Trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng, một phong trào cần giành thắng lợi các mục tiêu (target) khác nhau.
Một chiến dịch (campaign) đặc thù cần được thiết kế để đạt được thành công cho một mục tiêu như vậy.
Trong chiến dịch này, cần có chiến lược (strategy), tức là phương hướng chung, và chiến thuật (tactics), tức là phương pháp để vượt qua những trở ngại nhỏ.
Một chiến lược mà không có chiến thuật thì nó chỉ là những tiếng hô sáo rỗng để rồi chìm vào quên lãng. Một chiến thuật mà không có chiến lược nó sẽ chỉ là những âm thanh xao động trước khi tắt ngấm.
Một chiến dịch được gọi là thành công khi nó đạt được ít nhất một trong các tiêu chí: hoặc là nó làm cho phong trào của mình mạnh hơn; hoặc là nó làm cho phía địch yếu đi.
Phong trào của mình chỉ mạnh hơn khi phe mình có nhiều người tham gia, nhiều người ủng hộ, nhiều người bớt sợ, nhiều người hiểu sự đúng đắn, ý nghĩa của phong trào.
Ngược lại, phe địch chỉ yếu đi khi mà phe địch dần mất đi tính chính danh và sự ủng hộ, rối loạn, hoảng sợ, lo lắng hơn.
Người nào, từ bất cứ phía nào, mà giúp phe mình lớn mạnh thì họ là đồng minh của phe mình. Còn người nào giúp cho phe địch lớn mạnh hơn thì đó đích thị là người của kẻ địch.
Một phong trào muốn đạt đến thắng lợi cuối cùng cần có chính nghĩa.
Chính nghĩa là làm điều đúng đắn, công bằng, và hợp đạo lý của thời đại.
Đối với một phong trào dân chủ của thời hiện đại, điều đúng đắn nhất là đòi hỏi dân chủ được thực thi, trong đó quyền bầu cử và ứng cử tự do của người dân cần được bảo đảm.
Quyền bầu cử và ứng cử tự do là gì? Đó là quyền mà ở đó, tất cả các người dân, không phân biệt đảng phái, chính kiến, và nguồn gốc, cùng đều được đối xử như nhau trong quá trình ứng cử và bầu cử của quốc gia. Và vì vậy mà đòi hỏi phải là một cuộc bầu cử tự do, công bằng, và minh bạch.
Đó là một mục tiêu khiêm tốn mà nếu có sự góp sức của mọi người, phong trào có thể nhanh chóng đạt được.
Dù là một mục tiêu khiêm tốn nhưng nó đối mặt với các phản ứng dữ dội từ phía người cầm quyền. Người cầm quyền họ không muốn một cuộc bầu cử tự do vì đó là lúc mà quyền lực của họ bị thách thức. Quyền lực đi kèm với nó là các lợi ích kinh tế và sự an nguy của bản thân nên chuyện phản ứng của những người cầm quyền đối với yêu cầu thực hiện bầu cử tự do là một điều hiển nhiên.
Trong một xã hội thông thường sẽ có bốn nhóm người khác nhau. Nhóm đầu tiên là nhóm ủng hộ phong trào. Nhóm thứ hai là nhóm ở giữa, không có chánh kiến. Nhóm thứ ba là nhóm ủng hộ những người cầm quyền. Và nhóm thứ tư là nhóm những người cầm quyền.
Đối với những người ở giữa, không có chánh kiến, việc thực hiện một cuộc bầu cử tự do có lợi cho họ hơn là có hại.
Với những người của nhóm thứ ba ủng hộ những người cầm quyền, họ ủng hộ vì những quyền lợi vật chất và ích lợi đi kèm. Và khi mà các lợi ích vật chất mất đi cũng đồng nghĩa với mối quan hệ trở nên mờ nhạt. Mối quan hệ vật chất mất đi trong hai trường hợp: một là nền kinh tế rơi vào khủng hoảng sâu, giới cầm quyền không còn tiền để nuôi dưỡng mối quan hệ; và hai là nền kinh tế trở nên quá phồn thịnh với nhiều sự cạnh tranh, và việc giữ sự quan hệ với giới cầm quyền không mang lại lợi ích như mong đợi mà ngược lại có khi nó nhận sự tẩy chay của cộng đồng.
Một khi phong trào đòi bầu cử tự do ngày càng lớn mạnh đồng nghĩa với việc nhà cầm quyền ngày càng trở nên bị cô lập. Họ bị cô lập vì họ không có chính danh: họ không phải là những lãnh đạo được dân bầu trong một cuộc bầu cử tự do. Họ là những người tiếm quyền, cướp lấy quyền lực bằng bạo lực và thủ đoạn. Và một điều quan trọng không kém là họ không có khả năng điều hành, dẫn dắt quốc gia.
Với một áp lực ngày càng nghiêng về phong trào như vậy thì giải pháp tối ưu của những người cầm quyền là tổ chức một cuộc bầu cử tự do trước khi quả bóng áp lực của người dân trở nên vỡ tung không kiểm soát.
Cho nên, nếu tất cả những người vận động cho một phong trào dân chủ cùng lên tiếng yêu cầu đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do, kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm khác nhau, thì thế trận sẽ tạo ra một áp lực khác biệt, giúp nhanh chóng xoay chuyển tình thế.
Nguyễn Huy Vũ
5.7.2021