25.10.21

Tại sao họ muốn rất giàu?

Hôm trước, Elon Musk và Jeff Bezos cạnh khía nhau ai là người giàu nhất thế giới và giờ đây là cuộc cạnh tranh xem ai là người dẫn đầu trong cuộc đua của ngành công nghệ khai thác không gian.

Musk và Bezos là hai người giàu nhất thế giới hiện nay. Musk là người sáng lập và hiện đang điều hành hai công ty: công ty xe điện Tesla và công ty công nghệ khai thác không gian SpaceX. Tài sản của Musk hiện được định giá là 230 tỉ đô la theo Bloomberg. Bezos là người sáng lập công ty bán hàng online Amazon và hiện là chủ công ty khai thác không gian Blue Origin. Tài sản của Bezos được định giá khoảng 212 tỉ đô la. Để tiện so sánh thì thu nhập quốc dân của cả Việt Nam năm 2020 là 271 tỉ đô la. Cả hai đều ở lứa tuổi 50 và không ai có nhu cầu ngừng làm việc. Musk, ngoài Tesla và SpaceX, trong mấy năm gần đây đã lập thêm ba công ty: OpenAI để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, NeuraLink để nghiên cứu tương tác giữa não bộ con người và máy tính, và Boring Company để xây dựng đường hầm. Còn Bezos thì quản lý các dự án đầu tư mạo hiểm của mình trong quỹ Bezos Expeditions và trong tháng 9 vừa rồi lập thêm một công ty công nghệ sinh học lấy tên là Altos. 

Nếu con người ta làm việc chỉ để ăn thì với khối tài sản hàng trăm tỉ đô la, cả hai người chắc chắn đã nghỉ hưu, khỏi làm hoặc làm chỉ để giải khuây, dành thời gian để đi chơi và ăn. Nếu nhiều tỉ phú khác cũng vậy thì chắc chắn nước Mỹ sẽ ngay lập tức lụn bại. 

Vậy điều gì khiến họ, những người rất giàu, vẫn tiếp tục làm việc và vẫn tiếp tục tiết kiệm tiền?

Một hiện tượng mà ở các nước đều có đó là giới giàu nhất 1% nắm giữ khoảng chừng 20 đến 40% tài sản của cả quốc gia, tuỳ mỗi nước; và giới 10% giàu nhất thì hầu như nắm khoảng 50 đến 80% tài sản quốc gia. Một nửa dân số nghèo nhất của đất nước hầu như không có tài sản gì đáng kể. 

Những người rất giàu nhưng vẫn tiếp tục làm việc và tốc độ tiết kiệm của họ lại càng tăng cùng với số tiền kiếm được. 

Đây là một câu hỏi thuộc loại hóc búa của giới nghiên cứu kinh tế trong khoảng 10 năm gần đây và đó cũng là một phần của luận án tiến sỹ của tôi. 

Trong kinh tế học, để mô phỏng một con người bình thường trong một mô hình kinh tế, người ta giả sử rằng cá nhân đó chỉ có một ham muốn là làm việc để kiếm tiền ăn tiêu và để dành phòng ngừa thất nghiệp. 

Trong những mô hình này, sự hạnh phúc tạo ra từ việc ăn tiêu sẽ tăng với tốc độ giảm dần cùng với khối lượng thức ăn được tiêu thụ. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang đói mà ăn một tô phở thì bạn rất sung sướng, và ta cho là độ sung sướng được 10 điểm; thì đến khi ăn tô phở thứ hai mức sung sướng của bạn đạt thêm có thể là 7 điểm; đến tô phở thứ 3 thì mức độ sung sướng của bạn khi nhìn nó có thể là 4 điểm; và đến tô phở thứ 4 thì bạn hết muốn ăn vì no thì lúc này mức độ sung sướng của bạn là 0. 

Mô hình như vậy nó phản ánh nhu cầu cơ bản của một con người bình thường trong xã hội. Trong những mô hình này, con người không có xu hướng tiết kiệm khi người ta trở nên giàu có. Lý lẽ rất đơn giản rằng tại sao người ta phải tiếp tục làm việc để kiếm tiền và tiết kiệm khi mà mỗi đồng tiền kiếm được thêm để chi tiêu không tạo ra thêm được nhiều sự hạnh phúc. Trong những mô hình này, do đó, tốc độ tiết kiệm đối với mỗi đồng tiền làm ra thêm sẽ giảm dần khi số tiền dành dụm tăng lên; mà nói theo ngôn ngữ bình dân thì khi bạn nghèo, mỗi 10 đồng bạn làm ra thêm bạn sẽ tiết kiệm 5 đồng tức mức tiết kiệm là 50%, nhưng khi bạn trở nên giàu có thì mỗi 10 đồng bạn làm ra thêm bạn sẽ tiết kiệm chừng 2 đồng tức mức tiết kiệm là 20%; từ tốc độ tiết kiệm 50% giảm xuống còn 20%. Bạn không có nhu cầu tiết kiệm thêm khi mà đã đủ giàu để đề phòng rủi ro thất nghiệp. Điều này trái với dữ liệu thực tế. Trong những mô hình như vầy, nhóm người giàu nhất 1% nắm giữ tổng tài sản quốc gia chừng 5%, cách khá xa hoàn toàn mục tiêu giải thích nhóm giàu nhất nắm giữ khoảng 30% tài sản quốc gia. 

