30.12.16

Về văn hóa minh bạch tiền bạc của người Việt

Có một điểm dở trong văn hóa của người Việt đó là sự khó nói về tiền bạc trong các mối quan hệ. Một mối quan hệ mà dính đến tiền trước sau gì cũng dễ xích mích. Người Việt mình xem việc cho, nhận, chi tiền nhiều khi là một cái gì đó thuộc về tình cảm chứ không giống như nhiều người ở các xứ tiến bộ xem tiền như một vật trao đổi thuần túy trong hợp đồng giữa người với người.

Khi ra ngoài ăn uống, lúc chi trả hóa đơn, người mình khá lúng túng. Người thì dành trả vì thể diện, người thì ngại được trả cũng vì thể diện. Khi cho mượn tiền, người cho mượn không dám đòi vì sợ mất bạn, phần vì sợ người mượn bảo có nhiêu đó mà đòi, thằng này keo kiệt, bủn xỉn. Thành ra nhiều khi người cho mượn ráng nhịn. Còn về phần người mượn thì nhiều khi vì công việc bận quá mà quên, mà cũng có khi không có đủ tiền để trả nên cũng thành ra khó ăn khó nói nên lẳng lặng im luôn, có khi tránh mặt. Thành ra vậy mà mất đi mối quan hệ tốt đẹp. Vì chỉ khi mối quan hệ tốt đẹp tin nhau thì người ta mới cho mình mượn tiền.

Ở một khía cạnh khác, có khi người ta nhờ gửi tiền để mua cái gì đó hay chi chỗ nào đó, xong người gửi không dám hỏi. Vì nghĩ có bao nhiêu tiền đâu mà hỏi, mà nếu hỏi thì bị đánh giá là nhỏ mọn, nên im.

Nhiều lần tôi gặp nhiều người bạn, họ trách đất nước có nhiều cái tệ quá, xong khi nói đến tham nhũng họ bảo phải chi mấy ổng ăn mà mấy ổng làm được cũng đỡ, đằng này mấy ổng ăn không mà không làm.

Họ không phải là những người nghiên cứu kinh tế - chính trị hay xã hội nên không biết rằng khó có một nước nào trên thế giới mà phát triển được nếu bị tham nhũng hoành hành.

Nhiều người suy nghĩ như vậy lắm.

Nói vậy chỉ để nói lên một tâm lý rằng người Việt mình rất xuề xòa trong các minh bạch và tách bạch giữa tiền bạc và tình cảm. Và khi mình xuề xòa như vậy thành ra mọi người trong xã hội hình thành một cái nếp là rất xuề xòa về tiền bạc, thu chi, vay mượn, sao cũng được.

Đó là một văn hóa chúng cần dần dần thay đổi nếu chúng ta muốn trở nên là một xã hội công bằng, văn minh và giàu tình cảm hơn. Tại sao phải là công bằng? Trong ví dụ trên, khi mà mọi người cùng đi ăn thì về mặt công bằng họ phải có trách nhiệm trả khoản tiền mình ăn, trừ khi là bạn bè hay người thân mời khi có dịp. Tại sao văn minh? Như ví dụ ở trên khi mình mượn tiền thì mình có trách nhiệm trả tiền và người cho mượn có quyền hỏi. Chúng ta nên coi điều đó như một hành động bình thường nằm ngoài tình cảm. Tại sao lại giàu tình cảm hơn? Vì khi cả hai hiểu nhau rằng vay mượn phải trả hợp lý hoặc gửi tiền thì có quyền hỏi và người nhận nên trả lời thì không ai phải giận ai, tình bạn sẽ hiểu nhau hơn.

Những điều đó cần hình thành nên một văn hóa, văn hóa cư xử trong các giao dịch về tiền bạc. Chúng ta hiện nay chưa có văn hóa đó và chúng ta cần phải ý thức và xây dựng.

Muốn có được một văn hóa cư xử trong các giao dịch về tiền bạc thì điều đầu tiên là mọi người cần làm quen với văn hóa minh bạch trong giao dịch tiền bạc. Đó cũng là lý do mà người viết bài này cổ vũ cho sự minh bạch trong thu chi của các hoạt động thiện nguyện.

Chúng ta và xã hội sẽ nhận được nhiều ích lợi từ các hành động minh bạch này.

