏng của mô hình chính trị kiểu Anh nơi mà toàn bộ quyền lực chính trị - kinh tế -văn hóa tập trung về Bangkok. Việc đảo chính sẽ được thực hiện dễ dàng một khi kiểm soát được Bangkok. Trừ khi các chính quyền mới của Thái Lan chủ trương một hệ thống chính trị liên bang nhằm thỏa hiệp chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái và thúc đẩy sự phát triển các vùng, đảo chính sẽ là một nguy cơ thường trực của Thái Lan. 


Có hai lập luận thường gặp nhằm phản bác mô thức liên bang - tản quyền. 


Một là về mặt lịch sử, chấp nhận tản quyền chỉ là một thỏa hiệp quyền lực đối với sự có sẵn của những trung tâm quyền lực kinh tế và khá độc lập. Lập luận này phủ nhận vai trò của các chính quyền vùng trong kiến tạo nên sự phát triển của vùng đó. Câu hỏi phải là liệu một vùng được cho nhiều tự do hơn trong các chính sách thì có phát triển hơn không? Về mặt lịch sử, sự thành công của các vùng này chứng tỏ rằng nhờ chính quyền vùng có nhiều quyền lực hơn mà họ có khả năng thúc đẩy và chịu trách nhiệm với chính những quyết định của mình. Sự thành công và hình thành vùng đó là một hệ quả lịch sử của tản quyền. Hơn nữa, khi nói đến tản quyền là nói đến khả năng phản ứng của chính quyền địa phương đến những đòi hỏi của chính những người dân gần nhất, và do đó tản quyền là một hình thức dân chủ trực tiếp nhất. Vì vậy, nhờ tản quyền mà người dân cảm thấy gắn bó hơn về chính trị và tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của một quốc gia. 


Một biện cớ khác của những người không tán thành tản quyền cho rằng tản quyền gây ra ly khai. Điều ngạc nhiên là ly khai thường chỉ xảy ra khi vùng đó cảm thấy không có ích lợi gì khi đứng trong cùng một quốc gia với phần còn lại. Ly khai do đó là một sự xung đột quyền lợi và quyền lực, và xảy ra khi vùng đó cảm thấy quyền của vùng trong liên minh không được tôn trọng cũng như họ cảm thấy không có tiếng nói trong các chính sách quốc gia. Ly khai do đó là một việc chẳng đặng đừng. Quyền tự trị không phải là một giải pháp lâu dài vì quyền tự trị chỉ là quyền của vùng dành cho những người dân của mình. Giải pháp duy nhất phải là một cơ chế để vùng đó có tiếng nói tương xứng, cùng với một ý kiến lớn hơn trong việc hoạch định các chính sách quốc gia ở tầm ảnh hưởng mà đáng lẽ ra vùng này phải có. Sự ổn vững của một quốc gia do đó phụ thuộc vào sự đồng thuận và thỏa hiệp quyền lực của các vùng trên bình diện quốc gia. Giải pháp liên bang mà ở đó chính quyền vùng chịu trách nhiệm trực tiếp với dân trong vùng và đại diện tiếng nói người dân trong các chính sách quốc gia do đó là một lựa chọn.


Cuối cùng, tản quyền giờ đây đã trở nên là một xu thế khi các chính quyền tập quyền như Anh và Pháp bắt đầu cải cách để trao nhiều quyền hơn cho các vùng. 



C. Bảo Đảm Một Chính Quyền Ổn Định Và Làm Được Việc.



Một cơ chế chính trị tốt phải bảo đảm sự hình thành một chính quyền ổn định và làm được việc. Ổn định chính trị theo nghĩa một chính quyền bầu ra tồn tại đủ dài để thực hiện các chính sách của mình. Làm được việc theo nghĩa các chính sách một khi được chính quyền đề ra được thông qua và thực hiện. 


Để bảo đảm một chính quyền ổn định có hai cách: hoặc là cố định nhiệm kỳ cho những người lãnh đạo như việc bầu chọn tổng thống trong các chế độ tổng thống hay các ủy viên trong Hội Đồng Hành Pháp Liên Bang của Thụy Sỹ; hoặc là dùng cách bầu cử hạn chế những đảng chính trị quá nhỏ chiếm dưới 5% số phiếu và kết hợp dùng nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng của Đức trong các hệ thống nghị viện. 


