15.1.17

Bỏ Tết Ta vì nhà nước đang cần đô la

Ảnh từ Internet.

Gần đây, trên các báo chí và cộng đồng mạng xuất hiện các ý kiến bỏ ăn Tết Ta, và thay vào đó là gộp Tết Ta vào cùng một ngày với Tết Tây. Điều đó có nghĩa rằng ngày Tết Ta sẽ bằng đầu vào ngày 1/1 Dương lịch hàng năm. Liệu các ý kiến này có hợp lý hay không và đâu là nguyên nhân bắt đầu của ý kiến này?



Trước hết, một trong các lập luận của việc bỏ Tết Ta là việc ăn Tết của người Việt rất dài, nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, công sức, và có tác động xấu về mặt kinh tế. Nhưng hãy đặt một câu hỏi ngược lại là nếu bây giờ đổi ngày ăn Tết thì có giải quyết được vấn đề không? Câu trả lời là không. Bởi vì việc ăn Tết dài nó đã là một văn hóa của người Việt. Và nếu mà muốn người Việt ăn Tết ngắn lại và đơn giản hơn thì trước hết hãy cổ vũ cho họ thay đổi văn hóa chứ không phải đổi ngày ăn Tết.


Văn hóa ăn Tết dài của người Việt có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất đó là trước đây văn hóa của người Việt bắt nguồn từ văn hóa lúa nước. Người trồng lúa phải đợi thời tiết ấm mới xuống lúa hay còn gọi là gieo mạ. Trồng các cây khác cũng vậy. Thời tiết lạnh quá thì cây không lên, chính vì vậy mà tiết trời hơi lạnh của những ngày tháng Chạp tới tháng Giêng, trùng với khoảng thời gian chuẩn bị Tết và vui Tết, người Việt vẫn còn nghỉ ngơi để bắt đầu một vụ mùa mời. Vì vậy mới có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu. Tháng ba trồng cà…”.


Tuy vậy, theo thời gian khi mà đất nước ngày càng công nghiệp và đô thị hóa, con người ngày càng bận rộn hơn, việc chuẩn bị Tết và ăn Tết đã ngày càng đơn giản dần. Thay vì phải chuẩn bị bánh mứt như ngày xưa, giờ đã có mức làm sẵn và bánh hộp. Bánh tét hay bánh chưng cũng đã có dịch vụ đặt nấu, và hầu như tất cả các dịch vụ khác thị trường cũng đều cung cấp sẵn. Mọi thứ dần trở nên đơn giản và tinh gọn. Tết Ta giờ đây là dịp để gia đình sum vầy, người thân thăm viếng lẫn nhau, và đi du lịch.


Một nguyên nhân khách quan thứ hai khiến cho việc ăn Tết của người Việt vẫn còn kéo dài, chưa thể ngắn lại thêm được, đó là tình trạng giao thông. Những người trẻ Việt bỏ quê lên các thành phố lớn kiếm sống và Tết là dịp để họ trở về quê thăm ông bà cha mẹ. Tuy vậy, kiếm một cái vé để trở về quê mình đón Tết không phải là một điều dễ dàng. Họ phải đặt trước có khi hàng tháng. Và thậm chí khi đã có được tấm vé thì quãng đường từ thành phố về quê có lúc phải mất tới vài ngày như cách những người bình dân miền Bắc vào Nam làm việc và quay lại quê mình đón Tết. Vì vậy, chỉ khi giao thông được tiện lợi hơn thì cách ăn Tết của người Việt sẽ từ từ giản đơn lại.


Một vài người lấy ví dụ về các nước khác, chẳng hạn như Singapore, và cho rằng họ đã bỏ Tết âm lịch. Đó là một lập luận sai. Thật ra thì Singapore không bỏ Tết âm lịch. Tết âm lịch của họ gọi là Tết Tàu, tiếng Anh là Chinese New Year. Mỗi năm họ có hai ngày nghỉ lễ cho Tết Tàu và một ngày nghỉ lễ cho Tết Tây. Ngày nghỉ lễ cho Tết Tàu theo ngày âm lịch và ngày nghỉ lễ cho Tết Tây vào ngày 1/1 Dương lịch hàng năm. Ngoài ngày nghỉ lễ Tết của người Tàu, họ còn có hai ngày nghỉ lễ của người Hồi giáo Malay là Hari Raya Puasa – là lễ chấm dứt tháng nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo -- và Hari Raya Haji – được gọi là lễ hiến sinh nhằm tôn vinh việc Abraham vâng lời Thượng đế mà hiến tết con trai Ishmael của mình trước khi Thượng đế can thiệp để cấp cho ông một con cừu làm vật hiến tế thay thế -- ngày lễ ánh sáng Deepavali của người Hindu, và ngoài ra còn có ngày lễ Phật đản tức ngày kỷ niệm đức Phật sinh ra tại vườn Lâm tì ni, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.


