12.7.21

10 chia sẻ trong mùa dịch

Ảnh của tôi, một góc thành phố Alicante, Tây Ban Nha, trong mùa dịch. 


Trong kỳ đại dịch diễn ra, tôi có dịp qua lại giữa Nam Mỹ và châu Âu. Chứng kiến nhiều cảnh, nên muốn chia sẻ với bạn bè vài điều. 


Thứ nhất. Virus Covid-19 gây ra chết người là thật, chứ không phải ảo. Ở Nam Mỹ, các thành phố lớn lần đầu đóng cửa, người chết rất nhiều. Chính quyền phong toả. Xác chết chưa kịp chôn, người dân liệng ra đường để nhờ quân đội đi chôn giúp. Đó là sự thật.


Thứ hai. Virus Covid-19 có thể không gây chết, nhưng nó để lại những di chứng vĩnh viễn. Có thể gây hư phổi và vô sinh ở nam khi nó làm giảm lượng tinh trùng. Đã có nghiên cứu công bố và đó là sự thật.


Thứ ba. Người trẻ cũng có thể mắc Covid-19 và cũng có thể chết như thường. Khi mắc virus Covid-19, bạn chỉ đối diện với hai khả năng là sống hoặc chết. Con số tỉ lệ vài chục phần trăm không có ý nghĩa ở đây. Đó là sự thật.


Thứ tư. Để chống dịch không có cách nào khác là hạn chế tiếp xúc gần, tránh nơi đông người, giữ gìn sức khoẻ tốt, vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên, ở môi trường sạch sẽ, thoáng mát. 


Thứ năm. Khẩu trang. Hồi dịch mới xảy ra, bác sỹ của tôi, học chương trình của Âu Mỹ, bảo rằng khẩu trang phẫu thuật hay bình thường không có tác dụng chống virus. Khẩu trang kháng được phải là kiểu N95 chống những hạt vi bụi. Nhưng đeo cái này thì khó thở nên khó có ai đeo suốt ngày được. Có thể khẩu trang giúp trấn an tinh thần và sự tự tin của bạn; hãy đeo khi người ta bắt buộc; nhưng đừng tin vào tác dụng của khẩu trang lắm. 


Thứ sáu. Con virus này sẽ không biến mất, sẽ ở lại với chúng ta lâu dài, và chắc chắn là liên tục tạo ra các biến thể. Phong toả sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Cho nên việc học cách tích trữ thực phẩm, chuẩn bị các trường hợp xấu nhất luôn xảy ra.


Thứ bảy. Đừng tin bất cứ chính quyền nào. Chính quyền cộng sản lại càng không nên tin. Vì giới cầm quyền họ quan tâm trước hết là quyền lực của họ. Họ muốn giữ xã hội ổn định trước hết để duy trì quyền lực của họ cái đã. Rồi sau đó mới tính tới lợi ích của người dân. 


Thứ tám. Có tài sản cần phải biết quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro để khi một biến động xảy ra bạn không phải rơi vào cảnh tay trắng mà luôn luôn có một khoản tài chính để sinh tồn. Có rất nhiều rủi ro. Rủi so sụp đổ thị trường chứng khoán. Rủi ro suy thoái kinh tế. Rủi ro chiến tranh, nội chiến, loạn lạc. Rủi ro đại dịch kéo dài…Và để quản lý rủi ro thì bạn cần bỏ tiền vào các loại tài sản khác nhau, hay thậm chí ở các nước khác nhau. 


Thứ chín. Phải biết tiết kiệm. Tiết kiệm tài sản để phòng khi khó khăn. Tiết kiệm sức khoẻ để phòng khi dịch bệnh. Tiết kiệm tri thức để hiểu đời. Tiết kiệm mối quan hệ để có niềm vui bạn bè trong cuộc sống. Tiết kiệm niềm tin để biết cuộc đời này là giới hạn, để yêu những khoảnh khắc bình dị mỗi ngày, và nên làm những điều có ích, có ích cho bản thân, có ích cho gia đình, và có ích cho quê hương. 


Thứ mười. Hễ làm người tất phải có niềm tin và chính kiến. Chính kiến có thể đúng, có thể sai, tuỳ vào kiến thức nền tảng mà mỗi người đã lãnh hội. Nhưng một người có trái tim và nhận thức phải đứng về phía nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, và đòi cho được những quyền mà nhân dân được hưởng. Trong các quyền đó có các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và quan trọng nhất là tự do bầu cử, ứng cử. Bởi chỉ có những chính quyền được dựng xây một cách thực chất từ nhân dân thì họ mới lo cho vận mệnh của nhân dân mình hết lòng. 


Nguyễn Huy Vũ

11.7.2021