1.11.08

Tìm hiểu về Du Học

Vào một buổi chiều cách đây khoảng gần bảy năm, khi tôi - là một học sinh năm lớp 12 chuẩn bị thi đại học - đang học bài thì một người bạn cùng nhà chạy xuống kêu lên xem tivi về chương trình giới thiệu thông tin du học. Chương trình dẫn dắt bởi một truyền hình viên phỏng vấn ba bạn trẻ có cơ hội đang du học ở nước ngoài. Cũng như nhiều bạn học sinh khác, du học là một niềm đam mê không phải chỉ của riêng ai, mà hầu như học sinh nào cũng có, ít hay nhiều, và mãnh liệt hay không nó còn phụ thuộc vào khả năng và hoàn cảnh mà mỗi người thường tự đề ra cho mình. Du học bao gồm du và học, vừa đi du lịch và vừa học tập, ai mà chẳng thích đặc biệt là các bạn trẻ một thời như tôi. Ngoài chuyện bạn có cơ hội khám phá và hiểu biết về một vùng đất mới, trải nghiệm những văn hóa mới, bạn còn có cơ hội lấy được một mảnh bằng và nhiều kiến thức quý báu làm hành trang cho sự nghiệp tương lai của mình. Tôi chăm chú theo dõi cuộc phỏng vấn trên tivi với hi vọng có thêm thông tin về tìm kiếm học bổng để du học. Kết thúc chương trình, thông tin mà tôi có được là các bạn trẻ này kiếm được học bổng nhờ internet: tìm kiếm học bổng trên internet, rồi nộp đơn, phỏng vấn, nhận học bổng. Cách đây bảy năm, khi internet còn là một phương tiện xa xỉ đổi với một học sinh như tôi, và lúc đó tôi chưa biết sử dụng internet, mặc dù tôi là một học sinh ở một trường chuyên cấp tỉnh (Nha Trang - Khánh Hòa), những thông tin trên chỉ là những thông tin tham khảo, nó đến rồi đi, thậm chí không gây được cho tôi một cảm hứng nào đề bắt đầu đi tìm học bổng du học. Đơn giản bởi vì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và nên đi như thế nào. Ý muốn cung cấp các thông tin du học và các thông tin liên quan một cách vô vị lợi nhằm giúp các bạn trẻ đang tìm học bổng du học một thời như tôi đeo đuổi tôi mãi đến sau này tôi thành lập trang web www.lenduongduhoc.com. Trang web hoạt động được hơn một năm thì do bận công việc, đành đóng cửa, vả lại có nhiều trang web khác làm tốt hơn trong việc thu thập thông tin du học, do đó, tôi nghĩ cách tốt hơn là giới thiệu các trang này (trong phần Scholarship Links bên tay phải) đồng thời hướng dẫn thêm các bước cần thiết cho hành trình tìm học bổng du học đầy gian nan đối với nhiều bạn trẻ.

Để đạt được một mục tiêu, chúng ta ai cũng bắt đầu bằng ba bước:

- Chúng ta muốn gì ?
- Chúng ta đang có gì ?
- Và, chúng ta cần làm gì (để đạt được mục tiêu)?

Ở đây,
- Chúng ta muốn đi du học.
- Chúng ta đã có gì rồi ? Một tấm bằng loại khá trở lên ? Một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ? Có thông tin về trường hoặc nước chúng ta muốn học chưa ?
- Chúng ta cần làm gì ? Nếu chúng ta có các điểm chính cơ bản trên, chúng ta chỉ việc nộp đơn và đợi. Xong. Tuy nhiên, nếu chưa có một trong các điều trên thì ta phải tìm kiếm, và công cụ quan trọng và hữu dụng nhất là internet.

Để tìm kiếm thông tin trên internet hiệu quả, bạn phải làm quen với việc dùng chương trình www.google.com để tìm kiếm thông tin một cách thành thạo và một khả năng ngoại ngữ tương đối tốt để lọc thông tin.

Thông thường, khi bắt đầu muốn du học, bạn chỉ có duy nhất một niềm tin. Tất cả các thông tin khác hầu như chỉ là con số không hoặc chỉ một ít, có được từ bạn bè hoặc người thân truyền lại, nhiều khi không chính xác.

Để bắt đầu, bạn phải định hướng trước bạn muốn chọn ngôn ngữ nào và nước nào cho khóa học của bạn. Sau đó, bạn tìm danh sách các trang web của các trường đại học, cao đẳng của nước đó, vào từng trang web của từng trường một, tìm khóa học của bạn, nếu ưng ý, nên tìm xem có các chương trình học bổng hỗ trợ cho các khóa học đó không, sau đó thì xem tiếp các điều kiện để nộp đơn cho khóa học, và thời hạn nộp đơn. Việc còn lại là bạn chuẩn bị hồ sơ theo các điều kiện, nộp đơn trước thời hạn và chú ý gửi đơn bảo đảm để tránh thất lạc.

Một trang web chuyên lưu trữ danh sách các trường đại học trên thế giới là: http://www.webometrics.info/

Một số kinh nghiệm là các ở các nước châu Âu thường cung cấp khá nhiều học bổng cho học sinh các nước đang phát triển, hoặc chỉ thu học phí với mức tượng trương. Một số nước như Phần Lan, Nauy, Đan Mạch, Thụy Điển có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho cấp bậc đại học và sau đại học. Riêng học phí giáo dục tại Phần Lan, Nauy, Thụy Điển thì được miễn kể cả cho sinh viên quốc tế. Đan Mạch tuy không miễn học phí cho sinh viên quốc tế nhưng có các chương trình học bổng. Việc đi làm thêm cuối tuần có thể giúp bạn trang trải được cuộc sống.

Ở Á Châu, trong vòng vài năm gần đây, Singapore nổi lên như một địa điểm thu hút các sinh viên Việt Nam qua học. Hàng năm, hai trường đại học Nanyang Technological University và National University of Singapore thường tổ chức thi tuyển sinh viên tại Việt Nam. Sinh viên đậu được kì thi sẽ được cho vay (học phí và tiền ăn ở) để học hết khóa học, các sinh viên nổi bật trong kì thi sẽ được nhận học bổng. Để biết thêm chi tiết các bạn có thể tham khảo trên trang web của các trường trên.

Ngoài Nhật Bản, Úc, New Zealand, các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc cũng ngày càng thu hút thêm nhiều du học sinh Việt Nam.

Điều quan trọng đối với mỗi người là THỜI GIAN. Thời gian gắn liến với cơ hội. Cơ hội được đi học năm nay khác với cơ hội được đi học năm sau và thường đi càng sớm thì càng tốt, vì các trường nước ngoài thường bắt sinh viên phải học lại nếu bạn đang học dang dở đại học.

Lã Bất Vi làm thầy giáo cho Tần Thủy Hoàng lúc còn là một thiếu niên. Tần Thủy Hoàng nhiều lần thất bại khi đấu vật với một đối thủ và đâm sinh ra nản. Lã Bất Vi có một câu nói dạy cho Tần Thủy Hoàng: “con người hơn nhau là ý chí”. Tần Thủy Hoàng ngày đêm ràn luyện, cố gắng vận dụng mọi chiêu thức, kể cả chơi xấu để cuối cùng thắng được đối thủ của mình. Kể câu chuyện Tàu trên đây không phải bởi vì tôi “ngưỡng mộ” hai nhân vật lịch sử bên Tàu mà bởi vì câu nói trên của Lã Bất Vi rất đúng. “Con người hơn nhau là ý chí”, nếu bạn không có ý chí kiên cường quyết tâm đi du học thì vận may cũng khó đến.