14.4.23

Bất bình đẳng và bất ổn

Ngày thành lập đảng Nhân dân Hành động, Lý Quang Diệu cầm đầu một nhóm trí thức chủ trương tham gia với một nhóm lãnh đạo nghiệp đoàn cánh tả với mục đích để lấy ảnh hưởng của nhân dân. Nhóm trí thức Anh học của Lý Quang Diệu thừa biết rằng mối quan hệ này sẽ chẳng kéo dài lâu vì sự khác biệt trong ý thức hệ. Một bên theo tư tưởng tư bản của phương Tây còn một bên theo tư tưởng cộng sản Mao-ít của Tàu-Xô. Nhưng Lý Quang Diệu đã quyết định chọn điều này. Đó là một tính toán chính trị. 

Nếu Lý Quang Diệu và nhóm trí thức của mình tự lập ra một chính đảng riêng, mặc áo vét, thắt cà vạt, đi nói chuyện với quần chúng, vốn đa phần là những người nghèo khổ, thì chẳng mấy ai theo. Người dân, ở đâu cũng vậy, đa phần chỉ cảm thấy gắn bó về tâm tình, niềm tin, sự thông cảm đối với những người đồng giai cấp với mình. Đó là lý do mà Lý Quang Diệu sau đó đã từ bỏ mặc áo vest, chuyển sang mặc áo phông ngắn tay, học nói bập bẹ tiếng Tàu để đi nói chuyện với giới cần lao, rồi cuối cùng chinh phục họ. Người dân cảm thấy xúc động khi một người ở một giai cấp khác đã chấp nhận từ bỏ lối sống thượng lưu (ít nhất là về mặt hình thức), để hoà mình vào đám đông, và giúp nói lên tiếng nói của mình. 


Cho nên nếu bạn là những người quan sát chính trị, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Họ sẵn sàng chi tiền cho những chai rượu đắt tiền, ở những căn nhà trăm tỉ, nhưng khi tiếp xúc với dân, hiếm khi thấy họ mặc những bộ vest đắt tiền, mà thường là những bộ đồ giản dị.


Đó là bởi vì, như đã nói ở trên, người ta ở đâu cũng vậy, thường có xu hướng thích những người giống mình. Những người có thân phận và cuộc đời tương tự nhau dễ đồng cảm với nhau hơn là những người đến từ những tầng lớp khác. 


Trong một đất nước mà đa số là người nghèo, một nhóm nhỏ rất giàu, nắm hết tài sản nó sẽ mang một mầm rủi ro về bất ổn xã hội. Theo những nhà cách mạng vô sản, chỉ cần những người nghèo đoàn kết lại thì xã hội sẽ ngay lập tức tụt về số không. Những người nghèo đoàn kết lại với nhau họ sẽ đánh bật được nhóm nhỏ giàu có. Nếu trong một xã hội chưa dân chủ, họ sẽ ngay lập tức làm một cuộc cách mạng vô sản. Những điều đã diễn ra ở những nước phong kiến đói nghèo mà Việt Nam là một ví dụ. 


Còn nếu đó đã là một xã hội dân chủ thì ngay lập tức họ sẽ chọn ra một người vô sản làm đại diện cho họ để thi hành những chính sách xã hội chủ nghĩa, mà theo đó chính quyền sẽ miễn phí nhiều dịch vụ, và để trang trải cho nó họ sẽ tước đoạt tài sản của giới giàu có bằng cách này hay cách khác. Nhưng để đáp ứng cho nhu cầu vô tận của giới cần lao, việc đánh thuế giới siêu giàu sẽ không đủ mà cuối cùng thuế sẽ mò tới những người ở giai cấp trung lưu. 


Các nước ở Nam Mỹ là một ví dụ cho trường hợp này. Trong suốt một thời gian dài, thậm chí cho tới nay, cái mà người dân ở đây trông đợi mỗi kỳ bầu cử đó là liệu rằng vị tổng thống mới sẽ làm gì cho dân; liệu rằng ông ta hay bà ta có cải thiện chất lượng dịch vụ bệnh viện vốn đã miễn phí và thường thiếu thuốc không; liệu rằng chính phủ mới có cải thiện hệ thống nước uống không; liệu rằng chính phủ có cho thêm tiền người già không; v.v. Những người nghèo, mà rất nhiều, thường mong nhận thêm những dịch vụ miễn phí từ chính phủ, chứ họ không mong nhận thêm những cơ hội để họ tự vươn lên. Cũng phải thôi, bởi vì trong sự bế tắc, người nghèo không biết làm thế nào để ra khỏi ngõ hẹp của cuộc đời; và vì biết rằng không thể đi ra, họ chỉ mong có được những dịch vụ miễn phí từ chính phủ để làm cho cuộc sống của họ dễ chịu hơn. 