Một chính quyền làm được việc khi hành pháp cần thông qua các quyết định ở quốc hội và không bị phá hoại bởi cơ quan lập pháp. Sự kiểm soát của lập pháp đối với các quyết định quan trọng của hành pháp là cần thiết, tuy vậy, trong nhiều trường hợp khi lập pháp bị thao túng bởi đối lập, sự phá hoại nhằm ngăn chặn các chính sách do hành pháp đưa ra khá thường xuyên. Ngược lại, khi một đảng nắm quyền cả ở hành pháp và lập pháp chính quyền nghiễm nhiên trở thành một chính quyền “độc tài có chọn lựa”; họ có thể thực hiện bất cứ chính sách gì họ muốn. Trong nhiều trường hợp nhất là ở các nước có nền dân chủ non yếu, các chính quyền “độc tài có chọn lựa” này đưa ra các chính sách mị dân nhằm thu hút cử tri và chèn ép các đảng đối lập. Những kinh nghiệm dân chủ ở Thái Lan, Malaysia, hay Ấn Độ cho thấy các đảng cầm quyền khi nắm cả hành pháp và lập pháp dùng đủ các chính sách mị dân và chèn ép đối lập. 


Trong các hệ thống tổng thống như Hoa Kỳ, quyền lực lớn của tổng thống trong chính quyền trung ương được cân bằng thông qua hai viện của quốc hội. Khi đảng của tổng thống kiểm soát cả hai viện của quốc hội các quyết định của tổng thống dễ dàng được thông qua. Ngược lại, khi một trong hai viện chịu sự kiểm soát của đảng đối lập, tổng thống bị trói tay, các chính sách từ trung ương do đó là các thỏa hiệp. 


Trong các hệ thống nghị viện, như đề cập ở trên, việc nắm quyền cả hành pháp và lập pháp bởi một đảng sẽ dễ dẫn đến sự lộng quyền và khuynh loát chính trị của đảng cầm quyền. Ngược lại, một liên minh cầm quyền giữa các đảng nhỏ sẽ dễ dẫn đến tình trạng các chính quyền hay mất ổn định. Một giải pháp như mô hình của Đức đưa ra đó là thiết lập một cơ chế bầu cử kết hợp đặc biệt (xem phần nói về Đức trong bài So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số của tác giả) nhằm bảo đảm hình thành một chính quyền liên minh giữa các đảng lớn chi phối cả hành pháp và lập pháp. Các quyết định do chính quyền đưa ra được dễ dàng thông qua một lần ở quốc hội, vì thượng viện Đức có rất ít quyền. Trong mô hình của Đức, khi biết một mình không thể chi phối được chính trường, các đảng lớn giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử trở nên ôn hòa và thỏa hiệp hơn với các đảng trung bình, nhỏ hơn. Cơ chế này do đó còn giúp duy trì và nuôi dưỡng các đảng trung bình nhỏ. 


