1.6.18

Thông điệp bán nước trong dự luật đặc khu


Bài này trình bày và đưa ra các đánh giá về các điều luật của dự luật đặc khu (1). Nó cho thấy rằng dự luật này vừa tồi về hình thức lẫn nội dung, lại mở ra những cửa ngỏ có tính nguy hại về an ninh lẫn quốc phòng cho Việt Nam mà nếu nói không quá thì đó là một hình thức bán nước.

Để đánh giá một bộ luật ta dựa trên hai khía cạnh, đó là hình thức và nội dung.


HÌNH THỨC

Trước hết, hãy bàn về hình thức. Để được coi là một bộ luật tốt, về mặt hình thức, ngôn từ phải rõ ràng, khúc chiết, câu cú ngắn gọn, dễ hiểu, điều luật phải chặt chẽ và đầy đủ về mặt nội dung. Bởi vì luật làm ra là để người dân trung bình đọc, hiểu và áp dụng. Đối với dự luật dành cho một đặc khu kinh tế thì điều này lại càng quan trọng. Tại sao? Tại vì người đọc là giới doanh nhân. Họ bận rộn, không có nhiều thời gian, và họ thường tự coi mình là những người ưu tú. Đọc một bộ luật lượm thượm, chữ nghĩa không rõ ràng, trình bày không chuyên nghiệp, thì họ sẽ biết được trình độ của nhà làm luật và nhà quản lý. Mà khi biết trình độ của nhà làm luật và nhà quản lý tầm thường thì các doanh nghiệp nghiêm túc, trình độ cao họ không muốn làm ăn, trừ khi có thật thật nhiều ưu đãi. Đơn giản là những nhà quản lý tầm thường thì thường đề ra những chính sách tầm thường và rất hay thay đổi chính sách. Vì vậy mà nó có hại cho doanh nghiệp. Cho nên nếu để ý bạn sẽ thấy các doanh nghiệp khi chọn một khu công nghiệp vào đầu tư trước tiên họ sẽ hỏi ai, công ty nào, là người quản lý khu công nghiệp đó. Đặc khu cũng vậy.

Dự luật đặc khu có 6 chương, chia làm 88 điều. Tôi nghi ngờ lý do mà những nhà làm luật chọn hai con số 6 và 88. Theo tử vi của người Tàu, con số 6 đọc là “lục” mà người Tàu hay đọc trại ra thành “lộc”, nghĩa là bổng lộc, của cải; còn 88 đọc trại ra thành “phát phát” nghĩa là phát đạt mãi. Ghép ba con số này lại là 688 ta đọc là “lộc phát phát”, nghĩa là bổng lộc cứ sinh sôi mãi mãi. Tôi nghi ngờ rằng những nhà làm luật đã cố gắng làm tròn con số chương và điều luật lên thành 6 và 88 để quyến dụ các nhà đầu tư Trung Quốc. Bởi vì có những điều luật trong dự luật người ta có thể dễ dàng bỏ đi hoặc viết gộp lại. Đó là những câu khẩu hiệu sáo ngữ, chứ chẳng phải là một điều luật, chẳng hạn điều 4 về chính sách của nhà nước về phát triển đặc khu chỉ nói chung chung, sáo rỗng như nhà nước tạo điều kiện thu hút đầu tư, bảo đảm môi trường sống văn minh, hiện đại chất lượng cao... Đó cũng có thể là những điều luật gần tương đồng nhau mà người ta có thể ngắn gọn viết gộp lại, chẳng hạn điều 1 và điều 2 về phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng của luật đặc khu. Nghi ngờ lại càng thêm có cơ sở khi bạn hãy đặt câu hỏi tại sao lại cho thuê đất là 99 năm, mà không là 90 năm hay 100 năm? Đó là vì 99 trong tiếng Hoa đọc là “cửu cửu”, còn có nghĩa là lâu, mãi mãi. Mua đất, mua nhà là được mãi mãi, trường tồn. Ghép những con số 68899 lại bạn sẽ đưa ra một thông điệp cho người Trung Quốc rằng của cải sẽ được sinh sôi mãi mãi và lâu dài ở đây.


Và nếu như vậy, cách sắp xếp này chứng tỏ một não trạng thuần phục Trung Quốc của chính những người soạn thảo ra dự luật này.


