30.6.21

Việt Nam trước ngưỡng cửa thay đổi

Lịch sử cho thấy những nhân tố cả ở bên trong và bên ngoài định hình nên những thay đổi của một quốc gia. 


Việt Nam là một ví dụ. Nhu cầu độc lập trong nước cộng với sự thoái trào của chủ nghĩa đế quốc là hai nhân tố chính đưa Việt Nam tới một nền độc lập. Tuy vậy, sự độc lập sau đó đã bị bẻ lái sang chế độ cộng sản như là một sản phẩm của cuộc chiến ý thức hệ giữa hai phe tư bản và cộng sản mà phe tư bản đã thua ở chiến trường Việt Nam.


Câu hỏi tiếp theo đó là điều gì sẽ diễn ra ở Việt Nam trong những ngày tới? Để trả lời câu hỏi này, từ bài học lịch sử, có lẽ chúng ta cần phân tích hai góc nhìn, từ trong nước và bối cảnh thế giới. 

Từ trong nước, dân chúng ngày càng bất mãn với chế độ. Đó không chỉ là người dân, mà ngay cả những người sống dựa vào chế độ, kể cả các đảng viên. Nhiều người họ không nói ra vì nhiều lý do, nhưng họ đã bỏ phiếu bằng đầu và bằng chân. Ai có tiền thì tranh thủ đầu tư mua nhà đất, kiếm quốc tịch ở nước ngoài, gửi con cái đi du học. Đất nước và chế độ hiện nay chỉ là chỗ kiếm ăn tạm thời. 


Với những người thiếu quyết tâm và tình yêu vào chế độ như vậy, một cú sốc lớn có thể dễ dàng làm một đảng chính trị tan rã nhanh chóng. Và đó là tình cảnh của các đảng cộng sản ở Đông Âu khi Liên Xô sụp đổ. 


Bây giờ chúng ta sẽ đặt Việt Nam trong ảnh hưởng của bối cảnh thế giới. 


Từ nước ngoài, hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt. Một bên muốn duy trì vị thế cường quốc. Còn một bên muốn soán ngôi. Cuộc chiến cuối cùng là không thể tránh khỏi. Theo dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2027, tức chỉ khoảng hơn 5 năm nữa. Cùng với sức mạnh kinh tế, việc Trung Quốc ngày càng đầu tư nhiều hơn cho các quyền lực cứng như an ninh và quốc phòng sẽ giúp nước này nhanh chóng bắt kịp các công nghệ quân sự của Hoa Kỳ. 


Chế độ độc tài cho Trung Quốc một lợi thế đó là họ có thể dễ dàng tập trung tất cả các nguồn lực của quốc gia cho công cuộc cạnh tranh này mà không cần phải giải trình các thông tin về chính sách cho người dân. 


Sự lớn mạnh của kinh tế, cùng với nó là khoa học, công nghệ, sẽ trở thành những quyền lực mềm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hình thành một lực lượng bên trong Đài Loan ủng hộ việc sáp nhập trở về Đại Lục. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục dùng tất cả các sức ép quân sự quấy rối và gây áp lực lên Đài Loan. Trong ứng ngoại hợp như vậy, vấn đề Đài Loan thực chất chỉ là một con tốt nhỏ trên bàn cờ Mỹ Trung, và khi mà sức mạnh của Trung Quốc dần vượt Mỹ thì Đài Loan sẽ từ từ ngả về Trung Quốc. Nó cũng giống như trường hợp Hồng Công trở về với đất mẹ khi mà vị thế của Anh trở nên mờ nhạt trên trường quốc tế. Trung Quốc chiếm Hồng Công không cần một viên đạn và họ cũng sẽ làm như thế với Đài Loan. Vì vậy mà trong khoảng thời gian ngắn hạn 10 năm tới, Trung Quốc có lẽ không cần dùng tới quân sự để tấn công Đài Loan. 


Do đó, vấn đề Đài Loan còn độc lập được hay không đó là tuỳ vào vị thế của Hoa Kỳ. 


Tổng thu nhập quốc dân của Đài Loan hiện nay là khoảng 600 tỉ đô la, của Trung Quốc là hơn 14 ngàn 300 tỉ đô la, còn của Mỹ là 21 ngàn tỉ đô la. Nếu so về tổng thu nhập quốc dân thì nền kinh tế Đài Loan chỉ bằng 4% nền kinh tế Trung Quốc đại lục. Nhưng sức mạnh của Đài Loan không chỉ là con số tổng thu nhập, mà nó là ở nền công nghệ kỹ thuật cao và lực lượng lao động với dân số 23 triệu người có trình độ ngang ngửa các nước châu Âu. Tiềm lực của Đài Loan vì vậy tương đương với những bang lớn của Hoa Kỳ; còn so với châu Âu thì ngang ngửa Thuỵ Điển, đứng trong top 10 của châu Âu. 


Việc Đài Loan nếu sáp nhập về Trung Quốc thì số phận thế giới sẽ an bài. Lúc này, Trung Quốc như hổ mọc thêm cánh, trở thành bá chủ thế giới là điều chắc chắn.


Cho nên, Hoa Kỳ buộc phải chặn kế hoạch bá chủ của Trung Quốc một cách quyết liệt trong những năm tháng tới trước khi Trung Quốc kịp lớn mạnh và độc lập khỏi sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ. 


