3.12.16

Từ thiện để làm gì?

Đó là một buổi chiều hè ngày thứ sáu Luân Đôn, bữa học cuối cùng của một khóa học về kinh tế vĩ mô tại trường LSE. Sau khi chia tay những người bạn, tôi chầm chậm bước về khách sạn của mình. Trời Luân Đôn chiều cuối tuần đi dạo rất thích.

Trời mát mát, mọi người hối hả về nhà, thỉnh thoảng ngang qua những cổng metro hay bắt gặp những anh chị ôm chầm lấy nhau, quấn quýt và trao những nụ hôn. Ngang qua một siêu thị, ngay góc tường có một bác già ngồi để cái cốc bằng giấy ăn xin, loại cốc dùng một lần người ta hay dùng để uống coca-cola trong các tiệm ăn nhanh.

Bỗng từ bên kia đường, một anh thanh niên, tuổi độ hơn 20, tay cầm một cốc coca-cola, tay kia cầm một bịch McDonald trong có đầy đủ hamburger và khoai tây chiên chạy vọt băng qua đường mặc cho những làn xe qua lại. Anh nhẹ nhàng đặt ly nước coca-cola và bịch McDonald xuống bên ông già rồi chưa kịp để ông đưa lời cám ơn, anh vụt chạy đi. Tất cả diễn ra trong một chớp mắt trước mặt tôi. Tôi sững sờ, đáng yêu quá.

Đáng yêu vì một hành động đẹp diễn ra một cách đột ngột, không mong đợi trước mắt mình. Còn chuyện nhường cho nhau những miếng ăn thì tôi đã từng gặp và chính tôi cũng thường xuyên làm. Ngày ở Sài Gòn, thỉnh thoảng khi ăn cơm, thấy mấy người già bán vé số hay ăn xin tôi thường mời cơm. Ngày bé, không có tiền, buổi trưa thường có người ăn xin ghé nhà, tôi vào bới cho tô cơm, thêm thức ăn, mời ông hay bà cụ. Ăn xong, tôi vào nhà vét mấy lon gạo bỏ vào cái giỏ rồi tiễn đi. Tất cả như một sự tự nguyện với ước mong rằng họ sẽ đỡ khổ hơn.

Tháng 6 năm 2010, Bill Gates cùng với Warren Buffett, hai tỉ phú giàu nhất nước Mỹ khởi xướng một chiến dịch thiện nguyện to lớn lấy tên là Giving Pledge và bắt đầu tuyển các thành viên của chiến dịch. Những thành viên tham gia chiến dịch này phải cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình cho thiện nguyện, riêng Warren Buffett cam kết cho đi 99% tổng số tài sản của mình.

Mỗi người khi tham gia chiến dịch tự quyết định số tài sản cho đi và nơi mình sẽ cho số tiền đó. Điểm chung là một đa số tài sản của họ sẽ được cho đi và nó sẽ được dùng cho các mục đích làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Mục tiêu của việc tuyên bố rộng rãi một chiến dịch như vậy là nhằm làm cho hành động bố thí trở nên cởi mở hơn và tạo một bầu không khí để nhiều người cùng có thể tham gia.

Ở Việt Nam, khi những hình ảnh đầu tiên về cơn lũ của miền Trung xuất hiện, một số cá nhân vì nóng lòng cứu giúp những đồng bào của mình đã vận động kêu gọi cộng đồng quyên góp để mình thay mặt cứu trợ.

Với những người thật lòng thương xót đồng bào mình, đó là một tấm lòng rất quý. Họ là những người không quản khó khăn giúp chuyên chở số tiền từ các mạnh thường quân đến tay người cần hỗ trợ. Người góp sức, người góp công.

Ở đây, phải thắng thắn với nhau một điều rằng khi anh đứng ra tuyên bố quyên góp rằng anh giúp nhận tiền để chuyển cho các gia đình khó khăn, đó là một hợp đồng không chính thức rằng số tiền mà các nhà hảo tâm gửi đó sẽ được chính anh gửi cho những hoàn cảnh như cam kết. Đó là một sự tự nguyện của chính anh, hay tấm lòng của anh, dành cho những mảnh đời đói khổ, như biết bao những con người làm từ thiện bởi vì họ chỉ mong rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn mà không mong một sự báo đáp.

