6.5.18

Bài học cải cách của Đài Loan


Cuối năm 1949, thất bại trước quân đội cộng sản của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch và con là Tưởng Kinh Quốc đã chạy ra Đài Loan, mong ngày phục quốc. Ở đây, sau khi trở lại chức vụ tổng thống, nhận thấy rằng tham nhũng và sự thiếu ủng hộ về tinh thần là nguyên nhân lớn nhất làm mất đi tính chính danh của Quốc Dân Đảng và góp phần làm sụp đổ chế độ cộng hoà của Quốc Dân Đảng ở lục địa, Tưởng Giới Thạch đã thực hiện bàn tay sắt, thanh lọc tất cả các đảng viên tham nhũng của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Song song đó, chính quyền của Tưởng Giới Thạch đã nới lỏng các quyền tự do về kinh tế, thực hiện quyền tư hữu tài sản, và thực hiện cải cách ruộng đất ôn hoà. Cuộc cải cách ruộng đất của Đài Loan đã là một thành công và giúp nhanh chóng đặt nền móng làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của quốc đảo này. Nó biến những tá điền trở thành những địa chủ mới và biến những cựu địa chủ trở thành những thương gia và nhà đầu tư.


Cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện trong 4 bước liên tục nhau. Đầu tiên, năm 1946, chính quyền đem những khoảnh đất công của nhà nước cho dân cày thuê với lợi tức là 25% sản lượng vụ mùa trong năm.

Kế tiếp, vào năm 1949, nhà nước quy định rằng các khoảnh đất của địa chủ cho dân cày thuê chỉ được phép lấy tối đa lợi tức là 37.5% tổng thu hoạch một năm. Chính quyền lý giải rằng 25% là vốn đầu tư của dân cày, còn lại 75% thu nhập vụ mùa thì chia đôi giữa địa chủ và dân cày, nên dân cày chỉ phải đóng cho địa chủ 37,5% thu nhập vụ mùa. Nhờ được khoán sản phẩm như vậy mà nông dân đầu tư công cụ sản xuất, gia tăng vụ mùa, chỉ trong 4 năm từ cuộc chuyển đổi bắt đầu từ năm 1949, tổng sản lượng gạo của Đài Loan đã tăng gần gấp rưỡi. Thu nhập của nông dân trung bình cũng tăng lên 23% trong cùng thời kỳ và trẻ em đi học nhiều hơn. Ngược lại, thu tô từ đất giảm dẫn đến giá đất giảm, giới địa chủ bắt đầu bán đất và đem tiền đầu tư vào các doanh nghiệp khác nhau.

Sau đó, từ năm 1951 cho đến năm 1975, chính quyền Quốc Dân Đảng tiến hành bán đất công cho dân cày nghèo và cho phép họ trả góp trong 10 năm. Trong chiến dịch này, chính quyền Đài Loan chuyển một nửa diện tích đất canh tác được của toàn Đài Loan cho những tá điền nghèo, không đất.

Và cuối cùng, năm 1953, đạo luật Đất cho Dân cày (Land-to-the Tiller Act) đã giới hạn số đất, với một chất lượng trung bình, mà một địa chủ được quyền có là 2,9 hec-ta. Phần đất còn lại địa chủ buộc phải bán cho chính phủ, và chính phủ sau đó bán lại cho dân cày. Tiền mua đất và tiền bán đầu là đồng giá và bằng 2,5 tổng sản lượng thu hoạch trong năm của khu đất. Chính phủ trả cho địa chủ tiền mua đất thông qua trái phiếu và cổ phiếu, cụ thể là 70% số tiền được trả bằng trái phiếu hàng hoá (commodity bond) trong 10 năm quy theo gạo hoặc khoai lang, với lãi suất là 4% một năm, và 30% số tiền còn lại được trả bằng cổ phiếu từ bốn công ty của chính phủ là Công ty Xi-Măng Đài Loan (Taiwan Cement Corp.), Công ty Giấy Đài Loan (Taiwan Pulp and Paper Corp.), Công ty Khai khoáng (Taiwan Industrial Mining Corp.) và Công ty Phát triển Nông Lâm Nghiệp Đài Loan (Taiwan Agricultural and Forestry Development Corp.). Việc dùng trái phiếu hàng hoá, thay vì trái phiếu tiền giấy, đã giúp ngăn chặn được sự mất giá của trái phiếu và củng cố niềm tin của nhân dân. Trả bằng cổ phiếu và trái phiếu hàng hoá không tạo ra lạm phát mà còn ngay lập tức biến các địa chủ trở thành những nhà đầu tư công nghiệp mới.

Nhờ cuộc cải cách này mà chỉ trong 3 năm từ 1951 đến 1953, đất sở hữu bởi nông dân tăng từ 57% đến 90%. Sản lượng nông nghiệp cũng tăng trung bình 12,8% một năm trong khoảng thời gian từ năm 1952 cho đến 1965.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng nới lỏng quyền biểu đạt và các quyền dân sự khác. Đài Loan lúc này theo chế độ một đảng cai trị, nhưng bên trong quốc hội, các đại biểu được phép tự do tranh luận. Tưởng Giới Thạch được quốc hội bầu vào chức vụ tổng thống và phục vụ 4 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 6 năm. Ông mất năm 1975, trước khi kết thúc nhiệm kỳ 3 năm, phó tổng thống Yen Chia-kan lên thay chức vụ tổng thống, thực hiện nốt 3 năm còn lại. 

