23.11.21

Làm sao để Vinfast thành công?

Việc Vinfast đem hai chiếc xe hơi ra triển lãm ở hội chợ quốc tế gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng. 

Trong kỷ nguyên toàn cầu hiện nay, việc mở một công ty, làm ra một sản phẩm, và đem đi rao bán không phải là một điều gì quá khó khăn, cho dù sản phẩm đó là xe hơi, máy tính hay một công cụ hay máy móc khác. 


Vấn đề quan trọng nhất của một doanh nghiệp đó là lợi nhuận, còn các sản phẩm với công nghệ có sẵn thì muốn làm là được, miễn là có tiền để đầu tư. 


Nếu bạn không tin thì hãy nhìn các công ty của Trung Quốc. Họ mua lại nguyên dàn công nghệ, hệ thống sản xuất của các công ty Âu Mỹ để làm ra các sản phẩm tương tự và bán ra thị trường. Cho nên có tiền là công ty có thể làm ra sản phẩm, với điều kiện công nghệ đó đã có sẵn. Còn chuyện có lợi nhuận hay không là một chuyện khác và đó là vấn đề đau đầu của bất cứ một doanh nhân nào.


Một công ty ở Việt Nam từ bất động sản với túi tiền rủng rỉnh mở một công ty sản xuất xe hơi điện không phải là chuyện khó. Chuyện khó nhất là có tiền. Sau khi đã có tiền rồi thì công ty dễ dàng trả tiền cho các công ty săn đầu người tìm cho mình những chuyên gia lãnh đạo trong ngành. Trả tiền, và cả cổ phần hoặc quyền mua cổ phần (options) cho nhóm chuyên gia này để họ cố vấn và lãnh đạo công ty. Họ sẽ đề xuất nên tìm mua những dây chuyền sản xuất xe hơi nào, liên kết với các nhà sản xuất phụ kiện ở đâu, tuyển và đào tạo nhân viên như thế nào, v.v. Từ những dây chuyền và linh kiện đó, nhân viên sẽ lắp ráp ra sản phẩm.


Câu hỏi quan trọng đó là lợi nhuận. Lợi nhuận quyết định sự tồn tại của một công ty.


Muốn có lợi nhuận tốt thì công ty phải bán được sản phẩm vào thị trường thuộc phân khúc cao cấp. Bởi một sản phẩm không có lượng khách hàng trung thành lớn thì khó mà sống sót nếu bán ở phân khúc bình dân. Apple ban đầu chỉ bán những sản phẩm điện thoại ở phân khúc cao cấp để có lợi nhuận, và chỉ sau này khi đã tạo được chổ đứng thương hiệu đủ lớn trên toàn cầu họ mới mở rộng bán các sản phẩm bình dân hơn. 


Nhưng bán ở phân khúc cao cấp, xe điện của Vinfast sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh của hàng loạt các hãng xe khác nhau từ Tesla, tới các công ty của Đức, Nhật, và sắp tới là của Apple. 


Lợi thế cạnh tranh của Vinfast trong những năm tới để có chổ đứng bên cạnh các hãng xe này là gì? 


Chất lượng sản phẩm? Giá cả? Dịch vụ khách hàng? Thương hiệu?


Trong cả 4 tiêu chuẩn này, Vinfast hiện khó mà có thể cạnh tranh với các hãng xe khác nhau của thế giới trên thị trường Mỹ. 


Vinfast có thể giảm giá sản phẩm. Nhưng càng giảm giá thì công ty càng lỗ. 


Vinfast có thể bán xe điện ở thị trường Việt Nam nhưng trừ khi kinh tế Việt Nam phát triển chóng mặt trong những năm tới — một điều không tưởng khi mô hình kinh tế Việt Nam đang trở nên bế tắc —  nhu cầu mua xe hơi điện ở Việt Nam trong những năm tới chỉ có thể giúp Vinfast giảm lỗ. Nói vậy để thấy rằng thị trường nội địa không đủ để Vinfast tồn tại mà buộc họ phải vươn ra thế giới.


Từ chỗ hoàn toàn không có kinh nghiệm sản xuất xe hơi, để sở hữu một nhà máy và lực lượng nhân sự quản lý điều hành, Vinfast đã phải chi rất rất nhiều tiền, mà trong đó một lượng lớn chi trả lương cho cấp chuyên gia — những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xe hơi. 


Vinfast chỉ có thể thành công nếu như họ có thể cắt giảm chi phí và gia tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của mình. 


Điều đó chỉ thực hiện được nếu trong một thời gian ngắn họ đào tạo được một lực lượng chuyên gia người Việt thay thế và được trả một mức lương thấp hơn nhiều. Song song đó là họ phải thiết lập được một hệ thống nghiên cứu sáng tạo nhằm tạo ra những công nghệ bắt kịp các đối thủ, phát triển các nhà máy con để sản xuất các phụ kiện quan trọng cho riêng mình, thiết lập một phòng thiết kế bên trong công ty và hệ thống bán hàng và chăm sóc khách hàng. Họ phải hoàn thành tất cả những việc này cùng một lúc trước khi hết tiền. Những việc này khó hơn nhiều việc ra mắt một hay hai sản phẩm.


Nhưng để có được một đội ngũ chuyên gia Việt Nam có thể lãnh đạo, nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm sáng tạo đòi hỏi rằng môi trường giáo dục Việt Nam phải có khả năng cung cấp những cá nhân như vậy. Đến đây thì lời giải của bài toán doanh nghiệp không còn bởi chính doanh nghiệp nữa mà nó phụ thuộc vào môi trường vĩ mô của đất nước. Trừ khi hệ thống giáo dục Việt Nam đổi mới nhằm tạo ra những cá nhân có hiểu biết và có khả năng sáng tạo để góp phần vào việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ, việc giáo dục nhồi sọ và mang tính giáo điều như hiện nay chỉ đưa đất nước đến chỗ bế tắc. 


Nhưng một hệ thống giáo dục đào tạo ra những con người có hiểu biết và sáng tạo thì rất nhanh chóng những con người này sẽ đòi hỏi một môi trường trọng tự do và nhân phẩm. Với những người như vậy, hệ thống độc tài hiện nay tất sẽ cáo chung. 


Như vậy, muốn những doanh nghiệp công nghệ của một quốc gia có thể vươn thành công lên tầm thế giới, hệ thống chính trị và giáo dục của quốc gia đó tất phải đặt nền tảng trên sự tự do. Hãy nhìn quanh thế giới, các doanh nghiệp công nghệ thành công đa số đều xuất thân từ các thể chế tự do. Có tự do mới có sáng tạo. Và chỉ có sáng tạo mới có thành công trong thời đại cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Việc mua lại công nghệ hay dây chuyền sản xuất nó chỉ giúp rút ngắn quá trình tạo ra sản phẩm nhưng nó không giúp gì được cho quá trình sáng tạo nhằm đưa sản phẩm vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh. 


Các doanh nhân trong nước do đó trước khi nghĩ đến việc sản xuất một sản phẩm công nghệ để cạnh tranh với nước ngoài phải nghĩ trước hết đến việc góp một bàn tay để chuyển đổi hệ thống chính trị hiện thời thành một thể chế tự do và dân chủ. Một thể chế tự do và dân chủ đến lượt nó sẽ góp phần làm bệ phóng thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thành công. 


Nguyễn Huy Vũ

23.11.2021