Những đặc tính quan trọng đáng học hỏi trong cơ chế bầu cử và tổ chức quốc hội của Đức, khác với những thể chế nghị viện khác, gồm có lối bầu cử vừa bầu cho đảng vừa bầu cho cá nhân, cách tính phiếu loại bỏ những đảng quá nhỏ, và qui luật bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng. Lối bầu cử vừa bầu cho đảng vừa bầu cho cá nhân cho phép mỗi cử tri khi đi bầu có hai phiếu, một phiếu bầu cho một liên danh một đảng ở cấp tiểu bang vào quốc hội theo hình thức tỉ lệ phiếu bầu và một phiếu còn lại bầu cho một ứng cử viên đại diện cho một hạt vào quốc hội theo hình thức đa số -- có nghĩa là ứng cử viên đại diện cho hạt là người nhận được nhiều phiếu nhất. Lối bầu chọn này giúp cho không một đảng nào chiếm được đa số trong quốc hội, và do đó chính phủ luôn là các chính phủ liên minh giữa các đảng. Cách tính phiếu loại bỏ những đảng quá nhỏ qui định rằng chỉ những đảng chiếm trên 5% phiếu bầu hoặc có ít nhất 3 đại diện ở các hạt thì mới được hiện diện ở quốc hội. Với qui định này, chỉ còn các đảng tương đối lớn hiện diện ở quốc hội và do đó điều này giúp các chính phủ liên minh bền vững hơn. Cuối cùng, qui luật bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng giúp chính phủ liên minh ổn vững hơn nhờ có hai qui định: i) quốc hội thể hiện việc bất tín nhiệm thủ tướng bằng cách chọn một ứng cử viên mới có được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội và yêu cầu tổng thống thay thế; và ii) yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm nhằm giải tán chính phủ của thủ tướng đương nhiệm nếu không nhận được đa số ủng hộ trong quốc hội thì tổng thống có quyền giải tán quốc hội theo yêu cầu của thủ tướng mở đường cho cuộc bầu cử mới; tuy vậy, yêu cầu giải tán quốc hội sẽ bị bãi bỏ nếu quốc hội theo đa số chọn được một ứng cử viên khác cho vị trí thủ tướng. Qui định này giúp hạn chế sự bất ổn chính quyền gây ra từ phía thủ tướng và cả phe đối lập.



D. Ngăn Ngừa Sự Thực Thi Các Chính Sách Tồi Dở.



Một ưu tư không kém phần quan trọng trong việc thiết lập các mô hình chính trị là làm sao để ngăn ngừa các chính sách tồi dở của các chính phủ cầm quyền, nhất là trong các hệ thống chính trị dân chủ non trẻ? Hay ít nhất là bảo đảm cho hệ thống chính trị có cơ hội được thể hiện những quan điểm và cách điều hành mới, khác với tư tưởng đang thống trị? 


Có ba điểm cần quan tâm: một, cần phải bảo đảm rằng đất nước luôn có một chọn lựa khác khi đảng cầm quyền tồi; hai, ngăn ngừa các chính sách tồi được thực thi; và ba, bảo đảm rằng các tư tưởng khác với tư tưởng chính thống có cơ hội được thực hiện. 


Điều này đặc biệt quan trọng khi quan sát những kinh nghiệm của Malaysia và Ấn Độ, cả hai đều là những nền dân chủ non trẻ và đều bị thống trị trong một thời gian dài bởi một đảng/liên minh cầm quyền. Malaysia và Ấn Độ là hiện thân của hai mô hình dân chủ “độc tài”. Sự thiếu vắng vai trò mạnh mẽ của đối lập khiến đảng cầm quyền lộng quyền, mị dân, tham nhũng, và tiếp tục chèn ép sự xuất hiện của đối lập. Nhưng nguy hiểm hơn, khi một đất nước không có một đảng đối lập lớn mạnh làm đối trọng và cạnh tranh với đảng cầm quyền, một đảng cầm quyền tầm thường sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến khi nào đưa đất nước vào những cơn khủng hoảng thì lúc đó đảng đối lập mới có hi vọng lôi kéo và xây dựng được lực lượng. 


Trong trường hợp của Malaysia đó là việc chính phủ dùng các chính sách trợ cấp nhằm mị dân và chèn ép đối lập. Liên minh cầm quyền đứng đầu bởi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) kiểm soát chính trị tại Malaysia suốt từ ngày Malaysia dành độc lập với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1959 cho tới nay. Liên minh đối lập trong cuộc bầu cử vào tháng 5, năm 2013 cho dù chiếm được hơn 50% tổng số phiếu bầu cũng chỉ có được 89 ghế khi so với liên minh dẫn đầu bởi UMNO chiếm 47% số phiếu và 133 ghế. Ở trường hợp của Ấn Độ đó là sự thống trị hệ thống chính trị của đảng Quốc Đại với chính sách kinh tế kiểu xã hội, vốn chẳng mấy thành công từ ngày giành độc lập cho tới khi bị đảng đối lập Bharatiya Janata đánh bại và giữ quyền hơn 6 năm. Ấn Độ chắc chắn sẽ khá hơn nếu các đảng đối lập được nuôi dưỡng và có dịp thể hiện những tư tưởng hướng đến nền kinh tế thị trường sớm hơn ít nhất là ở các cấp độ tiểu bang. Sự thống trị chính trường lâu dài của Ấn Độ để lại hậu quả là một nền chính trị tham nhũng và quan liêu. 


