Khi tôi viết những dòng này, quân Taliban đã đến ngoại ô Kabul của Afghanistan. Tổng thống của nước này đang họp với đại diện của Hoa Kỳ và châu Âu. Quân Mỹ đang hỗ trợ cho những nỗ lực di tản cuối cùng của các nhân viên Mỹ và những người cộng tác địa phương. Có thể chỉ trong vòng vài ngày tới, chính quyền dân chủ thế tục do Mỹ và phương Tây dựng nên trong vòng 20 năm qua sẽ sụp đổ, và một nhà nước Hồi giáo Taliban sẽ thay thế.
Đây là một hệ quả của chính sách xoay trục của nước Mỹ.
Sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền Mỹ dưới quyền của tổng thống George W. Bush đã làm hai việc đó là tiêu diệt nhà nước Hồi giáo Taliban, lập nên một nhà nước dân chủ thế quyền, và cùng với liên quân, truy lùng những phần tử khủng bố còn sót lại.
Chiến dịch tiêu diệt nhà nước Hồi giáo Taliban là một trong những chiến dịch nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Nhưng việc hỗ trợ duy trì nhà nước thế quyền và truy lùng khủng bố lại là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và tốn kém.
Khó khăn là bởi vì tư tưởng chống Mỹ và chống phương Tây được loan giảng hằng ngày ở nhiều nơi, bởi các giáo sỹ cực đoan. Khó mà tiêu diệt được hết những tư tưởng này. Liên quân không chỉ chống với các phiến quân Taliban lẫn khuất trong núi, trong làng, mà còn lo sợ cả với các lực lượng an ninh Afghanistan do mình đào tạo có thể chỉa súng vào chính mình bất cứ lúc nào.
Quân Taliban hiện nay chắc chắn sẽ không sống được, không được trang bị vũ khí, đạn dược, nếu không có sự hỗ trợ của các lực lượng thù địch với Mỹ và Israel. Dù không chính thức nói ra nhưng ai cũng biết đó là ai.
Việc Mỹ và liên quân đổ quân vào Afghanistan trong 20 năm qua không phải là vô ích. Ít nhất là họ đã giúp tiêu diệt một nhà nước hỗ trợ các lực lượng khủng bố có tổ chức. Triệt tiêu tất cả các mạng lưới khủng bố liên quan đến Osama Bin Laden. Và cuối cùng, qua mặt các lực lượng của Pakistan để tiêu diệt bin Laden ngay tại nhà ở trên đất Pakistan. Sau cái chết của bin Laden, tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan al-Queda đã chấm dứt.
Chủ trương của quân Taliban mới cho tới nay chủ yếu tập trung vào việc chiếm lấy quyền cai trị Afghanistan và lập nên nhà nước Hồi giáo. Chưa có một dấu hiệu nào họ tài trợ cho một tổ chức khủng bố như cách mà chính quyền Taliban trước kia đã thi hành. Thật khó biết nội dung mật mà chính phủ Mỹ dưới thời Donald J. Trump đã thương thảo những gì với Taliban. Nhưng một suy đoán có thể đó là phía Mỹ đã đưa ra một đe doạ rằng đừng có làm những gì phương hại đến Mỹ và người dân Mỹ nếu không muốn nhìn thấy thảm cảnh của nhà nước ISIS, một tổ chức khủng bố bị Mỹ và liên quân đánh tan tác trong chưa đầy một năm. Phía Mỹ đưa ra một lằn ranh đỏ như vậy để rút quân dần khỏi Trung Đông.
Cuộc chiến chống khủng bố và san bằng các nhà nước chống đối cực đoan đã kết thức. Chính quyền khủng bố Taliban và Iraq của Sadam Hussein đã được giải quyết. ISIS đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Iran đã bị răn đe bằng việc xử tử ngay viên tướng chuyên điều phối các lực lượng khủng bố. Các nước Hồi giáo đã chính thức trở thành những nước ôn hoà và đồng ý chung sống hoà bình với Israel.
Như vậy, không có lý do gì Mỹ và liên quân tiếp tục đóng quân ở lại Afghanistan hay Trung Đông. Vì đối thủ và chiến trường sắp tới của Mỹ và liên quân là ở châu Á - Thái Bình Dương.
LƯỢC SỬ AFGHANISTAN
Sẽ là một thiếu sót nếu không tóm lược quá khứ xung đột ở Afghanistan.
Cuộc xung đột trong lịch sử hiện đại của xứ này bắt đầu vào tháng 4/1978 khi đảng Cộng sản ở đây, với tên gọi là đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (People´s Democratic Party of Afghanistan-PDPA), với sự ủng hộ của Liên Xô, đã thực hiện một cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ tổng thống đương thời là Mohammed Daoud Khan trong cái gọi là cuộc Cách mạng Saur và lập nên chính phủ cộng sản.
Chính quyền cộng sản ở Afghanistan sau khi cầm quyền, dưới sự chỉ đạo của Liên Xô, đã thực hiện một loạt các biện pháp cải cách xã hội và ruộng đất, và hậu quả là đẩy xã hội vào khủng hoảng. Trong khi xã hội khủng hoảng, các lực lượng chống đối mạnh mẽ xuất hiện. Nhà nước cộng sản thẳng tay đàn áp. Nội chiến hình thành.
Lo sợ rằng phe cộng sản sẽ lan tràn khắp vùng Trung Á, Mỹ và Pakistan bắt tay nhau hỗ trợ phe kháng chiến Hồi giáo chống lại nhà nước cộng sản Afghanistan. Còn Liên Xô thì gửi hàng ngàn cố vấn sang giúp chính quyền cộng sản Afghanistan. Chiến tranh quy ước bắt đầu.
Sau khi thủ tướng Hafizullah Amin của Afghanistan ám sát tổng thư ký đảng cộng sản Afghanistan Taraki và ra tay trấn áp đối lập, tình hình Afghanistan rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Liên Xô trực tiếp đổ quân vào Afghanistan vào tháng 12/1979. Mỹ với Pakistan, cùng với Saudia Arabia và Trung Quốc, đổ thêm tiền bạc và vũ khí vào ủng hộ lực lượng nổi dậy chống Liên Xô. Đối diện với nền kinh tế khó khăn, Liên Xô buộc phải rút quân khỏi Afghanistan bắt đầu vào giữa năm 1988 cho đến đầu năm 1989, và sau đó thì Liên Xô tan rã. Liên Xô tan rã dẫn đến chính quyền cộng sản của Afghanistan cũng sụp đổ theo vào năm 1992.
Sau khi chế động cộng sản của Afghanistan tan rã, các nhóm chiến binh tranh giành nhau quyền lực. Afghanistan rơi vào tình trạng vô chính phủ và đây là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố quốc tế thành hình. Đến cuối năm 1994 thì nhóm các sinh viên của các trường Hồi giáo ở Pakistan lập nên tổ chức Taliban và nhận được sự hỗ trợ quân sự của Pakistan. Với sự hỗ trợ quân sự của Pakistan, quân Taliban đã nhanh chóng chiếm giữ hầu hết các vùng đất của Afghanistan. Chính sách quá khắc nghiệp và tàn bạo, gây ra các cuộc thảm sát và tàn phá làng mạc, của Taliban khiến thế giới nhìn họ như một nhà nước khủng bố. Họ lập nên một chính quyền Hồi giáo nhưng thế giới chỉ có ba nước công nhận. Cuối cùng, chính quyền Taliban chấm dứt khi Mỹ đổ quân vào Afghanistan vào tháng 10/2001 để tiêu diệt mạng lưới khủng bố al-Queda.
***
Afghanistan bây giờ khác Afghanistan năm xưa. Cuộc chiến ý thức hệ không còn. Không ai còn tin rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ lan tràn làm phá huỷ mọi nền tảng của những quốc gia. Một nước Afghanistan sau khi thành lập cũng khó có thể trở thành một vùng dung chứa khủng bố lâu dài nếu họ không muốn nhanh chóng nhận lãnh số phận như các lãnh tụ ISIS. Các lãnh đạo Taliban hiểu được điều đó. Viễn cảnh về một nhà nước Taliban mới đó có thể là một nhà nước Hồi giáo được sự hỗ trợ của Pakistan, có thể là một mô hình thu nhỏ của Pakistan. Và cuối cùng thì người Afghanistan sẽ phải quyết định rằng tổ chức xã hội nào là phù hợp cho chính mình. Họ sẽ phải bỏ xương máu, mồ hôi, và tim óc để dựng lại.
Nguyễn Huy Vũ
15.8.2021