20.10.16

Thiết kế nhà chống lũ, một dự án tiềm năng

Nhà nổi. Thiết kế bởi công ty Friday, Bồ Đào Nha.


Tìm hiểu lịch sử về các trận lụt lớn ở miền Trung, khu vực từ Thanh Hóa tới Quảng Nam, mới thấy một điều rằng các trận lụt lớn xảy ra khá thường xuyên, khoảng vài năm một lần. Trận lụt lịch sử được báo chí ghi chép lại có lẽ là trận lụt năm 1964. Nhìn những cảnh quay trên phim cho thấy mức độ của cơn lụt không thua kém những gì chúng ta đã thấy trong trận lũ vừa rồi, thậm chí nhiều tác hại hơn. Theo Thủ tướng Trần Văn Hương của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chỉ riêng khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng (bao gồm tỉnh Quảng Nam cũ và tỉnh Quảng Tín cũ), con số người chết tổng cộng là 3.770 người (2.500 người ở tỉnh Quảng Nam cũ và 1.270 người ở tỉnh Quảng Tín). Đó là chưa tính số nhà cửa bị hư hại và hầu như toàn bộ hoa màu, gia súc bị mất trắng.

Càng dần về sau, các trận lụt càng diễn ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân không chỉ là do biến đổi khí hậu khiến thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt hơn – vốn góp phần cũng bởi những tác động của con người thông qua hiệu ứng nhà kính -- mà còn ở con người chặt phá rừng bừa bãi và xây thủy điện một cách thiếu qui hoạch.

Dù muốn dù không, những cư dân miền Trung sẽ phải sống chung với lũ lụt trong những năm trước mặt. Hoặc họ sẽ phải học cách dung hòa với những cơn lũ hoặc là họ sẽ phải bỏ xứ ra đi nếu muốn có một tương lai.

Giả sử rằng trong trường hợp họ quyết định ở lại, việc đầu tiên cần nghĩ đến và cần làm đó là thiết kế những ngôi nhà có khả năng chịu đựng được những trận lũ. Nếu như người Nhật có thể thiết kế những căn nhà ấm cúng vừa có thể sống một cách yên bình vừa có khả năng chống động đất và giảm thiểu tác hại, thì những người Việt cũng nên nghĩ đến những ngôi nhà dung hòa được với lũ lụt.

Những ngôi nhà không chỉ cần an toàn, bền bỉ, và rẻ, mà nó còn cần đạt được những tiêu chuẩn của dễ lắp ráp và vận chuyển, và quan trọng nhất là nó có thẩm mỹ. Đó là những ngôi nhà mà người ở thấy yên bình và ấm cúng. Và khi mà nhiều những người dân xây dựng những ngôi nhà kiểu vậy nó còn trở thành một nét văn hóa của khu vực. Tính thẩm mỹ của ngôi nhà quan trọng là vậy.

Dễ lắp ráp và vận chuyển không những chỉ giúp người dân cơ động chuyển nhà đi trong những trường hợp mà mức độ thiên tai ở khu vực trở nên quá nguy hiểm, không thể sống lâu dài được, mà nó còn giúp nhà sản xuất có thể sản xuất những linh kiện của căn nhà một cách hàng loạt, giúp giảm chi phí. Nhà sau đó không cần xây, chỉ việc mua linh kiện nhà về ráp lại. Những căn nhà kiểu vậy trên thế giới giờ đây bắt đầu trở nên phổ biến.

Dưới đây là một ví dụ như vậy về mô hình nhà nổi. Điểm đặc biệt của nhà nổi này có đầy đủ những tiêu chuẩn đề cập bên trên. Nó đạt độ thẩm mỹ, thiết kế đơn giản và hiện đại. Người dựng nhà chỉ việc mua các linh kiện nhà về lắp ráp lại, và các linh kiện nhà dễ tháo lắp, vận chuyển.

Kiểu nhà này do một nhóm kỹ sư trường Đại học Coimbra của Bồ Đào Nha thiết kế. Trong link phía dưới, các bạn quan tâm có thể xem bản vẽ thiết kế của họ.

Trong trường hợp của Việt Nam, tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất có tiềm năng cho các bạn muốn khởi nghiệp (start-up). Hãy thiết kế một ngôi nhà nổi như vậy với những đặc thù của Việt Nam, đẹp và chi phí thấp nhất. Nhà có thể thiết kế nhà đơn cho một hộ gia đình, hoặc nhà kép cho nhiều hơn một hộ gia đình để giảm chi phí. Nó không những giúp bà con ở các tỉnh miền Trung và miền Tây khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sống dung hòa với lũ lụt, mà nó còn có thể là một phương tiện thư giãn và khai thác du lịch nếu được đặt ở các vịnh sông hay biển.

OL, 21.10.2016

Tham khảo: