11.12.23

Henry Kissinger và Nam Việt

Trong suốt một thời gian dài, thậm chí cho đến ngày nay, nhiều người ở Việt Nam vẫn còn nghĩ rằng Henry Kissinger là một tội đồ, người đã góp phần tạo nên Hiệp định Paris 1973 với nhiều điều khoản có lợi cho Bắc Việt để rồi hai năm sau đó Bắc Việt đã tấn công và làm Nam Việt phải sụp đổ khi Mỹ cắt viện trợ. 

Nhận định này không sai nhưng nó không phản ảnh hết thực tế lúc bấy giờ. Henry Kissinger là người đã thương thuyết để tạo nên Hiệp định Paris nên ông là người chịu trách nhiệm về những hậu quả của Hiệp định. Nhưng nếu không có Henry Kissinger chắc chắn sẽ có một nhân vật khác chịu trách nhiệm thương thuyết để Mỹ rút quân về nước. 


Một trong những hứa hẹn khi ra tranh cử tổng thống của Richard Nixon là kết thúc chiến tranh, hoà bình trong danh dự. Vì vậy cho nên ngay khi lên nhậm chức ông đã tìm kiếm ngay một chiến lược gia giúp triển khai việc kết thúc chiến tranh mà ở đó vị thế của Hoa Kỳ vẫn còn được duy trì. Henry Kissinger là người được ông chọn vào vị trí đó. 


Kể từ ngày 8 tháng 3 năm 1965 khi toán 3.500 lính thuỷ đánh bộ của Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, vào lúc đỉnh điểm của cuộc chiến, có tới hơn nửa triệu lính Mỹ có mặt ở Việt Nam vào năm 1968. Cuộc chiến Việt Nam đã giết chết 58.220 lính Mỹ, tức trung bình cứ 10 lính đến Việt Nam thì hơn 1 lính sẽ chết. Chi phí cho cuộc chiến ở Việt Nam tiêu tốn Mỹ tới 168 tỉ đô la thời bấy giờ và theo thời giá hiện nay là một ngàn tỉ đô la. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến tốn kém đứng hàng thứ 4 của Mỹ trong lịch sử các cuộc chiến tranh của mình, chỉ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cuộc chiến Iraq, và cuộc chiến Afghanistan. 


Năm 1970 nước Mỹ lâm vào khủng hoảng kinh tế và năm 1974 Mỹ bước vào khủng hoảng kinh tế một lần nữa. Năm 1970 và hai năm 1974, 1975, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm. Kể từ năm 1970 trở đi cho tới năm 1980, lạm phát ở Mỹ tăng kỷ lục. Năm 1970 lạm phát ở mức gần 6% và năm 1974 ở mức 11%. Mức thất nghiệp đã tăng liên tục từ năm 1970; cao điểm là năm 1975 mức thất nghiệp đã lên tới 9%. 


Ở bên ngoài, cuộc chiến đã quá tốn kém và chết chóc, còn trong nước kinh tế đang khủng hoảng. Vì vậy, tâm lý yêu cầu kết thúc chiến tranh của dân Mỹ đã dâng lên cao cực điểm. Tổng thống Mỹ được bầu lên do đó có nhiệm vụ giải quyết chuyện kết thúc chiến tranh. 


Quốc hội Hoa Kỳ với tư cách đại diện cho nguyện vọng của người dân cũng sẽ áp lực để kết thúc cuộc chiến. Khi còn quân Mỹ ở Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ không thể cắt viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà được bởi vì nếu cắt viện trợ điều này có thể khiến chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ hoặc rối loạn, nó sẽ gây nguy hiểm cho tất cả những lính Mỹ ở Việt Nam. Việc cắt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà do đó diễn ra chỉ sau khi những người lính Mỹ rút khỏi Việt Nam. 


Việc Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam đã giúp các nước Đông Nam Á khác có thời giờ để tiêu diệt các phong trào cộng sản ở các nước này. Khi Hoa Kỳ kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam cũng là lúc các phong trào cộng sản ở các nước Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines đã bị tiêu diệt sạch. Một Việt Nam nếu có bị cộng sản chiếm hết cũng sẽ không có khả năng nhuộm đỏ khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu chiến thuật của Hoa Kỳ coi như đã thành công. 


