Có nhiều lý do để gọi đây là một cuộc cách mạng chính trị. Lần đầu tiên, nước Pháp có một tổng thống trẻ nhất, mới 39 tuổi. Tổng thống mới của Pháp, Emmanuel Macron, cũng không có nhiều kinh nghiệm chính trị vốn xuất thân từ giới doanh nhân. Sự nghiệp chính trị của Macron bắt đầu từ vị trí phó tổng thư ký của phủ tổng thống kéo dài 2 năm từ 2012 đến 2014, và sau đó là vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số trong chính quyền của thủ tướng Manuel Valls và tổng thống Francois Hollande kéo dài vỏn vẹn 2 năm, từ 2014 cho đến 2016. Toàn bộ 350 dân biểu mới đắc cử của LREM cũng có độ tuổi trung bình thấp hơn nhiều so với độ tuổi của các dân biểu theo truyền thống: tuổi của họ trung bình là 46 khi so với truyền thống là 60. Một nửa số dân biểu của LREM là nữ và một nửa trong số đó chưa từng nắm một vị trí nào trong chính quyền. Một điểm đáng chú ý là đa số các dân biểu của LREM có trình độ rất cao, được coi là giới ưu tú của xã hội Pháp. Tuy vậy, điều đáng để gọi đây là một cuộc cách mạng chính trị, đó là lần đầu tiên, một chính đảng mới mẻ, được thành lập chỉ mới một năm và được dẫn dắt bởi một chính trị gia trẻ tuổi, hoàn toàn chưa được biết đến với công chúng ngoại trừ vài giới chính trị ở Paris, đã đưa tới thành công, giành được cả vị trí tổng thống và nắm được đa số ghế trong Hạ nghị viện. Với việc kiểm soát được cả nhánh hành pháp và lập pháp, LREM có thể dễ dàng hơn trong việc áp dụng những đề xuất cải tổ nhằm vực dậy nước Pháp.
Vậy đâu là những bài học có được từ sự thành công của LREM, làm sao có thể xây dựng được một chính đảng chỉ trong vòng một năm đủ sức đánh bại những đảng phái lâu năm khác trên chính trường Pháp?
Tháng 3 năm 2015, để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử độc lập, Emmanuel Macron cho thành lập một nhóm tư vấn chính sách. Các hoạt động tổ chức tranh cử của Emmanuel Macron kể từ đó được đăng ký với chính quyền Pháp dưới tên gọi là En Marche!, nghĩa là “Tiến Lên”. Hai chữ cái đầu của hai từ “En Marche” giống như hai chữ cái đầu của cái tên Emmanuel Macron. En Marche! sau này được đổi tên thành La République En Marche!, nghĩa là “Nền Cộng hoà Tiến lên”.
Tiếp sau đó, En Marche! tuyển dụng hơn 5.000 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên này chịu trách nhiệm đi phỏng vấn khoảng 25.000 người dân khác nhau, làm đủ các ngành nghề và sống ở mọi nơi trên toàn nước Pháp. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 45 phút, trong đó người phỏng vấn sẽ hỏi các câu hỏi như: bạn đánh giá như thế nào về nước Pháp; bạn, gia đình và cộng đồng đang đối mặt với những vấn đề gì; bạn muốn một tương lai như thế nào. Nội dung các phỏng vấn này sẽ được chắt lọc và gửi về cho nhóm tư vấn chính sách của Emmanuel Macron phân tích và xử lý để cuối cùng cho ra một báo cáo phân tích dài 147 trang. Từ bản báo cáo này, các chính sách được đề xuất nhằm đáp ứng những nguyện vọng của cử tri.
