24.3.18

Tại sao Hà Nội nhượng bộ Bắc Kinh?

Dưới đe dọa của Trung Quốc, Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Việt Nam, công ty con của tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, dừng khoan dầu tại bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có một câu hỏi mà có lẽ nhiều người thắc mắc đó là tại sao Hà Nội lại nhượng bộ Bắc Kinh đến vậy và đâu là những lo ngại của Hà Nội khi đưa ra quyết định này?


Nên nhớ rằng đối diện với một ngân sách trống rỗng, giới lãnh đạo cộng sản buộc phải tìm một nguồn thu khác để bổ sung. Tăng khai thác dầu mỏ là một lĩnh vực tiềm năng và có thể nói là duy nhất. Hà Nội có thể tăng thuế xăng dầu để tăng thu ngân sách, nhưng việc tăng thuế xăng dầu sẽ nhanh chóng đẩy lạm phát tăng vọt, khiến mất kiểm soát sự ổn định kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế đi sâu hơn vào khủng hoảng. Những nguồn thu khác đều giới hạn và khó có thể giúp gì được cho ngân sách Việt Nam trong lúc này. Bạn đọc có thể tham khảo bài «Việt Nam trên bờ vực sụp đổ» mà tác giả đã viết từ đầu năm và vẫn còn nguyên tính thời sự (xem ở cuối bài).


Trở lại câu hỏi rằng trong tình trạng ngân sách khó khăn như vậy, những nguyên nhân nào khiến Hà Nội phải nhượng bộ Bắc Kinh và trở nên bối rối như vậy. Dưới đây là vài lý giải.


Thứ nhất, với một ngân sách trống rỗng và một nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, những lãnh đạo cộng sản cảm thấy lo ngại khi diễn ra một cuộc xung đột với Trung Quốc. Cuộc xung đột sẽ khiến cho nhiều người Việt Nam lo ngại về an ninh và dừng hẳn việc đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Kinh tế Việt Nam sẽ đi sâu hơn vào cơn khủng hoảng.


Thứ hai, đối phó với sự đi xuống của nền kinh tế, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã mở rộng cửa đón nhận những nhà đầu tư từ Trung Quốc, đón chào những du khách Trung Quốc đến du lịch Việt Nam, và thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Mục tiêu là để tạo thêm nguồn thu ngân sách và giúp tăng dự trữ ngoại tệ. Cuộc xung đột với Trung Quốc diễn ra chắc chắn sẽ chấm dứt dòng đầu tư và du lịch từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như ngừng lại các hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Ngân sách của Việt Nam chắc chắn sẽ thêm kiệt quệ.


Thứ ba, các lãnh đạo cộng sản hẳn luôn lo nghĩ rằng quân đội Việt Nam không chắc đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột nhỏ, chưa nói đến là một cuộc chiến quy mô. Gần ba mươi năm kể từ khi kết thúc cuộc chiến Biên giới Tây Nam cuối thập niên 1980, Quân đội Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ trải qua một cuộc chiến đúng nghĩa nào. Những người lính năm xưa giờ phần lớn đã là những ông già và đã giải ngũ. Có rất nhiều vấn đề để phải nghi ngờ về khả năng chiến đấu của một đội quân chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm thực chiến. Những vấn đề đó đến từ khả năng phối hợp, chiến thuật, khả năng sử dụng vũ khí, tính hiệu quả của vũ khí, cho đến khả năng của các chỉ huy.


Thứ tư, đã có những chia rẽ trong quân đội và không chắc là các lãnh đạo cộng sản có thể kiểm soát được quân đội khi một cuộc chiến diễn ra. Bằng chứng là các lãnh đạo Đảng Cộng sản, đứng đầu là ông Tổng Bí thư kiêm luôn chức Bí thư Quân ủy Trung ương, vẫn không thể đưa ra quyết định buộc quân đội phải từ bỏ các hoạt động kinh doanh. Mà thay vào đó, các lãnh đạo Đảng Cộng sản buộc phải dùng tới hệ thống dư luận viên để làm áp lực buộc giới quân đội phải từ bỏ hoạt động kinh doanh. Để ý một điều nữa là ý kiến của các lãnh đạo trong quân đội cũng không thống nhất đối với việc liệu quân đội có được phép tiếp tục các hoạt động kinh doanh hay không. Những điều đó cho thấy hai điều, đó là: (i) quân đội, một cách rõ rệt, đã chia thành những phe cánh và không một ai hay tổ chức nào có ảnh hưởng đủ để kiểm soát và lãnh đạo các phe nhóm trong quân đội; và (ii) các lãnh đạo Đảng Cộng sản đã dần mất đi sự ảnh hưởng bao trùm đối với quân đội. Chính vì vậy mà trong trường hợp một cuộc xung đột xảy ra, nó có thể khiến giới lãnh đạo cộng sản mất quyền kiểm soát quân đội, và thậm chí trong trường hợp quân đội đứng về phía người dân các lãnh đạo cộng sản có thể phải mất cả chiếc ghế của mình.


Thứ năm, Đảng Cộng sản Việt Nam không có một đồng minh thực sự nào để chống lưng trong trường hợp cuộc xung đột với Trung Quốc lan rộng trở thành một cuộc chiến toàn diện. Cho đến nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chỉ là làm bạn với tất cả các nước. Về mặt ý thức hệ, trên thế giới, chỉ còn duy nhất 5 đảng Cộng sản còn tồn tại ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào. Ngoại trừ Trung Quốc, cả ba nước còn lại đều nghèo yếu. Việt Nam đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với Nhật, Ấn Độ, và Mỹ trong chiến lược kềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy vậy, khi mà mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ chưa có thể sâu sắc đến mức để có thể thiết lập một quan hệ đồng minh, Việt Nam khó có thể nhận được nhiều sự giúp đỡ trong trường hợp xảy ra xung đột. Đó là chưa kể trong tình hình hiện nay, Tổng thống Donald John Trump của Hoa Kỳ đang phải tập trung vào các vấn đề đối nội vốn chiếm hết thời giờ nội các ông, từ chính sách y tế cho đến lo việc đối phó với các cáo buộc liên quan đến sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.


