Sự kiện những người dân Tây Nguyên nổi loạn bắn giết cán bộ vừa rồi chỉ là giọt nước tràn ly, một phần nổi của tảng băng chìm, rằng sự xung đột giữa hai thế lực cầm quyền và bị trị nó đã đến mức cực điểm.
Những người dân ở Tây Nguyên dám cầm súng bắn chết cán bộ xã bởi vì họ có vũ khí và họ gan dạ. Nếu tất cả dân thường Việt Nam đều có vũ khí trong tay thì chắc chắn một điều rằng chỉ trong vòng một tháng, có lẽ rất ít cán bộ cộng sản còn sống, và đảng Cộng sản chắc chắn sẽ không còn tồn tại.
Đó không phải là một lời cường điệu. Hãy nhìn thử xem trên mạng xã hội hay ngoài đường phố, ngoại trừ nhóm người ăn lương của chính quyền, có mấy người còn nói tốt về chế độ và cán bộ, hay là mỗi lần nhìn thấy cán bộ cộng sản chết thì họ mừng?
Cho nên vị thế của đảng Cộng sản nhìn bề ngoài thì có vẻ vững chãi vì có công an, quân đội, nhưng bên trong thì không hẳn như vậy.
Công an, quân đội là những lực lượng trở cở nhanh chóng khi thời thế thay đổi. Những người lính hay công an trước hết họ là những người dân, họ cũng chia sẻ những tâm tư, tình cảm và nguyện vọng như bất cứ một người dân nào khác. Họ chỉ khác những người dân thường là họ ăn lương của nhà nước và làm việc vì nhiệm vụ. Nếu có một lựa chọn thì chẳng ai trong số họ muốn sống trong một chế độ độc đoán cả. Mạng thông tin đã mở rộng rãi và họ đều biết rằng ở đâu là xứ văn minh, tiến bộ và ở đâu là xứ độc đoán, chậm tiến, kềm hãm tự do của con người. Chính vì nhận ra đâu là dân chủ tiến bộ và đâu là độc đoán kềm kẹp mà một khi chế độ độc đoán sang trang, chẳng có mấy công an hay quân đội đứng lên chống lại.
Hãy nhìn sang các nước Đông Âu, Liên Xô, ngay khi chế độ bắt đầu thay đổi thì còn mấy công an và quân đội đứng ra bảo vệ? Hay ở Đài Loan, Hàn Quốc khi chế độ chuyển sang thể chế dân chủ thì còn mấy ai đứng ra đòi lật ngược chế độ mới?
Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản chia đất nước với gần 100 triệu dân thành 63 tỉnh thành. Ngoại trừ Hà Nội và Sài Gòn đông dân cư và có tiềm lực, tất cả các tỉnh thành khác đều nhỏ và mỗi một tỉnh, hay thành phố đều không có tác động đáng kể đến quốc gia. Quyền lực chính trị đều tập trung hết ở đầu não là Hà Nội. Việc tập trung tất cả quyền lực chính trị vào một nơi như vậy biến nó thành một nơi lý tưởng để đảo chính.
Nếu một đêm nào đó, có chừng một ngàn tay súng đổ về Hà Nội, đứng ra khống chế các lãnh đạo đảng Cộng sản, tuyên bố giải tán đảng Cộng sản để thực thi một thể chế dân chủ, và kêu gọi toàn dân xuống đường để bảo vệ thành quả cuộc cách mạng như cách các lãnh đạo Sô Viết đã làm, thì chắc chắn một điều rằng đa số người Việt sẽ xuống đường ủng hộ, đất nước sẽ sang trang, và tên của những người lãnh đạo cuộc đảo chính này sẽ đi vào lịch sử dân tộc như là những vị anh hùng.
Cho nên số phận của đảng Cộng sản hiện nay rất mong manh chứ không còn vững chắc. Trong 7 quân khu của Việt Nam không chắc là cán bộ của toàn bộ các quân khu đều một lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, nhất là khi mà cán bộ nào cũng cố gắng gửi con đi Mỹ hay Châu Âu du học và định cư.
Những chế độ độc đoán cuối cùng rồi sẽ ra đi nhường đường cho một thể chế dân chủ theo trào lưu tiến bộ chung của nhân loại. Chế độ cộng sản ở Việt Nam cũng sẽ tương tự. Nó sẽ thay đổi chỉ theo hai khả năng: hoặc là hoà bình, hoặc là bạo lực.
Ở Hàn Quốc, Phác Chính Hy kiến tạo cuộc đảo chính để mở đường cho chế độ độc tài cá nhân. Dưới sự cầm quyền của ông Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. Chế độ độc tài của Phác Chính Hy sau đó đã chấm dứt sau khi ông bị ám sát, mở đường cho một cuộc chuyển tiếp sang chế độ dân chủ.
Ở Đài Loan, việc cạnh tranh quyền lực giữa Lý Đăng Huy, một người gốc Đài Loan với nhóm các chính trị gia gốc Trung Hoa đại lục, cuối cùng đã dẫn đến việc Lý Đăng Huy bắt tay với các chính trị gia gốc Đài Loan trong đảng Dân tiến để mở rộng dân chủ và tiến tới một cuộc bầu cử tự do.
Nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hoà đã chấm dứt sau cuộc đảo chính tổng thống Ngô Đình Diệm để mở đường cho nền Đệ nhị Cộng hoà với những quyền dân chủ rộng mở hơn.
Liệu rằng sự chuyển đổi từ chế độ cộng sản sang một thể chế dân chủ sẽ đi theo con đường nào? Hoà bình hay bạo lực? Tôi không chắc nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng không một người lãnh đạo cộng sản nào muốn phải đối diện với bạo lực và chết chóc cả. Tất cả họ, những lãnh đạo đảng Cộng sản, giờ đây đều là những người rất giàu và có một cuộc sống sung túc, nếu không muốn nói là xa hoa, khác hẳn tầng lớp bị trị bên dưới. Họ có nhiều thứ để mất hơn nếu xảy ra một cuộc cách mạng bạo lực. Nhưng để tránh một cuộc đảo chính bạo lực, ngay từ bây giờ họ phải thực hiện một cuộc chuyển tiếp trong hoà bình.
Thời gian không còn nhiều nữa, bởi với mức thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương, mỗi đầu người Việt Nam hiện nay có mức thu nhập trung bình tương đương hơn 10 ngàn đô la Mỹ khi so với các nước trên thế giới. Trong ngưỡng mức thu nhập này, nếu nó không là những nước giàu tài nguyên thì hầu như tất cả các nước đều là những nước có trình độ dân chủ khá.
Nguyễn Huy Vũ
16.6.2023