13.10.16

Nhìn người Thái nghĩ người Việt

Vua Thái ra đi, để lại một đất nước Thái trong chia rẽ, cai trị bởi quân đội. Có một câu hỏi rằng tại sao Thái Lan không trải qua bất cứ một cuộc chiến tranh nào lại chỉ có một vị thế thường như vậy, nhất là khi so với các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, hay sát bên như Malaysia và giờ đây là Indonesia, cả về triển vọng kinh tế, hệ thống dân chủ, và tương lai quốc gia? Có phải rằng Thái Lan thiếu tự do ngôn luận, mà một trong đó là các ý kiến phê bình liên quan đến hoàng gia và thể chế, và chính vì vậy mà trí thức Thái không dám nói và bàn bạc các vấn đề liên quan nhiều đến hệ thống chính trị dẫn đến cuối cùng là những nền dân chủ được dựng lên rồi cuối cùng đổ vỡ? Bởi vì những đề tài bàn luận liên quan đến chính trị mà không dám đụng tới vua vì luật cấm thì có khác gì con voi nằm giữa phòng mà người quét phòng giả vờ không thấy và không dám nói. Đó quả thật là bi kịch của Thái Lan. Thật tiếc cho Thái Lan. Nếu như vua Thái bãi bỏ đi các quyết định đó, để vua với dân gần gũi chân tình, thì vị thế của vua trong mắt dân chắc chắn sẽ không thể giảm xuống mà tương lai đất nước chắc sẽ rạng rỡ hơn vì các ý kiến thẳng thắn sẽ được nêu ra và trao đổi, đem lại nhiều hiểu biết giúp dung hòa lợi ích các phe phái và tìm ra một hướng đi cho dân tộc trong bao dung, hòa bình, và vì lợi ích đất nước.

Bất cứ một nền dân chủ nào cũng cần được vun đắp và liên tục xây dựng. Có như vậy thì hệ thống dân chủ mới càng tươi mới và phát triển. Sự vun đắp đó trước tiên là ở các trí thức. Họ cần liên tục cất tiếng nói của mình vì lẽ công bằng và sự tự do. Bên cạnh đó là sự nuôi dưỡng và thúc đẩy của những người lãnh đạo hiểu biết. Không phải rằng khi các chính phủ phương Tây tạo ra các giải thưởng nhân quyền và lên tiếng vì nhân quyền chỉ vì đó là các hành động nhân đạo, mà trước hết việc tạo ra các giải thưởng nhân quyền và hành động lên tiếng đó nó như là một tấm gương nhắc nhở chính các công dân của mình trách nhiệm duy trì và bảo vệ dân chủ. Họ cần nỗ lực phát huy dân chủ hơn để xứng đáng là tấm gương khi phải giương cao ngọn hải đăng dân chủ soi sáng những ngục sâu của thế giới. Họ là những cơ quan duy trì và liên tục gieo rắc những hạt mầm dân chủ trên chính đất nước họ và cho cộng đồng thế giới. Nuôi dưỡng một đứa bé cần một ngôi làng, và bằng cách gieo mầm dân chủ đến thế giới họ gặt lại hòa bình và yêu thương trên chính quê hương mình.

Bi kịch của Thái cũng chính là bi kịch của Việt Nam. Chừng nào mà trí thức Việt Nam không dám nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề đất nước đó là chính trị cần tự do và bàn luận sôi nổi thì chừng đó đất nước sẽ còn lụn bại.

OL, 13.10.2016