21.8.21

Afghanistan sau 20 năm

Ngay sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay quân Taliban, cựu tổng thống Hamid Karzai và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah đã đứng ra lập nên một uỷ ban nhằm đại diện cho chính quyền Afghanistan để đàm phán với phe Taliban, lấy lý do là những thay đổi diễn ra trong 20 năm qua trên toàn Afghanistan nếu không có sự điều đình và thoả hiệp giữa Taliban và chính phủ, khó mà Taliban điều hành được quốc gia. 


20 năm là quãng thời gian đủ để nuôi dưỡng một người trưởng thành. Trong 20 năm dưới sự đào tạo của Mỹ và phương Tây, giới công chức và quân đội Afghanistan đã làm quen với phong cách làm việc và tư tưởng tự do của phương Tây. 


300 ngàn binh sĩ cộng với một con số khoảng chừng đó công chức nữa thì ít nhất là nửa triệu người làm việc cho chính phủ. Nếu nửa triệu người này bãi công, bất tuân dân sự, không đến công sở làm việc, thì 80 ngàn quân Taliban cũng không thể nào làm gì được để điều hành công việc của quốc gia.


Nửa triệu binh sỹ và công chức này bao lâu nay vốn quen với lề thói làm việc tự do, phóng khoáng kiểu phương Tây, giờ muốn họ chịu chấp nhân làm việc theo văn hoá độc đoán của giới cầm súng Taliban thì hơi bị khó. Mà nếu bắt lính Taliban đi điều hành quốc gia thì đám lính này có biết gì đâu ngoài cấm súng?


Quốc gia muốn không sụp đổ, trở nên hỗn loạn, tất phải nhờ đến nhóm nửa triệu binh sỹ và công chức này. Mà muốn thuyết phục nhóm này trở lại làm việc thì không thể nào thuyết phục bằng ngọn súng. Đó là lúc mà vai trò của giới cựu lãnh đạo như Hamid Karzai nắm vai trò quan trọng. 


Ngay cả sau khi thuyết phục xong rồi, nếu muốn điều hành quốc gia trôi chảy thì giới cầm quyền Taliban trước sau gì cũng phải thay đổi để phù hợp với ý chí của giới công chức, hoặc là họ phải loại bỏ hết giới công chức, đào tạo lại và thay đổi toàn bộ bằng những người mới, vốn là một điều không thể thực hiện được một sớm một chiều.


Sau 20 năm thiết lập một thể chế dân chủ ở đây, cái mà người phương Tây để lại là vô số hạt mầm dân chủ. Giới công chức và người dân một khi đã làm quen với văn hoá dân chủ tất không chấp nhận lối cai trị hà khắc như những gì diễn ra trước kia. 


Hôm nay, 19/8, người dân Afghanistan tổ chức kỉ niệm lễ Độc lập. Họ treo cờ ba màu của Afghanistan như là cách để phản đối lá cờ của Taliban. Nhiều người bị bắn. Nhưng làn sóng phản kháng chỉ mới bắt đầu.


80 ngàn quân của Taliban là quá nhỏ so với hơn nửa triệu công chức, và càng nhỏ hơn khi so với 35 triệu dân của quốc gia này. Chiếm quyền là một chuyện, nhưng để điều hành quốc gia thì là một chuyện khác. Nếu muốn điều hành quốc gia họ cần sự ủng hộ của người dân, giới công chức, và cả giới binh sỹ. 


Trong một chế độ một khi mà giới công chức và binh sỹ đã bén rễ với tinh thần dân chủ, khó mà cai trị họ với một thái độ và văn hoá độc đoán.


Hoặc là Taliban thay đổi, hoặc là họ sẽ bị đào thải.



Nguyễn Huy Vũ

19.8.2021