Những bạn đọc truyện Tam Quốc bên Tàu hẳn nhớ tích Khổng Minh 7 lần bắt 7 lần thả Mạnh Hoạch.
Trước khi Lưu Bị mất, Bị gửi gắm mọi quyền hành quốc gia vào tay Khổng Minh. Nhà Thục Hán lúc này đối mặt phía Bắc có Tào Phi hăm he thừa dịp tấn công. Ở phía Nam có quân Man mà thủ lĩnh là Mạnh Hoạnh thừa dịp nổi loạn.
Nếu Khổng Minh đem quân tấn công Tào Phi ở phía Bắc mà Mạnh Hoạch ở phía Nam cũng thừa dịp tấn công thì nhà Thục Hán tất sẽ lâm nguy.
Đại quân của nhà Thục Hán dễ dàng đánh thắng quân Man của Mạnh Hoạch, nhưng sau đó nếu quân nhà Thục Hán kéo lên phía Bắc thì quân Man ở phía Nam lại thừa dịp nổi dậy mà làm loạn. Quân Man trong một thời gian dài bị sự tuyên truyền của Mạnh Hoạch mà đâm lòng oán hận nhà Thục Hán. Nếu quân nhà Thục Hán bắt giết Mạnh Hoạch và tiệt trừ quân Man nữa thì chẳng khác nào chứng nhận rằng những lời tuyên truyền của Mạnh Hoạch là đúng.
Muốn bình định phương Nam vì vậy không thể chỉ dùng mỗi bạo lực, mà phải thuyết phục lòng người. Đó là lý do mà Khổng Minh đã 7 lần bắt rồi 7 lần thả Mạnh Hoạch để cuối cùng cảm phục và biến Mạnh Hoạch trở thành một đội quân trung thành với nhà Thục Hán. Phên dậu phương Nam của nhà Thục Hán từ sau đó mãi trở nên bình yên.
Kể chuyện này chỉ để nói rằng chiến tranh là một sự kéo dài của chính trị khi mà các kỹ năng thuyết phục ngoại giao đã thất bại. Một nhà cầm quyền khôn ngoan chẳng khi nào muốn dùng tới chiến tranh hay bạo lực để khuất phục quần chúng hay đối thủ khi mà họ có thể sử dụng những biện pháp hoà bình khác để thu phục trái tim của họ. Đó là lý do mà các bậc đế vương xưa nay đều cố kéo theo bên mình các văn sỹ nổi danh thiên hạ. Mục đích chỉ để củng cố và tô vẽ tính chính danh của người cầm quyền và cũng để thuyết phục nhân tâm đặng làm yên thiên hạ. Đó là lý do mà Frederick Đại đế có Voltaire, hay Napoleon có Goethe.
Ngày xưa bậc đế vương cai trị nhờ văn sỹ thì ngày nay những nhà độc tài cũng cai trị nhờ văn nghệ sỹ. Công an, quân đội, và nhà tù chỉ là những công cụ cuối cùng phải dùng tới để trấn áp nhân dân. Công cụ đầu tiên đó là tuyên truyền để thuyết phục nhân tâm và ở đây là vai trò của giới văn nghệ sỹ, giới nhà báo, và giới có học tôi mọi (không phải trí thức).
Các giới này như những con tốt nằm trong túi nhà cầm quyền độc tài và họ được nuôi dưỡng để ngợi ca nhằm duy trì sự ổn định của trật tự xã hội và tính chính danh của nhà cầm quyền. Đó là lý do mà một nhà báo của chế độ cộng sản từng có lần nói thẳng ra rằng “nhà báo như là một con chó” — câu hơi thô nhưng đúng bản chất của sự việc. Một chế độ độc tài sẽ sụp đổ nếu thiếu những nhà báo và giới văn sĩ nô ru ngủ quần chúng, nuôi dưỡng hào quang của chế độ trong trái tim của nhân dân.
Quan hệ giữa nhà cầm quyền và giới văn sỹ nô là một mối quan hệ cộng sinh. Văn nô đóng vai trò tâng bốc hình ảnh của nhà cầm quyền và chế độ nhằm xoa dịu trái tim quần chúng, để đổi lại nhà cầm quyền trao tặng những danh hiệu và đặc cách các vị trí khác biệt trong xã hội.
Nếu như quân đội và công an là những tấm khiên của nhà cầm quyền thì giới văn sỹ nô tương tự như là những cái miệng của họ. Tấn công vào giới văn sỹ nô, bẽ gẩy từng người một, là một cách tấn công vào những cái miệng của nhà cầm quyền. Khi những cái miệng dần bị bít lại thì những tấm khiên của quân đội và công an trở thành những tấm chắn cô lập giới cầm quyền trước xã hội. Sự sụp đổ sau đó chỉ là vấn đề thời gian vì những tấm khiên không làm nên chân lý và tính chính danh.
Hãy nhìn xem ở Miến Điện. Khi giới văn sĩ nô hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục người dân về một trật tự xã hội do quân đội nắm quyền thì đó cũng là lúc giới tướng lĩnh tự cảm thấy cô lập và cô đơn giữa một quốc gia, và trên trường quốc tế, dù cho họ có nắm trong tay đầy đủ súng ống và quân đội.
Do đó, bằng mọi giá ban tuyên truyền của các chế độ độc tài luôn tìm cách bảo vệ giới văn sỹ nô của họ. Và giới văn sỹ nô luôn biết điều đó. Đó là lý do mà cho dù họ, giới văn sỹ nô, có lợi dụng địa vị của mình để đi lừa gạt nhóm quần chúng cả tin thì cũng chẳng vì quyền lợi của quần chúng mà nhà cầm quyền đi trách mắng những con chó của mình. Ngược lại là khác, nhà cầm quyền sẽ cố tìm cách bịt miệng những tiếng nói hay hành động nhằm làm hoảng sợ hoặc lung lay vị trí những con chó của mình. Vì nếu không có những con chó bảo vệ, vị trí nhà cầm quyền ắt sẽ lâm nguy.
Đọc đến đây hẳn bạn đọc sẽ hiểu ra rằng muốn thay đổi một chế độ thì trước hết bạn phải thay đổi những con chó này của chế độ. Có những con không thể thay đổi được và bạn chỉ có thể làm cho nó tự lặn đi mà thôi. Bạn có thể làm được điều đó khi khiến cho nó thấy rằng cứ mỗi khi nó sủa là mỗi lần nó cảm thấy rất nhục.
Nguyễn Huy Vũ
29.5.2021