18.5.18

Khi nào Việt Nam có dân chủ?


Nhiều lần gặp các bạn già lẫn bạn trẻ, nhiều người chỉ có một ước mơ duy nhất trong đời liên quan đến Việt Nam, đó là hi vọng trong cuộc đời mình nhìn thấy Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ. Một ước mơ giản dị, chân thành, mà không kém phần xúc động cho quê hương. Họ ước mơ vậy bởi vì với họ, không biết bao giờ Việt Nam mới đạt được tới ngưỡng cửa của tự do — ngưỡng cửa nơi mà 2/3 nhân loại đang hưởng thụ trong hoà bình.

Vậy đâu là những lộ trình mà con đường dân chủ của Việt Nam sẽ đi qua?


Hãy tưởng tượng cảnh một đoàn người, một cách răm rắp, dừng lại trước cột đèn đỏ, và chỉ vụt đi khi có đèn xanh. Khi một người vượt đèn đỏ, anh ta sẽ bị bắt vì tội vi phạm luật lệ giao thông. Khi hai người vượt, hai người sẽ bị phạt. Nhưng khi mà nhiều người cùng vượt qua đèn đỏ thì hệ thống đèn đỏ bị xem là hư.

Trong hệ thống cộng sản, những điều luật mơ hồ giới hạn sự tự do ngôn luận, tự do di chuyển, và tự do chính trị chính là những cột đèn đỏ này. Những cột đèn đỏ này được đặt ra bởi đảng Cộng sản nhằm giữ người dân tuân thủ trong giới hạn luật lệ cho phép của mình để từ đó duy trì sự độc tôn quyền lực của đảng Cộng sản.

Có rất nhiều điều luật ngăn cấm tự do, nhưng tựu chung nó chỉ nhằm vào ba mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên đó là nó nhằm kiểm soát truyền thông, giúp bảo vệ uy tín của đảng Cộng sản và chính quyền. Mục tiêu thứ hai đó là nó ngăn ngừa sự hình thành các tổ chức đối lập. Và mục tiêu thứ ba đó là nó ngăn ngừa các đòi hỏi thực thi một thể chế dân chủ trong đó yêu cầu bầu cử tự do và bãi bỏ sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Ba mục tiêu này như là ba cột đèn đỏ mà kể từ năm 1975 đến nay người Việt trên cả nước tuân thủ. Những cá nhân lẻ tẻ vượt qua đều bị bỏ tù. Nhưng, như đã nói, khi một vài cá nhân vượt qua giới hạn của đèn đỏ thì chính quyền có thể bỏ tù, nhưng khi mà ngày càng nhiều người vượt qua thì đó là lúc mà các cột đèn đỏ này sẽ bị vô hiệu và phải vứt.

Cột đèn đỏ đầu tiên — cột đèn đỏ truyền thông — nơi mà đảng Cộng sản cấm người dân có những phát ngôn gây ảnh hưởng đến chính trị và sự độc tôn lãnh đạo của đảng Cộng sản đang bị vượt qua. Ngày càng nhiều các cá nhân, dùng đủ các phương tiện và một cách công khai, chỉ trích các hành động của đảng Cộng sản và các cá nhân lãnh đạo. Chính quyền có thể bắt vài người, nhưng đâu vẫn vào đấy, những án tù không làm xã hội sợ mà ngược lại, ngày càng nhiều người, trẻ có và già có, lên tiếng mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Cột đèn đỏ đầu tiên vì vậy mà gần như đã thất thủ.

Cột đèn đỏ thứ hai đó là nơi đảng cấm kịch liệt sự xuất hiện của các tổ chức đối lập. Tuy vậy, các tổ chức dù sơ khai, đã và đang xuất hiện trong lòng đất nước, dưới những tên gọi khác nhau. Một số lớn các cá nhân khác tuy không tham gia tổ chức nhưng đã cùng hoạt động và lên tiếng dưới hình thức “đồng thanh tương trợ, đồng khí tương cầu”. Họ cùng hỗ trợ và giúp đỡ nhau, như kiểu một tổ chức phi chính thức, chưa thành hình. Họ như những viên sỏi, đứng cùng nhau, dù chưa gắn vào nhau. Cái thiếu còn lại duy nhất đó là chất keo kết dính những viên sỏi này lại. Và theo thời gian, sẽ có những cá nhân có uy tín làm chất keo, đứng ra gắn kết những cá nhân đó lại với nhau để hình thành nên những tổ chức. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Và cuối cùng, cột đèn đỏ thứ ba đó là nơi Đảng né tránh và trừng phạt các đòi hỏi thực thi bầu cử tự do và bãi bỏ sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản. Cho đến nay, dù muốn dù không, mô hình chính trị cộng sản với hệ thống kinh tế tư bản hoang dã đã bế tắt. Kinh tế suy thoái, không có lối ra. Nền kinh tế hoàn toàn nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp ngoại đóng vai trò gia công. Thất nghiệp lan tràn và cuộc sống của nhiều người chỉ lây lất. Giới tư nhân Việt Nam có tiền hầu như không ai muốn đầu tư vì không ai tin vào khả năng vận hành nền kinh tế của đảng Cộng sản. Vì không tin nên họ không đầu tư, ai di cư được thì bỏ xứ ra đi, người không đi được thì bỏ tiền vào mua đất, đẩy giá đất nhiều nơi tăng vọt. Các chuyên gia đều đồng ý với nhau một điều rằng phải cải cách thể chế. Họ chỉ dám nói như thế, nhưng trong thâm tâm, đó phải là cải cách thể chế chính trị. Đơn giản là tất cả mọi thứ từ kinh tế, xã hội đều bắt nguồn từ hệ thống chính trị. Đó là bởi vì chừng nào còn những lãnh đạo bất tài, không qua bầu cử tự do và chịu sự kiểm soát và giám sát của quần chúng thì chừng đó những sai lầm chính sách sẽ diễn ra thường xuyên, tham nhũng sẽ lan tràn. Đó đây, những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị diễn ra, nhưng nó vẫn mới chỉ ở mức độ lẻ tẻ, chưa tạo thành một luồng gió mạnh, một phong trào rộng lớn. Tuy vậy, khi mà cùng với sự xuất hiện của những tổ chức đối lập sắp tới, lời kêu gọi thay đổi dân chủ của giới đối lập cùng với những lên tiếng đòi thay đổi thể chế bên trong chính quyền của giới chuyên gia sẽ là một bước ngoặc làm thay đổi hiện trạng chính trị của quốc gia. Và đó cũng là lúc dân chủ của Việt Nam sẽ tới.

Thời gian có lẽ không còn nhiều cho đảng Cộng sản trong kỉ nguyên thông tin như hiện nay. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều những con người đang dần vượt qua những cột đèn đỏ đặt ra bởi đảng Cộng sản. Và nếu bạn muốn sớm thấy Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, cách hiệu quả nhất đó là hoà cùng dòng người vượt qua những cột đèn đỏ dựng lên bởi chính đảng Cộng sản nhằm ngăn chặn dân chủ và tự do.

Nguyễn Huy Vũ
18.5.2018