31.5.23

Công việc đầu tiên

Công việc chuyên nghiệp đầu tiên của tôi là một kỹ sư điện tử. Ngay từ đầu học kỳ cuối cùng của chương trình đại học là tôi đã gửi đơn xin việc khắp nơi. Thị trường Singapore quá nhỏ nên số công việc cũng không nhiều. Cứ khoảng hai ba ngày tôi gửi một đơn. Cho đến chừng hơn một tháng trước khi tốt nghiệp thì tôi đã có việc và bắt đầu đi làm. 


Đó là một buổi chiều, khi nhận điện thoại của một số lạ tôi bắt máy lên với một sự hồi hộp. Đầu dây bên kia là một người nữ, phụ trách nhân sự báo rằng tôi được chọn để nhận phỏng vấn. Đó là một công ty đa quốc gia của Pháp chuyên về bảo mật điện tử, có chi nhánh ở Singapore. Sau này làm việc thì tôi biết rằng chi nhánh này chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ khách hàng của khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, trải dài từ Malaysia cho tới Hàn Quốc và Nhật Bản mà tôi là người chịu trách nhiệm chính trong khâu hoàn thiện những chiếc cạc điện tử ở giai đoạn tiền cá thể. 


Mỗi chiếc cạc điện tử, như thẻ ngân hàng, thẻ bảo mật, v.v. đều cần hai giai đoạn để hoàn thành một chiếc cạc hoàn chỉnh. Giai đoạn đầu là tiền cá thể hoá chiếc cạc (pre-personalize) gồm có đưa những phần mềm cơ bản vào chiếc cạc thông qua con chip trên cạc và bảo đảm rằng những phần mềm này hoạt động được, bảo đảm những nhu cầu bảo mật. Giai đoạn thứ hai là bỏ thông tin từng người sử dụng vào cạc gọi là cá thể hoá (personalize). Sau khi tự làm xong một chiếc cạc mẫu thì tôi phải trực tiếp gửi cho khách hàng và liên lạc với họ để bảo đảm rằng mọi thứ suôn sẻ, họ nhận được đúng hạn và cạc chạy đúng như yêu cầu. Công việc đòi hỏi một sự chính xác tuyệt đối. Vì vậy mà công việc này trước đây trong công ty luôn đòi hỏi hai người làm riêng biệt, một người làm và một người còn lại ngồi kiểm tra lại trước khi gửi cạc mẫu cho khách hàng xem. Ngay lúc tôi vào thì công ty đã thực hiện một cuộc sáp nhập lớn. Công ty Gemplus sáp nhập với công ty Alto, cả hai đều của Pháp, để tạo thành công ty Gemalto, trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới về bảo mật điện tử. Khi sáp nhập xong cũng là lúc bộ phần tiền cá thể hoá cạc của Alto, đặt ở Hồng Công, nghỉ việc. Sau chừng vài ngày được dạy từ một anh ở Hồng Công, tôi bắt tay vào việc. Công việc đòi hỏi hai người làm, nhưng lúc này bộ phận này chỉ có một mình tôi mới vào nên họ giao tôi làm luôn công việc của hai người. Ngoài ra, tôi còn phụ trách thêm công việc là bảo đảm hệ thống cá thể hoá cạc của công ty được hoạt động tốt, đó là công việc mà họ đã rao để chọn tôi nhưng sau này khi công ty sáp nhập thì họ lại đưa cho tôi thêm công việc tiền cá thể hoá cạc. Như vậy, một mình tôi lúc đầu làm công việc của 2 người và sau này là 3 người. 


Hiếm khi tôi rời công ty đúng 5h chiều. Mỗi ngày tôi bắt đầu đến công ty vào lúc 8h sáng và thường trở về nhà lúc chừng 10h đêm. Sau 8h thì công ty trả tiền taxi để về nhà. Ngoài ra không có thêm bất kỳ khoản trợ cấp nào. Giờ làm việc của công ty là 8h sáng và kết thúc vào lúc 5h chiều, nhưng vì nhiều việc và phải hoàn thành để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên chẳng thể nào mà về sớm. 