Trong các ngày lễ đó thì ngày Tết Tây 1/1 là được tổ chức và người dân, đặc biệt là người trẻ, đón chào nồng nhiệt nhất, mặc dù nó chỉ có một ngày, ít hơn so với hai ngày của Tết Tàu. Nguyên nhân là vì Singapore là đất nước gồm nhiều sắc dân, người Hoa, người Ấn, người Malay, người Tây phương, và người các xứ châu Á khác, nên ngày Tết Tây đã trở thành một lễ hội phi tôn giáo và phổ cập, vượt qua các lằn ranh của địa lý. Đó là một dịp lễ cho tất cả mọi người.


Riêng ngày Tết Tàu thì chỉ có người gốc Hoa vui chơi. Mà thực ra thì cũng chỉ các ông bà già người Hoa còn lưu luyến ngày Tết của mình, chứ giới trẻ thì khá hời hợt. Họ đa phần đã Tây hóa. Tết Tàu đối với người Hoa ở đây là dịp để họ thăm bà con, chúc phúc và tặng nhau những bao lì xì nho nhỏ, y như người Việt, mà họ gọi là hồng bao. Không khí Singapore trong những ngày Tết Tàu tương đối im ắng, không có được cái nhộn nhịp như cái Tết của người Việt.


Một câu hỏi khác là liệu rằng bỏ Tết Ta gộp chung với Tết Tây, hay nói cách khác là chuyển ngày ăn Tết Ta sang ngày 1/1 Dương lịch hàng năm có hại hay không? Câu trả lời là có.


Tết Ta được tính theo âm lịch và thường theo sau Tết Tây khoảng một đến hai tháng theo thời gian. Người Việt mình không ăn Tết Tây, và vì vậy họ không chuẩn bị gì cho Tết Tây cả. Họ xem Tết Tây như một ngày nghỉ lễ bình thường như mọi ngày nghỉ lễ khác trong năm. Khi chuyển Tết Ta sang ngày 1/1 của Tết Tây đồng nghĩa với việc người Việt mình phải ăn Tết sớm trước một đến hai tháng, và do đó việc chuẩn bị phải thực hiện sớm từ trước đó hai đến ba tháng so với truyền thống. Đó là khoảng thời gian mà người Việt, đa số làm nông nghiệp, đang chuẩn bị thu hoạch vụ mùa. Họ không thể vừa chuẩn bị ăn Tết vừa lo vụ mùa được. Những người nông dân cần phải thu hoạch, dọn dẹp, đem bán các nông sản của mình, và sắp xếp các khoản chi tiêu tài chính trước khi họ có thể có thời gian và tiền bạc để chuẩn bị một cái Tết ấm cúng cho mình và chào đón người thân.


Chỉ khi nào mà Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp, chỉ một số nhỏ người còn làm nông nghiệp và mọi thứ đã được cơ giới hóa, thì lúc đó người Việt hẵn mới nghĩ tới chuyện có nên bỏ Tết Ta mà ăn chung với Tết Tây hay không.


Vậy còn người Tây phương thì sao?


Thực ra thì người Tây phương cũng ăn Tết khá giống người Việt. Đặc biệt là ở những nước mà văn hóa nông nghiệp còn nhiều ảnh hưởng. Nếu như người Việt chuẩn bị lễ Tết từ giữa tháng Chạp và ăn Tết từ ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Táo về trời, thì người phương Tây họ cũng ăn Tết của họ từ ngày 23 tháng 12 hàng năm, ngày mà họ chuẩn bị đón lễ Giáng sinh, kéo dài cho đến hết ngày 1/1 hàng năm. Và tuy là ngày 1/1 thì hết lễ nhưng dân ở nhiều xứ ở châu Âu, nhất là Bắc Âu, vẫn còn vui lễ thêm dăm ba hôm sau đó nữa.



