27.9.16

Xây dựng hệ thống thoát nước cho Sài Gòn

Nguồn: Internet.
Sau cơn mưa vào chiều ngày 26.9, cả Sài Gòn như chìm vào cơn lũ. Mặc cho người dân bơi, vật lộn giữa dòng nước cùng những khó khăn và mất mát, không một lãnh đạo nào chịu trách nhiệm cho những bất tiện và chịu đựng của người dân. Hệ thống thoát nước là một công trình đầu tư trọng điểm của thành phố và cơn mưa nhấn chìm thành phố là một phép thử để đưa ra kết luận rằng tất cả chỉ là một sự vô dụng và lãng phí. Điều đáng nói là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước không hề nhỏ, và lần đầu tư gần đây nhất được gọi là siêu dự án với chi phí lên tới 27.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó 666 triệu đô la Mỹ là vay từ Ngân hàng Thế giới. Dù đầu tư với chi phí khủng như vậy, nhưng các lãnh đạo thành phố dường như bất lực không thể đưa ra một giải pháp nào để giải quyết tình trạng ngập lụt thậm chí còn than rằng sống chung với ngập chứ chống không nổi.

Vậy, thiết kế và xây dựng một hệ thống thoát nước cho thành phố có khó không?

Với những ai đã học kỹ thuật, có một chút kiến thức về thiết kế hạ tầng, và chịu tìm hiểu, câu trả lời sẽ là không khó. Kỹ thuật thoát nước đã được thực hiện khắp các thành phố hiện đại trên thế giới hàng trăm năm nay, và câu chuyện chỉ còn là chọn lựa kỹ thuật và kết hợp các kỹ thuật sao cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Với bất kỳ một dự án kỹ thuật nào, người quản lý sẽ phải dựa vào ba tiêu chí để chọn lựa phương pháp xây dựng cho công trình, đó là tính nguyên lý, tính kỹ thuật, và tính kinh tế. Về mặt nguyên lý, nước chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp. Muốn hết ngập hãy làm hệ thống cống rãnh dẫn nước từ trong thành phố ra các sông hồ tự nhiên có mực nước thấp hơn. Trong trường hợp mực nước ở sông, hồ cao hơn trong nội thành do triều cường thì chặn cống lại bằng hệ thống van một chiều (chỉ cho nước chảy ra sông mà không cho nước chảy ngược lại) hoặc chuyển nước tới một hồ chứa nước và bơm ra sông, hồ. Câu chuyện còn lại chỉ còn là chọn lựa các kỹ thuật sao cho hiệu quả nhất về mặt kinh tế, không những cho thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai có thể phải nâng cấp hệ thống.

Một hệ thống tiết kiệm nhất sẽ là một sự kết hợp giữa thoát nước một cách tự nhiên và thoát nước dựa vào công nghệ bơm thủy lực. Thành phố sẽ được chia thành những khu vực khác nhau, tùy từng khu vực mà sẽ chọn một hệ thống thoát nước khác nhau.

Nếu ở những khu vực gần các hồ, hoặc sông rạch không có triều cường, sẽ tận dụng việc thoát nước tự nhiên. Các rãnh thoát nước được xây chìm dọc theo hai bên mép đường để dẫn nước đến một cống chính hoặc một kênh thoát nước rồi từ đó dẫn ra sông, hồ. Các hệ thống rãnh dẫn nước hai bên đường và kênh dẫn nước chính của Singapore, đặc biệt ở khu vực Jurong, là một tham khảo. Hệ thống rãnh của Singapore có ưu điểm là dễ dàng được nạo vét.

Ở những khu vực thỉnh thoảng có triều cường khiến nước sông cao hơn mực nước cống khiến cho nước sông theo cống tràn vào thành phố, cần lắp đặt hệ thống van một chiều chỉ cho nước chảy ra sông mà không cho phép chảy ngược trở lại khi triều cường.

Ở những khu vực thấp, hoặc mặt bằng thành phố thấp so với mực nước sông hoặc thường xuyên xảy ra triều cường, chọn một đoạn kênh đủ lớn và xây đập ở hai đầu đoạn kênh để dùng làm hồ thoát nước. Ở hai đập của kênh, cho đặt hai hệ thống van một chiều chỉ cho phép nước từ trong đoạn kênh này chảy một chiều ra ngoài. Khi mực nước trong đoạn kênh này thấp hơn mực nước cống thành phố, nước cống sẽ theo hệ thống cống chảy ra kênh. Nếu nước trong kênh giữa hai đập cao hơn mực nước ngoài đập nước sẽ tự chảy ra ngoài. Ngược lại, khi triều cường xảy ra, nước ở ngoài cao hơn nước trong đập, van sẽ tự động đóng cửa đập, lưu trữ nước trong đập, và vì vậy thành phố cũng tránh được ngập do triều cường. Đoạn kênh giữa hai đầu đập cần phải đủ dài và nạo vét đủ sâu để chứa được lượng nước trong thành phố chảy ra trong trường hợp mưa lớn, và đây là một bài toán không khó. Nếu như ở Nhật họ xây dựng các bể chứa ngầm dưới đất thì Sài Gòn có thể tận dụng các con kênh ngăn lại thành các hồ chứa nước tự nhiên, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. 

Và cuối cùng, trước khi phân chia thành phố thành những khu vực khác nhau để lựa chọn xây dựng các hệ thống thoát nước phù hợp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng một mô hình thoát nước và chạy mô phỏng cho toàn thành phố. Có rất nhiều phần mềm thương mại trên thị trường cho phép thực hiện công việc này một cách dễ dàng.

Cái khó của việc xây dựng một hệ thống thoát nước cho thành phố không phải ở thiếu tiền và kỹ thuật, mà là thiếu người quản lý có tâm và trình độ.

OL, 28.9.2016

------------------------

Đọc thêm:

Báo Lao Động. 18/12/2013. «666 triệu USD đầu tư cho các dự án thoát nước tại TP.Hồ Chí Minh: Không thể giải quyết triệt để ngập.»

http://laodong.com.vn/moi-truong/666-trieu-usd-dau-tu-cho-cac-du-an-thoat-nuoc-tai-tpho-chi-minh-khong-the-giai-quyet-triet-de-ngap-165956.bld