14.9.21

Phạm Minh Chính đem bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang ra làm dê tế thần



Thông thường, các trao đổi liên quan đến chính sách quản lý quốc gia là chuyện nội bộ của giới lãnh đạo Việt Nam. Các cuộc họp hay gọi điện được liệt vào dạng bí mật, chỉ những người trong cuộc biết, và không được phép tiết lộ ra bên ngoài. 


Những thông tin một khi được công khai cho báo giới biết chủ yếu nhằm mục đích thông tin hay tuyên truyền.


Tương tự như vậy là nội dung của cuộc truy vấn của thủ tướng Phạm Minh Chính đối với bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang vào ngày 13/9, hiện đang lan tràn trên mạng mấy ngày nay.


Một cuộc họp như vậy về chính sách giải quyết dịch bệnh đáng lẽ ra là một cuộc họp nội bộ với nội dung không được cung cấp ra bên ngoài. Trong cuộc họp này, chính ông thủ tướng Phạm Minh Chính cũng công khai nêu ra là chuyện ông đã gọi điện nhiều lần cho ông Bình về chuyện đôn đốc thực hiện các biện pháp chống dịch. Và lẽ dĩ nhiên là nội dung của các cuộc trao đổi về chính sách này không hề được công khai cho báo giới biết.


Vậy tại sao ông thủ tướng Phạm Minh Chính lại chủ động cho báo giới ghi âm, ghi hình, và đăng tải công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng về việc truy vấn ông bí thư tỉnh uỷ khi mà Kiên Giang bắt đầu chuyển thành một điểm nóng dịch bệnh mới?


Câu trả lời chỉ có thể là ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã mất hết uy tín trong cuộc chiến chống dịch, bị áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền, và ông đã phải cho tổ chức cuộc truy vấn trực tuyến này cốt để đổ lỗi cho giới chức cấp dưới rằng việc chống dịch thất bại là do ở cấp dưới không thi hành các chính sách của ông nêu ra, chứ không phải là do các chính sách kém cỏi của mình.


Nhìn lại lịch sử các chính sách chống dịch của nội các ông thủ tướng để thấy rằng các chính sách tất cả đều thất bại.


Đầu tiên ông đưa ra chính sách chống dịch với mục tiêu kép. Nghĩa là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhưng làm sao có thể phát triển được kinh tế khi mà ở các tỉnh thành lớn như Hà Nội và Sài Gòn, đường phố thì bị phong toả, bịt chặt, không ai được ra đường, không ai được di chuyển? Hàng hoá bị tắc nghẽn. Cửa hàng, chợ búa đóng cửa. Người dân thất nghiệp, đói kém.  Đó chỉ có thể là chính sách quyết hi sinh nền kinh tế để chống dịch. Như vậy, mục tiêu kép mà ông thủ tướng đưa ra đã thất bại. 


Thứ hai, ông đưa ra chính sách ba tại chổ: sản xuất, ăn uống, và nghỉ ngơi tại chổ, với hi vọng chính sách này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu kép do ông đề xướng. Nhưng việc nhiều công nhân sinh hoạt liên tục trong một khu vực sản xuất khép kín và chật chội đã trở thành một nơi thích hợp để dịch dễ bùng phát. Chỉ một công nhân bị nhiễm là tất cả công nhân trong cùng công ty lây bệnh. Chính sách sản xuất ba tại chỗ còn bắt chủ công ty phải  xét nghiệm liên tục nhân viên của mình. Hậu quả là chi phí duy trì sản xuất tăng lên, nhiều chủ công ty quyết định đóng cửa, một số khác cắt giảm bớt nhân công chỉ để sản xuất cầm chừng hầu hoàn tất cho xong đơn hàng còn tồn đọng. Chính sách vì vậy mà thất bại cả về phương diện y tế cộng đồng và cả về phương diện kinh tế. 


Thứ ba, ông đưa ra chính sách “một cung đường hai điểm đến”, ý là bắt buộc công nhân chỉ đi thẳng một đường từ nhà đến công ty và trở về. Nhưng làm sao mà chắc chắn được một công nhân chỉ có đi thẳng cung đường đó, mà không quẹo sang cung đường khác, hay dừng đổ xăng, hay bị hư xe phải tiếp xúc người sửa xe, hay tiện đường ghé mua nắm rau, bịch gạo? Người lập chính sách rõ ràng thiếu sự suy nghĩ lô-gic, và vì vậy mà tuy chính sách đưa ra được tuyên truyền rất ồn ào, nó không có mấy hiệu quả.


Thứ tư, chính sách giấy đi đường, vùng xanh vùng đỏ, tất cả là một sự rối rắm, không cần thiết và cũng không có tác dụng. Điển hình là Kiên Giang từ một “vùng xanh” chẳng mấy chốc đã chuyển thành “vùng đỏ”. 


Thứ năm, việc xét nghiệm trên diện rộng, mà nhiều người, kể cả các chuyên gia y tế đã lên tiếng, là một sự vô ích và lãng phí, nhưng vẫn được chính quyền quyết tâm thực hiện làm. Vì sau khi xét nghiệm thì chính quyền sẽ làm gì nữa khi mà các cơ sở y tế đều đã quá tải và việc tiếp xúc đã được diễn ra ở các nơi khác nhau của các F0?


Cuối cùng, vắc-xin Âu Mỹ được các tổ chức và các nước phương Tây tặng cho Việt Nam và đáng lý ra phải được tiêm miễn phí cho toàn dân, bắt đầu từ việc tiêm cho người dễ bị tổn thương trước. Nhưng lượng vắc-xin này đã bị đem phân phối cho các đơn vị đóng góp nhiều tiền cho quỹ vắc-xin, và một số thì được các tổ chức đem bán ra ngoài. Kết quả là nhiều người dễ bị tổn thương vốn cần đến vắc-xin thì không được tiếp cận, còn những người có mức rủi ro thấp thì lại được tiêm trước. Hậu quả là hệ thống y tế luôn đang trong tình trạng quá tải vì rất nhiều người yếu đang bị virus Covid-19 tấn công. 


Điểm lại các chính sách và việc quản lý hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam để thấy rằng ông thủ tướng Phạm Minh Chính và nội các của ông đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống dịch. Những chính sách chỉ là những tuyên truyền sáo rỗng, còn việc thực hiện là một sự hỗn loạn, và ẩn trong nó là sự tham nhũng không kiểm soát được.


Đứng trước một sự mất uy tín như vậy, việc ông thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ông bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang ra làm dê tế thần là điều dễ hiểu. 


Nguyễn Huy Vũ

14.9.2021