Làm chừng được một tháng thì ba mẹ tôi sang thăm để dự lễ tốt nghiệp. Tôi nghỉ làm hôm tốt nghiệp để dự lễ, còn những ngày khác đều đi làm, bỏ lại ba và mẹ tôi trong phòng để hai ông bà tự đi chơi. Chỉ đến cuối tuần trước khi hai ông bà về tôi mới có thời gian để dẫn họ sang thăm bang Johor Bahru của Malaysia bằng cách đi xe buýt vượt qua biên giới. Mỗi lần nhớ tới những ngày đó tôi đều nuối tiếc, rằng phải chi tôi xin nghỉ thêm một vài ngày để đưa ông bà đi thăm thú nhiều hơn.


Có một câu nói đại khái rằng trong ba người chúng ta gặp trên đường, ắt có một người là thầy ta. Ý rằng ở ngoài không gian rộng lớn kia, từ những người bình dị nhất, ai cũng có thứ đáng để ta học hỏi. Những ngày làm ở công ty đã cho tôi những cơ hội để học thêm từ những người như vậy. 


Tôi phải trải qua ba vòng phỏng vấn để được nhận vào công ty. Hai vòng đầu tiên là bởi hai ông người Pháp, và vòng cuối cùng là một ông người Singapore, người mà được cho là sếp trực tiếp của tôi nhưng sau khi vào công ty thì họ đã chuyển ông sang mảng bán hàng và đưa một người khác thay thế công việc của ông và quản lý tôi trực tiếp. Ông người Pháp đầu tiên phỏng vấn bằng cách đưa ra một mạch điện với các bóng bán dẫn (transitor) và hỏi cách vận hành. Sau đó một tuần thì phỏng vấn lần hai với một ông người Pháp khác. Ông này sau vài trao đổi thì hỏi tôi rằng có biết benchmarking không, tôi bảo chữ này nghĩa là so sánh. Ông có vẻ thấy tôi chưa hiểu hết hàm nghĩa của chữ này nên sau đó mới giải thích cho tôi rằng chữ so sánh này hàm nghĩa rằng khi làm gì chúng ta cũng phải so sánh với những thứ khác tương đồng, để xem rằng liệu chúng ta có làm tốt hơn họ hay không. Cuộc phỏng vấn do đó như là một bài học cho tôi, và chữ benchmarking vì vậy mà đi với tôi suốt cuộc đời. Mỗi lần làm gì tôi đều nhớ tới nó, liệu rằng chúng ta có thể làm tốt hơn họ. Câu hỏi kế tiếp là làm thế nào để làm tốt hơn họ. Làm tốt hơn họ nghĩa là hoặc chúng ta tạo ra một sản phẩm tương đương chất lượng nhưng giá thành rẻ hơn, hoặc là chúng ta tạo ra một sản phẩm cùng giá nhưng chất lượng tốt hơn. Những điều này được chỉ dẫn rất chi tiết trong cuốn Chiến lược Đại Dương Xanh (Blue Ocean Strategy), một cuốn sách mà bất kỳ ai muốn làm doanh nhân cũng phải đọc. Muốn tạo ra một sản phẩm cạnh tranh hơn đối tác, một doanh nhân cần phải giải quyết bốn điều: những mặt nào giảm đi, những mặt nào tăng cường, những mặt nào bỏ ra, và những mặt nào thêm vào. Tác giả lấy ví dụ là mô hình hãng hàng không giá rẻ đã được tạo ra từ mô hình hàng không thông thường, bằng cách cắt bỏ đi những dịch vụ có thể coi là xa xỉ như ăn uống, hành lý, chi phí sân bay, nội thất ít sang trọng hơn, để từ đó có thể giảm giá thành và tạo ra một ngành dịch vụ mới, dịch vụ hàng không giá rẻ giành cho những người bình dân. Thay vì phải lao đầu vào đánh nhau trong một thị trường vốn đã chật kín để tạo ra cảnh “máu chảy đầu rơi”, đại dương đỏ, lúc này doanh nhân sẽ tạo ra một thị trường mới, một mình một chợ, rộng thênh thang trên đại dương xanh của chính mình. 