Do đó, một hệ thống chính trị tốt phải có cơ chế nuôi dưỡng và hình thành đảng đối lập. Phương thức bầu cử đóng một vai trò quyết định đến sự hình thành đảng phái. Phương thức bầu cử theo tỉ lệ sẽ đưa đến sự hình thành nhiều đảng nhỏ; các liên minh cầm quyền do đó trở nên yếu, và thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, làm mất đi sự ổn định về chính trị. Ngược lại phương thức bầu cử theo đa số (majority voting) làm lợi cho đảng lớn nhất, làm bất lợi cho đối lập và triệt tiêu các đảng nhỏ; về lâu về dài sẽ trở thành hệ thống hai đảng song song. Tuy vậy, phải mất ít nhất 50 năm như hai trường hợp của Malaysia và Ấn Độ để các đảng đối lập có thể lớn mạnh cạnh tranh được với đảng cầm quyền. 


Liệu có phương thức nào vừa giúp bảo đảm sự ổn định về chính trị của các liên minh cầm quyền, vừa giảm sự hình thành các đảng quá nhỏ, và vừa giúp nuôi dưỡng các đảng khác? Mô hình của Đức cho một ví dụ bảo đảm được cả ba điều này. 


Lối bầu cử vừa cho đảng vừa cho những cá nhân của hệ thống bầu cử Đức khiến cho không một đảng nào có thể chiếm đa số trong quốc hội. Phe cầm quyền luôn là liên minh giữa một đảng lớn và một đảng nhỏ hơn. Điều này khiến các đảng lớn luôn tìm sự hỗ trợ của các đảng nhỏ hơn thay vì triệt tiêu hay đàn áp họ. Để làm hạn chế các đảng nhỏ xuất hiện, luật được đưa ra rằng chỉ các đảng chiếm lớn hơn 5% số phiếu được có mặt ở quốc hội. Các đảng xuất hiện ở quốc hội do đó là các đảng không quá nhỏ, điều đó giúp hình thành các liên minh bền vững. Tuy vậy, liên minh giữa các đảng lớn chỉ mới là điều kiện cần để có được sự ổn định của một liên minh cầm quyền. Hệ thống của Đức giới thiệu thêm một quy định là “nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng” (constructive vote of no-confidence) bảo đảm rằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ được phép diễn ra khi một chính phủ sẵn sàng chấp chính nhận được đa số trong quốc hội. Nguyên tắc này giúp làm ổn định hệ thống chính trị vì nó ngăn ngừa các đảng đối lập muốn phá rối liên minh cầm quyền và ngược lại nó hạn chế việc thủ tướng muốn tự động giải tán quốc hội để bầu cử sớm nhằm có được ưu thế cho đảng của mình. Xem thêm phần về mô hình của Đức ở trên để biết thêm chi tiết.


Vấn đề thứ hai là làm sao để ngăn ngừa các chính sách tồi và lạm quyền được thực thi? Trong các mô hình dân chủ, các quyết định quan trọng cần sự chuẩn thuận của quốc hội. Vai trò của quốc hội được dùng để kiểm soát các chính sách tồi của nội các cầm quyền. Cách phổ biến nhất là nâng cao vai trò của thượng nghị viện và sắp xếp số nhiệm kỳ của thượng nghị viện dài hơn nhiệm kỳ của đảng cầm quyền. 


Trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nhiệm kỳ của các thượng nghị sỹ là 6 năm, và một phần ba các thượng nghị sỹ phải bầu lại mỗi hai năm. Các cuộc bầu chọn do đó còn là thước đo mức hài lòng về chính sách của người dân với chính quyền trung ương. Sự bất mãn của người dân sẽ khiến họ bầu cho đại diện của đảng đối lập. Khi một trong hai viện của quốc hội bị khống chế bởi đảng đối lập nó sẽ giúp ngăn ngừa sự thực thi các quyết định tồi dở hay gây tranh cãi của chính quyền. Tuy vậy, sự khống chế chính nó cũng là một nhược điểm khi trói tay chính quyền của tổng thống trong việc đưa ra các chính sách mới. 


