14.6.18

Trao đổi về bài "Luật Đặc Khu" của Lê Nguyễn Duy Hậu


Bạn Lê Nguyễn Duy Hậu có bài luật đặc khu (1). Bài viết này của mình xin trả lời những điểm quan trọng trong bài của Hậu. Trao đổi này của mình với hi vọng rằng những người quan tâm tới đất nước cùng chia sẻ và phản biện trong hi vọng tìm ra những hướng đi và điều tốt nhất cho đất nước. Mình xin lược bỏ phần giới thiệu ở đầu để tập trung vào phần luận điểm chính:


1. VỀ VẤN ĐỀ “ĐẶC KHU KHÔNG PHẢI LÀ TÔ GIỚI”

Hậu cho rằng “đặc khu không phải là tô giới.”

Xin trả lời như sau. Lẽ dĩ nhiên, về mặt hình thức trước mắt, luật đặc khu không phải là tô giới cho một nước nào đó. Bởi vì nếu trắng đen giấy tờ rõ ràng ký bán cho một nước nào đó thì người dân sẽ nổi dậy và đảng Cộng sản chắc chắn sẽ không thể ngồi đó được.

Hậu cho rằng: “Thuê đất thì cho dù là 10 năm hay 100 năm hay 1000 năm thì đất đó vẫn là của chủ cho thuê. Người thuê đất phải trả tiền thuê đất cho chủ đất. Khác với tô giới, người thuê đất không có quyền áp đặt luật lệ, xây dựng bộ máy hành chính, hay bán, sang nhượng lại đất đó cho bên thứ ba. Luật Đất Đai từ lâu đã có hình thức thuê đất. Hiện thời hạn là 50 năm, thay vì 99 năm như đề xuất của luật đặc khu.”

Vậy Hậu có tin rằng nếu đem cả Phú Quốc cho Trung Quốc hay một nước nào đó cho thuê trong một trăm năm, chưa nói đến là 1000 năm, thì sau đó có còn là của Việt Nam không? Chắc chắn là không. Sau khi họ được thuê cả Phú Quốc thì họ có vô số phương thức từ hợp pháp đến phi pháp để di dân đến đây, và một ngày nào đó, họ có thể đạo diễn một cuộc trưng cầu dân ý để đòi độc lập cho khu vực và sát nhập vào nước họ. Kịch bản Crimea với đông dân Nga ở Ukraine được đạo diễn để trưng cầu dân ý và sát nhập vào Nga diễn ra cách đây không lâu là một bài học lớn. Ukraine có chính quyền, có luật lệ, lại được châu Âu ủng hộ, nhưng có làm được gì nhằm bảo vệ Crimea? Ở đây, mình lấy ví dụ theo phát biểu của Hậu.

Tuy vậy, viễn tượng trên không xa rời thực tế lắm, khi đất đai ở Việt Nam từ Bắc chí Nam, kể cả ở những khu vực đắc địa, đang được người Trung Quốc săn lùng và mua lại dưới sự tiếp tay của người Việt. Người Trung Quốc cũng hiện diện cả hợp pháp và phi pháp ngày càng nhiều hơn ở các thành phố của Việt Nam với một mật độ đáng lo ngại, trong khi chính quyền ngó lơ.

2. VỀ VẤN ĐỀ 99 NĂM

Hậu lấy ví dụ về trường hợp thời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thuê đất dài hạn và được đặc cách không ghi thời hạn trên giấy phép cho hai dự án siêu lớn là Marubeni (Nhật) và Samsung (Hàn Quốc) như là một tiền lệ.

Rõ ràng rằng ai cũng biết thời gian cầm quyền của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thời kỳ tồi tệ nhất của đất nước với các chính sách sai lầm, chính quyền đã cho thuê đất tràn lan, với giá rẻ mạt để đổi lại là những dự án không đem lại nhiều lợi ích cho đất nước khi so với ưu đãi bỏ ra. Hãy nhìn xem Formosa thuê đất 70 năm với mức thuê đất 80 đồng/một mét vuông/năm đem lại gì ngoài thảm hoạ? Người dân hôm nay muốn đóng cửa Formosa có lẽ phải chờ đến gần 60 năm nữa, tức đã sang thế hệ thứ 3.

Hãy nhìn xem Samsung đem lại gì cho sự phát triển của công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam ngoại trừ hưởng lợi từ ưu đãi thuế (miễn 4 năm, giảm 50% trong 12 năm kế tiếp), đất (được hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng cho 46,28ha đất dự án, tương đương 286,9 tỷ đồng, và kinh phí đào tạo lao động là người dân của tỉnh là 1,5 triệu/người, tổng là 12 tỷ đồng) và giá nhân công rẻ mạt? Đó chỉ là vài trong vô số lý do để người dân đánh giá thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng tồi tệ nhất trong các thủ tướng đến nay. Cho nên chúng ta không thể đem một tiền lệ sai lầm để rồi tiếp tục thi hành và gọi là chúng ta đã có tiền lệ về chính sách đó rồi.