Hôm mới vào công ty để nhận nhiệm vụ tiền cá thể hoá cạc, tôi được giới thiệu cho một anh người Hồng Công. Anh này đã làm cho công ty Alto ở chi nhánh Hồng Công chừng 15 năm và giờ chuẩn bị nghỉ khi hai công ty sáp nhập. Tôi được phân công học nghề của ảnh rồi phụ trách tất cả các công việc của nhóm ảnh khi chừng 2 tuần nữa là ảnh nghỉ việc. Mấy ngày đầu tôi chỉ ngồi ngâm cứu tài liệu mà ảnh đưa, tôi cũng ngại hỏi, sợ phiền. Người Việt mình đa phần được dạy ở nhà rằng phải khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người khác, và cư xử phải nhã nhặn, rồi cuối cùng thành ra trở nên nhút nhát, gặp người mới ít tự tin, ít dám bắt chuyện trao đổi, ai chỉ gì thì học đó, không chỉ thì không dám ngỏ lời, ngại. Tôi ngày đó cũng như vậy. Rồi một hôm sếp của tôi ghé qua chổ tôi, hỏi rằng mọi thứ chuyển giao tiến triển thế nào. Tôi bảo rằng tôi đang đọc tất cả các tài liệu và anh Hồng Công kia bảo ảnh sẽ ghé qua chỗ tôi khi ảnh rảnh để chỉ tôi các việc ảnh làm, nên tôi chỉ ngồi đợi ảnh. Lúc này, sếp mới nói đại ý rằng phàm trong cuộc đời, mình muốn cái gì thì mình nên chủ động, chữ ông dùng là initiate. Mình phải chủ động để khởi xướng mối quan hệ, và mình phải chủ động tiếp cận để học hỏi. Không ai rảnh mà đi chỉ mình nếu mình chỉ ngồi đợi. Tôi sáng lên và ngay hôm sau bắt đầu tiếp cận anh Hồng Công để bắt đầu hỏi han, học hỏi, tìm hiểu, rồi cuối cùng chỉ vỏn vẹn chưa đến một tuần tôi nắm gần như hết những kiến thức mà anh đã làm trong 15 năm. Chữ initiate, có thể gọi là khởi sự, tôi luôn ghi nhớ kể từ đó cho đến hôm nay, làm gì, muốn gì mình cũng phải khởi sự, chủ động, không ngồi đó đợi. 


