15.2.14

Lừa đảo tài chính

Đầu thế kỷ 20, một người Ý tên Charles Ponzi lên thuyền sang nước Mỹ, với vỏn vẹn chưa tới 3 đô la Mỹ trong túi, để thực hiện giấc mơ Mỹ. Và quả thật giấc mơ của ông thành công sau 20 năm; từ chỗ chỉ có chưa tới 3 đô la kể từ lúc đặt chân đến Mỹ, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, ông có trong túi hàng triệu đô la Mỹ.  Bằng cách lúc đầu buôn bán ăn chênh lệch trên thị trường tem; sau đó chuyển sang hình thức kêu khách hàng góp vốn và hứa hẹn một lãi suất cao bất ngờ trong một thời gian ngắn, sau đó lấy tiền của khách hàng sau trả tiền cho khách hàng trước và phần còn lại để mình tiêu xài. Vòng xoáy sẽ tiếp tục cho đến một ngày những nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng sinh lời của phương thức kinh doanh của Ponzi và bắt đầu rút tiền. Ponzi lúc này không còn tiền trả cho khách hàng trước và công ty sụp đổ. Sau một loạt cáo buộc phải ở tù và cuối cùng bị trục xuất, Ponzi chết trong nghèo hèn. 

Trò chơi Ponzi ghi dấu trong lãnh vực tài chính như một ví dụ cơ bản cho bong bóng tài chính. Ponzi cuối cùng phải trả giá cho hành động của mình.

Ở Việt Nam mình, gần đây hàng loạt vụ vỡ hụi, và chủ hụi ôm hàng chục tỉ đồng, bỏ trốn. Con hụi ôm hận: người khóc, người chửi, người thuê giang hồ truy đuổi, người xiết nợ, người yếu quá thì sốc rồi chết. Con hụi bất lực vì các giao kèo bằng giấy tay và chính quyền không muốn can thiệp, phủi tay, bảo đó là giao dịch dân sự và các giấy viết tay không phải là bằng chứng pháp lý đầy đủ.

Đây cũng là một trò chơi Ponzi và những chủ hụi đáng ra phải bị tội lừa đảo và bị phạt hoàn trả tiền cho con hụi. Ở bên phương Tây, các giao dịch đôi khi chỉ là một cái email xác nhận là một giao dịch được thực hiện, và giá trị của một tờ giấy viết tay đã có ý nghĩa pháp lý tương đương như là một hợp đồng.

Một lần nữa, nhiệm vụ của Ngân Hàng Trung Ương phải có một cơ chế quy định chủ hụi, cũng như các cá nhân muốn kinh doanh tài chính, đăng kí, quản lý, đóng thuế, và xét cấp giấy chứng nhận. Có như vậy thì những vụ vỡ hụi mới giảm và người nghèo mới đỡ mất tiền. Nhưng tiếc là những cơ chế, chính sách đáng làm như vậy xem ra không đem lại nhiều lợi nhuận như kinh doanh vàng, nên có vẻ chưa thấy Ngân Hàng Nhà Nước mình đá động gì ?

Có bạn cho rằng đây là thị trường đen thì quan điểm của mình là chính vì là thị trường đen nên mới cần đến luật lệ của Ngân Hàng Nhà Nước bảo vệ người tham gia. Còn nếu là thị trường chính thống thì đã có sẵn luật lệ rồi. 

Giải quyết như thế nào ? Ngân Hàng Nhà Nước ra quy định, các chủ hụi phải đăng kí giấy kinh doanh, và đóng thuế, vì trước hết đây là một hoạt động kinh doanh. Thứ hai, vì đây là hoạt động tín dụng nên phải khai báo mỗi 3 tháng với chi nhánh của Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh địa phương, có sẵn đơn, các chủ hụi phải điền và kí tên các con hụi với tên tuổi đã đóng bao nhiêu tiền. Thứ ba, các con hụi sẽ được bảo lãnh bởi Ngân Hàng Nhà Nước số tiền bị mất với con số tối đa, chẳng hạn 30 triệu, trong trường hợp chủ hụi có đăng kí vỡ nợ. Cuối cùng, chủ hụi nào không đăng kí sẽ bị phạt nặng. Làm như vậy, sẽ phân biệt được đâu là chủ hụi có đăng kí hợp pháp và đâu là chủ hụi có tính lừa đảo. Con hụi cũng sẽ chọn chủ hụi có đăng kí mà tham gia vì như vậy, con hụi sẽ được bảo đảm một phần tài sản.

Những quy định trên không có gì mới và thế giới đã áp dụng. Ở Mỹ các tổ chức tài chính nhỏ nhan nhác và phá sản liên tục. Duy chỉ có những tổ chức đăng kí thì được chính quyền bảo lãnh. Các cơ quan như FDIC, FINRA hay SIPC đóng vai trò như những cơ quan độc lập giúp giám sát các hoạt động tài chính của các công ty tài chính.

Oslo, 10.8.2013