28.5.09

Paul Krugman, lý thuyết mậu dịch và phân bổ hoạt động kinh tế

Paul Krugman đến Việt Nam. Theo lời bạn tôi, giá vé để dự buổi diễn thuyết của ông đến hơn 300 USD, hơn cả giá vé xem một liveshow ca nhạc nổi tiếng và bằng mức thu nhập khá của một công chức tại Sài Gòn. “Quá đắt” – tôi than với hắn như vậy. Giá tiền vào cổng sẽ không đắt như vậy nếu ông chỉ là một vị giáo sư kinh tế học của trường đại học Princeton, bình luận viên kinh tế cho New York Times, từng tốt nghiệp ở MIT ra, và chấm hết; lúc này buổi diễn thuyết của ông hay những phát biểu của ông giá trị cũng cỡ các vị giáo sư Havard hay “cố vấn” cho chính phủ Việt Nam. Đằng này ông nhận giải Nobel kinh tế (giải này do ngân hàng Trung Ương Thụy Điển lập ra để tưởng nhớ Nobel chứ Nobel không có đưa ra giải này trong di chúc) năm ngoái vì “những đóng góp của ông trong việc phân tích các mô hình trao đổi thương mại và sự phân bổ của các hoạt động kinh tế”.

Có nhiều bạn chưa biết nhiều nên nhân tiện xin nói về những đóng góp của Paul Grugman dẫn đến việc trao giải Nobel cho ông.

Đầu tiên phải kể đến những đóng góp của ông cho lý thuyết trao đổi mậu dịch giữa các nước.

Lý thuyết tân cổ điển trước đó đã lý giải rằng hiện tượng các nước trao đổi hàng hóa với nhau tạo ra do sự khác biệt giữa những lợi thế cạnh tranh tương đối của các nước này. Trường phái này có hai nhánh chính. Ricardo cho rằng sự khác biệt tạo ra do khác biệt trình độ công nghệ. Nước có công nghệ tốt có lợi thế so sánh khi sản xuất được xe hơi, chẳng hạn, thì sản xuất ra xe hơi, nước không có lợi thế so sánh trong công nghệ so với nông nghiệp chẳng hạn thì tập trung vào nông nghiệp, ví dụ trồng chuối; nước này tập trung sản xuất và xuất khẩu xe hơi còn nước kia tập trung trồng trọt và xuất khẩu chuối, hai nước trao đổi thương mại cho nhau và phúc lợi xã hội tính theo tổng lượng sản phẩm tạo ra tăng lên. Nhánh thứ hai do Heckscher và Ohlin đề xướng. Hai ông là giáo sư trường kinh tế Stockholm và Ohlin được để cử giải Nobel kinh tế năm 1977. Mô hình Heckscher-Ohlin cho rằng ưu thế cạnh tranh tạo ra do sự dư thừa những nhân tố dành cho sản xuất dẫn đến sự hình thành việc trao đổi thương mại giữa hai nước. Nước có nhiều lao động thì tập trung sản xuất những sản phẩm tận dụng được ưu thế lao động giá rẻ còn nước có ưu thế về vốn thì tập trung sản xuất những sản phẩm đòi hỏi phải đầu tư vốn nhiều, hai nước này trao đổi những sản phẩm cho nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, và nhất là từ thập niên 1980 trở đi, giữa các nước công nghiệp phát triển, bắt đầu hình thành nên một hình thức trao đổi mậu dịch mới. Các nước có những đặc tính kinh tế gần giống nhau trao đổi cùng một sản phẩm với nhau và với thể lượng ngày càng tăng. Ví dụ như Đức với Pháp, Canada với Hoa Kỳ, Thụy Điển với Đức…; Thụy Điển xuất khẩu xe hơi sang Đức đồng thới nhập khẩu xe hơi từ Đức, Đức xuất khẩu hóa chất sang Pháp và nhập khẩu hóa chất từ Pháp….Các mô hình trao đổi kinh tế tân cổ điển không giải thích được nữa.

Đóng góp quan trọng của Krugman xuất hiện trong hai bài báo vào năm 1979 và 1980 đề cập đến một mô hình trao đổi thương mại mới, ở đó trao đổi thương mại giữa hai hoặc nhiều nước xảy ra trong cùng một lĩnh vực (intraindustry), xuất và nhập các sản phẩm trong cùng một lĩnh vực.

