1.9.21

Đại dịch và nhu cầu cải cách thể chế của Việt Nam

Bản đồ các vùng của Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có và cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy khi nào cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc. 


Ở các tỉnh phía Nam xung quanh Sài Gòn, con số lây nhiễm diễn ra ngày càng tăng, hệ thống y tế đã quá tải từ lâu, và con số tử vong hiện đang ở mức kỷ lục là 4%, so với con số trung bình chưa tới 1% ở các nước khác. 


Ở phía Bắc, các ổ dịch lớn bắt đầu được phát hiện rải rác ở các khu vực của Hà Nội.


Những kinh nghiệm chỉ ra rằng, rất khó mà ngăn chặn sự lây lan của con virus Covid-19 với biến thể Delta trong môi trường Việt Nam. Và như vậy, dự kiến là trong những tuần tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh ra tất cả các tỉnh thành, và đó là lúc hệ thống y tế và hành chính có thể đối mặt với sự sụp đổ.


Chính quyền trung ương lúc đó sẽ đối mặt với một sự bế tắc vì khó mà có thể giúp gì được cùng lúc cho tất cả các tỉnh thành. 


Hãy tưởng tượng thế này, nếu các tỉnh thành đều muốn trợ giúp thì trước mặt thủ tướng Việt Nam hẳn có tới 64 lá đơn đến từ 64 tỉnh thành của cả nước. Mỗi tỉnh thành có một nhu cầu khác nhau. Khó mà đọc hết 64 đơn yêu cầu cùng một lúc, huống hồ gì vạch ra được một kế hoạch nhằm trợ giúp cho tất cả các tỉnh thành. Ngay cả trong trường hợp chỉ cần một nửa số tỉnh thành yêu cầu trợ giúp thì đó cũng là một công việc bất khả thi nếu muốn có những trợ giúp hiệu quả. Hậu quả cuối cùng thì ai cũng đoán được, đó là những tỉnh thành không nhận được sự trợ giúp sẽ đối mặt với tình trạng ngày càng tệ hơn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả một vùng của quốc gia. 


Vậy liệu có cách nào giúp giải quyết vấn đề này? Chắc chắn là có.


Hãy tưởng tượng rằng trước mặt chính phủ là đơn yêu cầu trợ giúp của 10 thành phố và vùng của quốc gia: Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, vùng Tây Bắc Bộ, vùng Đông Bắc Bộ, vùng Đồng Bằng Sông Hồng (trừ Tp. Hà Nội), vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ (trừ Tp. Hồ Chí Minh), và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. 


Với một chính quyền trung ương, việc giải quyết vấn đề cho 10 đơn vị hành chính dễ dàng hơn rất nhiều việc giải quyết vấn đề cho 64 đơn vị hành chính cùng một lúc.


Vấn đề này chỉ có thể làm được nếu việc cải cách thể chế được tiến hành sớm một bước trong đó gộp các tỉnh trong một vùng thành một đơn vị hành chính. Gộp các uỷ ban nhân dân tỉnh thành một uỷ ban nhân dân vùng. Giữ lại các uỷ ban nhân dân huyện. 


Khi gộp các tỉnh trong vùng lại, nhờ lợi thế số nhiều về nhân lực và nguồn lực, các tỉnh trong vùng có thể hỗ trợ lẫn nhau dễ dàng khi đối phó với dịch bệnh mà có thể không cần tới sự trợ giúp của trung ương. Trung ương vì vậy mà rảnh tay hơn nhiều để đối phó với các vấn đề vĩ mô hơn, hoặc trợ giúp một vài vùng khác. 


Việc cải cách thể chế bằng cách tản quyền và phân quyền xuống các vùng đã được các nước làm từ rất lâu. Nó không chỉ thực hiện thành công ở trong các thể chế dân chủ, mà nó còn được áp dụng cũng thành công không kém trong chế độ phi tự do. 


Ở các nước dân chủ như Mỹ, Canada, Úc, Malaysia, Brazil, Ấn Độ, Đức, việc tản quyền và phân quyền xuống các vùng diễn ra dưới hình thức là các tiểu bang. Trong đó các tiểu bang có một số quyền tự điều hành nhất định hoặc nhận một số quyền được uỷ nhiệm thực thi từ chính quyền trung ương. Các tiểu bang đủ lớn để có đủ nguồn lực tự hoạt động mà không cần tới sự trợ giúp của chính phủ trung ương, và vì vậy mà chính quyền trung ương rảnh tay lo những vấn đề vĩ mô hơn.


