7.5.18

Củi khô cả nước đoàn kết lại


Một trong những cân nhắc của các chính phủ dân chủ cầm quyền ngay sau khi chuyển từ chế độ cộng sản sang chế độ dân chủ ở các nước châu Âu đó là nên đối xử thế nào với các viên chức của chính quyền cộng sản cũ. Một cách rõ ràng, ai cũng biết rằng các viên chức của chính quyền cộng sản cũ ít hay nhiều đều có vi phạm pháp luật với chính luật pháp cộng sản do họ đề ra.

Một cách công minh, đúng ra, chính quyền mới nên đem xử hết các viên chức này vì các tội mà họ đã gây ra, từ tham nhũng cho tới lạm quyền và đàn áp nhân dân. Nhưng cuối cùng, ngoại trừ tổng bí thư đảng Cộng sản Romani Nicolae Ceausescu bị quần chúng nổi dậy nhanh chóng xử bắn vì tàn ác với nhân dân, hầu hết các chính quyền dân chủ sau cộng sản ở châu Âu đã chọn cách sống chung với lũ — chọn cách không đem xét xử những viên chức trong chính quyền cộng sản.


Những đảng viên tham nhũng chỉ việc lẳng lặng sống với các khoản kếch sù của mình. Còn các đảng viên cộng sản còn muốn hoạt động chỉ cần thay đổi tên đảng và tiếp tục hoạt động chính trị. Thậm chí ở các nước mà nền luật pháp công minh và có phe chống cộng mạnh mẽ như Đức, họ cũng chỉ cho thành lập kho lưu trữ các tài liệu về cộng sản, nhưng người nào muốn xem cũng phải xin phép và cam kết mục đích tham khảo tài liệu. Nhờ vậy mà sau đó một người xuất thân từ Đông Đức cộng sản như bà Angela Merkel không những không bị kỳ thị mà còn có cơ hội làm thủ tướng Đức.

Tại sao các nước châu Âu lại chọn cách đối xử như vậy với các quan chức cộng sản? Đó là bởi vì giữa hai việc, đem xét xử lại các viên chức cộng sản và lật qua một bên quá khứ, thì việc lật qua một bên quá khứ nó đem lại nhiều ích lợi hơn, không gây ra trả thù, xáo trộn, hay tạo ra vết thương trong lòng dân tộc.

Nhiều người lý giải rằng nếu vậy thì tại sao không đem xét xử chỉ những người đứng đầu thôi. Nhưng câu hỏi là ai là người đứng đầu và ai là người thực hiện, và xét xử người đứng đầu tới cấp nào, và cuối cùng xét xử để nhằm mục đích gì?

Răn đe thì răn đe cho ai, vì tất cả viên chức của chế độ cộng sản cũ đã chấp nhận không lập lại chế độ cộng sản? Đòi lại tài sản, thì có được bao nhiêu, khi nó đã được tẩu tán từ rất lâu, vả lại việc tịch thu tài sản càng tạo thêm tâm lý lo sợ của nhiều người khiến cho tài sản phải chuyển ra nước ngoài, gây hại cho nền kinh tế, bởi vì ai cũng thấy rằng trong một nước bị khống chế bởi cộng sản thì phần đông các công ty và hãng xưởng lớn đều có dính dáng ít nhiều đến tay chân cộng sản? Biện minh duy nhất cho việc xét lại do đó chỉ là trả thù. Nhưng, như đã nói, trả thù nó chỉ khoét thêm vết thương vào lòng dân tộc, càng làm cho dân tộc rệu rã và mất đi sinh khí cần thiết cho một cuộc thay đổi toàn diện. Vì vậy mà sau khi xem xét, người châu Âu đã chọn đóng lại trang sử đen tối của mình, chỉ he hé cho những ai quan tâm về mặt học thuật đủ biết.

Cho nên, nhìn lại Việt Nam, các “thanh củi” muốn được yên ấm sống hết cuộc đời với khối tài sản kết xù của mình sau bao năm tham nhũng và đục khoét, giờ đây chỉ còn nước nhanh chóng thúc đẩy một nước Việt Nam dân chủ. Một chính quyền dân chủ non trẻ một cách khôn ngoan nhất là làm như châu Âu, lật qua trang sử mới thay vì đem ra xét xử các viên chức cộng sản nếu họ không muốn đối mặt với một cuộc đảo chính của công an và quân đội, mà phần đông là con em của các giới chức cộng sản.

Các thanh củi cả nước, do đó, cần đoàn kết lại và dân chủ hoá Việt Nam. Đó là con đường sống duy nhất của các vị.

Nguyễn Huy Vũ
7.5.2018