Về vấn đề người nước ngoài sở hữu bất động sản. Thực tế là ở vài nước châu Âu và châu Mỹ họ có cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai hoặc bất động sản nước họ. Bởi vì họ khuyến khích nhập cư và khuyến khích đầu tư vào thị trường bất động sản của họ, và chính sách này hiện nay không gây ảnh hưởng về an ninh quốc phòng cho nước họ. Tuy vậy không phải nước nào cũng cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai. Ví dụ như bạn, người nước ngoài, có thể mua đất đai ở Panama nhưng bạn không thể mua đất ở Cuba. Người nước ngoài cũng không thể mua đất ở Thái Lan; muốn mua người nước ngoài phải lập doanh nghiệp với người Thái và người Thái chiếm ít nhất 51% cổ phần thì doanh nghiệp mới được phép mua. Ở Iceland, Liechtenstein chỉ có cư dân mới được phép mua đất. Ở Andora, Hungary, Đan Mạch, Ba Lan, Malta người nước ngoài chỉ được phép mua khi nhận được sự đồng ý của giới chức. Đó chỉ là vài trong một danh sách dài rất nhiều nước hạn chế hoặc kiểm soát người nước ngoài mua đất.

Tuỳ vào điều kiện chính trị, an ninh và các lý do khác mà chính quyền quyết định chính sách. Bạn không thể khăng khăng đem chính sách của nước khác vào áp dụng ở nước mình. Đơn giản là Việt Nam sống cạnh một nước lớn như Trung Quốc và luôn cảnh giác nguy cơ mất nước. Điều gì sẽ diễn ra khi người nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, mua hết một đa số diện tích đất của Phú Quốc, Vân Phong hoặc Vân Đồn?

Về vấn đề sở hữu đất đai của người Việt. Lẽ dĩ nhiên người Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, phải được quyền sở hữu đất. Quyền này đã được thực hiện dưới chế độ Việt Nam Cộng hoà. Và Việt Nam trước sau gì cũng phải cho phép quyền này.

Tuy vậy, theo mình, Việt Nam nên có thêm quy chế thường trú nhân (permanent resident) và cho phép thường trú nhân được quyền mua nhà, đất, có quyền về kinh tế như công dân, tương tự như Singapore và nhiều nước châu Âu khác. Để cấp quy chế thường trú nhân người nước ngoài cần làm việc trong một công ty trong thời hạn ít nhất là 3 năm với mức lương hàng tháng ít nhất bằng 5 lần mức lương tối thiểu vùng lớn nhất, tức khoảng 1.000 USD/tháng hiện nay. Chính quyền có thể kiểm soát người nhập cư bằng cách đưa ra các hạn ngạch cấp thẻ thường trú nhân mỗi năm như của Mỹ.

Riêng với doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư dự án tại các đặc khu, thời hạn cho thuê đất 50 năm là đủ.

Vậy làm sao ngăn chặn được tình trạng người nước ngoài thông qua đại diện người Việt thâu tóm hết đất đai, điều đó chỉ cần đưa ra một điều luật rằng trong những trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, và vì những ích lợi của cộng đồng, chính quyền được phép mua lại đất đai. Toà án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, để tránh việc tịch thu đất tuỳ tiện.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta cần thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển, nhưng không thể thu hút bằng mọi giá được, bất chấp lợi nhuận và an ninh quốc gia.

Yếu tố then chốt nhất vẫn là cần một chính quyền dân chủ. Chỉ khi có một chính quyền dân chủ, chịu sự giám sát của người dân, thì các quyết định và chính sách bất lợi của chính quyền đối với đất nước mới bị hạn chế.



3. CÁC VẤN ĐỀ AN NINH KHÁC TRONG LUẬT ĐẶC KHU

Các vấn đề dưới đây Hậu không đề cập trong bài, không hiểu vì lý do gì, nhưng rõ ràng nó có tầm quan trọng về an ninh quốc gia rất lớn. Vì vậy mà mình viết ra như một chia sẻ.

