24.10.08

Việt Nam: Phía sau Cá và Tàu

Far Eastern Economic Review

September 2007

Vietnam: Beyond Fish and Ships

by Jago Penrose, Jonathan Pincus and Scott Cheshier

************************************************

Việt Nam: Phía sau Cá và Tàu

Nguyễn Huy Vũ dịch


Nguyen Huu Thanh rời trường đại học sau năm 1986 để bắt đầu làm việc trong một công ty thủy sản nhà nước. Sau 11 năm với vô số những trở ngại trong quản lý hành chính, ông vay một khoản tiền và mở một công ty thủy sản tư nhân để xuất khẩu qua thị trường Nhật. Doanh thu trong năm 2000 - năm đầu tiên đi vào hoạt động của công ty - là 5 triệu đô. Vào năm 2006, VietFood với 3.300 nhân công cung cấp gần 40% lượng tôm để làm sushi ở thị trường Nhật, đạt doanh thu 63 triệu đô.

Cách Hải Phòng khoảng một ngàn cây số, xưởng đóng tàu Nam Triều, một công ty con của Vinashin, đang nỗ lực những khâu cuối cùng để hoàn thành chiếc tàu với tải trọng 53 ngàn tấn - sản xuất dưới hợp đồng của công ty Graig Shipping tại Anh.

Cá và tàu là những mặt hàng chính mà những nhà hoạch định chính sách gọi là "nền kinh tế biển" ("maritime"), một ý tưởng được đưa ra trong định hướng "chiến lược biển" của chính phủ phổ biến khoảng đầu năm nay. Với 3.200 cây số chiều dài với nhiều tài nguyên biển, khí đốt, dầu và du lịch biển là những lĩnh vực biển mà Việt Nam hy vọng sẽ đóng góp nhiều nhất vào thu nhập của quốc gia. Chính phủ mong đợi rằng vào khỏang năm 2020, thủy sản, đóng tàu, hàng hải, dầu khí, du lịch và các ngành dịch vụ biển sẽ đóng góp vào một nửa thu nhập quốc gia (GDP) - tỉ lệ này chỉ là 15% trong năm 2005. Nhu cầu thế giới đối với thủy sản nuôi trồng và cá lớn đang tăng. Những chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp du lịch dự đoán rằng khoảng 50 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch ra nước ngoài vào khoảng năm 2010, và 100 triệu vào khoảng năm 2020. Nhiều trong số họ sẽ đến Việt nam, cùng với những khách du lịch người Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, để du lịch, nghỉ ngơi và chơi golf ở những khu nghỉ dưỡng dọc bãi biển.

Kinh tế biển cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đã làm một cuộc cách mạng trong sản xuất gạo ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông, giờ đây Việt Nam đang hướng tới biển, tiến trình bắt đầu với việc cải cách doanh nghiệp trong năm 1989, đến thâm nhập thị trường châu Âu vào năm 1995 và việc kí được hiệp định thương mại, mang tính bước ngoặc, với Mỹ năm 2001. Việc trở thành thành viên tổ chức mậu dịch thế giới (WTO) là điểm cuối cùng của tiến trình mà người ta hay gọi là "Đổi mới" - bắt đầu từ năm 1986 - vốn thực ra là một chính sách chuyển đổi ngoạn mục. Trong khi Trung Quốc giải tán hình thức hợp tác xã nông nghiệp vào năm 1978, Việt Nam khởi động một chiến dịch tập thể hóa èo uột ở đồng bằng sông Mê Kông - điều này đã đưa đất nước đến bờ vực thiếu đói. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1996, Việt Nam đã bãi bỏ hình thức tập thể hóa và đã được xếp hạng thành nước xuất khẩu gạo thế hai thế giới. Việt Nam cũng được nổi lên là một nhà xuất khẩu hàng đầu về cà phê, thủy sản, hạt tiêu, cao su, cũng như quần áo và giày dép.

Vent for surplus (một thành ngữ kinh tế đề xướng bởi Adam Smith, chỉ ra trường hợp thị trường trong nước không tiêu thụ hết hàng hóa sản xuất ra, và do đó hàng sản xuất ra đem đi xuất khẩu để thu lợi nhuận)

Thành tựu kinh tế Việt Nam trong suốt quá trình "Đổi Mới" rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế hàng năm trung bình 7% trong suốt 20 năm, và tăng trưởng xuất khẩu vượt hơn 20% mỗi năm.

Việc xuất khẩu hàng hóa khoảng 40 tỉ vào năm 2006 tương đương 65% tổng thu nhập quốc dân - một tỉ lệ tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập niên.

Xuất khẩu đã đưa sự tăng trưởng của Việt Nam vào mô hình "vent for surplus", khi mà nhu cầu bên ngoài tạo ra động lực để tận dụng những lao động dư thừa và đất đai vào mục đích sản xuất.