Sếp trực tiếp của tôi người Singapore. Ông thuộc thế hệ thứ hai lớn lên ở Singapore, nói tiếng Hoa và tiếng Anh xen kẽ nhau. Ông mang đầy đặc điểm của một người gốc Hoa thế hệ trẻ ở Singapore, là chịu khó, chỉn chu, nhanh nhạy, và có nhiều tính cách của tinh thần khởi nghiệp. Ông luôn suy nghĩ lạc quan, và mỗi lần gặp người cấp dưới hay đối tác ông luôn nở một nụ cười trên môi trước khi bắt chuyện. Nó giống như một phép lịch sự khi mình khởi đầu một cuộc hội thoại với đối tác. Trong công việc với những người xung quanh, ông luôn tạo ra một bầu không khí vui vẻ, chân tình. Tôi học được những điều đó từ ông. Sau khi học hết chương trình cao đẳng kỹ thuật, ông nghĩ rằng nếu học ở Singapore, ông sẽ phải mất thêm 4 năm nữa mới xong đại học, sau khi đã tiêu ra 3 năm học cao đẳng, còn nếu qua Anh ông sẽ chỉ mất 3 năm để học đại học và thêm chừng 2 năm nữa sẽ có bằng thạc sỹ. Cuối cùng ông quyết định sang Anh học 5 năm một lần để lấy bằng thạc sỹ. Đó là một quyết định khôn ngoan. Một bằng thạc sỹ ở Anh, dù ở trường hạng hai, sẽ có ưu thế hơn nhiều so với một bằng cử nhân ở Singapore, vì giới tuyển dụng không chỉ xem xét bằng cấp mà họ còn xem đến các kỹ năng giao tiếp đa văn hoá (multicultural communication) và cách tiếp cận vấn đề, liệu rằng đối với một ý kiến mới người ta mở lòng ra để lắng nghe hay khư khư đóng lại; điều này sẽ quyết định đến sự thành bại không chỉ cho một cá nhân mà còn cho cả một công ty. Những sinh viên du học có cơ hội trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau và sự trải nghiệm đó sẽ giúp họ mở lòng với nhiều ý kiến mới. Nhìn cách ông chọn con đường lúc đó, nó đánh thức ý thức trong tôi rằng cuộc đời là của mình, mình muốn đi con đường nào là do mình chọn, và người khôn ngoan sẽ chọn con đường tối ưu nhất cho thời gian có hạn của mình. 


Chổ của ông ở sau bàn làm việc của tôi. Mỗi ngày ông gọi cho con gái hai lần vào sáng lúc chừng 10 giờ và buổi chiều lúc tầm 3h. Con gái ông lúc đó chừng 7 tuổi, đang bị bệnh về máu. Ông gọi với giọng rất ngọt ngào chỉ để nghe con gái nói chuyện là chính. Ngoại trừ ông gọi điện cho con gái mỗi ngày, trong công ty hầu như không ai gọi điện cho người thân. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một người cha thể hiện tình cảm cho con một cách trìu mến như thế, dù trong câu nói chuyện ông không bao giờ nói câu ba yêu con. Trong văn hoá Việt Nam, con cái thường gần gũi với mẹ hơn cha. Tôi chỉ thấy điều ngược lại kể từ khi sang Châu Âu, ở Châu Âu con cái thường gần gũi cha hơn mẹ. Cha mới là người hướng dẫn, chỉ cho con nhiều điều, cha mới là người dẫn con đi chơi mỗi cuối tuần. Những cuộc nói chuyện mỗi ngày mà tôi nghe được phía sau tôi dần trở thành một điều gì đó bình thường, bình thường vì nó lặp đi lặp lại, không có gì mới. Có một điều khác lạ là dần dần tôi bỗng thấy rằng quả là một điều tuyệt vời nếu người ta trong gia đình quan tâm và thăm hỏi như vậy mỗi ngày. Trong những gia đình ở quê tôi, cha mẹ yêu thương con cái nhưng cách thể hiện nó theo một cách khác, theo kiểu vai vế, nên từ nhỏ giữa cha mẹ và con cái đã hình thành nên hai tầng lớp, cha mẹ ở trên và con cái ở dưới. Cha mẹ thương con theo kiểu ban phát, nuôi nấng, và dạy dỗ để con nên người, nó khác với cách ở đây xem con cái như là những người bạn đồng hành chung với mình, cha mẹ ngồi xuống để chơi với con cái, cùng học cùng chơi với con cái, cùng lớn lên với con cái. Nhưng vì cha mẹ ở Việt Nam phần đông lớn lên trong một văn hoá có từ ngàn xưa, khó mà thay đổi. Sự liên tục quan tâm người khác để làm người ta hạnh phúc và rồi mình cũng hạnh phúc dần dần nó trở nên là một sự hiểu biết mới trong tôi và kể từ đó tôi bắt đầu thực hiện. Nhưng mãi đến sau này, khi đọc cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi bỗng một lần nữa nhớ tới những trải nghiệm, như một phản xạ. Những điều ông nói tôi đã trải qua và giờ đây cuốn sách như là một sự trình bày các khái niệm vốn đã được đúc kết, hệ thống lại, và hướng dẫn cách thực hành. Một lần nữa nó như một tiếng chuông đánh thức tôi, nó nhắc mình làm sao để tự có hạnh phúc cho chính mình và đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Tôi hay giới thiệu cuốn sách này cho những người thân nhưng không phải ai đọc cũng ngộ, vì để ngộ ra nó thường bạn cần phải đi qua những trải nghiệm. Như Carl von Clausewitz, nhà lý thuyết quân sự người Phổ, đã viết đại ý trong cuốn binh thư Bàn Về Chiến Tranh của mình rằng những gì trình bày trong binh thư, về mặt lý thuyết, nó cho ta một cảm nhận khác khi so với việc tự cầm quân chiến đấu trên chiến trường. 


