Sai lầm lớn nhất của Việt Nam Cộng Hoà đó là đã chọn lựa chế độ tổng thống. Khi chọn lựa chế độ tổng thống, nhiều người nghĩ rằng điều đó sẽ giúp tạo nên một chế độ ổn định và mạnh mẽ bằng cách cố định nhiệm kỳ của một tổng thống và trao cho ông ta nhiều quyền lực. Đó là một sai lầm cực kỳ lớn. Bởi trong trường hợp khi mà một tổng thống đã quá mất uy tín, không có khả năng và chịu nhiều sự chống đối, hoặc đột ngột không thể đảm nhiệm chức vụ vì các vấn đề sức khoẻ, bị ám sát, hay truất phế thì chế độ dễ dàng và nhanh chóng rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc mà phải mất ít nhất vài năm sau mới khôi phục lại tình hình. Trong thời chiến, sự khủng hoảng chính trị càng có nhiều tác động lớn lao, nó khiến quốc gia bị mất thăng bằng, định hướng, gây hoang mang, và tạo ra một tình trạng chia rẽ trầm trọng. Việc tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị ép phải từ chức là hai trường hợp điển hình. Sự ám sát anh em tổng thống Ngô Đình Diệm nhanh chóng để lại một thời kỳ hỗn loạn chính trị trong 5 năm, từ năm 1963 đến 1968. Sự ổn định chỉ trở lại khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đắc cử năm 1968. Và đến khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bị ép phải từ chức thì cũng là lúc chế độ Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ.
Sự thiếu ổn định về chính trị khiến cho các chính sách của Việt Nam Cộng Hoà từ kinh tế cho đến quốc phòng chỉ mang tính chắp vá và đối phó, phần nhiều phụ thuộc vào sự hướng dẫn của người Mỹ. Chính vì thiếu sự liên tục về chính trị này mà Việt Nam Cộng Hoà đã không có được một sự chuẩn bị chu đáo cho một cuộc chiến lâu dài nhằm bảo vệ cho nền độc lập của mình. Trong 9 năm từ 1954 cho đến 1963, chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ có đủ thời gian để tái dựng nền kinh tế và lo toan cho những đồng bào di cư từ miền Bắc vào Nam; và trong 7 năm từ 1968 đến 1975 chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ có đủ thời gian ổn định trật tự chính trị, đối phó về mặt ngoại giao nhằm chuẩn bị cho Hoà đàm Paris sau cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản vào Tết Mậu Thân 1968.
Nhiều người Việt, kể cả các trí thức, không chịu tìm hiểu một cách cặn kẽ mô hình tổng thống của Hoa Kỳ mà chỉ hời hợt nhìn hệ thống tổng thống rồi áp dụng cho Việt Nam. Mô hình tổng thống của Hoa Kỳ có hai đặc tính quan trọng, đó là phân quyền và tản quyền. Phân quyền giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tản quyền giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Chính quyền tiểu bang gần như là một bản sao thu nhỏ của chính quyền liên bang. Chính vì vậy mà sự đối soát và cân bằng (check & balance) trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ nó vừa mang tính chiều ngang tức giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp, vừa mang tính chiều dọc tức giữa chính quyền liên bang và các chính quyền tiểu bang. Có như vậy thì chính quyền của tổng thống mới không lạm quyền.
Tuy vậy, khi chế độ tổng thống đem về áp dụng tại Việt Nam thì nó biến tướng thành một chế độ tập quyền và kém phân quyền. Không có chế độ liên bang ở Việt Nam cho nên tất cả quyền lực ở địa phương tập trung về trung ương. Sự phân quyền giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp do đó trở nên kém hẳn, khi quyền lực chủ yếu tập trung về phủ tổng thống. Hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hoà cho thấy rằng tổng thống có quyền bổ nhiệm và bãi chức tất cả các viên chức dân sự và quân sự nhưng ngược lại quốc hội lại không có quyền truất phế tổng thống. Còn bản Hiến pháp của nền Đệ nhị Cộng hoà là một sự rối rắm kinh khủng. Những người phác thảo bản hiến pháp muốn một chế độ mới có sự phân chia quyền lực giữa tổng thống và thủ tướng đại diện quốc hội nhằm tránh tập trung tất cả quyền lực về tay tổng thống, nhưng có lẽ họ không biết phải phân chia thế nào, và cuối cùng chính vì sự rối rắm trong phân chia quyền lực này mà quyền lực lại tiếp tục tập trung vào tay của tổng thống. Độc giả muốn hiểu sự nguy hiểm của tập quyền và kém phân quyền hãy tưởng tượng cảnh tổng thống Donald Trump có quyền bổ nhiệm tất cả các thống đốc bang và nắm quyền lấn át cả quốc hội Hoa Kỳ. Hậu quả cuối cùng là vì quốc hội không có một cơ chế nào để truất phế được tổng thống Ngô Đình Diệm nên kịch bản cuối cùng mà người Mỹ đã chọn ra là đảo chính. Riêng đối với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông đắc cử chỉ với vỏn vẹn 34,4% tổng số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống một vòng năm 1967, chỉ mới bằng khoảng một nửa số phiếu mà liên minh cầm quyền trong một chế độ nghị viện có được. Vì vậy mà dù được trao nhiều quyền lực nhưng sự ủng hộ của dân chúng dành cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rất thấp.
