20.6.21

Chuyện phân biệt vùng miền

Có thể nói không gian mạng facebook là một xã hội thu nhỏ của Việt Nam, mà trên đó bạn có thể bắt gặp mọi cảm xúc và thái độ của người trên khắp mọi miền đất nước. Chuyện phân biệt vùng miền là một chủ đề như vậy. Đó là một vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm vì nói ra sợ mắc lòng; mắc lòng với hàng xóm, với bạn bè, với người thân. Nhưng cái chuyện khác biệt vùng miền đó nó cứ âm ỉ, ẩm ỉ vì nó là một sự thật.

Thật ra, cái chuyện phân biệt vùng miền trở nên ngày càng lớn chỉ từ sau khi đảng Cộng sản chiếm lấy miền Nam Việt Nam. 


Trước năm 1975, chuyện phân biệt Bắc Nam hầu như không có. Nếu nó có, thì những chính khách, văn nghệ sỹ Bắc 54 sẽ chẳng bao giờ có mặt một cách phổ biến trên chính trường hay diễn đàn công chúng của miền Nam Việt Nam. Đơn giản là nếu dân miền Nam hồi đó mà phân biệt vùng miền như hiện nay, họ sẽ tẩy chay ngay lập tức những lãnh đạo chính trị hay văn hoá nói giọng Bắc. 

Vậy tại sao sau năm 1975 lại bắt đầu có hiện tượng phân biệt vùng miền? 


Đó là do chính sách cai trị của đảng Cộng sản. Chính sách cai trị của đảng Cộng sản là dùng người miền Bắc cai trị người miền Nam. 


Để ý coi. Các tỉnh thành miền Nam đông dân không kém người miền Bắc, giàu có thì hơn gấp nhiều lần, nộp ngân sách cũng vượt trội hẳn, ấy vậy mà trong chính phủ thì sự hiện diện của người gốc miền Nam là một thiểu số rất nhỏ. 


Ở tất cả các cơ quan của chính phủ từ cơ quan truyền hình, cơ quan truyền thanh, cho đến quân đội, công an, rồi các công ty nhà nước, hầu như người miền Bắc (hay gốc Bắc) nắm đa số và lãnh đạo. Ngay cả đến các trường học ở miền Nam, hiệu trưởng cũng đa số là người gốc Bắc. 


Tiếp theo là giới doanh nhân gốc Bắc phất lên nhờ quan hệ chính trị. Những doanh nhân xứ khác muốn làm ăn ít nhiều cũng phải kiếm mối quan hệ với giới doanh nhân này. Quá trình Bắc hoá giới doanh nhân vì vậy diễn ra. 


Rồi tiếp theo là giới trí thức gốc Bắc được các đài truyền hình quốc gia lăng xê. 


Cuối cùng, nhìn khắp xã hội Việt Nam, đâu đâu cũng bị Bắc hoá, đâu đâu cũng phủ bóng các nhân vật gốc Bắc. Ngôn ngữ miền Nam nếu để ý cũng dần dần thay bằng những từ gốc Bắc. 


Chính quyền nắm đa số bởi người gốc Bắc nên lúc nào cũng có tâm lý cho là người gốc Bắc có nhiều phẩm chất vượt trội hơn người miền Nam. Họ nghĩ rằng vì vượt trội nên họ mới nắm quyền đa số. Với tâm lý đó, lúc nào họ cũng cố gắng xây dựng miền Bắc đẹp hơn miền Nam để thoả mãn cái tâm lý muốn hơn người. 


Tâm lý này bắt nguồn sau năm 1975, khi cho rằng giới lãnh đạo và trí thức miền Nam Việt Nam không đủ sâu sắc, bản lĩnh, và gan dạ đến nỗi dù giàu có hơn nhưng đã thua một lực lượng nông dân với vũ khí đơn giản và chiến thuật du kích đến từ miền Bắc. Miền Bắc và chính quyền cộng sản miền Bắc mới là đại diện của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là chính quyền miền Nam và người dân miền Nam. Miền Nam chỉ là hậu phương, còn miền Bắc mới là tiền tuyến. Miền Nam là hạng hai, còn miền Bắc mới là hạng nhất. Người Bắc mới là thâm thuý, sâu sắc, còn người miền Nam thì hời hợt, vô lo. Giọng miền Bắc mới là giọng chuẩn, còn giọng miền Nam là giọng địa phương. Phở miền Bắc mới tinh tuý, còn phở miền Nam không gọi là phở. Văn chương miền Bắc mới có tính nghệ thuật, còn văn chương miền Nam là dạng rẻ tiền, câu khách. Nhạc miền Bắc mới có tính hàn lâm, đỉnh cao, còn nhạc miền Nam là nhạc sến, cho giới bình dân, ít học v.v. Có vô số ví dụ về sự tự ca ngợi về tính ưu việt của miền Bắc. Sự tự ca ngợi này nó biến thành một cái chuẩn mà nhiều người, kể cả người có học, buộc phải nói theo chuẩn để ra vẻ mình là trí thức có hiểu biết.


