Ở cấp 3, mỗi tỉnh có một trường chuyên. Ở tỉnh tôi là trường chuyên Lê Quý Đôn ở Nha Trang. Ngày tôi còn học, trường nằm ở địa chỉ 46A Lê Đại Hành. Tôi ở huyện, nhà cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 30 cây số. Để được nhận vào trường chuyên, học sinh học xong cấp 2, tức lớp 9, của cả tỉnh phải nộp đơn để thi vào trường.
Năm tôi thi, trường chuyên lúc đó có bốn khối lớp: Toán, Vật lý, Văn, và Anh văn. Tôi đăng ký thi vào chuyên Vật lý, vì lúc đó tôi đang yêu thích môn học này. Cả năm cấp hai tôi học lớp chuyên Toán, nhưng đến năm cuối cấp hai thì tôi lại yêu thích môn Vật lý và thi đậu vào đội tuyển Vật lý của huyện để thi học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh.
Ở huyện, nên sách vở để ôn luyện không có nhiều. Nhà sách thì không bán sách tham khảo cho học sinh để luyên thi vào lớp chuyên. Vỏn vẹn lúc đó sách Vật lý để tham khảo chỉ có một, hai cuốn gì đó. Trong đó có một cuốn sách tôi mua đã lâu, liên quan đến Vật lý nhưng đọc rất khó hiểu, chỉ thỉnh thoảng tôi lấy ra và nghiền ngẫm rằng tại sao tác giả lại giải như vậy, và từ từ tôi học được thêm ít nhiều.
Năm cuối cấp 2, tôi có một cô bạn cùng quê, học ở Nha Trang về. Cổ cũng định thi chung ngành Vật lý vào trường chuyên. Tôi mượn của cô được một cuốn sách tham khảo về Vật lý, cuốn 121 Bài tập Vật lý. Tôi xin mượn trong một tháng để đọc. Trong một tháng đó, mỗi ngày tôi đọc, cố gắng hiểu, rồi giải lại theo cách của mình tất cả các bài tập trong đó. Vài bài khó hiểu tôi chép lại vào vở để tìm hiểu thêm. Sau một tháng tôi học hết cuốn sách, trả lại sách cho bạn và cảm ơn. Thời ấy không có máy photocopy, hoặc đã có nhưng nó là một thứ quá đắt tiền và ngoài tầm với của tôi.
Thi vào trường chuyên là một nguyện vọng của tôi, có thể nói là duy nhất lúc đó, vì trong đầu tôi lúc này không nghĩ mình sẽ học ở một trường ở huyện. Tôi muốn đi ra ngoài, đi đó đi đây để biết những điều mới mẻ. Vì vậy mà việc đọc sách, tự tìm hiểu cách thi, cách nộp đơn tôi đều tự làm, tự chuẩn bị, xong hết rồi mới bảo mẹ tôi rằng tôi muốn thi vào trường chuyên.
Hôm mẹ tôi chở tôi vào trường để nộp đơn, bà hỏi đủ thứ các thầy cô giáo nhận đơn, rằng ở đây có tệ nạn không vì tất cả các học sinh ở quê muốn vào học trường chuyên thường phải ở nội trú hết, chỉ cuối tuần mới được nghỉ để về nhà. Xong bà bảo tôi, thi thôi, nếu đậu thì tính tiếp, chứ chưa chắc đi học ở đây đâu. Thời mà xì ke, ma tuý, tệ nạn đầy rẫy, để một đứa trẻ 15 tuổi lần đầu tiên xa nhà là một điều bất an với bất cứ phụ huynh nào.