Cách làm chính sách này của Emmanuel Macron đi ngược lại hoàn toàn phương cách vốn được dùng bởi các chính trị gia truyền thống. Thông thường, các chính trị gia sẽ tư vấn với vài chuyên gia của họ và lấy một vài chính sách phù hợp với triết lý chính trị của mình, sau đó mới cố gắng rao bán các chính sách này để lôi kéo cử tri. Chính trị do đó bị phân cực giữa hai phe tả và hữu, mỗi phe sẽ có những chọn lựa chính sách đặc trưng cho khuynh hướng chính trị của mình. Ngược lại, Emmanuel Macron đã bỏ qua một bên các khuynh hướng chính trị và cố gắng đưa ra chính sách đứng trên những khuynh hướng này. Những chính sách của Emmanuel Macron do đó có một ít từ khuynh hướng thiên tả và một số còn lại thuộc khuynh hướng thiên hữu. Thay vì đi tư vấn với các chuyên gia về chính sách và cố gắng thuyết phục cử tri, Emmanuel Macron, thông qua những tình nguyện viên, đã tham vấn những người dân thấp bé nhất, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của họ trước khi phân tích và tư vấn với các chuyên gia để đưa ra chính sách phù hợp nhất. Làm như vậy, chính sách đưa ra không những sát với nhu cầu và mong muốn của người dân, mà nó còn cho thấy người dân được lắng nghe và tôn trọng, người dân là một phần của chiến dịch nhằm đưa đất nước tiến lên, đúng như tên gọi của phong trào.
Sau khi đã có được những chính sách cho chính đảng của mình, bước tiếp theo Emmanuel Macron bắt đầu chiến dịch xây dựng đảng phái và thu nhận đảng viên. Những đảng viên sau đó sẽ là một nguồn tự nguyện dồi dào nhằm giúp LREM thực hiện các chiến dịch quảng bá chính đảng, thu hút sự ủng hộ của cử tri, hỗ trợ tài chính, và là những nhân sự nòng cốt đại diện cho LREM trong các cuộc tranh cử ở địa phương và quốc hội vào các vị trí dân cử khác nhau.
Để nhanh chóng phát triển mạng lưới thành viên, LREM đã áp dụng phương pháp đa cấp. Những cá nhân nào muốn tham gia LREM chỉ cần đơn giản vào trang web của LREM tại địa chỉ www.en-marche.fr, điền các thông tin cá nhân bao gồm tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, và thư điện tử, đồng thời xác nhận tuân thủ các chính sách của LREM là đủ để ngay lập tức trở thành một đảng viên của LREM. Khác với các đảng chính trị truyền thống khác nơi các đảng viên buộc phải đóng đảng phí hàng tháng hoặc hàng năm, tham gia LREM đảng viên không bắt buộc phải trả một chi phí nào. Tất cả các khoản đóng góp đều là tự nguyện, và nếu đóng góp cho LREM, người đóng góp sẽ được khấu trừ một phần vào tiền thuế phải đóng của mình cho chính quyền. Các đảng viên của các đảng phái khác cũng được đón nhận tham gia LREM.
Ngày 10/4/2016, chỉ sau vài ngày LREM công khai trang web để thu nhận đảng viên, con số người đăng ký tham gia LREM đã tăng lên con số 13.000 người. Nhờ sự quảng bá liên tục về phong trào trên các kênh truyền hình và mạng xã hội, con số thành viên tham gia vào LREM nhanh chóng gia tăng. Cho đến cuối năm 2017, các con số chính thức cho thấy số thành viên của LREM đã lên đến hơn 400.000, lớn hơn bất kỳ đảng phái nào khác của Pháp.