Thứ nhất, việc đòi hỏi minh bạch trong từ thiện chính nó sẽ tạo một tiền lệ trong các hoạt động xã hội từ rày về sau rằng những cá nhân và tổ chức quyên góp tiền cho các hoạt động xã hội cần phải có trách nhiệm minh bạch số tiền thu chi hoặc đúng với cam kết ban đầu của mình. Nếu để ý bạn sẽ thấy một điều rằng các hội nhóm thiện nguyện khác đã bắt đầu công bố các con số thu chi. Đó là một tín hiệu tốt. Dần dần mọi người sẽ quen với việc minh bạch thu chi trong các hoạt động xã hội.

Thứ hai, nó cũng tạo một tiền lệ rằng những người gửi tiền cho các hoạt động xã hội và cộng đồng có quyền giám sát và đòi hỏi người nhận tiền thực hiện đúng như cam kết ban đầu.

Thứ ba, khi môi trường trở nên minh bạch và rõ ràng, nó sẽ khiến cho những người lương thiện và tử tế khi thực thi các hoạt động xã hội được tôn vinh và coi trọng một cách xứng đáng, chứ không còn bị nghi ngờ này nọ.

Thứ tư, thiện nguyện là một điều tốt và những người làm điều tốt, vì trách nhiệm cộng đồng, xã hội đều đáng được tôn vinh. Không phải ở bất cứ lĩnh vực nào chính phủ cũng có thể can thiệp được, và ở những điểm mà chính quyền khó với tới hoặc thực hiện không hiệu quả, cần có sự can thiệp của các hội đoàn dân sự. Bất cứ một hoạt động thiện nguyện hay hoạt động xã hội nào cũng cần tài chính, không thể làm gì được nếu không có tiền. Và khi mà các hoạt động xã hội được mọi người tin tưởng tuyệt đối, quyên góp tài chính hỗ trợ mạnh mẽ, thì đất nước mới có cơ hội phát triển.

Thứ năm, việc các tổ chức và cá nhân quyên góp tiền nhanh chóng minh bạch hóa và ghi nhận các khoản đóng góp của các nhà hảo tâm ở đó còn thể hiện một văn hóa khiêm nhường trong việc trân trọng tiền bạc và tình cảm chia sẻ của những người đóng góp. Về lâu về dài, điều này giúp tạo nên một tiền lệ tốt và giúp hình thành nên một văn hóa tốt trong xã hội của Việt Nam – một văn hóa khiêm nhường và quý trọng tiền bạc, tình cảm của những người chia sẻ tấm lòng. Ở các công trình công cộng ở Mỹ như công viên, bảo tàng, nhà quản lý luôn để những tấm bảng bé bé đề tên người hiến tặng. Điều đó thể hiện một văn hóa khiêm nhường và trân trọng người hiến tặng thiện nguyện.

Thứ sáu, việc minh bạch chính nó sẽ giúp hình thành nên một văn hóa lương thiện và giúp xây dựng niềm tin trong xã hội Việt Nam nơi niềm tin giữa người và người của chúng ta đang ngày càng bị mai một, khi không ai tin ai trong xã hội. Người dân không tin lẫn nhau, chính quyền không tin người dân, và người dân không tin cả chính quyền.

Thứ bảy, khi mà người dân chúng ta đòi hỏi được một sự minh bạch trong các hoạt động xã hội dân sự của mình và từ từ xây dựng nên một văn hóa minh bạch trong việc đưa và nhận tiền thì đó là bước đầu tiên để chúng ta xây dựng nên một văn hóa minh bạch trong các giao dịch tiền bạc ở cấp xã hội. Đó là nấc thang đầu tiên trước khi chúng ta có thể tiến tới đòi hỏi một sự minh bạch hơn trong chi tiêu của chính quyền. Người dân không những có quyền đòi hỏi từng đồng tiền quyên góp của mình dùng vào việc gì cho thiện nguyện, mà việc này còn giúp đặt một tiền lệ để sau này mọi người có quyền đòi hỏi từng đồng tiền thuế của mình được tiêu xài ra sao.

Khi một đất nước ngày càng minh bạch và lương thiện, từ xã hội đến chính quyền, người ta đưa và nhận, tin tưởng và minh bạch từng đồng tiền, một cách cẩn trọng và khiêm nhường trong hành động thì đó sẽ là một vốn quý về văn hóa của đất nước đó.

Khi đó người hoạt động xã hội quyên góp tiền được tin yêu, quan chức chính phủ được tin tưởng, người và người cho, nhận, và mượn trong sự minh bạch và tôn trọng. Đó thật sự là một xã hội văn minh.

Vì vậy đó là trách nhiệm của mọi người trong góp tay để làm minh bạch hóa những nghi vấn trong các hoạt động nhận và chi tài chính của các tổ chức xã hội, và ở đây bắt đầu từ các dự án từ thiện, từ nay trở về sau.

OL, 9.12.2016