19.11.08

Tại sao giá vẫn tăng ?




Tin tức từ trong nước cho hay lạm phát bắt đầu giảm - kết quả của chính sách tiền tệ thông qua việc nâng lãi suất và sự điều chỉnh chính sách tài khóa qua việc cắt giảm các khoản đầu tư công được cho là không hiệu quả và bừa bãi. Giá cả hàng hóa vẫn tăng đặc biệt là nhóm thực phẩm; đó là một hệ quả của chính sách tiền tệ hiện nay và chính sách tài khóa trước đây và còn kéo dài đến hiện nay.

Việc nâng lãi suất ngân hàng quá cao lên trên 15%, khiến cho các cơ sở sản xuất kinh doanh e ngại và khó tiếp cận được vốn, hậu quả là các cơ sở này ngừng việc mở rộng sản xuất kinh doanh và thậm chí giảm hoạt động sản xuất. Điều này dẫn đến hàng hóa trong nước ngày càng khan hiếm. Mặc khác, trong môi trường kinh tế tại Việt Nam, khi mà một lượng lớn các công ăn việc làm được tạo ra bởi các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ và qua các hoạt động nông nghiệp – những lĩnh vực mà việc nâng lãi suất cơ bản không có nhiều tác động trực tiếp -, sức mua vẫn không giảm nhiều khi ngân hàng nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ . Ở đây, thực chất sức mua chỉ giảm do giá cả tăng vọt trong khi thu nhập người dân không tăng trong một khoản thời gian quá ngắn. Khi nguồn cung giảm mạnh do việc đình trệ trong sản xuất kinh doanh do khó tiếp cận vốn của các cơ sở sản xuất lớn trong khi mức cầu hàng hóa từ thị trường không giảm nhiều, cùng với việc nâng mức lương cho nhân viên trong tình hình giá cả tăng vọt và chi phí đầu vào tăng lên là những nguyên nhân quan trọng khiến giá hàng hóa vẫn tăng trong ngắn hạn.

Chính sách tiền tệ hiện nay chỉ mang tính chữa cháy. Vấn đề cơ bản là sự phát triển kinh tế của Việt Nam không tạo ra được một nền tảng công nghiệp sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và kết quả là phụ thuộc vào các dao động bên ngoài. Việc các công ty nhà nước và nhiều công ty tư nhân tập trung vào các dự án xây dựng, tài chính, ngân hàng, giải trí, công nghệ thông tin trong khi đó lại bỏ quên các lĩnh vực sản xuất chế biến, phân phối và nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và chế biến thực phẩm là một nguyên nhân mang tính cấu trúc dẫn đến việc giá cả thực phẩm tăng vọt. Các dự án của chính phủ hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh cho đến nay chỉ tập trung vào sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm đầu vào cho các hoạt động chăn nuôi lại phải nhập từ nước ngoài. Giá cả đầu vào tăng khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên. Mặc khác, bản thân các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ mang tính gia đình chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu tự cung, tự cấp và không tận dụng được ưu điểm của kinh tế số nhiều (economies of scale) giúp giảm giá thành sản phẩm.

Việc dùng chính sách tài khóa nhằm bơm tiền ra ngoài, tạo công ăn việc làm cho người dân, trong khi các công ty tư nhân lẫn nhà nước lại tập trung duy nhất chỉ vào các dự án công nghiệp, khiến cho sức mua trong nước tăng lên khi nhu cầu sản xuất trong nước không theo kịp sẽ tiếp tục dẫn đến một chu trình lạm phát trong tương lai không xa và là một tác nhân đóng góp vào tình trạng nhập siêu trong ngắn hạn.

Đã đến lúc chính phủ cần có một chiến lược hợp lý nhằm phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, dành một quan tâm đặc biệt đến chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối, đồng thời quy hoạch những đặc khu nông nghiệp dành cho việc trồng trọt, chăn nuôi giúp tận dụng được ưu điểm của kinh tế số nhiều nhằm làm giảm chi phí. Nhu cầu thực phẩm của người dân không chỉ có duy nhất lúa gạo khi thu nhập người dân ngày một đi lên cùng với nền kinh tế.

Cuối cùng, những tín hiệu phát ra từ những quan chức nhà nước về những biện pháp đối phó với tình trạng lạm phát khiến cho nhiều người không khỏi nghĩ rằng chính phủ chưa có được một sự thảo luận nhất trí trước khi đưa ra các ý kiến. Đây là điều khá nhạy cảm đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là những tín hiệu từ ngân hàng trung ương. Việc có được những thông tin về chính sách rõ ràng và có thể tin được sẽ giúp chính phủ bình ổn thị trường dễ dàng hơn, tránh bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Ngân hàng trung ương cũng nên có những báo cáo định kỳ khoảng 3 tháng một lần về chính sách của mình trong giai đoạn ngắn hạn. Ngoài ra, việc “mở cửa” và cởi mở hơn đối với giới học thuật cũng sẽ làm tăng thêm uy tín và kinh nghiệm cho ngân hàng. Bằng cách tổ chức những hội thảo định kì về chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng và tổ chức một bộ phận nghiên cứu đặc biệt về kinh tế ngay trong ngân hàng sẽ giúp nâng vị trí và uy tín của mình.
Rộng ra, khi mà nền kinh tế Việt Nam ngày một tích hợp sâu vào thị trường thế giới, với lợi thế các chuyên gia kinh tế Việt Nam có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, việc chính phủ có một ban tư vấn chính sách kinh tế bao gồm cả các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài sẽ giúp đỡ được rất nhiều trong việc nắm bắt thông tin để có được những đối sách thích hợp cho nền kinh tế trong nước.

Nguyễn Huy Vũ
11.2008.

P/S:
Nhân đọc bài: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/813078/