Vậy đâu là những lý do hấp dẫn các thành viên gia nhập vào LREM? Trước hết, khi tham gia LREM, thành viên mới có quyền lập ra một chi bộ đảng (committee) riêng cho mình ở địa phương và mời bạn bè, người thân cùng tham gia LREM và sinh hoạt tại chi bộ đảng của mình. Cho tới nay, có tổng cộng hơn 4.000 chi bộ đảng của LREM như vậy trên toàn nước Pháp và ở các nơi khác. Trong trường hợp thành viên mới không muốn tự tạo một chi bộ cho riêng mình, họ có thể tham gia vào các chi bộ có sẵn. Tại mỗi chi bộ, một hoặc vài thành viên chịu trách nhiệm tổ chức các buổi họp mặt, các sự kiện cũng như là các buổi tranh luận về những tư tưởng và quan điểm của phong trào tại địa phương mình. Thứ hai, tham gia trở thành một đảng viên của LREM là bước đầu tiên trước khi xin ứng cử để trở thành một đại diện của LREM trong các cuộc tranh cử cho các chức vụ dân cử. Và thứ ba, những người tham gia LREM còn là bởi vì họ muốn tiếng nói của mình, thông qua LREM, đem lại những thay đổi chính sách quốc gia, phục vụ lợi ích của chính mình.
Sau khi đắc cử tổng thống Pháp, mục tiêu tiếp theo của Emmanuel Macron là đưa LREM giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện Pháp sau đó. Để chọn lựa những đảng viên ưu tú đại diện cho LREM tranh cử vị trí dân biểu tại các hạt trên toàn quốc, LREM đã áp dụng lối tuyển chọn theo phương thức từ trên xuống dưới, tương tự như phương thức tuyển chọn nhân sự tại các tập đoàn lớn. Đầu tiên, Emmanuel Macron cho thành lập một hội đồng tuyển chọn những ứng viên đại diện LREM, đứng đầu bởi chính trị gia bảo thủ Jean-Paul Delevoye. Kế tiếp, những đảng viên nào muốn trở thành ứng viên đại diện LREM tranh cử ghế dân biểu cần vào trang mạng của LREM, gửi một bản sơ yếu lý lịch và giới thiệu bản thân. Emmanuel Macron đòi hỏi rằng các ứng viên phải thoả mãn ba yêu cầu: (1) phải có tính trung thực và liêm khiết, và như vậy, yêu cầu này loại bỏ những cá nhân đã từng vi phạm pháp luật; (2) phải thể hiện tính dung hoà với sự đa dạng về mặt chính trị, bởi vì LREM đại diện cho các khuynh hướng chính trị khác nhau; và (3) phải có năng lực. Hồ sơ sẽ được xét tuyển và người nộp đơn sẽ phải trải qua vài vòng phỏng vấn. Từ hơn 19.000 hồ sơ xin ứng tuyển ban đầu, hội đồng tuyển chọn cuối cùng chọn ra được 576 ứng viên đại diện cho LREM để tranh cử tại hầu hết tất cả các hạt trên toàn quốc.
Với tất cả 577 hạt trên toàn nước Pháp nhưng LREM chỉ có ứng viên tại 576 hạt tranh cử. Lý do LREM không tranh cử tại một hạt đó là bởi vì LREM nhường hạt đó lại cho cựu thủ tướng Manuel Valls, sếp cũ của Emmanuel Macron. Manuel Valls muốn tranh cử dưới tư cách là thành viên của LREM nhưng Emmanuel Macron lo sợ Manuel Valls sẽ dành lấy ảnh hưởng trong nhóm dân biểu LREM ở Hạ nghị viện. Cuối cùng, Emmanuel Macron quyết định không cho Manuel Valls làm ứng viên của LREM, đồng thời cũng không muốn gửi ứng viên để cạnh tranh, làm mất mặt Manuel Valls.
Trong số những đảng viên nộp đơn xin ứng cử, đa phần đều có bằng cấp rất cao và trẻ, nhiều người trong số họ đang ở giai đoạn thăng tiến nhanh nhất của sự nghiệp. Các ứng viên được chọn lựa dựa trên sự nổi tiếng, sự thành đạt, và kỹ năng truyền thông. Sau khi được tuyển chọn, những ứng viên của LREM trải qua vài buổi để được hướng dẫn về chính sách của LREM cũng như cách vận động cử tri. Kết quả là trong 576 ghế tranh cử, LREM đã giành được tổng cộng 350 ghế trong Hạ nghị viện 577 ghế của Pháp, trong đó, LREM dành được 308 ghế và Phong trào Dân chủ tranh cử dưới màu cờ của LREM dành được 42 ghế.
