1.12.23

Henry Kissinger

Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger vừa qua đời, thọ 100 tuổi. Ông là một học giả và là một chiến lược gia giúp định hình nên trật tự thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, dù nhiệm kỳ phục vụ của ông trong chính quyền Hoa Kỳ chỉ vỏn vẹn có 8 năm từ 1969 đến 1977 — từ 1969 đến 1975 với vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia và từ 1973 đến 1977 với vai trò Ngoại trưởng. 


Cùng với tổng thống Richard Nixon, Henry Kissinger đã thực hiện các chiến lược khác nhau nhằm làm yếu Liên Sô và ảnh hưởng đến cục diện của thế giới ngày nay. Các thành tựu của ông phải kể đến gồm: 


Thương thảo Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược lần đầu (First Strategic Arms Limitation Treaty) và Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (Anti-Ballistic Missile Treaty) với Liên Sô; thương thảo với Mao Trạch Đông về việc mở cửa Trung Quốc để tách Trung Quốc ra khỏi quỹ đạo của Liên Sô; đình chiến trong chiến tranh Yom Kippur giữa Israel một bên và Ai Cập và Syria một bên; và chấm dứt sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam mà trong đó ông và Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1973. 


Đó không phải là những thành tựu nhỏ đối với một di dân tị nạn Phát xít Đức như Henry Kissinger. Sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu ở vùng Bavaria, miền Nam nước Đức, cả nhà ông đã rời Đức để xin tị nạn tại Mỹ vào năm 1938, lúc ông 15 tuổi. Ngày mới sang Mỹ, ban ngày ông phải bán các cây cọ để phủi râu, ban đêm mới đi học. Khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, ông gia nhập quân đội Mỹ và quay trở lại Đức; ban đầu phục vụ trong lực lượng bộ binh, sau đó là lực lượng phản gián. Sau đó ông theo học tại Đại học Harvard và bắt đầu nổi tiếng như là một chiến lược gia về hạt nhân và địa chính trị. 


Như nhiều người Do Thái tị nạn khác, Henry Kissinger lúc đầu có thiên hướng nghiêng về con đường học thuật. Ông bắt đầu được chú ý khi viết cuốn luận văn “Ý nghĩa của lịch sử” (Meaning of History), và sau đó là luận văn về sự cân bằng quyền lực ở Châu Âu thời kỳ hậu Napoleon. 


Tuy vậy, cuốn sách của ông với tựa đề “Vũ khí Hạt nhân và Chính sách Ngoại giao” (Nuclear Weapons and Foreign Policy) mới đưa ông lên trở thành một chiến lược gia thực thụ. Cuốn sách cổ vũ cho một cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn vào lúc uy tín của Hoa Kỳ bị sút giảm khi chứng kiến Liên Sô phóng vệ tinh Sputnik. 


Henry Kissinger bắt đầu có ảnh hưởng chính trị khi ông trở thành cố vấn chính sách đối ngoại chính của thống đốc bang New York Nelson Rockefeller trong cuộc vận động để được đại diện đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống. Nelson Rockefeller sau đó không được đảng Cộng hoà đề cử và Henry Kissinger tưởng đã phải quay trở lại con đường học thuật. Nhưng nhờ Richard Nixon đọc được các bài viết của Henry Kissinger nên mời ông làm cố vấn an ninh quốc gia. 


Ông nhận nhiều chỉ trích cả cánh tả và cánh hữu cho các chính sách của mình. Tuy vậy, ông bỏ ngoài tai những chỉ trích này và khi được hỏi vào những ngày cuối đời rằng liệu ông có cho rằng ông nên làm lại một chính sách nào không thì ông đã trả lời rằng tất cả những điều ông làm đều là điều tốt nhất trong khả năng của ông lúc bấy giờ. 


Ông bị chỉ trích nhiều nhất với việc ký kết Hiệp định Hoà bình Paris với Bắc Việt 1973 đã dẫn đến việc Bắc Việt xâm chiếm Nam Việt chỉ hai năm sau đó. 