Không hiểu vì lý do gì đã khiến ông Ngô Đình Diệm chọn chế độ tổng thống. Vì nếu ông chọn chế độ quân chủ - nghị viện, tương tự như mô hình của Hoàng gia Anh hay Nhật, thì số phận của ông và chế độ có lẽ cũng đã khác. Bằng cách thiết lập một bản hiến pháp khó sửa đổi, rồi để ông hoàng Bảo Đại làm một vị vua tượng tương, với quyền lực chủ yếu tập trung vào nội các thủ tướng, như vậy, ông vừa có được sự ủng hộ của nhiều người, vừa tránh được mũi dùi tấn công của nhiều người vào chế độ, vì chế độ lúc này đứng đầu là vua Bảo Đại. Khi nhận được sự chống đối, ông chỉ cần từ chức để cho một phó thủ tướng lên thay, đảng Cần Lao của ông sẽ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát chính phủ và quốc hội, tiếp tục duy trì ảnh hưởng lên đường lối chính sách quốc gia. Như vậy, dù có ông hay không thì chính sách không thay đổi nhiều, ông cũng có thể ảnh hưởng lên chính sách từ phía sau tấm rèm và khi thời cơ thuận tiện thì quay lại làm thủ tướng.
Nhiều người lo ngại rằng chế độ nghị viện ít ổn định nên khó dẫn dắt đất nước trong thời điểm chiến tranh. Hãy cùng nhìn lại lịch sử của Israel (Do Thái) và cả lịch sử của nước Anh. Cả hai nước này đều theo chế độ nghị viện và mạnh mẽ chống chọi lại các cuộc chiến khác nhau. Vậy làm sao để có một chính phủ nghị viện mạnh và ổn định? Thứ nhất, việc bầu cử có thể áp dụng phương thức đa số tương đối (majority voting) kiểu Anh, hoặc theo phương pháp tỉ lệ (propotional voting) nhưng chỉ những đảng có ít nhất 5% tổng số phiếu bầu mới được vào quốc hội nhằm tránh sự xuất hiện các đảng quá nhỏ. Các nước Israel, Nauy, Thuỵ Điển, Đức có những mức giới hạn khác nhau từ 3% đến 5%. Việc bầu theo tỉ lệ khiến cho xuất hiện tính đa dạng nhiều hơn trong quốc hội và chính phủ dễ dàng đối thoại với các đại diện khuynh hướng chính trị khác nhau trong quốc hội thay vì là trên đường phố. Đức thực hiện một phương pháp nhằm kết hợp cả hai phương pháp bầu theo đa số tương đối và bầu theo tỉ lệ, đây là một phương thức mà một nước Việt Nam dân chủ nên học hỏi. Thứ hai, để chính phủ ổn định hơn thì không cho phép chính phủ giải tán quốc hội hoặc quốc hội tự giải tán, mà quốc hội chỉ có thể bầu ra một thủ tướng khác thay thế nếu thủ tướng đương nhiệm mất uy tín. Thứ ba, nên thực hiện tản quyền về địa phương, để các địa phương chịu trách nhiệm trong các vấn đề an ninh, văn hoá, giáo dục, và kinh tế. Các sáng kiến của chính quyền địa phương là bài học cho chính quyền trung ương và các địa phương khác. Chính quyền trung ương và hệ thống luật pháp chịu trách nhiệm giám sát chính quyền địa phương tránh lạm quyền và ly khai là đủ. Và cuối cùng, thực hiện chế độ hai viện, một viện gồm các dân biểu có nhiệm vụ bầu ra chính phủ và một viện gồm các đại diện của chính quyền địa phương đại diện cho toàn quốc gia, tương tự như mô hình của Đức.