Ở Trung Quốc, với một chế độ chính trị phi tự do, việc tản quyền và phân quyền xuống các vùng cũng diễn ra. Tương tự như hệ thống liên bang ở các nước dân chủ, mỗi vùng ở Trung Quốc là một tỉnh lớn hay một thành phố lớn được phân quyền tương đương với một bang ở các nước dân chủ. Mô hình này được giới nghiên cứu kinh tế đặt tên là hệ thống tản quyền vùng độc đoán (regionally decentralized authoritarian system). 


Nhiều bài báo đã đề cập đến mô hình tản quyền vùng của Trung Quốc, nhưng bài của Chenggang Xu (2011) đăng trên Journal of Economic Literature, một trong các tạp chí hàng đầu về kinh tế, với tựa đề “The Fundamental Institutions of China´s Reforms and Development” (“Những Thể chế Nền tảng của Cải cách và Phát triển của Trung Quốc”) đã trình bày tương đối đầy đủ về thể chế này của Trung Quốc.


Một cách ngắn gọn, thể chế của Trung Quốc là một thể chế liên bang mang nét đặc trưng của Trung Quốc, dù về mặt hình thức không có một văn kiện nào công khai Trung Quốc là một nước theo thể chế liên bang. 


Như trong các chế độ liên bang ở các thể chế dân chủ, các bang là một vùng đủ lớn để có đủ nguồn lực tự quản lý, điều hành và thực thi các kế hoạch phát triển của chính mình, đất nước Trung Quốc được chia ra làm 31 vùng hành chính. Trong đó bao gồm 22 tỉnh, 5 khu tự trị, và 4 thành phố tương đương với cấp tỉnh là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, và Trùng Khánh.


Tương tự như trong các chế độ liên bang khác, các vùng của Trung Quốc cũng được phân một số quyền nhất định hoặc được uỷ nhiệm bởi chính quyền trung ương cho một số quyền nhất định nhằm giúp tự do thực hiện các chính sách phục vụ cho việc phát triển của địa phương. Các quyền đó bao gồm việc đề ra các luật lệ, thực thi các chính sách kinh tế, thực hiện quy hoạch vùng, lập các doanh nghiệp của chính quyền vùng, v.v.


Trong các chế độ dân chủ, vị trí đứng đầu một tiểu bang là một nấc thang giúp người lãnh đạo tích luỹ kinh nghiệm, xây dựng hình ảnh và thiết lập mạng lưới hỗ trợ để từ đó họ có thể thăng tiến lên vị trí cao hơn nhằm tiến đến chiếc ghế thủ tướng hay tổng thống. Họ đạt đến con đường đó thông qua việc bầu cử. Người đứng đầu tiểu bang vì vậy mà hành động hết mình, nhằm tìm ra chính sách tối ưu nhất đặng phát triển bang mình quản lý. 


Trong thể chế tản quyền vùng độc tài của Trung Quốc, các lãnh đạo vùng cũng được phép nỗ lực hết mình nhằm đưa ra các chính sách giúp vùng mình phát triển. Những lãnh đạo ưu tú là những lãnh đạo làm vùng mình phát triển nhanh nhất. Và những lãnh đạo ưu tú sẽ là những người được đảng Cộng sản Trung Quốc ưu tiên cất nhắc vào các vị trí cao hơn. Điều đó lý giải tại sao giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc là những người đầy hiểu biết, có tầm nhìn xa, và đã đưa Trung Quốc tới một vị thế mà những lãnh đạo Mỹ ngày nay đang ngày đêm lo sợ một ngày Trung Quốc sẽ qua mặt.


Trong các thể chế liên bang dân chủ, sự phối hợp chính sách giữa trung ương và các chính quyền tiểu bang về mặt chính thức thông qua cơ chế hội đồng, thương thảo và thoả hiệp, còn về mặt không chính thức thì thông qua hệ thống đảng phái. Các lãnh đạo tiểu bang ở đây sẽ gặp nhau trong một hội đồng các thống đốc hay thủ hiến và ở đó họ trao đổi với nhau việc phối hợp các chính sách như thế nào nhằm tối ưu hoá lợi ích của quốc gia. Các lãnh đạo tiểu bang cũng phối hợp cùng nhau thông qua hệ thống đảng phái; các đảng phái có cùng ý thức hệ, cùng cách tiếp cận vấn đề, sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách với nhau. Các lãnh đạo tiểu bang sẽ tự do thử nghiệm chính sách, và một chính sách thành công sau đó sẽ được chia sẻ lại cho các lãnh đạo ở các bang khác.