Hoa Kỳ đã khiến Liên Xô tách thành những mảnh nhỏ, kéo những nước lân cận của họ trở thành các đồng minh của mình. Và họ đã thành công trong việc cô lập Nga, biến Nga thành một con gấu bị thương, không thể ảnh hưởng vị thế của Hoa Kỳ. 


Hoa Kỳ đã áp lực tối đa Trung Quốc trong những ngày đầu dựng nước nhằm làm suy yếu họ. Hoa Kỳ cho bố trí quân ở khắp các nước đồng minh ở phía Đông, chặn đường biển của Trung Quốc; Hoa Kỳ hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy ở Tây Tạng; Hoa Kỳ cô lập về kinh tế và các trao đổi của thế giới với Trung Quốc. Hoa Kỳ chỉ nối lại quan hệ với Trung Quốc khi muốn bẽ gẫy mối liên kết Trung Quốc-Liên Xô trong phe cộng sản và nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong việc tránh chủ nghĩa cộng sản lan tràn ở Đông Nam Á. Trung Quốc bắt tay với Hoa Kỳ nhằm tránh cô lập, và giải thế bao vây khi lúc này họ bị đe doạ tấn công cả bởi Liên Xô và Hoa Kỳ. 


Giờ đây, những bài học chiến lược của Hoa Kỳ với Liên Xô và Trung Quốc năm xưa có thể được lặp lại để đối phó với Trung Quốc.


Hoa Kỳ đang bắt đầu tách nền kinh tế của mình ra khỏi Trung Quốc. Họ đã loại các công ty Trung Quốc ra khỏi các sàn chứng khoán Hoa Kỳ. Họ đang ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao. Họ đang dẹp các viện Khổng Tử để ngăn việc tuyên truyền hình ảnh Trung Quốc, để bỏ các đầu mối theo dõi tình báo. Họ đang vận động việc hình thành một liên minh chống Trung Quốc. Song song đó là kéo các đồng minh truyền thống của Trung Quốc về phía mình. 


Trong số các mục tiêu này, chắc chắn có Việt Nam. Đó là lý do mà ông Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken của Hoa Kỳ đã gửi dòng trạng thái trên Twitter mời người đương nhiệm của Việt Nam là Phạm Bình Minh đi ăn phở. Gửi tin nhắn công khai thể hiện một sự thân tình như vậy, ông Blinken có hai ý. Ý thứ nhất là ông Minh là chỗ thân tình của tôi và tôi đã nằm lòng Việt Nam rồi; thông điệp này gửi cho thế giới, nhất là Trung Quốc, xem. Và ý thứ hai đó là ông muốn gửi đi một thông điệp đến các đảng viên cộng sản rằng Mỹ đã quay trở lại Việt Nam một cách thân tình và ông Minh là chổ đầu mối tin cậy để liên lạc. 


Trong những ngày tới chắc chắn trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có hai xu hướng tương tác với nhau: một nhóm thân Mỹ và một nhóm thân Tàu. Người Mỹ và người Tàu sẽ tích cực vận động để những đối tác của mình cầm quyền quốc gia. 


Người Mỹ muốn thắng cuộc chiến với người Tàu tất cần phải thắng cuộc vận động đưa những người thân Mỹ lên lãnh đạo Việt Nam. Nhưng, đối với một quần chúng chán ghét sự độc tài của thể chế, những chọn lựa của người Mỹ tất phải hướng đến một sự cải cách về dân chủ nếu họ muốn có một đồng minh bền vững. 


Khi tổng thống Joe Biden lên lãnh đạo, giới hoạch định chính sách cho ông xiển dương chiến lược liên minh các thể chế dân chủ để chống lại chế độ độc tài của Trung Quốc, tương tự như chiến lược liên minh các quốc gia tư bản tự do năm xưa chống lại liên minh xã hội chủ nghĩa độc tài Liên Xô. Đài Loan là nước đã phụ hoạ tích cực chiến lược này, và họ luôn kèm theo thông điệp rằng họ là một nước dân chủ tự do và việc Hoa Kỳ hay Lithuania viện trợ họ là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các nền dân chủ. 


Việc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho những thay đổi Việt Nam thế nào trong những ngày tới chúng ta còn phải chờ. 


Nhưng phân tích ở trên để chúng ta thấy là những thay đổi dân chủ ở Việt Nam là một triển vọng sẽ xảy ra và thời điểm hiện nay là đang chín mùi chứ không phải là hoàn toàn mờ mịt. 


Tuy vậy, những người mong muốn một nước Việt Nam dân chủ cần động viên nhau nhiều hơn. Cần ủng hộ những tiếng nói đòi thay đổi từ bên trong chính quyền, từ những trí thức trong nước. Và đứng cùng nhau trong cùng một tiếng nói đòi thay đổi về dân chủ. 


Cái mà những người yêu chuộng tự do như chúng ta có duy nhất chỉ là sự nhân nghĩa và tình cảm đối với dân tộc. Dùng nhân nghĩa để thuyết phục những người bên trong chế độ rằng sự thay đổi là cho tất cả mọi người, chứ không chỉ là cho bất cứ ai hay trù dập ai. Và sự thay đổi đó phải bắt đầu bằng một cuộc bầu cử tự do. 


Nguyễn Huy Vũ

29.6.2021