13.10.21

Văn hoá phục tùng và bạo lực của người Việt

Có một điểm khác biệt văn hoá mà chắc chắn nhiều bạn khi sang nước ngoài sẽ cảm nhận được đó là ở nước ngoài họ ít có bạo lực cá nhân. Họ ít đánh nhau, ít chửi nhau, ít nói xấu nhau, và ít dìm nhau, khi so với dân mình.

Chuyện đánh nhau của dân mình thì khỏi nói. Hàng xóm đánh nhau. Chồng đánh vợ, vợ đánh chồng. Cha mẹ đánh con. Thầy cô đánh học trò. Học trò đánh lẫn nhau. 


Đánh nhau nhiều quá đến nỗi xã hội, làng xóm xem việc đánh nhau nó trở thành là một điều bình thường trong xã hội. Tức là xã hội đã chấp nhận bạo lực như là một điều hiển nhiên của văn hoá sống.


Nhưng, thầy cô đánh học trò thì không sao. Còn học trò mà nếu đánh lại thầy cô giáo thì là có chuyện. Tương tự, cha mẹ đánh con cái thì được, còn con cái nếu đánh lại cha mẹ thì bị cho là xằng bậy. Người lớn đánh người nhỏ thì được, còn người nhỏ đánh người lớn thì sai. 


Bạn có bao giờ đặt câu hỏi cho vấn đề này chưa?


Hãy cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bình đẳng, nơi con người và con người bình đẳng với nhau, thì không có gì là đúng đắn để biện giải cho việc một người được phép đánh người khác, dù người đó là ai. Nếu như học sinh không được phép đánh thầy cô giáo thì thầy cô giáo, vì sự bình đẳng giữa những con người với nhau, cũng không được phép đánh học sinh. Và tương tự vậy, nếu như con cái không được đánh cha mẹ thì cha mẹ cũng không có bất cứ quyền gì để tự biện hộ cho việc đánh con cái. 


Nhưng xã hội Việt Nam thì không như vậy. Và việc người trên đánh người dưới nó trở thành một “văn hoá” hợp pháp. 


Cái văn hoá đó nó phải bắt nguồn từ văn hoá Khổng giáo mà trong đó con người hành xử theo cấp bậc quân - sư - phụ và cấp dưới phục tùng cấp trên. Trước là phục tùng vua, sau là phục tùng thầy, sau nữa là phục tùng cha mẹ. Cấp trên có sai thì cũng không được cãi. Cấp trên có đánh thì cũng không có gì sai. Cái văn hoá phong kiến đó nó thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội và trở thành một thứ văn hoá — văn hoá phục tùng.


Khi mà cấp dưới phục tùng một cách vô điều kiện cấp trên và cấp trên tự cho mình cái quyền bề trên trong cái mối quan hệ đó thì bạo lực sẽ diễn ra khi ngôn ngữ trở nên bất lực. 


Ở một khía cạnh ngược lại, chỉ khi nào mối quan hệ tự nhận thức là cân bằng thì chuyện đối thoại mới diễn ra, và đó là điều ở các nước phương Tây. 


Người Việt bị nhiễm cái văn hoá phục tùng đó cho nên ở nhà cha mẹ đánh thì không được kêu la. Ở trường thầy cô đánh thì im. Rồi lớn lên bị chính quyền bắt nạt, đàn áp, đe doạ thì trở nên nín nhịn. Nhưng họ sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những người mà họ cho là nằm dưới họ. 


Hậu quả là cái văn hoá mà người Việt Nam hay tự hào chính là cái văn hoá đẻ ra một dân tộc nhu nhược. Cái văn hoá đó người Việt mượn ở người Tàu, họ khư khư giữ lấy, và khước từ sự thay đổi theo người phương Tây. 


Vậy cái văn hoá đối xử của người phương Tây ra sao?


Nhiều bạn ở Việt Nam khi tiếp xúc với những trẻ em ở phương Tây sẽ ngạc nhiên vì các em có suy nghĩ độc lập, tự tin, và tự đưa ra quyết định của mình. Nó là một quá trình được đào tạo và nó thuộc về văn hoá, văn hoá gia đình, văn hoá xã hội.