Richard Nixon và Henry Kissinger thừa kế một cuộc chiến vốn bị phản đối mạnh từ trong nước ra khắp thế giới. Khẩu hiệu tranh cử của Richard Nixon là rút quân về. Henry Kissinger đã thương thảo một chiến lược nhằm cho phép miền Nam Việt Nam tự đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ quốc gia của mình mà không cần sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ. Ông đã ký được thoả thuận này cùng với các bên liên quan trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng chiến lược này sau đó sụp đổ khi Quốc hội Mỹ chấm dứt viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1975 và chính quyền miền Nam Việt Nam đã sụp đổ chỉ vài tuần. Một trong những người đã bỏ phiếu ủng hộ chuyện vất bỏ miền Nam Việt Nam là Thượng nghị sỹ Joe Biden, tức đương kim tổng thống Mỹ. 


Đối diện với các chỉ trích, Henry Kissinger chỉ lập luận rằng nếu Quốc hội Hoa Kỳ đã không chấm dứt các khoản viện trợ cho Nam Việt, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà hẳn sẽ còn tồn tại. 


Giới cánh tả thường chỉ trích ông và cho rằng ông ủng hộ những nhà độc tài. Nhưng cánh tả ở Thế kỷ 20 khác cánh tả ở Thế kỷ 21. Cánh tả ở Thế kỷ 20 chủ yếu là những người cộng sản, chủ trương đứng cùng với Liên Sô. 


Trường hợp ở Chile là một ví dụ. Tổng thống Salvador Allende thắng cử chỉ với 37% phiếu bầu và sau khi thắng cử ông tổng thống này đã đem Chile đứng về hẳn bên cánh tả cùng với Cuba và Liên Sô. Cuộc đảo chính đẫm máu của tướng Augusto Pinochet đã đưa Chile quay trở về là một nước tư bản được lãnh đạo bởi độc tài cánh hữu. Chile sau đó trở thành một nước dân chủ thịnh vượng với nền kinh tế thị trường. Trong suốt quá trình này, Mỹ đã cung cấp những hỗ trợ cho phe đối lập của tổng thống Salvador Allende nhưng các hồ sơ giải mật cho thấy Mỹ đã không biết được kế hoạch của cuộc đảo chính, và do đó Henry Kissinger đã không có trách nhiệm nào trong cuộc đảo chính này. 


Henry Kissinger là một người theo đuổi chủ nghĩa thực tế. Cùng với tổng thống Nixon, ông tin rằng kỷ nguyên năng lượng nguyên tử cần một mối quan hệ Nga - Mỹ ổn định và việc kiểm soát vũ khí là nhằm để đạt được điều đó. Tuy các hoạt động ngoại giao đã thành công nhưng các hiệp ước chống tên lửa đạn đạo đã không ngăn chặn được những tham vọng của Liên Sô. Hiệp định này thậm chí ngăn cản việc phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa của Mỹ nên sau đó tổng thống George W. Bush đã rút khỏi nó. 


Henry Kissinger cũng bị chỉ trích là quá mềm dẻo với Trung Quốc, nhưng trong góc nhìn của ông Trung Quốc và Hoa Kỳ cần đạt đến một trạng thái sống chung với nhau để tránh chiến tranh mặc dù có sự khác biệt về chính trị và văn hoá. 


Tư tưởng và kiến thức của ông đã luôn là một nguồn tham khảo cho các chính trị gia từ tổng thống cho tới các nghị sỹ, kể cả các chính trị gia nước ngoài. Các tổng thống Mỹ từ John F. Kennedy cho tới Joe Biden đều tham vấn ông. Ông còn đóng vai trò là một cố vấn không chính thức cho các lãnh đạo Trung Quốc và được giới lãnh đạo Trung Quốc xem là một người bạn. Ông trở thành một cầu nối, một sứ giả không chính thức, giữa các lực lượng chính trị khác nhau trên thế giới. 


Ngoài các hoạt động chính trị, ông vẫn tiếp tục công việc là một học giả. Cuốn sách gần nhất của ông, Sự Lãnh đạo: Sáu Nghiên cứu về Chiến lược Thế giới (Leadership: Six Studies in World Strategy) điểm lại các chiến lược của các lãnh đạo của các nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Singapore và Ai Cập. Một cuốn sách mà các chiến lược gia quốc gia nên đọc. 



Nguyễn Huy Vũ

2.12.2023