Tâm lý tự cho mình ưu việt hơn hẳn nó hiện diện khắp các xã hội miền Bắc từ cấp thượng tầng cho tới hạ tầng. Cho nên mới có chuyện là các binh lính miền Bắc khi vào miền Nam, người ta hỏi rằng ở ngoải có cà rem không thì anh ta nói một cách đầy tự tin là ở ngoài đó cà rem chạy đầy đường. 


Với chính sách như vậy, đa số người dân miền Bắc bị đồng hoá về niềm tin với đảng Cộng sản. Mỗi khi nói động đến cộng sản thì họ tự ái, rồi nhảy dựng lên. Vì có niềm tin với cộng sản nên bạn sẽ bắt gặp nhiều người có học, thậm chí du học, lại rất yêu thích Tàu Cộng và Liên Xô. Chỉ có một thiểu số người dân ở đây, những người được gia đình chỉ dạy, họ mới hiểu ra lịch sử và chuyện độc tài cộng sản. Trong cái thiểu số đó, một số rất ít dấn thân đòi thay đổi. Họ là những người đáng quý trọng và hiếm hoi. 


Ngược lại với miền Nam. Trong Nam, chỉ có ba dạng có cảm tình với phe cộng sản. Một là gốc gác Bắc 75 di cư sau này, hai là gia đình những người đi tập kết năm 54, và ba là những người thuộc gia đình có cha mẹ ít học, ở vùng sâu vùng xa, nên bị nhồi sọ ở trường, thầy cô dạy gì thì nghe đó. Cả ba nhóm này rất ít, chiếm thiểu số, cho nên có thể nói đa phần dân trong Nam không ưa cộng sản. 


Không ưa cộng sản nhưng đa phần dân trong Nam lại nhát, tính thích dĩ hoà vi quý nên đa phần lo làm ăn kinh tế. Chứ nếu dân miền Nam gan dạ một chút, tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng. Họ tất sẽ không chịu chấp nhận làm công dân hạng hai. Họ không chịu nộp hầu như toàn bộ ngân sách của Sài Gòn, tới hơn 80%, về cho trung ương. Họ sẽ đòi có những quyền được tự chủ rộng rãi hơn, được chủ động về ngân sách để lo cho dân mình nhiều hơn. Miền Nam sẽ phát triển hơn hẳn chứ không bị dặt dẹo như bây giờ. 


Những tính tốt của người trong Nam đó là tính cởi mở, dễ học cái mới, ít câu nệ phép tắc, lại biết giữ uy tín, nên việc kinh doanh ở miền Nam sôi động. Ở những lĩnh vực ít có sự can thiệp của chính quyền, ít cần quan hệ chính trị, các doanh nghiệp nổi bật, nhiều doanh thu nhất, đa số đến từ miền Nam. 


Kinh tế đi lên kéo theo hầu như tất cả các lĩnh vực khác đi theo. Các chương trình văn hoá, nghệ thuật sôi động đa số đều diễn ra ở Sài Gòn. Giới nghệ sỹ đều chạy vào Sài Gòn nếu muốn lập thân. 


Người trong Nam nhìn vấn đề bằng con mắt thực tế, họ thấy rằng họ cũng rất năng nổ, thông minh, nhạy bén, biết cách kinh doanh, và sáng tạo. Họ tự hào về những gì Sài Gòn đạt được. Họ thấy sự đè đầu cỡi cổ của giới lãnh đạo cộng sản ở miền Bắc và nhóm ăn theo trở nên kệch cỡm. Vì vậy mà họ không phục, tâm lý chê bai, phê phán miền Bắc vì vậy mà dần nảy sinh. 


Nếu như trước 1975, người miền Nam nể phục những lãnh đạo chính trị hay văn hoá gốc Bắc 54 vì tài năng thì nay không còn nữa. Họ thấy các lãnh đạo chính trị hay văn hoá gốc Bắc ngày nay chỉ là những người có trình độ kém, đi lên nhờ quan hệ chính trị. 


Trong chế độ độc tài, khi chính quyền quyết dùng một nhóm để cai trị nhóm kia thì chuyện người dân của vùng bị cai trị họ lên tiếng tố cáo là chuyện thường tình. Có thể họ không nói thẳng nhưng họ mỉa mai. 


Chuyện phân biệt vùng miền sẽ từ từ mai một khi một chế độ dân chủ diễn ra, lúc đó người ta cân nhắc cho một vị trí vì thực tài thay vì gốc gác hay quê quán. Lúc đó, tài năng làm người ta nể phục và tôn trọng. Vùng miền sẽ bớt xung khắc. Những người tài năng sẽ đi kèm với nó là các tính cách tốt. Một thế hệ lãnh đạo với các tính cách tốt sẽ làm gương để xã hội thay đổi theo chiều hướng tính cực. Những tính xấu của địa phương từ đó sẽ dần mai một.


Nguyễn Huy Vũ

20.6.2021