Thứ nhất, Điều 55 và 57 về cơ chế, chính sách đặc biệt cho Vân Đồn và Phú Quốc phát biểu rằng cư dân các nước có chung đường biên giới với Quảng Ninh và Kiên Giang được phép tự do thăm viếng cả hai đặc khu này trong một thời gian xác định. Như vậy, người mang hộ chiếu Trung Quốc và Campuchia được tự do ghé Vân Đồn và Phú Quốc trong 60 ngày. Hết thời hạn thì họ chỉ cần quay lại lãnh thổ Trung Quốc và Campuchia, đóng dấu và quay trở lại Vân Đồn và Phú Quốc. Và như vậy, về mặt hình thức họ có thể ở lại lâu dài ở Vân Đồn và Phú Quốc nếu họ muốn. Cách làm này không mới, người Việt qua Singapore đã dùng cách làm này để sống lâu dài ở Singapore một cách hợp pháp. Hết hạn ở lại Singapore, họ chỉ cần qua lãnh thổ Malaysia bằng xe buýt, đóng dấu và quay trở về. Và ngược lại, người Việt ở Malaysia chỉ cần đi xe buýt hoặc lái xe qua Singapore đóng dấu ngay đường biên giới rồi quay về là hợp pháp ở lại Malaysia. Lưu ý một điều là người Trung Quốc mang hộ chiếu Campuchia rất đông. Điều gì diễn ra khi bằng cách này, người Trung Quốc hiện diện đông đảo ở Vân Đồn và Phú Quốc? Việt Nam có thể làm gì khi một cuộc xung đột với Trung Quốc diễn ra trong khi người dân Trung Quốc đông đảo ở cả Vân Đồn và Phú Quốc được nhanh chóng trang bị vũ khí? Đó có phải là lúc Việt Nam dễ dàng mất cả hai khu vực không?


Thứ hai, Chương 4 qui định cơ cấu tổ chức của chính quyền đặc khu. Chính quyền đặc khu gồm 2 bộ phận chính là Hội đồng nhân dân đặc khu và Uỷ ban nhân dân đặc khu (Điều 58). Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu, đa số là chuyên trách, tối đa là 15 người, do cử tri bầu (Điều 59). Uỷ ban nhân dân đặc khu gồm một chủ tịch và hai phó chủ tịch. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, và sau đó mới được Hội đồng nhân dân đặc khu bầu chọn (Điều 60). Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu bao trùm toàn bộ các hoạt động của đặc khu từ thi hành và ban ra luật, kinh tế, tài chính ngân sách, nhà ở và hạ tầng giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường, hải quan, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể dục, thông tin, lao động, chính sách xã hội, hội thảo, hội nghị, và cả những nhiệm vụ được giao phó từ cấp trên (Điều 68).

Như vậy, rõ ràng đây là một hình thức đảng cử dân bầu. Hội đồng nhân dân được cử tri bầu, trông có vẻ dân chủ như một quốc hội đại diện nhân dân ở đặc khu, nhưng rõ ràng các điều luật ở trên nói huỵch tẹc ra rằng cái Hội đồng nhân dân thực chất đóng vai trò như một con bù nhìn, đứng vỗ tay và đóng dấu cao su cho quyết định chọn người đứng đầu đặc khu bởi chính phủ (mà đảng đứng sau lưng).

Đã sang thế kỷ 21 rồi, trong khi hơn một nửa dân số thế giới sống trong tự do và 3/4 dân số thế giới có được những tự do tương đối, trong đó có quyền được bầu cử và lựa chọn chính quyền. Và vì vậy mà bất cứ người dân nào cũng phải phản đối sự mất dân chủ, độc tài, trong mô hình  hệ thống chính quyền đặc khu ở trên. Chúng ta cần xây dựng một chính quyền dân chủ đúng nghĩa, vậy tại sao không bắt đầu từ đặc khu?


Và cuối cùng là hệ thống thuế. Điều 45 miễn tiền thuê đất, nước cho tối đa toàn bộ thời gian thuê để làm dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đặc khu, giáo dục, dạy nghề, y tế. Thử tưởng tượng một dự án 99 năm, được miễn tiền thuê đất, nước trong suốt thời gian này. Rõ ràng đó là một sự cho không khu đất trong gần một thế kỷ. Các khoản 2 và 3 của điều 45 cũng miễn tiền thuê đất đến 30 năm.

4. KẾT LUẬN

Rõ ràng rằng những điều luật trong dự luật chứa đựng đầy những lỗ hổng về an ninh và nếu được thực thi nó có thể an nguy đến chủ quyền quốc gia, vì vậy mà không phải là vô lý mà nhiều người cho rằng nó mang thông điệp bán nước. Những điều luật cũng kiến tạo nên một chính quyền đặc khu thiếu dân chủ mà khi trao rất nhiều quyền cho chủ tịch đặc khu nó sẽ chỉ giúp tạo thêm mầm mống cho sự lũng đoạn và tham nhũng.


Nguyễn Huy Vũ
4.6.2018

(1) Lê Nguyễn Duy Hậu, “Luật Đặc Khu”. Nguồn: https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10156433308504532
(2) Lý lẽ Bắc Ninh ưu đãi Samsung vượt trần chưa từng có. Nguồn: https://news.zing.vn/ly-le-bac-ninh-uu-dai-samsung-vuot-tran-chua-tung-co-post460324.html
(3) Dự luật đặc khu. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-2017-340180.aspx