Anh là bạn tôi. Một người bạn vong niên. Thuộc lớp người được đào tạo bài bản ở phương Tây, từng đảm nhiệm các chức vụ khác nhau trong các cơ quan quốc tế và khi về Việt Nam đã có dịp làm việc và cố vấn ở các bộ ngành, được tiếp cận và đóng vai trò tư vấn cho cả thủ tướng chính phủ.
Cuối năm 2011, sau khi hoàn tất hợp đồng làm việc ở Ngân hàng Trung ương Đức, tôi quyết định về Việt Nam để tìm kiếm một cơ hội cho chính mình. Và tình cờ tôi gặp anh. Một già, một trẻ. Chúng tôi hợp tác và có thời gian làm việc cùng nhau. Điểm chung gắn kết hai người đó là cùng học kinh tế, quan tâm chính trị, và muốn một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam.
Điểm khác biệt lớn nhất của chúng tôi đó là tôi tin rằng Việt Nam không thể cải cách kinh tế nếu không thể cải cách chính trị; ngược lại, anh tin rằng Việt Nam vẫn có thể cải cách kinh tế mà không nhất thiết phải cải cách chính trị. Anh cho rằng chỉ cần nới lỏng kinh tế, giảm bớt các thủ tục, tư nhân hoá các công ty nhà nước là có thể tạo đà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi nghĩ rằng chỉ khi tài sản được đảm bảo, luật pháp được thượng tôn, lãnh đạo được chọn lựa, xã hội được giám sát và các chính sách được tranh biện nghiêm túc thì mới có thể tạo được một không khí và niềm tin để tư nhân đầu tư nhiều hơn, tham nhũng ít hơn, và chính sách tốt hơn, lúc đó mới có phát triển thực sự.
Chúng tôi chấp nhận sự bất đồng, tuy vậy, cả hai đều đồng ý với nhau rằng về lâu về dài, nếu đảng Cộng sản có thể tự chuyển đổi chế độ sang dân chủ, ít nhất như ở Miến Điện, thì đó sẽ là một điều tốt lành cho Việt Nam.
Giữa năm 2012, tôi quay lại Nauy để thực hiện chương trình nghiên cứu sinh tiến sỹ kinh tế. Chúng tôi đi ăn trưa để tạm biệt nhau. Anh lúc này đang thực hiện các dự án khác nhau, công lẫn tư, và hợp tác cố vấn cho các giới chức ở Hà Nội. Với anh, cộng sản hay quốc gia, miễn giúp nhau để cùng đưa đất nước tiến lên là được. Vì vậy mà anh, một người lớn lên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà và thành đạt ở phương Tây, không ngại ngần cộng tác với chính quyền để giúp đỡ quê hương.
Bẵng đi một thời gian. Một hôm nhận được email của anh, khi anh tình cờ đọc một bài viết của tôi đăng trên một trang mạng có tiếng. Anh hỏi có phải bài của tôi không. Tôi nói của tôi. Chúng tôi trao đổi nhau số điện thoại và nói chuyện. Trong câu chuyện hôm đó và trong vài email anh gửi cho bạn bè trong đó có tôi, anh khẳng định rằng chính anh đã tận mắt nhìn thấy văn bản của Hiệp định Thành Đô. Nó là có thật và đó là lý do làm choáng váng anh, dẫn đến quyết định bán hết nhà cửa, bỏ lại công việc ở Việt Nam, để quay lại Mỹ, bắt đầu lại từ đầu sau một thời gian dài ở Việt Nam.
Trong số những bạn bè đọc lời khẳng định của anh rằng đã nhìn thấy văn bản của Hiệp định Thành Đô, hầu hết không ai tin và nhiều người đã trả lời một cách thẳng thắn. Họ không tin vì nhiều người cho đến nay vẫn còn tin rằng đảng Cộng sản là một lực lượng dựa trên tinh thần dân tộc và mang nặng tinh thần dân tộc. Họ cũng không tin vì họ nghĩ rằng không một ai điên rồ, ngu xuẩn, và hỗn láo với tiền nhân đến mức độ chấp bút và thi hành bán một quốc gia của tổ tiên mình, một cách có trình tự. Nhưng, có một câu nói, sự ngu xuẩn là không có giới hạn. Và biết đâu…
Nguyễn Huy Vũ
31.5.2018