Sau khi bộ phận bán hàng ký kết hợp đồng với khách hàng, thường là một ngân hàng, họ sẽ kết nối tôi với bên phụ trách kỹ thuật cạc của ngân hàng đó. Tôi sẽ làm một cạc mẫu với đầy đủ các tính năng mà khách hàng yêu cầu rồi sẽ gửi nhanh cho họ, thường là chỉ 1-2 ngày là tới nơi. Khi họ thử nghiệm xác nhận tốt thì tôi sẽ chuyển quy trình và phần mềm sang chỗ nhà máy để họ sản xuất hàng loạt. Cạc này sau đó sẽ được chuyển tới các ngân hàng. Mỗi khi có khách hàng mới cần làm cạc, ngân hàng chỉ cần điền tên và bỏ cạc vào máy, máy sẽ dập tên và bỏ thông tin cá nhân vào cạc là xong. Một số ngân hàng lớn ở Singapore họ không muốn làm khâu cá thể hoá cạc này, họ giao luôn cho công ty chỗ tôi và tôi được giao trách nhiệm tiếp quản luôn khâu này từ một anh khác. Mỗi ngày tôi nhận được vài chục email là chuyện thường. Mỗi email đều phải trả lời gần như ngay lập tức để chốt vấn đề và ghi chú lại, nếu không công việc sẽ chồng chất, khách hàng đợi rồi có thể mình sẽ quên trả lời người ta. Dần dần tôi cảm nhận ra rằng mình không chỉ là làm ra một sản phẩm mà mình còn phải duy trì một mối quan hệ tốt với những khách hàng. Bởi sau khi có những quan hệ tốt với khách hàng, mọi thứ sẽ từ từ trôi chảy, khách hàng sẽ giúp mua sản phẩm, rồi khách hàng sẽ giúp góp ý cải tiến sản phẩm. Văn hoá này hoàn toàn khác với văn hoá ở Việt Nam mà tôi đã trải nghiệm đó là bạn gửi email hay tin nhắn và người ta sẽ không bao giờ trả lời, hoặc là người ta sẽ trả lời rất chậm. Khi một tình huống như vậy diễn ra, nó tự nhiên cắt đứt một mối dây truyền thông giữa hai người, người gửi lần sau sẽ ít muốn gửi gì cho người nhận, nếu không muốn nói là sẽ không gửi nữa. Mối quan hệ chỉ có tệ hơn. Trong xã hội thì người ta không muốn kinh doanh, làm ăn hay giao tiếp với bạn nữa. Còn trong gia đình thì tình cảm cũng dần trở nên nhạt nhẽo, người ta cũng ít muốn chia sẻ với bạn hơn. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này, nếu không nói ra. Vợ chồng gắn bó với nhau không phải chỉ bằng tờ giấy kết hôn. Cha mẹ và con cái gắn bó với nhau không phải bởi máu mủ. Những sự gắn bó đó nó phải là tình cảm; tình cảm cần vun đắp và nó thay đổi theo thời gian. Một lần tôi nói với mẹ tôi rằng tại sao con gửi những thông tin, những hình ảnh, mà sao mẹ không có phản ứng. Mẹ tôi bảo mẹ nhìn thấy rồi và với mẹ như vậy là đủ. Tôi có giải thích với mẹ rằng mẹ nên phản ứng một cách gì đó, để người gửi nhận lại và cả hai cùng thấy vui, và rằng tình cảm như cái boomerang, mình gửi đi thì mình sẽ nhận lại, mình làm người khác vui thì mình sẽ vui. Sau lần nói chuyện đó thì mẹ tôi thay đổi. Sau này khi trở thành một người khởi nghiệp, tôi nhận ra rằng một doanh nghiệp thành công hay thất bại về lâu dài nó nhờ ở sự mến thương của khách hàng. Trước khi bán một sản phẩm cho khách hàng mình cần kiến tạo một tình cảm thân thương với khách hàng, để họ đi họ nhớ, họ vui và họ giới thiệu mình. 