Nhưng thậm chí những nhà quan sát nhiệt tình nhất cũng nhận rằng nền kinh tế còn phụ thuộc nặng nề vào lương thấp và tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu và tăng trưởng. Và lương thấp chính nó không phải là chiến lược phát triển bền vững lâu dài. Bất chấp tất cả những cuộc thảo luận về off-shoring, sức lao động thực ra chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ chi phí sản xuất. Trung bình, sức lao động trực tiếp ở các nước đang phát triển sản xuất hàng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 3% đến 4% của tổng chi phí ngay tại nơi xuất cảng và ít hơn 1% với giá tại nơi bán lẻ.

Những chi phí khác như điện, vận chuyển, viễn thông, an ninh, phí hành chính và tham nhũng là như nhau, nếu không nói là quan trọng hơn đối với những nhà đầu tư. Và vài trong những phí này là khá cao ở Việt Nam so với những nước đang cạnh tranh. Theo A.T. Kearney, một công ty tư vấn quản lý, giá điện công nghiệp ở Việt Nam là bằng giá với ở Trung Quốc và Thái Lan, và cao hơn ở Malaysia và Indonesia. Nhưng chi phí vận chuyển bằng tàu biển tính theo mỗi cây số của Việt Nam là cao nhất trong năm nước, phí viễn thông và phí thuê văn phòng chính cũng vậy.

Một vấn đề khác với những sản phẩm kiểu vent-for-surplus như gạo, cá, hạt tiêu, áo quần và giày dép chính nó tiêu biểu cho đặc tính "đàn hồi" thấp với thu nhập (low income elasticities). Nói cách khác, khi mà con người ngày càng giàu hơn, với lượng thu nhập tăng lên, họ không có xu hướng mua nhiều gạo và cà phê hơn. Tại thời điểm này, Việt Nam rất cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp phát triển chậm. Một trong những bí mật thành công của sự phát triển Đông Á là tập trung vào những sản phẩm "đàn hổi" với thu nhập, chẳng hạn như những sản phẩm điện tử nhiều chức năng và xe hơi - những cái mà đang chiếm một thị phần lớn trong mức tiêu dùng của người dân các nước trên thế giới, như Bắc Mỹ hay Châu Âu.

Ổn định chính trị, địa lý, và giàu tài nguyên, một thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh chóng và giờ đây là thành viên WTO sẽ cho phép Việt Nam tiếp tục là điểm đến, hấp dẫn những nhà đầu tư. Đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2006 đã lên đến 2,3 tỉ đô Mỹ, tăng 20% so với năm trước, và dự đoán sẽ lại tăng trong năm nay.

Nhưng khi mà đất nước ngày càng giàu hơn, nó cần được đa dạng hóa để rời bỏ khỏi những ngành công nghiệp đòi hỏi nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều và hướng tới những ngành công nghiệp nặng về kỹ thuật với nhiều tiềm năng hơn. Hầu hết những công ty Việt Nam là nhỏ, mặc dầu có vài công ty lớn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vức may mặc, giày dép. Công nghệ rất đơn giản, lợi nhuận thấp, và sản xuất phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Những đất nước đang công nghiệp một cách thành công bắt buộc cuối cùng phải chuyển từ sự phát triển kiểu vent-for-surplus đến phát triển các công ty nội địa nhằm đạt được một qui mô thích hợp với một trình độ kỹ thuật tương thích nhằm bắt kịp với giá cả và tiêu chuẩn của thế giới, và để tích hợp những công ty này vào trong những dây chuyền cung cấp hàng hóa trên thế giới - những dây chuyền mà đang thống lĩnh lĩnh vực sản xuất trong thế kỷ 21 này.

Những ưu tiên trong chính sách mới

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã bắt đầu thu hút những dự án đầu tư hướng tới những sản phẩm có tính "đàn hồi" với thu nhập (elastic income products) (những sản phẩm mà khi người ta ngày càng giàu hơn thì càng thích tiêu xài nhiều hơn cho sản phẩm có giá trị cao hơn - người dịch). Những công ty như Intel, Foxconn ( công ty nầy của Đài Loan với dự án đầu tư điện tử lớn nhất từ trước đến nay, hơn cả Intel, đặt ở phía Bắc, nhưng chính phủ VN "sợ mếch lòng Trung Quốc" nên báo chí tiếng Việt ít đăng tin - người dịch), Compaq và Nidec đã công bố những dự án đầu tư trong lĩnh vực lắp rắp linh kiện điện tử. Khu công nghệ cao Saigon (The Saigon Hi-tech Park) đã nổi lên như một "vũng công nghệ" nhằm nối kết những công ty do nước ngoài đầu tư, những công ty trong nước, các khu nghiên cứu và đào tạo lại gần với nhau. Mục đích là để bắt chước chiến lược của Đài Loan và Trung Quốc trong việc dịch chuyển từ việc lắp ráp đơn thuần sang việc liên kết giữa những công ty kỹ thuật cao của nước ngoài với những nhà cung cấp trong nước.