Trong cuộc chiến Việt Nam, Mỹ và đồng minh Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) không thể thắng. Muốn thắng, Mỹ và VNCH phải đánh ra Bắc, thống nhất Việt Nam và tiêu diệt toàn bộ lực lượng phe Cộng sản. Nhưng Mỹ đã không làm và cũng không muốn làm. Bởi vì nếu đánh ra Bắc, Trung Cộng sẽ đổ quân vào và lúc này Hoa Kỳ đối đầu với Trung Cộng. Hoa Kỳ không muốn leo thang cuộc chiến bởi họ biết sẽ không thể nào thắng được một cuộc chiến như vậy. Những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong Cuộc chiến Triều Tiên vẫn còn đó khi Hoa Kỳ đã phải đối đầu với quân tình nguyện của Trung Quốc và đã không thể thắng nổi. Trung Cộng không muốn Hoa Kỳ chiếm Bắc Việt bởi Bắc Việt đóng vai trò như vùng đệm an toàn phía Nam của Trung Cộng mà Trung Cộng không muốn Hoa Kỳ có thể tiếp cận được. Bắc Việt về mặt ý nghĩa địa chính trị có vai trò tương tự như Bắc Triều Tiên đối với Trung Cộng. 


Do đó, trong một cuộc chiến này, Hoa Kỳ và đồng minh VNCH chỉ có thể hoà hoặc thua. Kết cục lạc quan nhất đối với liên minh này là một kết quả tương tự như Nam Hàn trong đó Nam Việt nhờ sự hỗ trợ của Mỹ lớn mạnh, dân chủ và thịnh vượng. 


Một câu hỏi lớn hơn là tại sao Mỹ đã không bỏ rơi những đồng minh khác bằng việc cắt viện trợ cho họ mà lại bỏ rơi VNCH? Ví dụ Mỹ cũng có thể bỏ rơi và cắt viện trợ Nam Hàn chẳng hạn. 


Đó là một câu hỏi nhạy cảm nhưng không khó để trả lời, đó là Mỹ không xem Việt Nam Cộng Hoà là những người bạn. Đó là một sự thật đau lòng. 


Hãy xem cách giới chính trị gia Hoa Kỳ nói về Việt Nam Cộng Hoà, cũng như cách giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà thể hiện đối với giới lãnh đạo Hoa Kỳ ở thời điểm đó, nhất là những đối đáp sau khi Hiệp định Hoà bình được ký kết. Chỉ là những lời cay đắng dành cho nhau. 


Trong góc nhìn của người dân miền Nam Việt Nam ở thời điểm đó, cuộc chiến với Bắc Việt là cuộc chiến của Hoa Kỳ. Những đau thương xảy ra trên mảnh đất Việt Nam gây ra bởi Hoa Kỳ. Vì vậy mà nhiều người đã không muốn có sự tồn tại của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Từ các vị sư cho tới các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, họ đã xuống đường và công khai kêu gọi Mỹ rút quân về nước. Họ đào hầm nuôi cán bộ, giúp đỡ thông tin, công khai ủng hộ phe cộng sản và tìm mọi cách tiêu diệt lính Mỹ. Người ta xem việc Mỹ đem quân tới Nam Việt là vì quyền lợi của Mỹ hơn là vì quyền lợi của người miền Nam. 


Với một cách đối xử như vậy thì việc Mỹ muốn chấm dứt mối quan hệ với Nam Việt không phải là chuyện gì khó hiểu. 


Ngược lại, hãy thử nhìn mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ. Hàn Quốc đã luôn gửi lính chiến đấu cùng người Mỹ ở hầu như khắp các chiến trường. Người Hàn Quốc là một trong những dân tộc yêu mến Hoa Kỳ nhất, và dĩ nhiên Hoa Kỳ xem Hàn Quốc là một trong những đồng minh gần gũi nhất không nằm trong khối NATO. 


Tình cảm nó giống như một cách boomerang. Khi bạn quăng đi thì nó sẽ bay ngược về chỗ cũ của bạn. Nếu mình đối xử với người ta không thật lòng, cho dù là giấu diếm, thì trước sau gì người ta cũng nhận ra. Một dân tộc muốn có đồng minh thì dân tộc đó phải thật lòng đối xử trân trọng với đồng minh. Đừng bao giờ đi dây, hai lòng. 


Nguyễn Huy Vũ

4.12.2023