31.12.16

Sự mê tín của người Việt và tai hại của dân tộc

Đọc đánh giá về tính cách của người Việt, các nhà viết sử ngoại quốc lẫn Việt Nam đều có chung một nhận định là người Việt mình mê tín. Mà mê tín thì thường tin vào những điều còn mù mờ, nửa đúng nửa thật, tin những nhân vật bí ẩn. Tin vào những điều mà tâm trạng mình muốn nghe thay vì phải đặt câu hỏi ngược lại là tại sao. Cái tâm lý đó xưa nay không thay đổi.


Cái hại của một tâm lý như vậy là đôi khi niềm tin đã trở nên “cuồng” thì họ dễ dàng bị dẫn dắt, xỏ mủi đi theo niềm tin nào đó, thần tượng nào đó. Lịch sử xưa nay cho ra nhiều ví dụ như vậy. Có khi sự dẫn dắt đưa dân tộc đến một kết cục tốt đẹp, song cũng có lúc dẫn dân tộc đến chỗ lầm than.


Xưa, Lê Lợi bôi mỡ trộn mật viết lên lá cây rừng “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thân” khiến kiến ăn lên lá mà tạo ra tám chữ này, song song đó Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho quân đi phao tin trong thiên hạ rằng họ là hai vị anh hùng được hồn thiêng sông núi ủng hộ để đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhân dân mê tín cứ tưởng thật mà theo họ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.


Sự mê tín đó một lần nữa được Lý Thường Kiệt dùng lại để kích động tinh thần tướng sỹ khi chống Tống xâm lược năm 1076. Hơn 30 vạn quân Tống từ Trung Hoa sang xâm lược, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến bên sông Như Nguyệt và đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía Nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ thần:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Trần Trọng Kim dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Tướng sỹ nghe bài thơ thần đó ngỡ là có thần yểm trợ nước Nam nên khí thế dâng cao, Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức đánh một trận quyết chiến, thẳng vào trại giặc. Giặc bất ngờ, phần vì sỹ khí quân lính Đại Việt dâng cao nên chống đỡ yếu ớt, số bị thương và chết đến quá nửa. Lý Thường Kiệt sau đó cho người sang nghị hòa, để quân Tống rút về nước, vừa giữ được bờ cõi vừa giữ được hòa bình cho đất nước.


Dựa theo cái sự mê tín đó của dân Việt, những người cộng sản dựng lên hình tượng Bác Hồ và biến ông thành một vị thánh, những lời ông nói như chân lý, nhiều nơi còn đưa ông vào điện thờ, ngồi chung với Thần Phật, kêu gọi mọi người sống, lao động, học tập theo gương ông. Ông được tô vẽ lúc thì như một ông tiên, lúc thì như một vị thánh sinh ra với sứ mệnh vì dân vì nước: “Đụn Sơn phân dải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”. Một lần nữa dân Việt tin theo ông, tin theo chủ nghĩa cộng sản và chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội theo những người cộng sản đồng chí của ông. Kết quả thế nào thì nhiều người đã nói, đã thấy, và đang chịu đựng.


Cái hại của sự mê tín do đó nó biến cả một đám đông của dân tộc trở nên cuồng tín, bất chấp lý lẽ, đúng sai. Người ta tin chỉ vì để thỏa mãn cái tâm lý muốn nghe điều họ muốn nghe, chứ không phải muốn nghe điều phân tích có lý mà thường trái tai của một thiểu số.


Cái sự mê tín này nếu không chữa thì có khi cả dân tộc lại lặp lại sai lầm là đi tin vào những tay giỏi trò mị dân đưa đất nước vào điêu linh một lần nữa.


Tuy vậy nhiều người lại không nhận ra sự nguy hại của vấn đề. Họ đi cổ vũ cho những cá nhân mờ mờ ảo ảo viết những điều hư cấu trộn lẫn thực tại thành những miếng bánh để đáp ứng đám đông đang đói thông tin, không biết đất nước mình sẽ đi đâu trong những ngày sắp đến và những nhà cầm quyền đang làm gì ở chốn cung đình. Những thực hư đó tiếp tục là những viên thuốc phiện dẫn dắt đám đông nằm tại chỗ nhưng mơ màng gửi niềm tin đi từ nơi này sang nơi khác. Mà một hậu quả nhãn tiền là không ai chịu làm gì cả nhưng cùng chờ đợi một sự thay đổi sẽ đến từ đâu đó, một niềm tin giống như con người có số phận và đất nước có thịnh suy.


Muốn chữa được cái sự cuồng tín thì một mặt những người hiểu biết cần nói ra và mặt khác báo chí và cộng đồng cần phải đưa thông tin đa chiều nhiều hơn nữa. Khi mà các luồng thông tin ngày càng minh bạch, đa chiều hơn thì người dân sẽ dần học cách biết suy xét, suy nghĩ lý tính hơn để từ đó phân biệt được rạch ròi phải trái, trắng đen. Có như vậy thì dân tộc mới tránh được cái họa bị một người, một nhóm người hay một ý thức hệ lú lẫn hóa lôi kéo đi như chúng ta từng chứng kiến.


Nguyễn Huy Vũ

OL, 31.12.2016