Tuy vậy, không khó để nhận ra một điều rằng những con người thật lòng làm điều tốt và cho đi hẳn cũng sẽ nhận lại những điều may mắn và hạnh phúc nơi mình.

Những ngày qua, theo dõi những lùm xùm quanh vụ minh bạch từ thiện của MC Phan Anh tôi thấy khá buồn. Việt Nam có quá nhiều điều đáng để bàn thay vì cứ xoay quanh một chủ đề minh bạch từ thiện. Là một người trung lập, tôi đứng ngoài và cố theo dõi phản ứng của cả hai bên, nhưng rồi cuối cùng tôi thấy có gì đó khó hiểu trong câu chuyện minh bạch mà đáng ra là không nên có. Và vì vậy mà cần phải góp tiếng nói.

Một giải pháp dễ dàng nhất cho Phan Anh để làm sáng tỏ thay vì phải lên BBC hay VietNamNet để chia sẻ là mở tài khoản ngân hàng nhận tiền ra, song song đó là live stream và hướng camera về phía tài khoản của mình, vừa thuyết minh vừa cho mọi người thấy con số. Một giải pháp nhanh chóng và tất cả đều minh bạch.

Về các khoản chi tiêu, Phan Anh cũng có thể lập một page rồi chụp các hóa đơn, và đăng lên page, mọi người sẽ giúp cộng trừ. Một hành động chụp và đăng hóa đơn như vậy tốn không tới 2 phút và không dài hơn hành động selfie và chụp hình mà Phan Anh hay đăng.

Riêng về trang web tuthiendelamgi.com thì rõ ràng một trang web dùng wordpress thì tốn thời gian không quá một buổi để thiết lập. Chỉ cần một tên miền và chọn một máy chủ có hỗ trợ wordpress, tất cả sau đó coi như xong. Còn nếu muốn làm miễn phí và nhanh chóng hơn nữa thì chỉ cần lập một trang blogspot, bỏ các tập tin vào một tài khoản dropbox miễn phí, và đăng lên blogspot. Tất cả các thao tác này chưa tới 30 phút đồng hồ.

Khi vào trang tuthiendelamgi.com theo dõi thì thấy tập tin gọi là sao kê thông tin giao dịch nhưng chữ thì rất bé không thể thấy, thậm chí khi phóng đại lên mức tối đa là 5 lần. Một điểm nữa là thông tin xóa luôn tất cả cả tên người gửi và cả số tài khoản ngân hàng, nên không ai biết là ai gửi và bao nhiêu. Đúng ra thì nên chừa một chữ trong họ tên và vài số cuối cùng của tài khoản người gửi, như vậy vừa có thể bảo mật, mà vẫn có thể cung cấp thông tin.

Một điểm nữa tôi cũng không hiểu được đó là tại sao Phan Anh lại vội vàng đóng tài khoản nhận tiền và chuyển toàn bộ số tiền sang tài khoản mới đồng đứng tên với Đỗ Minh? Vì làm như vậy thì những nhà hảo tâm gửi tiền khi họ muốn xem Phan Anh đã thực hiện các giao dịch nào giữa chừng trước khi chuyển sang tài khoản mới thì sao họ kiểm tra và làm sao Phan Anh có thể minh bạch cho họ các hoạt động trước khi đóng tài khoản này? Làm sao Phan Anh hóa giải sự nghi ngờ khi họ cho rằng số tiền gửi vào nhiều hơn và Phan Anh đã gửi một số đi chỗ khác hay họ nghi ngờ các giao dịch tương tự?

Thay vào đó, nếu ngại chuyện các giao dịch tiếp tục gửi tiền tới thì Phan Anh có thể nhờ ngân hàng phong tỏa tài khoản không nhận tiền gửi tới là xong, mà không cần phải đóng tài khoản lại.

Và cuối cùng, đúng ra, với một người nhận tiền của những nhà hảo tâm trong cam kết chuyển tới các đồng bào nghèo khó của mình, cần ở đó sự khiêm tốn vì cuối cùng thì số tiền phần lớn đó là đại diện cho những tấm lòng của nhiều người, đáng được trân trọng.

Tất cả ở trên cũng chỉ là những góp ý với ước mong rằng cuối cùng thì từ thiện đúng nghĩa là hai từ cao đẹp ở Việt Nam, và những người làm từ thiện là những người đáng được tin yêu và trân trọng.

OL, 3.12.2016