Vì vậy, những mô hình mà trong đó con người làm việc chỉ để kiếm tiền ăn tiêu và dự phòng thất nghiệp không thể giải thích được tại sao người càng giàu thì tốc độ tiết kiệm lại càng tăng, và cuối cùng thì xã hội tạo ra được một nhóm nhỏ người nắm giữ một khối lượng tài sản khổng lồ. 

Vậy điều gì khiến cho người càng giàu họ vẫn không ngừng tiết kiệm? Christopher Carroll trong bài báo Why Do the Rich Save So Much? (Tại sao người giàu tiết kiệm nhiều vậy?) đưa ra một giả định đó là người giàu có họ khác người bình thường. Người bình thường chỉ có nhu cầu duy nhất là ăn tiêu; ăn để sống và tiêu xài những thứ cơ bản; và khi ăn tiêu thì họ sướng. Còn theo Carroll, người giàu có họ không những ăn tiêu, mà tài sản chính nó đem lại cho họ một sự sung sướng. Tài sản đem lại cho họ danh vọng, địa vị, sự nể trọng của xã hội, và thậm chí quyền lực. Do đó, càng giàu thì họ càng sướng. Họ sướng vì giàu. Giả định của Caroll sau đó được kiểm nghiệm trong một mô hình của luận án tiến sỹ của tôi và nó cho ra kết quả như mong đợi. 

Đọc tới đây thì chắc bạn đã hiểu rằng tại sao những tỉ phú như Musk, Bezos, hay nhiều người khác dù rất giàu họ vẫn tiếp tục làm việc và vẫn tiết kiệm không ngừng nghỉ. Đơn giản là vì họ khác người, họ sống không chỉ vì ăn tiêu, mà còn để khẳng định vị trí của mình trong xã hội. 

Do đó, một xã hội muốn phát triển tất phải thúc đẩy và bảo vệ cái động lực làm việc của giới ưu tú. Mà một trong các động lực hiệu quả nhất là bảo vệ tài sản của họ và bảo vệ cơ hội làm giàu của họ. Ngày nay đã qua rồi thời kỳ mà nhà nước tự tiện cướp đoạt tài sản của người dân nhưng vẫn còn đó những thể chế và tư tưởng mà trong đó không có thiện cảm với những người rất giàu. Sự thiếu thiện cảm này thể hiện rõ nét nhất qua những hô hào đòi đánh thuế thật mạnh vào giới siêu giàu. Việc đánh thuế những người giàu có rất dễ nhưng để khuyến khích họ đóng góp và tiếp tục tạo ra công ăn việc làm cho xã hội mới là chuyện khó. Trong một đề xuất của mình, Thomas Piketty, tác giả của cuốn sách “Tư bản Thế kỷ 21” đưa ra một đề nghị rằng nên đánh thuế thu nhập giới nhà giàu đến 90%. Nếu một đề nghị như vậy được thông qua ở Mỹ, giới siêu giàu sẽ phải đóng mức thuế của mình, nhưng một câu hỏi tiếp theo là liệu giới siêu giàu như Musk hay Bezos có lý do ở lại nước Mỹ hay không hay họ lại tìm cách di cư sang một nước khác, như các tỉ phú ở châu Âu chuyển quốc tịch và nơi sinh sống sang những nước ít thuế hơn, và người sáng lập IKEA ở Thuỵ Điển chuyển sang sống ở Thuỵ Sỹ là một ví dụ. Đó là chưa nói với một mức thuế cắt cổ như vậy, nó sẽ triệt tiêu mọi động lực để những người có tinh thần khởi nghiệp muốn làm giàu; nền kinh tế chắc chắn ngay lập tức mất đi động lực. 

Những mức thuế rất cao ở nước Pháp của Piketty có lẽ là lý do chủ yếu mà kinh tế Pháp, một nước có công nghệ hàng đầu thế giới, trong một thời gian dài không phát triển nổi. Tổng mức thu nhập từ thuế trên tổng thu nhâp quốc dân của Pháp hiện ở mức 45%, tức trung bình mỗi đồng tiền mà người Pháp làm ra thì gần một nửa phải nộp cho chính phủ. Để tiện việc so sánh thì tổng mức thu nhập từ thuế trên tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Ireland chỉ bằng chưa tới một nửa của Pháp và hiện là 18%. Điều đó lý giải tại sao các công ty công nghệ của Hoa Kỳ khi chọn một nơi để đặt bản doanh họ thường chọn Ireland. Nền kinh tế của Ireland cũng vì vậy mà tăng trưởng tốt hơn hẳn. 

Ở Đông Nam Á, bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao giới giàu có, giới công nghệ, và các công ty đa quốc gia chọn Singapore? Đó không chỉ là vì Singapore dùng tiếng Anh, có hệ thống pháp luật, nhất là thương mại, rõ ràng và theo tiêu chuẩn phương Tây, mà còn bởi vì họ có ít thuế, thuế đơn giản, và không đánh thuế đối với các khoản thu nhập tạo ra ở nước ngoài. Đó là những điều Việt Nam phải cải cách nếu muốn cạnh tranh với Singapore trong thu hút công nghệ, công ty, vốn và cả những nhân tài. Những cải cách này chắc chắn sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam lên một mức tăng trưởng mới. 

Nguyễn Huy Vũ

26.10.2021