Hôm trước ngày thi, tôi không học gì nữa, sách vở bút viết tôi để sẵn vào cặp. Nguyên ngày hôm đó tôi ngồi phụ ba tôi sửa xe máy. Nhà tôi có một tiệm sửa xe máy nhỏ. Dì tôi ở nhà kế bên nhìn sang, bảo ngày mai thi rồi sao không chuẩn bị để đi thi mà ngồi đây sửa xe máy. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Có lẽ bà không hiểu rằng cái cảm giác ngồi xổm, dùng tay vặn từng con ốc, hai bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ, lau từng bộ phận của chiếc xe máy, nó đem lại một cảm giác cực kỳ dễ chịu cho một người đã quá tập trung đầu óc để chuẩn bị cho cuộc thi ngày mai. Làm việc chân tay lúc này là một cách để trí não được nghỉ ngơi. Với một đứa trẻ 15 tuổi, tôi không có một khái niệm gì về sự nghỉ ngơi của trí não, mà chỉ đơn thuần là cảm thấy thoải mái khi làm việc với những bộ phận máy móc lúc này.
Chỉ khi sau này, lớn lên, để giải toả những căng thẳng thường trực trong công việc tôi bắt đầu tìm hiểu về thiền ứng dụng và biết đến thiền chánh niệm. Một cuốn sách thiền chánh niệm rất hay và dễ hiểu mà tôi luôn khuyến khích mọi người đọc đó là cuốn “An lạc từng bước chân” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách chỉ ra nhiều cách thiền khác nhau, có cả thiền điện thoại, thiền chỉ bằng cách nghe tiếng chuông nhà thờ ngân, thiền ăn, thiền uống. Thiền trong mọi hoạt động cuộc sống, và như vậy chắc chắn có cả thiền rửa chén và thiền sửa xe như tôi đã làm. Thiền chánh niệm trong cuộc sống rất đơn giản, đó là chúng ta ý thức về việc chúng ta đang làm, tập trung chỉ duy nhất vào nó, lắng nghe hơi thở, và hiểu rằng chúng ta đang sống ở thời khắc hiện tại, trân quý hiện tại.
Trong ý thức của một cậu bé 15 tuổi năm xưa, tôi đã không có một ý thức gì về thiền, mà chỉ thấy sự thoải mái khi đầu óc được giải phóng khỏi những suy nghĩ về những bài toán, con số, để ngồi đắm chìm tập trung vào vặn những con ốc, lau những cơ phận của xe máy. Điều mà sau này lớn lên tôi mới ý thức rằng đó cũng là một cách thiền, để tĩnh tâm.
Ngày ở Stockholm, tôi tập thiền chánh niệm nhiều hơn, thấy yêu đời hơn và tự chữa trị được căn bệnh đau bao tử, xảy ra vì những ngày làm việc căng thẳng ở Singapore, chỉ bằng cách uống mật ong sáng sớm và trước khi đi ngủ, bớt lo lắng và tập trung vào hiện tại.
Tôi thường bảo với người thân rằng đó là cuốn sách làm thay đổi đời tôi, và nhờ vậy mà tôi luôn tìm thấy niềm vui trong tất cả việc mình làm, chỉ đơn giản bằng cách tập trung vào công việc, hít thở và mỉm cười.
Nhiều người sẽ nghĩ sao đơn giản thế được. Nhưng thật sự là nó như vậy. Niềm vui và sự an nhiên trong cuộc sống bạn có thể tìm ở đâu, ngay trong việc bạn đang làm. Cho nên, việc ông tỉ phú Bill Gates kể rằng ông dành rửa chén mỗi đêm và thoải mái khi nghe tiếng nước chảy róc rách đó cũng là một cách để ông thiền, nhằm thả lỏng đầu óc khỏi một ngày làm việc căng thẳng. Nó cũng giống như cách mà tôi, một đứa trẻ năm xưa ngồi lau chùi, vặn vẹo những bộ phận của những chiếc xe máy trước ngày thi.
Hôm sau tôi đi thi và sau đó nhận kết quả đậu. Hôm tôi nhận kết quả đậu cũng là lúc tôi đang phụ sửa xe máy với ba tôi. Cô bạn tôi đi ngang bảo rằng đã có kết quả và cô đã đậu. Ba tôi ngay lập tức bảo tôi vào thay đồ rồi ông lấy xe máy chở tôi thẳng vào Nha Trang. Vào đến nơi lúc đã xế chiều. Tôi đậu, đứng thứ 7 trong tổng số lấy 23 học sinh cho lớp chuyên Lý toàn tỉnh.
Nguyễn Huy Vũ
4.5.2021