Nếu nền Đệ nhất Cộng hoà thực hiện được một chế độ nghị viện như được đề xuất ở trên, những chính sách được đưa ra ắt hẳn đã giảm đi rất nhiều sự chống đối của nhân dân trên đường phố, bởi vì nếu có sự chống đối thì nó đã diễn ra trước tiên ở nghị trường. Những chính sách được đưa ra do đó sẽ là một sự dung hoà, lắng nghe các khuynh hướng. Nó không khiến suy yếu quốc gia, mà ngược lại giúp tăng cường uy tín của chính phủ. Việc duy trì được một thể chế dân chủ ổn định nó cũng sẽ giúp đánh tan những quy chụp về một chế độ độc tài, tăng cường tính chính danh và giúp nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia trên trường quốc tế.
Sai lầm lớn thứ hai của chế độ Việt Nam Cộng Hoà đó là không có một chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và nghiêm túc cho cả nam và nữ. Một quốc gia đứng trước hiểm hoạ ngoại xâm thì phải luôn luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước. Với một dân số 20 triệu người, nếu Việt Nam Cộng Hoà thực hiện một chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho cả nam và nữ một cách nghiêm túc, bất kể trình độ học vấn, nam và nữ đến tuổi 16 buộc phải đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì có lẽ Việt Nam Cộng Hoà luôn luôn có sẵn một lực lượng dự bị ít nhất là 5 triệu người, cộng thêm với lực lượng chính quy khoảng gần 1 triệu nữa thì đủ sức bảo vệ lãnh thổ. Hai năm quân sự này, các học viên vừa có thể học văn hoá tương đương như hai năm cuối cấp vừa được học chính trị và quân sự. Khoảng thời gian này vừa giúp đào tạo tân binh vừa có thể dạy dỗ về kỹ năng, văn hoá, đạo đức và tư tưởng chính trị. Và như vậy, một cách trực tiếp, nó vừa giúp bổ sung lực lượng dự bị, vừa ngăn chặn việc truyền nhiễm tư tưởng cộng sản khi các sinh viên bước chân vào các đại học. Sau khi thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự 2 năm, mỗi tuần một lần vào cuối tuần, các học viên lại tiếp tục thực hành theo các đơn vị dự bị tại địa phương. Israel đã luôn luôn thực hiện một chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc nghiêm túc như vậy nhằm bảo vệ đất nước trước một thế giới Ả Rập đông gấp nhiều lần mình.
Sai lầm thứ ba đó là giới cầm quyền cấp cao nhất và giới trí thức đa phần đã không có một viễn kiến cảnh Hoa Kỳ có thể bỏ rơi một đồng minh ngay từ sớm, ít nhất là 10 đến 20 năm, để mà chuẩn bị chu đáo cho một cuộc chiến dài lâu. Mà muốn duy trì được một cuộc chiến dài lâu khi không có đồng minh buộc Việt Nam Cộng Hoà phải có khả năng tự túc về lương thực, năng lượng và khí tài. Việc phần lớn khí tài của Việt Nam Cộng Hoà phụ thuộc chủ yếu vào Hoa Kỳ là một điểm chí tử, vì khi Hoa Kỳ bỏ rơi và không cung cấp viện trợ vũ khí nữa thì đó sẽ là lúc đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hoà. Nếu Việt Nam Cộng Hoà có khả năng sản xuất vũ khí và năng lượng, tự túc được một cách dồi dào lương thực, hẳn cục diện cuộc chiến đã khác, bởi vì sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà chủ yếu đến từ tâm lý bị Mỹ bỏ rơi, trong khi Việt Cộng được sự hỗ trợ của Liên Sô và Trung Cộng. Nó giống như việc bạn chơi một ván cờ, khi biết rằng cờ mình sẽ thua thì tốt nhất là đầu hàng sớm để tránh thương vong thay vì đánh cờ tàn đến con tốt thí cuối cùng. Khi cảm nhận rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi, các cấp lãnh đạo cao nhất đã cho rút quân dần và cuối cùng là đầu hàng để tránh cảnh máu đổ vô ích.
Lịch sử không có chữ nếu, nhưng lịch sử có thể cung cấp cho ta những bài học. Những ý kiến trên đây hi vọng có thể giúp những thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau tìm ra một hướng đi đặng chấn hưng và duy trì nền độc lập cho đất nước, nhất là khi mà Việt Nam sẽ phải đương đầu với một đối thủ với lực lượng khí tài và nhân sự đông gấp nhiều lần.
Nguyễn Huy Vũ
29.4.2018
Tham khảo thêm: "Mô hình nghị viện - liên bang cho Việt Nam" của cùng tác giả: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_NguyenHuyVu.pdf
Tham khảo thêm: "Mô hình nghị viện - liên bang cho Việt Nam" của cùng tác giả: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_NguyenHuyVu.pdf