Việc áp dụng chiến lược này sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách mang tính quyết định trên một loạt những vấn đề từ quản lý vĩ mô cho tới sự đổi mới hệ thống luật lệ. Tuy nhiên, có ba lĩnh vực đòi hỏi được đặt ưu tiên lên hàng đầu đối với những nhà làm chính sách:

1. Giáo dục bậc cao:

Các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài thường đưa ra việc thiếu nguồn nhân lực bậc cao như là rào cản lớn nhất để tăng trưởng và phát triển kỹ thuật. Việt Nam không thiếu những tài năng, như được thấy qua thành tích những huy chương vàng tại Olympic Toán học thế giới những năm gần đây. Toyota khẳng định rằng thời gian để đào tạo những công nhân Việt Nam nhanh thứ 2 thế giới (dân tộc nào nhất thế giới, người dịch đang kiếm, bạn nào biết chỉ dùm). Tuy nhiên, các trường đại học ở Việt Nam đã thất bại để trang bị cho những tài năng này những kiến thức cần thiết để bắt đầu làm việc trong những công ty hay để tạo ra những nghiên cứu có tính ứng dụng nhằm mang lại những hiệu quả kinh tế. Đại học Việt Nam được ghi nhận là có số công trình đăng báo trên tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thấp nhất khu vực, trong năm 2002 - năm gần đây nhất mà những thông tin như vậy đạt được - chỉ có hai bằng sáng chế về ứng dụng cấp quốc tế được cấp cho hai người ở Việt Nam. Không giống như ở Trung Quốc, các viện nghiên cứu ở Việt Nam có rất ít các liên hệ với các doanh nghiệp.

Trong cuộc khủng hoảng ở giáo dục bậc cao và nghiên cứu, vấn đề không chỉ đơn giản là tiền bạc. Mặc dù Trung Quốc chi cho giáo dục với một tỷ lệ so với mức thu nhập quốc gia thấp hơn Việt Nam, vài trường đại học tốt nhất của Trung Quốc đã có thể tiến tới chất lượng quốc tế. Các trường đại học ở Việt Nam đang ở trong thành trì cuối cùng (last bastion) của việc lập kế hoạch "từ trên cao" (ở đây là bộ giáo dục -người dịch), dạy những điều đã lỗi thời (outdated), chương trình học được qui định sẵn từ bộ giáo dục thông qua những hệ thống đã không thay đổi kể từ thập niên 1980. Không có bất cứ tiến bộ nào sẽ diễn ra nếu như chừng nào các trường đại học và các viện nghiên cứu không được cho phép những sự tự chủ (autonomy) mà họ cần để có thể cạnh tranh trên những nền tảng cơ bản như chất lượng, uy tín và những vấn đề liên quan.

2. Cơ sở hạ tầng:

Việt Nam nổi lên từ hàng thập niên chiến tranh và việc kế hoạch kiểu từ trên xuống với sự ùn tắc về cơ sở hạ tầng. Đường xá, cầu cảng, sân bay, điện, nước và hệ thống thủy lợi là những lĩnh vực cần thiết để phát triển và xây dựng lại. Việc chậm trể kinh niên và chi phí phát sinh trong các dự án công cộng đã đưa đến những ảnh hưởng về kinh tế cực kỳ lớn. Sau 20 năm cải cách, Việt Nam vẫn chưa có nổi một hải cảng nước sâu để có thể tiếp nhận những tàu trọng tải lớn (trong một bài báo người dịch đã đọc trước đây, các tàu trọng tải lớn thường đậu ở cảng Singapore hay Cao Hùng của Đài Loan rồi dùng tàu nhỏ hơn chuyển hàng từ Việt Nam), khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên khoảng 28%, và các con đường thì thường kẹt xe. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước khởi công từ 1995 với một chi phí xấp xỉ khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, hiện nay dự kiến hoàn thành vào năm 2009 với chi phí 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Trong năm 2000, chính phủ duyệt xét kế hoạch để xây dựng 17 phòng thì nghiệm cấp quốc gia trước năm 2005. Chỉ có hai đã hoạt động vào giữa năm 2007. Trong khi đó, chính phủ đã đống ý với kế hoạch trị giá 33 tỉ đô la Mỹ nhằm xây dưng hệ thống đường sắt cao tốc nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nôi - điều này đặt câu hỏi về tính ưu tiên trong các lĩnh vực công cộng của chính phủ.