Krugman toán hóa các mô hình và giải thích rằng điều này có được do thị trường thích các sản phẩm đa dạng và các nhà sản xuất có được lợi nhuận dựa vào kinh tế số nhiều. Ví dụ người dân Thụy Điển không những chỉ thích xe hơi Volvo mà còn thích xe hơi Mercedes, Audi… nên các nhà buôn xe hơi nhập xe hơi Đức về, trong khi người dân Đức nhiều người lại thích xe Volvo của Thụy Điển nên họ nhập ngược trở lại. Kinh tế số nhiều giải thích rằng thay vì mở các nhà máy ở khắp nới trên thế giới việc tập trung ở một vài nơi để sản xuất và chuyên chở đi xuất khẩu sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Quan trọng nhất của kinh tế dòng chính là toán hóa được các mô hình. Điều này Paul Krugman làm được nhờ những đóng góp của Dixit và Stiglitz về lĩnh vực cạnh tranh độc quyền trước đó không lâu vào năm 1977 với bài báo “Monopolistic competition, and the optimum product diversity” trên tạp chí The American Economic Review.

Đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế địa lý (với bài báo năm 1991), hiện nay được dùng làm mô hình chính để giải thích sự phân bố của các hoạt động kinh tế, trong đó yếu tố chi phí vận chuyển và kinh tế dựa theo số nhiều (economies of scale) đóng vai trò quan trọng. Ở đây, kinh tế số nhiều (economies of scale) có hai loại. Một là nội kinh tế số nhiều (internal economies of scale), nghĩa là bằng việc tái tổ chức doanh nghiệp, tăng số lượng sản phẩm,… sẽ giúp giảm giá cả, chất lượng tăng, tăng sức cạnh tranh. Hai là ngoại kinh tế số nhiều (external economies of scale) đề cập đến hiện tượng một sự phát triển trong lĩnh vực tác động đến doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển; lấy ví dụ máy hơi nước sau khi áp dụng vào ngành công nghiệp may mặc ở Anh giúp cho các công ty ứng dụng kỹ thuật này gia tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Việc tận dụng được ngoại kinh tế số nhiều chủ yếu do việc các công ty tập trung gần nhau và kiến thức từ đó lan tỏa ra các công ty lân cận.

Trong mô hình kinh tế địa lý nhằm giải thích tại sao một số ngành công nghiệp lại tập trung ở một vài nơi như điện tử ở Silicon Valley, phim ảnh ở Hollywood hay ô tô ở Detroit, Paul Krugman cho rằng do một vài nguyên nhân bất kì nào đó, không được biết trước, một vài công ty đã tụ tập lại trong một khu vưc, khu vực này sau đó hấp dẫn các công ty mới, mặc dù việc tụ tập ở những khu vực như vậy chưa chắc là tối ưu cho các công ty vì có thế chi phí ở các khu vực này có thể cao hơn các khu vực khác. Các công ty mới vào khu vực này với mong muốn giảm chi “phí vận chuyển” (transport cost), phí này không hẳn là phí chuyên chở, mà nhiều khi bao gồm cả các chi phí liên quan khác chẳng hạn như việc hình thành trong khu vực này giúp cho việc nhập khẩu nguyên liệu dể hơn do các thủ tục chẳng hạn. Điều này phẩn nào giải thích tại sao ban đầu công nghiệp điện ảnh Mỹ đặt thủ đô ở New York sau chuyển sang Hollywood. (hôm nào rảnh tôi sẽ viết kỹ thêm).

Một yếu tố nữa đó là bằng việc đặt trụ sở gần nhau, các công ty có thể nhận được lợi nhuận qua việc “học hỏi” và “theo dõi” các kỹ thuật lẫn nhau. Một ví dụ là ở công ty Samsung. Samsung không mua được bản quyền sản xuất 64kDRAM, nên quyết tâm phát triển công nghệ VLSI cho riêng mình. Năm 1993 Samsung thành lập một chi nhánh ở Silicon Valley, tuyển 300 kỹ sư có kinh nghiệm về bán dẫn. Đồng thời Samsung thành lập một chi nhánh song song ở Hàn Quốc. Một nhóm nhỏ kỹ sư Hàn Quốc nhận bằng PHD từ các đại học Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao các công nghệ về Hàn Quốc. Hai chi nhánh hợp tác hoạt động và việc chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Samsung trở thành một trong những nhà sản xuất vi mạch tầm cỡ thế giới hiện nay. Mất chỉ 10 năm để nền công nghiệp điện tử Hàn Quốc “lột xác” từ một nước chuyên lắp ráp thành một trong những nơi sản xuất DRAM hàng đầu thế giới.

Tới đây thì chắc bạn sẽ hiểu hơn về trao đổi thương mại và hiểu một chút về FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) - lợi nhuận dẫn dắt con người.

NHV, 24.05.2008