28.5.18

Hãy làm điều gì đó đi


Những bạn có dịp trải qua bốn mùa rõ nét — xuân, hạ, thu, đông — ở một xứ ôn đới sẽ nghiệm ra điều kỳ diệu của thiên nhiên. Mùa đông lạnh lẽo nếu để ý sẽ thấy ít côn trùng. Chỉ khi nhiệt độ ấm dần thì côn trùng mới bắt đầu có dịp sinh sôi và xuất hiện. Giữa mùa xuân và đầu mùa hè là mùa côn trùng hiện diện nhiều nhất. Đó là hiện tượng của thiên nhiên, được điều chỉnh bằng nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm. Khi nhiệt độ không gian vượt qua một ngưỡng thì sẽ dẫn đến những thay đổi của mùa màng và khí hậu. Vì lẽ đó nên các nhà khoa học mới quan trắc và đề ra các phương pháp nhằm kiểm soát nhiệt độ bầu khí quyển trái đất từng độ C một.

Xã hội cũng vậy. Khi mà sức chịu đựng của người dân vượt qua một ngưỡng nào đó thì xã hội sẽ thay đổi. Câu chuyện anh bán rau Mohamed Bouazizi ở Tunisia vì quá uất ức tự thiêu khi bị cảnh sát tịch thu đồ và đánh đập làm dẫn đến cuộc xuống đường của người dân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Tảng băng bên dưới của sự kiện này đó là sức chịu đựng 23 năm dưới chế độ độc tài  Zine El Abidine Ben Ali của người dân Tunisia đã đến ngưỡng của sự chịu đựng. Việc cảnh sát đánh đập và anh Mohamed Bouazizi tự thiêu nó chỉ là mồi lửa của khu rừng khô hạn chứa đầy sự phẫn nộ bao năm. Và khi mồi lửa như vậy diễn ra thì không ai có thể ngăn cản.


Sự nổi dậy của người dân Ai Cập lật đổ tổng thống độc tài Hosni Mubarak cũng là một ví dụ tương tự. Người dân Ai Cập trong một thời gian dài gần 30 năm chịu đựng vị tổng thống độc tài với hi vọng rằng thời gian và sức khoẻ sẽ khiến ngài tổng thống ra đi nhường đường cho sự xuất hiện của một chế độ dân chủ hơn. Trái với mong đợi của người dân, ngài tổng thống đã quyết định chọn người con của mình kế nhiệm chức vụ tổng thống. Quyết định đó trở thành giọt nước làm tràn ly. Người dân xuống đường, được sự ủng hộ của quân đội, và chế độ độc tài của tổng thống Hosni Mubarak chấm dứt.

Xã hội hay thiên nhiên đều có một mức ngưỡng. Khi nhiệt độ của nước đến 0 độ C mà nếu mất thêm năng lượng thì nước đóng băng. Ngược lại, khi nước được hâm nóng đến 100 độ C và nếu thêm nhiệt thì nước sẽ bốc hơi. Xã hội sẽ thay đổi khi nhận thức của đám đông xã hội chuyển biến. Chế độ phong kiến sẽ mãi mãi duy trí ở chế độ phong kiến nếu không có sự xuất hiện của những tư tưởng tự do cá nhân, xã hội pháp trị, và tư tưởng quốc gia — tức đất nước và quyền lợi của đất nước là vì nhân dân chứ không phải cho vua chúa. Những tư tưởng ban đầu này được sự cổ vũ của những giới quý tộc và địa chủ, những người muốn có một vị trí quyền lực lớn hơn nhằm bảo vệ những tài sản của mình chống lại sự thu thuế và tịch thu đất tuỳ tiện của giới vua chúa nhằm thoả mãn những tham vọng quyền lực, nhất là khi cần đáp ứng nhu cầu gây chiến với lân bang. Những tư tưởng này lan toả từ từ và đến một ngày khi mà sự đồng thuận của nhân dân đủ lớn thì những chuyển đổi xã hội diễn ra một cách tự nhiên từ chế độ phong kiến chuyển dần sang hướng một chế độ dân chủ hơn. 

Không có một nền dân chủ nào mà sau một đêm từ một nền độc tài bỗng chốc trở nên dân chủ. Bởi vì dân chủ là giật đi quyền lợi của giới cầm quyền độc tài và trao nó lại cho nhân dân. Cho nên việc giới cầm quyền cố giữ cái ghế của họ là điều đương nhiên. Cuộc đấu tranh giành dân chủ đúng nghĩa là một cuộc tranh đoạt quyền lực: đưa quyền lực của người cầm quyền về nhân dân. Ở đây có hai vế, vế đầu tiên là bạn cần phải làm suy yếu quyền lực của giới cầm quyền độc tài và vế thứ hai đó là trang bị cho nhân dân sự tự tin và hiểu biết về những quyền của mình. Người dân càng mạnh mẽ và nhà cầm quyền càng yếu đi thì dân chủ đã tiến thêm một bước nữa.

Nói như vậy để thấy sự lên tiếng của người dân mỗi ngày mỗi giờ trên đủ các phương tiện truyền thông không bao giờ là thừa. Nó sẽ khiến cho hình ảnh và quyền lực của nhà cầm quyền độc tài ngày một suy yếu đi và song song đó giúp cho người dân ngày càng thêm tự tin hơn. Và chỉ khi người dân ngày càng biết rõ trách nhiệm và quyền lực của mình thì xã hội mới thay đổi và dân chủ mới đến gần. Tiếng nói vì vậy là một vũ khí vô cùng hiệu quả. Do đó muốn có dân chủ, hãy cất lên những tiếng nói, trên bất cứ phương tiện nào và ở đâu, vì quyền lợi của mình, gia đình mình, cộng đồng và đất nước mình, và vì đó là quyền của mình — quyền tự do ngôn luận.

Nguyễn Huy Vũ
28.5.2018