Người phương Tây họ trọng sự bình đẳng. Cha mẹ con cái đều bình đẳng như nhau. Cha mẹ tôn trọng con cái từ nhỏ và con cái gần gũi cha mẹ vì sự thương yêu của cha mẹ, chứ con cái không có nghĩa vụ phải yêu thương cha mẹ như truyền thống Khổng Nho. Cha mẹ xem con cái như những người bạn và con cái cũng xem cha mẹ là những người bạn. Ngay từ lúc rất nhỏ trẻ em đã được cha mẹ tôn trọng ý kiến, từ việc ăn, uống, chơi, ngủ. Cha mẹ sẽ khuyên bảo và giải thích cho trẻ con, không có việc đánh đập. Trong trường hợp cha mẹ đánh đập trẻ con, các cơ quan của chính quyền có thể tước trẻ con khỏi sự chăm sóc của cha mẹ, và gửi trẻ con sang cho một cơ sở hay gia đình bảo trợ khác. 


Chính vì lớn lên trong môi trường mà suy nghĩ của mình được tôn trọng, trẻ em trở nên tự tin, tự biết đưa ra các quyết định cho chính mình.


Sự bình đẳng trong gia đình đồng nghĩa với việc không ai có quyền áp đảo người khác; mọi thứ phải được trao đổi, tranh luận, và giải thích một cách hợp lý. Bạo lực vì vậy trở thành một điều không thể chấp nhận được. Khi trẻ lớn lên trong một văn hoá vốn khước từ bạo lực tất sẽ không có xu hướng muốn sử dụng bạo lực với người khác. 


Sự bình đẳng được dạy từ gia đình cũng sẽ giúp trẻ lớn lên ý thức được sự bình đẳng giữa chính quyền với nhân dân để từ đó khước từ bất cứ sự tuân phục nào trước bất công. Một xã hội mà người dân đồng lòng khước từ bất cứ hình thức bất công nào thì đó sẽ là một xã hội tự do. 


Gia đình vì vậy là một tế bào rất quan trọng của xã hội. Trong các bản hiến pháp của mình, từ người Đức cho tới người Ý họ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình đối với đất nước.


Người Việt nếu muốn có một vị thế khác trên bản đồ thế giới, muốn trở thành một dân tộc được thế giới ngưỡng mộ và tôn trọng trước hết phải thay đổi văn hoá. Thay đổi để bớt bạo lực đi. Thay đổi để lắng nghe nhau, nói chuyện lý lẽ, tôn trọng ý kiến của nhau, thay vì phải thượng cẳng tay hạ cẳng chân, hay dùng tới súng ống, gậy gộc, và dùi cui. 


Mà muốn có thay đổi thì việc giáo dục phải bắt đầu trước hết từ gia đình và sau đó là trường học. Người trẻ trước khi lập gia đình nên được dạy cách đối xử bình đẳng lẫn nhau trong gia đình. Vợ chồng trước khi sinh con nên được dạy cách chăm sóc nuôi dưỡng con cái bằng tình thương và sự khuyên nhủ thay vì bằng đánh đập và đe doạ. Thầy cô nên được dạy cách yêu thương và hướng dẫn học sinh bằng kiến thức và tấm lòng thay vì bằng đòn roi. Song song đó, luật pháp và các cơ quan chính quyền liên quan phải giám sát bảo đảm việc đối xử bình đẳng giữa những cá nhân, nhất là đối với những nhóm người yếu thế như phụ nữ và trẻ em. 


Người Việt bị nhiễm cái văn hoá của người Tàu mà ở đó khuyến khích người yếu thế tuân phục vô điều kiện người bên trên và nghiễm nhiên cho phép người bên trên được quyền bạo hành người ở dưới, để rồi từ đó nó dẫn tới một xã hội bạo lực và nhu nhược. Muốn thay đổi số phận một dân tộc thì trước hết phải thay đổi suy nghĩ của người dân. Mà muốn thay đổi suy nghĩ của người dân thì phải thay đổi văn hoá của họ, thay cái văn hoá phục tùng của người Tàu bằng cái văn hoá bình đẳng giữa những con người của người phương Tây. 



Nguyễn Huy Vũ

13.10.2021