Ngược lại, vai trò của các thượng nghị viện trong các hệ thống nghị viện của Canada, Úc, hay Đức yếu hơn hoặc ít quyền lực hơn so với hạ viện – nơi bị khống chế bởi đảng/liên minh cầm quyền. Trong hệ thống của Đức, thượng viện chủ yếu giữ vai trò kiểm soát việc ban hành các luật lệ liên quan đến chính quyền bang và sửa đổi hiến pháp. Điều đó cho phép chính quyền Berlin vốn đã là một liên minh chính trị dễ dàng thông qua các chính sách hơn và trở nên một chính quyền làm được việc. 


Trong những trường hợp khi mà những đề xuất không thể được áp dụng trên toàn quốc ngay lập tức, hệ thống liên bang cho phép những tiểu bang có thể thử nghiệm những chính sách riêng rẽ ở phạm vi trong tiểu bang mình. Hệ thống liên bang do đó cung cấp những uyển chuyển trong việc thực thi và thử nghiệm các chính sách mới mẻ trước khi có thể được áp dụng đại trà trên toàn quốc. Các chính sách tồi dở nếu thất bại ở các cấp tiểu bang có thể được dừng lại, và do đó hạn chế được mức thiệt hại. Ngược lại, khi toàn hệ thống đắm chìm trong sự kiểm soát của một hệ tư tưởng, những thử nghiệm thành công ở các cấp tiểu bang có thể cung cấp cho các bang lân cận và toàn quốc một hướng đi mới cho đất nước. Một hệ thống chính quyền liên bang do đó giúp giảm thiểu đi rất nhiều sự hình thành các chính sách tồi dở.



E. Kéo Dài Sự Cầm Quyền Của Một Chính Phủ Thành Công.



Trong hệ thống chính trị tổng thống, mối lo ngại xuất hiện một chế độ độc tài khiến cho các nhà thiết kế hệ thống chính trị có xu hướng giới hạn số nhiệm kỳ của tổng thống. Việc giới hạn số nhiệm kì của tổng thống là cần thiết nhằm hạn chế sự xuất hiện độc tài, nhưng cách làm này bộc lộ hai điểm yếu đó là: một, trong trường hợp một nội các làm được việc và trẻ trung, việc giới hạn nhiệm kỳ vô tình bỏ đi một đội ngũ lãnh đạo thành công; và hai, sự thay đổi một nhóm lãnh đạo nhiều khả năng sẽ dẫn đến các thay đổi về chính sách khiến làm gián đoạn sự phát triển của một đất nước. Đó là lý do mà ở một số nước phát triển vượt bậc nhanh chóng như Đức hay Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò cầm quyền liên tục của một đảng cầm quyền thành công đóng một vai trò rất quan trọng. 


Hệ thống nghị viện do đó cho phép kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công. Mối lo ngại duy nhất rằng chính phủ này có thể trở thành một đảng độc tài hay khuynh loát chính trị nên được giải quyết bằng các phương cách được thảo luận ở các phần bên trên.



Kết luận



Thiết lập một mô hình chính trị không giống như vẽ những nét cho một bức tranh trên một tờ giấy trắng. Chỉ ở trong một vài trường hợp đặc biệt mà những mô hình chính trị được áp đặt, như của Nhật và Đức sau chiến tranh thế giới thứ 2. Bất cứ một hệ thống chính trị nào cũng là kết quả của những dấu ấn lịch sử, và là một quá trình đấu tranh và thỏa hiệp giữa các thế lực chính trị với nhau. Tuy vậy, sự hiểu biết về những hậu quả và kết quả của các cơ chế hoạt động trong các mô hình chính trị sẽ giúp các nhóm chính trị định rõ những hướng đi cần thiết nhằm xây dựng một xã hội tự do và phát triển. 


---------


Nguyễn Huy Vũ


Tham khảo:


Nguyễn Huy Vũ. “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số”. Tạp Chí Thời Đại Mới, Số 33, tháng 7, 2015. 


Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenHuyVu.pdf