3. Thị trường tài chính:

Trong khi những doanh nhân Việt Nam đang vật lộn để tìm kiếm những nguồn vốn dài hạn, các nhà đầu tư trong nước đổ xô vào thị trường chứng khoán và nhà đất vốn đã quá nóng. Chỉ số VN Index đã tăng gấp ba lần giá trị chỉ trong vòng có bảy tháng ngay sau tháng tám năm 2006, trước khi rớt giá lại khoảng 20% trong những tháng gần đây. Việc đánh giá giá trị cổ phiếu chẳng còn dính dáng gì đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, và thị trường chứng khoán được hoạt động bởi những phi vụ kiểu "tay trong" (insider deals) và các mánh khóe về thông tin. Thị trường nhà và chung cư cao cấp một lần nữa lại rất nóng. Báo cáo của UNDP cho thấy rằng những công ty lớn nhất của Việt Nam đang đầu cơ rất mạnh vào thị trường địa ốc và chứng khoán nhằm tìm kiếm một khoản lợi nhuận trong một thời gian ngắn. Sự hình thành những bong bóng tài sản đi cùng với sự e dè trong niềm tin đối với doanh nghiệp là một chỉ dấu chắc chắn mà thị trường tài chính đang thất bại trong mục đích chính của nó, đó là điều tiết những tài sản tiết kiệm trong nước và đưa nó tới những dự án đầu tư mới. Trong khi các ngân hàng đang trả lãi suất thực ra là âm (vì lãi suất ngân hàng thấp hơn tỉ lệ lạm phát - người dịch), thì các công ty như Vinashin ngày càng phụ thuộc vào những khoản vay của nước ngoài để chi phí cho việc mở rộng hoạt động của công ty. Khoản nợ không giới hạn dưới dạng ngoại tệ nước ngoài không chỉ nguy hiểm đối với những công ty dính liếu tới, mà nó còn tạo ra một hiệu ứng mang tính chính trị đó là chống lại việc giảm giá của tiền Đồng Việt Nam, rồi cuối cùng những công ty xuất khẩu sẽ lãnh phần thiệt thòi.

Trách nhiệm giải trình :

Điều xuyên suốt nối những sự kiện này là khả năng chịu trách nhiệm giải trình công cộng (public accountability). Hệ thống của người Việt Nam đã chứng minh một cách rất tốt về việc phân phối những lợi nhuận mang tính kinh tế và nhiều lợi nhuận khác - như đất đai, cổ phiếu, nợ ngân hàng, danh chức và nhiều thứ khác - đến một tầng lớp chính trị đủ rộng để bảo đảm được tính bền vững và liên kết giữa các vùng miền và các nhóm của Đảng Cộng Sản cầm quyền. Nhưng trong khi các lợi nhuận về chính trị được tư nhân hóa thì các chi phí về kinh tế lại được xã hội hóa. Chất lượng yếu kếm của các trường học trong nước và các trường đại học đã bắt buộc các gia đình trung lưu cố gắng vượt ra ngoài khả năng của họ để vay mượn nhằm cho con cái họ được giáo dục riêng hoặc đưa ra nước ngoài du học. Sự chậm trể và chi phí đổ dồn đối với các dự án đầu tư của nhà nước làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và lấy đi những khoản tiền đáng nhẽ dành cho các dịch vụ cơ bản như y tế hay giáo dục. Giá nhà ngày càng cao đã đưa những hộ nghèo ở thành thị ngày càng sống chật chội hơn và gia tăng những việc kiện tụng đất đai vì quan chức lấy đất rẻ và bán lại nó để trục lợi.

Nhu cầu cho trách nhiệm giải trình công cộng (public accountability) lớn hơn chắc chắn sẽ gây căng thẳng khi mà xã hội ngày càng đô thị hóa và nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa và mở rộng. Nhưng các thế lực chống đối (opposing forces) - phát sinh từ trong đảng và chính quyền có liên hệ đến những lợi ích kinh tế ở những khu vực của đảng và nhà nước - có tiềm lực đáng kể muốn bảo vệ tình trạng hiện có. Chúng ta có thể mong đợi việc lãnh đạo tiến tới cải tổ một cách cẩn trọng và từ từ, chuẩn bị một phương án nhằm giải tỏa những áp lực (dynamism) của nền kinh tế mà không gây ra xáo trộn cho đất nước và ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị. Câu hỏi đưa ra là họ có thể có một phương án như vậy hay không, và có phải những "cơn gió" của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục "thổi" như cách mà chúng nó đang "thổi" như hiện nay ?


Ông Penronse là một nhà tư vấn độc lập, hiện ở Hà Nội. Ông Pincus là kinh tế gia trưởng của the United Nations Development Programme ( chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc) ở Việt Nam. Ông Cheshier là thí sinh tiến sỹ (doctoral candidate) tại trường School of Business and Management, Queen Mary University of LonDon.