30.12.16

Mồi câu từ thiện

Những ai đi câu cá đều biết muốn câu được cá cần có mồi. Tùy từng loại cá muốn câu mà chọn địa điểm câu và chọn mồi khác nhau. Câu cá là một nghệ thuật, và nói theo nhiều người thì người câu cá giỏi có thể được xem như một nghệ sỹ. Anh ta biết chỗ nào có cá, nhìn thời tiết biết có cá ít hay nhiều, thả thính loại nào, mồi gì. Nếu như nghệ sỹ cũng học và luyện tập thì người câu cá chuyên nghiệp cũng vậy. 


Trong câu chuyện quyên góp từ thiện, ngoại trừ một số những người và tổ chức hiếm hoi thật sự lương thiện và thường lặng lẽ bởi vì làm từ thiện xuất phát từ cái tâm thiện của họ và thường họ không mưu cầu điều gì khác ngoại trừ niềm vui khi giúp được người khác vui, thì những tổ chức và cá nhân vụ lợi khác hành động không khác bao xa cái nghề câu cá. 


Và vì thế, bài này kể câu chuyện về cách các tổ chức từ thiện vụ lợi hoạt động từ thiện vì lợi ích chính họ. Cách làm của những tổ chức vụ lợi này có một mô-tip tương đối giống nhau như sau:


Đầu tiên là chọn địa điểm hay môi trường: nếu như câu cá bạn chọn một địa điểm thì người làm từ thiện vụ lợi cũng chọn một môi trường để «câu» những nhà hảo tâm.


Bước thứ hai là thả thính: nếu như người câu cá thả thính để dụ cá tới thì những nhà hoạt động từ thiện vụ lợi cũng sẽ mồi dư luận, đưa tin về vụ việc, để kéo sự chú ý và đo sự quan tâm của dư luận.


Bước thứ ba là chọn mồi và thả mồi: nếu như người câu cá tùy từng loại cá muốn câu mà chọn các loại mồi khác nhau thì người hoạt động từ thiện vụ lợi cũng sẽ đưa các miếng mồi khác nhau dụ mạnh thường quân. Mồi để dụ mạnh thường quân thường đa dạng, đó là các cô nhi viện trá hình dùng trẻ em để nhận tiền, những người thuê trẻ em kèm theo để bán vé số và ăn xin, những cá nhân bỏ ra một số tiền và dùng những người nghèo để kêu gọi hỗ trợ tiền chữa bệnh, xây nhà, xây cầu ở vùng nông thôn….


Bước thứ tư là tăng cường truyền thông: ở đây nếu như người câu cá thường cố gắng giữ im lặng để câu được nhiều cá, thì những nhà hoạt động từ thiện vụ lợi sẽ dùng truyền thông để thổi phồng hoạt động và hình ảnh của mình lên để hi vọng «câu» được nhiều mạnh thường quân hơn. 


Và cuối cùng, bước thứ năm thì sau khi những con cá bị mắc câu, cả cá thiệt và «cá mạnh thường quân» tất cả đều có một điểm chung là im lặng. Cá thật im lặng thì đã đành. Còn cá mạnh thường quân im lặng vì nghĩ trong xã hội Việt Nam thì cho dù mình la to lên thì có mấy ai nghe mình và mình càng la to thì có khi nhiều người lại nghĩ xấu về mình rằng có mấy đồng bạc làm từ thiện mà tiếc của la om sòm, thậm chí còn bị nhiều người ác miệng chửi mình ngu, không biết nhìn người. Khi bỏ tiền ra làm từ thiện, những mạnh thường quân nghĩ rằng số tiền đó là bố thí, cho người khác, đã không còn là của mình. Và khi bị ăn chặn người mình nhiều khi biết ra sự thật thì tức quá đôi khi chửi đổng một câu rồi hết, mà nói như nhiều người là tiền đem đi cúng cô hồn. Phần còn lại nhiều mạnh thường quân ngại việc tốn thời gian trong việc đi thu thập chứng cứ, liên lạc luật sư, và số tiền không đáng bao nhiêu so với họ nên họ chọn im lặng.


Có một điểm chung lớn của những tổ chức và cá nhân trong các phi vụ ăn chặn từ thiện là họ thường không minh bạch các khoản thu chi, hoặc nếu có minh bạch thì làm cho có lệ. Vì nếu minh bạch hết thì khác nào tự «vạch áo cho người xem lưng», thấy hết những nhập nhèm. 


Chính vì vậy mà thường các mạnh thường quân khó có thể nào một sớm một chiều biết được cái tổ chức mình góp lại đi ăn chặn tiền của mình, nếu không có các cơ quan báo chí hay phóng viên có tâm vào cuộc. Trong nhiều trường hợp nhà báo khi đối diện với sự thật ăn chặn một lần nữa cũng đứng trước những suy nghĩ của chính mình rằng mình có nên khui vụ này ra không, nhất là những vụ mà lỡ khui ra ánh sáng thì có thể khiến thân bại danh liệt một cá nhân, hoặc có thể phải đóng cửa một cô nhi viện. Nhưng mà nếu không khui thì khác nào làm lơ để những cá nhân hay tổ chức ăn chặn tiền cứ nhơn nhơn trước pháp luật ăn chặn năm này sang năm khác. Mà cái hại là lâu dần nó trở thành một thứ cấm kị (taboo) trong xã hội Việt Nam, khi ai cũng biết mà không ai dám nói.


Nhưng một xã hội mà ở đó có những ung nhọt chúng ta không dám nói ra, phẫu thuật nó ra thì cái ung nhọt đó sẽ mãi mãi ở trong cơ thể chúng ta và không thể nào khiến chúng ta khỏe mạnh hay nói một cách rộng ra là không bao giờ khiến chúng ta có được một xã hội lương thiện và văn minh được. Vì vậy mà hãy một lần lên tiếng và thiết lập một chuẩn chung cho xã hội rằng tất cả các cá nhân và tổ chức quyên tiền cho từ thiện hay các hoạt động xã hội cần phải minh bạch các khoản thu chi. 


Và chỉ khi chúng ta đã làm quen được với văn hóa minh bạch và lương thiện ở mức xã hội là các hoạt động từ thiện thì mới có hi vọng chúng ta quyết tâm đòi được minh bạch ở các lĩnh vực xa hơn trong xã hội để từ đó loại bỏ dần tham nhũng và bất công. 


Nguyễn Huy Vũ

OL, 29.12.2016