Trong thể chế của Trung Quốc, chính sách khung sẽ do chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đưa xuống thông qua hệ thống đảng đang kiểm soát các vùng. Đây là các chính sách chung mà giới lãnh đạo vùng và giới lãnh đạo ở trung ương đã thống nhất xong trong các cuộc họp cấp cao. Trong trường hợp chính quyền trung ương cần thử nghiệm một chính sách đặc biệt, họ sẽ chọn một vùng để thử nghiệm trước, trước khi đem áp dụng rộng rãi. Các lãnh đạo vùng của Trung Quốc cũng được tự do thử nghiệm các chính sách mới và nếu một chính sách mới thành công, họ sẽ được chính quyền trung ương tham khảo trước khi đem nhân rộng ra cả nước. 


Điểm khác biệt lớn nhất của thể chế tản quyền vùng độc tài của Trung Quốc so với thể chế tản quyền trong chế độ dân chủ đó là việc chọn ra các lãnh đạo vùng của Trung Quốc là do nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc chọn, còn trong chế độ dân chủ thì đó là từ lá phiếu của người dân. Tuy vậy, nếu như đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dùng tinh thần dân tộc để chiêu dụ được những người có khả năng tham gia vào đảng của mình và cung cấp cho họ một cơ hội để tiến thân bằng năng lực, thì hệ thống tản quyền của họ có đủ sự khích lệ và cạnh tranh giúp tạo ra các chính sách tốt phục vụ cho sự phát triển của quốc gia. Đó là lý do mà sau Mao Trạch Đông, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã không sinh ra các lãnh đạo già cỗi và lỗi thời như trong các chế độ độc tài cộng sản khác, mà nó đã luôn tạo ra các thế hệ lãnh đạo có khả năng luôn cạnh tranh nhau dẫn dắt đất nước.


Kể từ năm 1978, các cải cách chính trị và kinh tế của Trung Quốc luôn đi song hành với nhau. Các cải cách kinh tế của Trung Quốc lấy cảm hứng từ khuynh hướng tự do kinh tế và kinh nghiệm từ các nước châu Á như Singapore, Đài Loan, và Hàn Quốc — điều mà nhiều kinh tế gia cho rằng đó là những chính sách kinh tế theo trường phái tân tự do (neoliberalism) với màu sắc Trung Hoa. Bên cạnh các cải cách kinh tế, Trung Quốc cũng thực hiện các cải cách thể chế lấy kinh nghiệm tản quyền từ mô hình liên bang ở các nước Âu Mỹ. Vì nếu không tản quyền, khó mà các chính sách kinh tế có thể được áp dụng một cách năng động và hiệu quả ở các vùng rất xa nhau để tạo nên một nền kinh tế đầy sống động.


Khi Liên Xô còn tồn tại, Việt Nam học theo Liên Xô từ chính sách cho tới cách quản lý nhà nước. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, giới cầm quyền Việt Nam quay sang Trung Quốc để tìm kiếm các bài học nhằm phát triển kinh tế và quản trị quốc gia, họ học ở Trung Quốc chỉ duy nhất việc ứng dụng các chính sách kinh tế tự do. 


Giới cầm quyền của Việt Nam sau đó cho mở cửa nền kinh tế, để giới tư nhân tự do hoạt động, đón nhận đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xuất nhập khẩu, và thúc đẩy việc kết nối Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu bằng rất nhiều hiệp định. 


Nhưng giới cầm quyền Việt Nam đã không làm hai chuyện, khiến cho dù kinh tế có đạt được một số phát triển nhưng nội lực của Việt Nam hầu như không có. 


Việc thứ nhất đó là họ đã không thực hiện các cải cách thể chế, ít nhất là cũng như Trung Quốc, nếu không thể thực hiện dân chủ hoá. Vì với một thể chế như Trung Quốc ít ra nó cũng giúp quốc gia hoạt động tương đối hiệu quả hơn là so với hệ thống bây giờ, và ít ra là nó cũng tạo ra được một thế hệ lãnh đạo có khả năng và kinh nghiệm có được từ hệ thống cạnh tranh dựa vào khả năng lãnh đạo dù là trong cùng một đảng. 


Và việc thứ hai đó là những thành quả và tài nguyên có được từ phát triển kinh tế đã không được đầu tư xứng đáng vào nguồn vốn con người, để rồi giờ đây, sau bao nhiêu năm phát triển kinh tế, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn thua nhiều các quốc gia trong khu vực cả về lượng và chất. 


Với thời gian, cuối cùng rồi Việt Nam cũng sẽ bước ra khỏi đại dịch, đó là lúc Việt Nam đối mặt với một nền kinh tế khủng hoảng. Để xử lý nền kinh tế khủng hoảng, nó không chỉ cần các chính sách kinh tế, mà nó còn cần các cải cách thể chế chính trị. Đối mặt với một sự bất mãn ngày càng gia tăng của dân chúng, những người cầm quyền có lẽ không còn nhiều thời gian. 


Nguyễn Huy Vũ

1.9.2021