1.9.16

Niềm tin và Chính phủ Việt Nam

Nguồn: Internet.

Dạo trước, nhìn cảnh dân Venezuela xếp từng hàng dài chỉ để mua cho mình từng cuộn giấy toa-lét, bạn hỏi mình tại sao họ không sản xuất nổi một cuộn giấy toa-lét? Không phải là họ không biết cách sản xuất hay cần công nghệ gì ghê gớm, vấn đề là ngày xưa họ đã từng sản xuất và sao bây giờ tất cả hầu như đã đóng cửa. Và đâu là nguyên nhân cuối cùng của mọi nguyên nhân?

Câu trả lời đơn giản nằm chỉ ở thị trường và niềm tin. Khi một doanh nhân cảm thấy không có lợi khi tiếp tục vận hành nhà máy anh ta sẽ ngay lập tức đóng cửa nó để dành tiền đầu tư vào các khoản khác có lợi hơn, hoặc ít nhất là bảo tồn vốn. Những doanh nghiệp sản xuất giấy toa-lét đóng cửa vì họ cảm thấy kinh doanh không có lời, theo một nguyên tắc thị trường.

Nhưng đó chỉ mới là hiện tượng bề nổi. Cái gốc rễ của vấn đề là niềm tin của giới doanh nhân và người dân nói chung đến sự điều hành và chính sách của nhà nước. Khi Venezuela bắt đầu các chương trình quốc hữu hóa cũng đồng thời là lúc các doanh nhân bắt đầu rục rịch chuyển các tài sản giá trị hoặc ra ngoại quốc hoặc dưới các dạng các đầu cư khác nhau để bảo tồn tài sản của mình. Tài sản thay vì đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh bắt đầu chuyển thành tài sản bất động dưới dạng các khoản đầu cơ. Hậu quả là nền sản xuất chậm lại và suy thoái. Đối phó với sự suy thoái chính phủ cho rằng các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và không vì mục tiêu phục vụ nhân dân, chính phủ tiếp tục quốc hữu hóa các doanh nghiệp để nhằm duy trì sản xuất và phục vụ nhân dân. Hậu quả là tiếp tục đẩy các doanh nhân khác vội vã rút chạy khỏi thị trường. Để lại một nền kinh tế không còn khả năng sản xuất. Và khi mà cùng một lượng tiền không đổi tiếp tục lưu hành trong thị trường mà lượng hàng hóa đã sụt giảm nghiêm trọng thì lạm phát tăng vọt lên. Vòng xoáy cứ thế kéo mãi và đẩy Venezuela thành một nền kinh tế phá sản.

Câu chuyện của Venezuela để lại một bài học lớn lao về niềm tin và điều hành chính sách ở tầm mức quốc gia. Chỉ cần một sự duy ý chí có thể đẩy một quốc gia một thời từng là một nước giàu có chỉ trong một thập kỷ ngắn ngủi trở thành một bãi hoang.

Ở Việt Nam, những ngày này bắt đầu nổi lên câu chuyện về rau sạch và thực phẩm sạch nói chung và giá cả đắt đỏ. Với nhiều người, sẽ là một sự ngạc nhiên ở một nước nông nghiệp và số người làm nông nghiệp chiếm đa số mà người dân không thể có nổi những thực phẩm sạch với giá vừa phải để dùng. Đâu là nguồn gốc của vấn đề?

Không khó để nhận ra vấn đề Việt Nam đang đối phó ngày hôm nay không khác vấn đề Venezuela đã và đang phải đối mặt, dù ở một tầm mức nhẹ hơn, đó là niềm tin. Giới doanh nhân ít có một niềm tin đủ lớn vào chính phủ để có thể bỏ hết vốn liếng ra đầu tư kinh doanh, vì có quá nhiều rủi ro khi kinh doanh trong dài hạn. Đó là những rủi ro về lạm phát cao, đồng tiền phá giá so với đồng đô-la Mỹ, rủi ro bị tịch thu đất đai hay tài sản, luật pháp không nghiêm minh, các nhiêu khuê về hành chính…

Những ví dụ đó hãy còn quá mới để người dân có thể quên. Đó là chưa kể đến những hành động bạo lực trong bắt bớ những người bất đồng chính kiến và gán ghép cho những án tù bất kể công lý. Hay nói lấy được trong các phát ngôn về sự an toàn của biển miền Trung mà bất chấp hậu quả của người dân. Chỉ cần nhìn ở hai điều này, nhiều người sẽ nhận ra rằng đây là một chính quyền vừa không tôn trọng luật pháp và nhân dân, vừa không tạo ra được một niềm tin trong nhân dân. Thì với những doanh nhân, làm sao thuyết phục được họ bỏ vốn ra đầu tư? Vì một khi chính phủ không giữ uy tín với nhân dân thì làm sao chính phủ có thể giữ uy tín trong các chính sách và cách đối xử với giới doanh nhân -- cũng chính là nhân dân?

Trong một môi trường như thế, cách các doanh nhân chọn lựa, do đó, là đầu tư nhanh và nếu có tình hình bất lợi thì lập tức rút vốn. Với những doanh nghiệp sản xuất, đối phó với các rủi ro, họ sẽ đưa các chi phí rủi ro vào giá cả, chẳng hạn họ sẽ tăng mức giá bán để cho ra lợi nhuận cao hơn nhằm điều chỉnh với lạm phát và phá giá tiền Đồng. Để rồi cuối cùng người chịu thiệt hại chính là những người tiêu dùng.

Với những người thiếu hiểu biết, họ sẽ cho rằng cứ tiếp tục bắt bớ những người bất đồng chính kiến hay gian dối về các phát ngôn trong khi đó chỉ cần tuân thủ các cam kết chính sách về kinh tế là đủ. Nhưng một khi chính quyền không tạo ra một niềm tin nơi nhân dân, một chính sách đưa ra thực thi may ra chỉ có được một nửa tác dụng. Người dân, đặc biệt là giới đầu tư, luôn nhìn chính quyền với nửa con mắt của cảnh giác. Vì với những nhà đầu tư, làm sao có thể tin được một chính quyền gian dối bằng sự trọn vẹn của trái tim?

Trong những tháng đầu của năm tới đây, Việt Nam dưới sự trợ giúp của International Finance Corporation sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu đầu tiên và sau đó sẽ cần tới sự phát triển các công ty đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp mà từ đó mới có thể định giá trái phiếu doanh nghiệp. Đó là những bước đi đúng nhằm phát triển thị trường tài chính giúp vận động tài chính cho các doanh nghiệp. Nhưng sự phát triển của các công ty đánh giá tín nhiệm, hay muốn có một sự cam kết đầu tư lâu dài nhiều hơn từ các tổ chức và nhân dân, bắt buộc chính phủ phải xây dựng một niềm tin, để từ đó mới tạo được một niềm tin trong chính sách. Và để có được niềm tin đó thì các hành động phải nhất quán, không chỉ có trong kinh tế, mà còn ở các hành xử chính trị. Bằng không, khi không có một niềm tin, sự sụp đổ và lụn bại sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Venezuela đã đưa ra một ví dụ.

OL, 26.8.2016