Thứ sáu, Trung Quốc là chỗ dựa ý thức hệ và lý luận kinh tế chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam có được một phần lớn là nhờ ở chỗ dựa này. Việc công khai chống đối Trung Quốc tương tự như việc giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam tự chặt đứt đi chân của chiếc ghế mình đang ngồi, và có thể khiến Đảng Cộng sản Việt Nam sụp đổ. Các mô hình kinh tế chính trị luôn đi kèm với nó là các nguyên tắc và lý luận để vận hành. Nó đòi hỏi những nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc của giới học giả kinh tế và chính trị. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có đủ khả năng để tự mình đưa ra một mô hình chính trị với các lý luận, mà thay vào đó là đi sao chép các mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đầu tiên là họ rập khuôn mô hình của Liên Xô. Khi Liên Xô khủng hoảng kinh tế, các lãnh đạo Liên Xô quay sang Trung Quốc để lấy ý tưởng từ các cải cách của Bắc Kinh được khởi sự bởi Đặng Tiểu Bình từ năm 1979. Cuộc cải cách của Liên Xô bắt đầu chính thức từ năm 1986 với tên gọi Perestroyka thì ngay lập tức Hà Nội áp dụng chương trình Đổi Mới với nội dung tương tự. Khi các cải cách kinh tế của Liên Xô sụp đổ, sự hoảng sợ khiến các lãnh đạo Hà Nội dừng lại các cải cách ở Việt Nam và quay sang cầu cứu và học hỏi Bắc Kinh. Sau Hội nghị Thành Đô vào đầu tháng 9 năm 1990, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam chính thức áp dụng rập khuôn mô hình Trung Quốc cho Việt Nam kể từ đó. Hàng năm, các cơ quan lý luận hai nước trao đổi với nhau việc thực thi các chính sách và các cải cách. Chính vì lý do đó mà nếu muốn biết Việt Nam sẽ làm gì thì hãy xem các chính sách Trung Quốc đã thực hiện.


Thứ bảy, trong hai quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền thì cho đến nay Việt Nam chỉ còn giữ được các đảo ở Trường Sa. Một cuộc xung đột diễn ra có thể là cái cớ để Trung Quốc nhanh chóng chiếm nốt các đảo còn lại. Tuy vậy, khi mà Việt Nam vẫn còn cô đơn, không có đồng minh, và khả năng quốc phòng yếu kém thì chuyện Trung Quốc chiếm nốt những đảo còn lại chỉ là vấn đề thời gian. Thậm chí trong ngắn hạn, Trung Quốc với tiềm lực hải quân mạnh mẽ có thể dễ dàng khống chế toàn bộ các điểm đảo mà Việt Nam khó có thể làm gì được nếu cứ tiếp tục chính sách hiện nay. Việc các lãnh đạo cộng sản Việt Nam vì bất cứ lý do nào để mất thêm các đảo của Việt Nam vào tay Trung Quốc sẽ được ghi vào lịch sử dân tộc. Trong trường hợp mất đảo như vậy, sẽ có nhiều người cho rằng giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thông đồng với Trung Quốc để «dâng đảo». Khó mà có thể biện hộ và gột rửa những tội lỗi như vậy trước lịch sử.


Và cuối cùng, một ban lãnh đạo không có khả năng, kém cỏi và không còn uy tín trước nhân dân thì khó có thể nào hiệu triệu được sự ủng hộ của nhân dân đứng bên cạnh mình chống ngoại xâm, bảo vệ quyền lợi đất nước. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản biết điều đó và vì vậy mà họ sẽ chịu nhượng bộ Trung Quốc để giữ ghế cho qua hết nhiệm kỳ, bỏ mặc sự an nguy và lợi ích của dân tộc.


Nói thêm, tin tức của Reuters cho rằng giàn khoan của Repsol vẫn còn ở bãi Tư Chính, nhưng nguồn tin nội bộ được cung cấp cho nhà nghiên cứu Carlyle A. Thayer (*) rằng dưới áp lực, mà có lẽ là đe dọa dùng vũ lực, các lãnh đạo Việt Nam đã quyết định dừng giàn khoan. Tuy vậy, việc dừng lại tạm thời hay rút lui mãi mãi thì vẫn còn chưa được chắc chắn. Nếu đây là một sự hoãn tạm thời thì nó là một chỉ dấu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang vận động sự ủng hộ của các phía khác nhau. Nhưng trong trường hợp hiện nay, Hà Nội rất khó thành công. Thứ nhất là Việt Nam quá cô đơn, không có nhiều sự ủng hộ. Và thứ hai là vị trí này được cho là nằm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Việc Trung Quốc để cho Việt Nam tự do khai thác trong vùng biển này có thể được dùng như một bằng chứng để tuyên bố rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi lý, và đó là điều mà Trung Quốc không muốn xảy ra.


Nguyễn Huy Vũ

27.7.2017 (**)


(*) Carlyle A. Thayer, “South China Sea: Did China Threaten Force? Did Vietnam Withdraw from Block 136?,” Thayer Consultancy Background Brief, July 25 , 2017. Nguồn: http://www.viet-studies.net/kin…/Thayer_DiDChinaThreaten.pdf

(**) đăng lần đầu trên Facebook của tác giả.