Làm được một thời gian, tôi dần cảm thấy công việc khá nhạt nhẽo và buồn chán. Mỗi ngày đều làm cùng một công việc, dù khá căng thẳng và cô đơn. Một mình tôi làm công việc mà đúng ra cần tới 3 người làm. Có hôm thứ bảy, người ở công ty còn gọi để đến xem hệ thống máy làm cạc đang cá thể hoá các thẻ tín dụng nhưng bị đứng. Đó đúng ra là trách nhiệm của một anh khác nhưng giờ họ dần chuyển sang tôi mà tôi chưa trải qua một sự đào tạo nào để xử lý hệ thống này. Tôi loay hoay xem xét nhưng cuối cùng đành phải báo lại ở phía trên và báo với phía trụ sở chính bên Pháp. Cạnh phòng tôi là một bác vốn làm ở đây đã 20 năm, bác bảo chỉ cố gắng chừng 10 năm nữa là đủ tuổi nghỉ hưu. Mỗi ngày như mọi ngày, bác phụ trách việc cập nhật các phần mềm để cá thể hoá thẻ cho một vài ngân hàng khách hàng ở Singapore. Mỗi lần nhìn bác tôi tự nghĩ rằng nếu tiếp tục công việc này, 20 năm sau tôi sẽ trở thành một người như bác. Mỗi tháng làm việc, sau khi tiêu xài, dư được chừng một hai ngàn đồng, và như vậy, cuộc đời tôi sẽ có giá chừng vài trăm ngàn đô la. Đó là một cái giá quá rẻ để đánh đổi tuổi thanh xuân. Vì vậy mà sau đó tôi đã nộp đơn đi học thạc sỹ kinh tế. Tôi muốn đi Châu Âu để trải nghiệm nền văn hoá lâu đời của họ. Tôi nộp hai nơi ở Châu Âu là Thuỵ Điển và trường Đại học Oulu ở Phần Lan, đây là hai nơi có chương trình tiếng Anh, họ không thu học phí, và nhìn những yêu cầu của họ tôi thấy tôi đáp ứng đủ, khi họ chỉ cần hoàn thành một vài môn về kinh tế học. Để chắc chắn rằng mình sẽ theo đuổi kinh tế và chính sách, tôi nộp đơn thêm chương trình thạc sỹ quản trị công ở trường đại học cũ của tôi, trường Đại học Công nghệ Nanyang. Tôi nhận được thư chấp nhận vào cả ba chương trình. Tôi chọn Stockholm, Thuỵ Điển, để theo học tại trường Công nghệ Hoàng gia Thuỵ Điển (Royal Institute of Technology), ngôi trường mà người dân Thuỵ Điển cho là danh giá nhất. 


Nguyễn Huy Vũ

31.5.2023