Không những câu chữ, mà cách sắp xếp các chương, các điều khoản rất lộn xộn và thiếu chuyên nghiệp. Vậy nếu viết một bộ luật dành cho đặc khu thì phải viết như thế nào mới có thể gọi là một bộ luật tốt. Bộ luật đặc khu có hai phần chính: phần một là cơ cấu và hoạt động của chính quyền đặc khu và phần hai là các điều luật nhằm hiện thực hoá các chính sách kinh tế của đặc khu mà chủ yếu là thuế và quy hoạch. Đặc khu do đó không khác bao xa cách tổ chức và hoạt động của một chính quyền thành phố đô thị. Và để so sánh một cách tương đối, chúng ta có thể so sánh với luật hiến pháp của thành phố Berlin, được xem như là một bang của Đức (2). Hiến pháp Berlin trình bày ở đây, tổng cộng có 9 chương và 101 điều, giới thiệu rõ ràng cơ chế chính quyền. Trong đó 2 chương đầu với 37 điều luật liên quan đến nhân quyền và những giá trị nền tảng. Và nếu hình thành một dự luật tương tự như đặc khu kinh tế thì người ta có thể dễ dàng thêm khoảng hai chương, một chương về các chính sách kinh tế và một chương về các chính sách di cư là đủ để hình thành một bộ luật cho đặc khu.


NỘI DUNG

6 chương của dự luật được chia ra như sau. Chương đầu tiên trình bày những quy định chung trong đó nói rằng dự luật này áp dụng cho ba đặc khu là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà), và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) (Điều 1,2). Chương 2 hướng dẫn các bước để quy hoạch đặc khu. Chương 3 trình bày các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu. Chương 4 đưa ra cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của nhà nước ở đặc khu. Chương 5 đề ra nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh đối với đặc khu. Và chương 6 trình bày các điều khoản để thi hành các điều luật.

Trong 6 chương, quan trọng nhất là chương ba với chính sách đặc biệt của đặc khu và chương bốn trình bày mô hình chính quyền đặc khu. Chương ba quan trọng hơn chương bốn vì qua đó nó thể hiện chính sách bán nước của đảng Cộng sản nên ta hãy cùng xem chương bốn trước (vì hãy để dành điều hấp dẫn nhất sau cùng).

Chương 4 qui định cơ cấu tổ chức của chính quyền đặc khu. Chính quyền đặc khu gồm 2 bộ phận chính là Hội dồng nhân dân đặc khu và Uỷ ban nhân dân đặc khu (Điều 58). Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu, đa số là chuyên trách, tối đa là 15 người, do cử tri bầu (Điều 59). Uỷ ban nhân dân đặc khu gồm một chủ tịch và hai phó chủ tịch. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, và sau đó mới được Hội đồng nhân dân đặc khu bầu chọn (Điều 60). Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu bao trùm toàn bộ các hoạt động của đặc khu từ thi hành và ban ra luật, kinh tế, tài chính ngân sách, nhà ở và hạ tầng giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường, hải quan, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể dục, thông tin, lao động, chính sách xã hội, hội thảo, hội nghị, và cả những nhiệm vụ được giao phó từ cấp trên (Điều 68).

Như vậy, rõ ràng đây là một hình thức đảng cử dân bầu. Hội đồng nhân dân được cử tri bầu, trông có vẻ dân chủ như một quốc hội đại diện nhân dân ở đặc khu, nhưng rõ ràng các điều luật ở trên nói huỵch tẹc ra rằng cái Hội đồng nhân dân thực chất đóng vai trò như một con bù nhìn, đứng vỗ tay và đóng dấu cao su cho quyết định chọn người đứng đầu đặc khu bởi chính phủ (mà đảng đứng sau lưng). Và chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu giống như là một ông vua của đặc khu, được chính quyền trung ương bổ nhiệm. Với một ông vua như vậy, sự lộng quyền và tham nhũng là một điều dễ thấy được vì trung ương thì ở quá xa và ông ta thì có quá nhiều tiền nhờ có thể ban phát quyền lực rộng rãi đủ để mua chuộc hết giới chức xung quanh.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng đọc chương ba giới thiệu các chính sách đặc biệt, mang mầu sắc bán nước.

Mở đầu chương ba, Điều 16 dọn lên một chiếc bánh vẽ: Đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển các ngành, nghề: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại. Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại - tài chính. Và Phú Quốc ưu tiên phát triển các ngành, nghề: du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.

Nhưng điều ngạc nhiên là toàn bộ dự luật không thấy đề ra một chiến lược rõ ràng nào để đạt được các mục tiêu trên. Ví dụ làm sao để phát triển Bắc Vân Phong trở thành một trung tâm thương mại - tài chính khi mà đường xá cách trở và nằm ở một vị trí cô lập ở miền Trung, cách biệt với tất cả các thành phố lớn còn lại của Việt Nam khiến nó khó tiếp cận được với đội ngũ chuyên gia tay nghề cao huống gì thu hút được tài chính và các dự án khởi nghiệp ở khu vực này? Vì vậy mà mới nói vẽ một tương lai nhưng thiếu hiện thực thì thực chất nó chỉ là một chiếc bánh vẽ.