Người Tây phương chuẩn bị Tết cũng tương tự như người Việt. Tết Tây của họ là dịp để họ sum vầy gia đình. Nếu như người Việt có đồ ăn truyền thống ngày Tết thì người Tây tùy vùng miền cũng có những đặc sản riêng. Và đặc biệt, nếu như người Việt mình ăn Tết sau khi thu hoạch vụ mùa thì người phương Tây cũng vậy. Người Việt trồng lúa nước, thu hoạch vào cuối thu theo âm lịch, sau đó dọn dẹp nghỉ ngơi đón Tết, thì người phương Tây trồng lúa mỳ thu hoạch cũng vào cuối thu tầm khoảng tháng 10 theo Tây lịch trước khi mùa đông đến, sau đó chuẩn bị đón Giáng sinh cùng năm mới.



Không chỉ người Việt mình sắp xếp các lễ hội, hoạt động theo vụ mùa mà người Tây phương cũng vậy. Hãy xem cách người Mỹ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mỗi 4 năm một lần thì biết. Họ tổ chức bầu cử tổng thống và các nghị viên chính phủ vào tháng 11, đó là lúc cuối thu nông nhàn, khi mà các hoạt động thu hoạch vụ mùa đã thực hiện xong. Họ cố định ngày bầu cử tổng thống vào ngày thứ Ba, ngay sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, vì ngày đó vừa tránh được ngày thứ Tư là ngày các vùng hay tổ chức họp chợ bán nông sản và vừa tránh được các ngày lễ cuối tuần của người theo đạo Thiên chúa.


Khi kêu gọi người Việt bỏ Tết Ta, gộp vào với Tết Tây thì nó không khác gì kêu người phương Tây chuyển ngày ăn Tết Tây sớm trước một đến hai tháng hàng năm. Nó không hợp lý vì với đa số người Việt hôm nay, và thậm chí ngay cả ở một số nước phương Tây, khoảng thời gian trước Tết hai đến ba tháng so với truyền thống đó là khoảng thời gian tất bật nhất của họ với các công việc của nhà nông, đó là lúc thu hoạch, kết toán, và chuẩn bị cho một vụ mùa trong năm mới.



Nói như vậy để thấy rằng ông bà ta chọn ngày để ăn Tết là có lý do của họ, và cách chọn của họ không khác gì cách chọn ngày Tết của người Tây phương, đó là chuẩn bị Tết trong thời gian nông nhàn, sau khi thu hoạch hết các vụ mùa, và đã chuẩn bị xong một vụ mùa mới cho năm mới. Đó là một cách tính toán hợp lý, vừa phù hợp về mặt cuộc sống, vừa mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Vì vậy, một quyết định đổi ngày ăn Tết hay bất cứ một thay đổi nào về mặt văn hóa của chính quyền cần phải tính đến các khía cạnh kinh tế lẫn văn hóa.


Câu hỏi cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là tại sao lại xuất hiện các lời kêu gọi gần đây về việc gộp Tết Ta sang ăn chung với Tết Tây?


Câu trả lời là nhà nước đang cần đô la.


Vì khi mà chuyển Tết Ta sang ngày 1/1 Dương lịch hàng năm, ăn chung với Tết Tây, thì khoảng thời gian trước Tết độ một tuần là khoảng thời gian mọi người sum vầy cùng nhau chuẩn bị đón năm mới. Và nếu như vậy thì người Việt mình sẽ ăn Tết cùng thời gian như người Tây. Khoảng thời gian đó cũng là lúc mà nhiều người Việt ở nước ngoài được nghỉ, và vì mục đích sum họp gia đình, họ có nhiều lý do để trở về Việt Nam ăn Tết hơn. Những đồng đô la đem theo trở về quê hương chi tiêu của những “khúc ruột ngàn dặm” sẽ giúp làm đầy ngân khố quốc gia vốn đang cạn kiệt đô la.


Mối quan tâm của chính phủ hiện giờ là làm sao để có thêm nguồn ngoại tệ mới vì tiền của kiều bào gửi về trong nước đang dần giảm lại. Và khi mà dự trữ ngoại hối trong ngân khố quá thấp thì một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi người dân lo sợ, đổ xô đi mua đô la gây áp lực phá giá tiền Đồng và làm sụp đổ hệ thống tài chính.


Vì lí do đó mà đổi ngày ăn Tết chỉ là cái kế “man thiên quá hải” (giấu trời qua biển) nhằm thu hút nguồn ngoại tệ dồi dào của những “khúc ruột ngàn dặm” nhằm cứu hiểm cho nền kinh tế đang suy vi.


Nguyễn Huy Vũ

OL, 14.1.2017