Nhiều bạn bi quan bảo văn hoá Việt Nam nó khác thế giới lắm, người Việt Nam như những con cua nằm trong giỏ, con nào bỏ lên sẽ bị con khác kéo xuống. Thực sự thì như đã phân tích ở trên nó không khác bao nhiêu cách con người ở một nước khác có mức sống hay hoàn cảnh tương đương. Đó là bởi vì con người đều có lý trí để tối ưu hoá hoàn cảnh của mình. Những nhận định này không chỉ là lý thuyết suông mà nó đến từ những trải nghiệm sống của chính mình. So với nhiều người Việt, ít ai có sự trải nghiệm ở nhiều quốc gia như tôi. Trong suốt 20 năm rời Việt Nam kể từ ngày tôi 20 tuổi, tôi đã sống và làm việc ở các thành phố và quốc gia khác nhau, Singapore, Stockholm (Thuỵ Điển), Frankfurt (Đức), Oslo (Nauy), Minneapolis (Mỹ), và giờ là ở Nam Mỹ. 


Cuộc cải cách ruộng đất, đánh đổ tư sản ở Việt Nam được thực hiện thành công cũng bởi vì tâm lý ghét người giàu của đám đông, vốn đã có ở bất cứ một xã hội nào, được nhồi thêm bằng tuyên truyền. Trong suốt một thời gian dài, xã hội Việt Nam đã xiển dương tinh thần lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo; giàu được mặc định là một tội lỗi. Các lãnh tụ cộng sản ở Châu Âu quả thật là những người hiểu rất rõ tâm lý đám đông. Chính vì hiểu tâm lý đám đông cho nên họ mới đề ra cuộc cách mạng bằng đấu tranh giai cấp. Vì như đã nói, những người cùng giai cấp, cùng tầng lớp, có sự tương đồng về thân phận, dễ gắn bó với nhau. Chỉ cần gắn bó họ lại là đã tạo ra một sức mạnh. Mác-Lênin đã đề ra cuộc cách mạng vô sản dẫn đầu bởi công nhân. Mao Trạch Đông đề ra phương thức cách mạng nông dân vô sản, lấy nông thôn bao vây thành thị. Việt Nam học theo Trung Quốc và Liên Xô thi hành chính sách tận dụng tầng lớp bần cố nông và công nhân vô sản. 


Chuyện bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội mang một mầm mống lớn cho bất ổn xã hội đã được giới học thuật nói đến nhiều. Nhưng có lẽ xã hội Việt Nam ít có người luận bàn một cách công phu, nghiêm túc. Một phần có lẽ bởi vì sau năm 1975 cho tới cách đây 20 năm, số người rất giàu hay siêu giàu quá ít. Quá ít vì sau đánh tư sản thì còn ai có tiền nữa; và khi thi hành chính sách đóng cửa thì có mấy ai làm ra tiền. Sự xuất hiện của tầng lớp siêu giàu trong khoảng 10 năm lại đây nó bỗng trở thành một điều dị ứng trong một đất nước mà đa số dân còn sống một cuộc đời chật vật. Đó là một thứ tình cảm hiển nhiên, như đã phân tích ở trên, như bao dân tộc khác. Cho nên không có gì lạ khi nhiều người dân cảm thấy hỉ hả khi một số đại gia ở tù hay một người thành đạt lỡ sa cơ. 


Ở trong một đất nước mà nhiều người ghét kẻ thành đạt nó chỉ chứng tỏ một điều rằng đất nước này có quá ít cơ hội để vươn lên. Bởi nếu một đất nước tạo ra nhiều cơ hội để dân chúng vươn lên thì người dân sẽ thấy bóng dáng chính mình trên con đường của người thành đạt, và lúc này họ sẽ ngưỡng mộ và học hỏi người thành đạt thay vì là tìm cách đánh đổ. Đó là một lý do mà chủ nghĩa cộng sản đã không thể nào phát triển được ở một xã hội nơi mà có sự hiện diện đông đảo của giới trung lưu — tức là một xã hội cung cấp nhiều cơ hội cho phép người dân có một chỗ đứng ở đó. 


Tâm lý của người dân do đó đúng ra là phải quay ra chỉ trích giới cầm quyền, những người đang nắm quyền lãnh đạo quốc gia nhưng không tạo ra cho họ những cơ hội tương tự để vươn lên sống một cuộc đời sung túc (và sau đó là giàu có). Nhưng người dân đa số thường không chọn làm điều đó, mà họ hướng tới giới siêu giàu. Bởi vì chỉ trích giới siêu giàu sẽ dễ dàng và an toàn hơn nhiều việc chỉ trích giới cầm quyền có nhiều súng đạn và nhà tù trong tay. 


Nhưng khoảng cách giữa việc chỉ trích giới siêu giàu và giới cầm quyền sẽ không xa khi mà người dân dễ nhận thấy rằng sự giàu lên của nhiều người trong giới siêu giàu ít nhiều đều có bóng dáng của giới cầm quyền phía sau. Và lúc đó, nếu người dân, những người cùng một thân phận bị trị, liên kết được với nhau, không bị chia rẽ vùng miền, họ sẽ dễ dàng thực hiện một cuộc cách mạng để đưa đất nước sang trang. 


Nguyễn Huy Vũ

12.4.2023