Tưởng Kinh Quốc sau đó được quốc hội bầu làm tổng thống, tiếp tục mở cửa kinh tế Đài Loan, nới lỏng tự do báo chí, ngôn luận, và cho phép đối lập xuất hiện. Hai năm trước khi ông mất, năm 1986, đảng Dân Tiến của đương kim tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chính thức thành lập với 18 sáng lập viên, chủ trương thúc đẩy dân chủ và bảo vệ môi trường, và chỉ trong một ngày có 132 thành viên tham gia. Tưởng Kinh Quốc lúc này quyết định không giải tán đảng Dân Tiến mà trái lại để các thành viên của họ tham gia ứng cử đại biểu quốc hội với tư cách ứng viên độc lập. Cho đến lúc này, việc thành lập tổ chức đối lập còn là bất hợp pháp ở Đài Loan. Tuy vậy, kể từ năm 1969 cho đến năm 1991, quốc hội Đài Loan đã liên tục mở rộng số ghế thành viên trong đó các ghế nghị sỹ của các đảng viên Quốc Dân Đảng từ đại lục được giữ nguyên bên cạnh số ghế mới thêm vào dành cho các ứng cử viên ở Đài Loan. Các ứng viên độc lập ở Đài Loan dù không thể thay đổi được các quyết định trong quốc hội nhưng họ đã mượn diễn đàn quốc hội để đưa ra các ý kiến bất đồng của mình.

Theo thời gian, sự lớn mạnh của đảng Dân Tiến và sự công khai xuất hiện của các đảng viên Dân Tiến trong quốc hội đã từ từ thúc đẩy các cải cách tư pháp, cơ cấu chính quyền và chuyển hoá Đài Loan về hướng dân chủ. Tưởng Kinh Quốc ra đi năm 1988 và Lý Đăng Huy sau đó lên thay, tiếp tục thực hiện các cải cách táo bạo hơn nữa. Năm 1992, cải cách hiến pháp được đưa ra trong đó người dân được phép bầu tổng thống, các thống đốc tỉnh và các thị trưởng thành phố một cách trực tiếp, bên cạnh đó là cho phép truyền thông tư nhân xuất hiện. Để rồi cuối cùng ứng cử viên Trần Thuỷ Biển của đảng Dân Tiến giành chức vụ tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2000, đánh dấu sự chấm dứt hơn 50 năm cầm quyền của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan. Cuộc chuyển đổi đảng cầm quyền một cách êm thắm đánh dấu sự thắng lợi cho quá trình dân chủ hoá ở Đài Loan. Ngày nay, trên chính trường Đài Loan, đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng là hai đảng chính trị lớn hoạt động song song, đóng vai trò kiểm soát và đối trọng lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trên trang của chính phủ Đài Loan, năm 2016, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người (GDP per capita) của Đài Loan là 22,530 đô-la Mỹ. Nền kinh tế của Đài Loan tính theo thu nhập danh nghĩa (nominal GDP) thì gần bằng Argentina và Thuỵ Điển. Còn về thu nhập quốc dân theo đầu người tính theo sức mua tương đương thì Đài Loan tương đương với Áo và Đan Mạch — những quốc gia giàu có hàng đầu châu Âu nơi người dân sống rất sung túc (*). Ngày nay, người Đài Loan, dù vẫn còn tranh cãi, đã nhìn nhận những bước thay đổi của hai cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc, cùng sự kế tục bởi Lý Đăng Huy, đã giúp đặt nền móng cho dân chủ và thịnh vượng ở Đài Loan hôm nay.

Đài Bắc, Đài Loan


Đài Loan là một hình mẫu của sự chuyển đổi mà ở đó giới lãnh đạo cầm quyền đã chủ động thực hiện cải cách, thậm chí là bật đèn xanh, ngầm khuyến khích cho những thay đổi khi thời cơ đã đến.

Nếu có một bài học mà người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam nên học đó là sau khi thanh lọc đảng để bài trừ tham nhũng và củng cố quyền lực, thì song song đó nên cải cách kinh tế, cho phép tư hữu, thúc đẩy kinh tế tư nhân, nới lỏng tự do, cho phép các cá nhân được tranh cử vào các vị trí dân biểu trong quốc hội và cho phép sự hình thành các đảng đối lập. Thời gian chắc hẳn sẽ không còn nhiều cho một chính đảng vốn đã mất đi tính chính danh và không còn được ủng hộ. Và nếu không có những thay đổi đáng kể thì khi mà nhận thức của nhân dân ngày càng được tăng lên cùng với sự phổ biến của Internet, số phận của đảng Cộng sản sẽ ngày càng nguy khốn. 

Nguyễn Huy Vũ
5.5.2018