Một trong các thách thức to lớn của các chính đảng mới thành lập đó là làm sao có đủ tài chính để thực hiện các hoạt động vận động tranh cử của mình. Bằng cách áp dụng mô hình đa cấp để phát triển nhanh chóng lực lượng đảng viên, LREM đã có thể nhận được các khoản đóng góp tự nguyện đáng kể. Trong cuộc vận động tranh cử, chiến dịch của LREM đã nhận được các khoản quyên góp tự nguyện tổng cộng lên đến 6,5 triệu euro (khoảng 8 triệu đô-la Mỹ), tức xấp xỉ 300 đô-la Mỹ trên mỗi thành viên. Tuy vậy, Emmanuel Macron phải tự đi vay thêm với tư cách cá nhân 8 triệu euro (khoảng 9,8 triệu đô-la Mỹ) nữa để góp vào chiến dịch tranh cử. Giờ đây, với sự hiện diện của mình tại quốc hội Pháp, LREM bắt đầu nhận được những khoản hỗ trợ tài chính từ chính quyền.
Cách quyên những khoản tiền nhỏ dựa vào mạng lưới những ủng hộ viên không phải là một phát minh của riêng Emmanuel Macron. Phương pháp này đã được đảng Dân chủ của Hoa Kỳ sử dụng trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Barack Obama năm 2008. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên một chiến dịch quyên tiền trên diện rộng thành công như vậy ở châu Âu.
Đối mặt với sự tăng trưởng nhanh chóng số lượng đảng viên, không phải là LREM không có những khó khăn nội tại của mình. Cho đến nay, các quyết định của LREM chủ yếu được hình thành từ trên xuống. Chọn lựa này có lý do của nó, đó là nó giúp giới lãnh đạo LREM nhanh chóng đưa ra các quyết định để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử vốn không còn nhiều thời gian. Sự tập quyền trong LREM có lẽ cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi thể chế chính trị của Pháp nơi tổng thống có một quyền lực vô cùng lớn. Tuy vậy, với sự lớn mạnh của số lượng đảng viên — những người muốn tiếng nói của mình được lắng nghe — LREM sẽ phải dung hoà giữa hai xu hướng: sự áp đặt từ trên xuống và sự đòi hỏi từ dưới lên. Trong tương lai, một sự thoả hiệp có thể diễn ra, và ở đó các đảng viên bình thường sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong việc chọn ra các ứng viên cũng như các tác động về chính sách. Và như vậy, LREM sẽ tiệm cận dần đến một mô hình chính đảng truyền thống.
Thông thường, các chính đảng truyền thống được dựng xây nên từ một hệ thống đảng phái có sẵn, những phong trào biểu tình, hoặc khởi xướng bởi một vài người nổi tiếng. Sự thành công của LREM do đó cung cấp một bài học mới rằng một đảng phái tầm cỡ có thể được dựng xây nhanh chóng nếu có được sự hoạch định chu đáo và bởi sự hợp tác giữa những người bình thường, ít được công chúng biết đến.
Nguyễn Huy Vũ
22.5.2018.
Tham khảo:
Chwalisz, C. (2018-4-6). En Marche: From a Movement to a Government. Nguồn: https://carnegieeurope.eu/2018/04/06/en-marche-from-movement-to-government-pub-75985
Marlowe, L. (2017-5-11). Candidates line up to be part of Macron’s En Marche! movement. Nguồn: https://www.irishtimes.com/news/world/europe/candidates-line-up-to-be-part-of-macron-s-en-marche-movement-1.3080145