Nhưng chiếc bánh vẽ này chỉ để khoa trương, thu hút sự chú ý của những người nhẹ dạ, để đánh bóng và che đậy những điều nguy hiểm tiềm ẩn ở phía sau.

Điều 51 về nhập cảnh, đi lại và cư trú phát biểu rằng người nước ngoài nhập cảnh với mục đích vào đặc khu được miễn thị thực với thời gian tạm trú tại đặc khu không quá 60 ngày. Điều 54 về cơ chế, chính sách đặc biệt khác tại đặc khu Vân Đồn phát biểu rằng công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định.

Hai điều này có nghĩa rằng người Trung Quốc được tự do đến Vân Đồn mà không cần thị thực trong một khoảng thời gian xác định. Và khi hết hạn thì họ chỉ cần lái xe từ Vân Đồn qua biên giới Trung Quốc và chạy ngược lại Vân Đồn, tiếp tục ở một khoảng thời gian nữa. Bằng cách này, họ có thể lưu trú mãi mãi ở Vân Đồn. Với dự luật này, Vân Đồn sẽ tràn ngập người Trung Quốc trong một ngày không xa.

Điều 56 về cơ chế chính sách đặc biệt khác tại đặc khu Phú Quốc cho phép nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có dự án đầu tư từ 110 tỷ đồng trở lên tại đặc khu Phú Quốc được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm, nếu có chỗ ở hợp pháp thì được cấp thẻ thường trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Và quan trọng nhất, điều 32 về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu cho phép Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu quyết định thời gian sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu lên tới 70 năm, và với trường hợp đặc biệt lên tới 99 năm do Thủ tướng quyết định, tuỳ vào quy mô của dự án.

Như vậy, cả hai điều 56 và 32 cho chúng ta thấy là chính quyền đang bán thẻ định cư và bán đất. Ai sẽ mua và mua bao nhiêu thì các bạn sẽ đoán được, nhất là khi mà toàn quyền của đặc khu nằm trong tay chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu. Chỉ cần nắm được chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu là các thế lực có thể dễ dàng ảnh hưởng lên chính sách của đặc khu.

Cuối cùng, các điều luật về thuế, cũng giống như các điều luật khác, là một sự rối rắm kinh khủng. Điều đó chứng tỏ rằng những người soạn thảo chính sách thuế hầu như có rất ít kiến thức về kinh tế thuế cho nên mới đưa ra một hệ thống thuế cực kỳ rối rắm với các điều kiện lung tung như vậy. Bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng các hệ thống ưu đãi lung tung như vậy chỉ làm lợi cho bọn lách thuế và tiếp tay cho sự tham nhũng của chính quyền. Một giải pháp đơn giản nhất đó là áp dụng mức thuế phẳng (flat tax), ví dụ áp dụng một mức thuế 10% duy nhất trên lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và thu nhập của người dân ở đặc khu đối với các thu nhập có được từ hoạt động kinh tế ở đặc khu. Rất nhiều nước, đặc biệt là các nước cựu cộng sản ở Đông Âu, đã áp dụng mức thuế phẳng và nền kinh tế đạt được những tăng trưởng rất đáng khích lệ. Tại sao lại là 10%? Vì nó đủ thấp và cạnh tranh với các nước trong khu vực nên giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

KẾT LUẬN

Những phân tích trên cho thấy dự luật đặc khu vừa tồi về nội dung và kém về hình thức. Nó tiềm ẩn những nguy cơ gây phương hại đến an ninh và nguy hiểm cho đất nước, nếu không nói là Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng mất nước. Những đề xuất trong đặc khu chẳng có điều gì nổi trội hoặc ưu tú về mặt kinh tế để có thể giúp phát triển nhanh chóng nền kinh tế. Trái lại nó chỉ cho thấy một sự bế tắt và một sự thiếu hiểu biết của những người đề ra chính sách.

Nguyễn Huy Vũ
2.6.2018

Tham khảo:

(1) Dự thảo luật đặc khu. Truy cập ngày 2/6/2018. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-2017-340180.aspx
(2) Hiến pháp bang thành phố Berlin. Truy cập ngày 2/6/2018. Nguồn:  https://www.berlin.de/rbmskzl/en/the-governing-mayor/the-constitution-of-berlin/