Từ thị trấn ven biển, mất khoảng hai tiếng lái xe, qua bao nhiêu là những đồn điền trồng bắp, những đồng bắp chạy dài từ những cánh đồng bằng phẳng, leo lên núi, rồi lại xuống đồng phẳng, là đến một thị trấn nông thôn miền núi, ngoại ô của một thành phố đồng bằng. Vùng này có những con sông, đất đai rộng rãi, phì nhiêu, đồi núi chập chùng, dân từ xưa tập trung đông làm nông nghiêp, nhờ vậy mà thành một vùng trù phú. Nhìn cảnh nhà cửa xây cất tươm tất, tôi bất chợt bảo ông bạn đi cùng rằng ở đây người dân có vẻ giàu có hơn người dân xứ biển dưới kia. Ông bạn đi cùng, một chủ thầu xây dựng, chưa từng học kinh tế, ngắt lời, giàu nghèo nó cũng tuỳ. Ở dưới kia, dân họ đi biển, một tuần có khi kiếm vài ngàn đô, nhưng kiếm tiền về họ đem nhậu hết, nhậu có khi mấy ngày liền. Không biết để dành lẫn chi tiêu, vì vậy mà họ nghèo. Còn dân trên này, họ tiết kiệm. Dân vùng núi, kiếm tiền nhờ trồng trọt, khai thác lâm sản, làm thợ thủ công, và buôn bán nhỏ. Họ biết tiết kiệm hơn, nhờ vậy mà tươm tất hơn. Đó là do văn hoá. Rồi ông kể tiếp, dân trên này sau này kinh tế khó khăn, họ dạt xuống thành phố biển dưới kia, vì vậy mà giúp thành phố biển dưới kia phát triển.
Trong kinh tế học dòng chính, để lý giải cho sự phát triển của một vùng hay một quốc gia, người ta dựa chủ yếu vào ba đại lượng đong đếm được đó là năng suất lao động, lượng nhân công, và nguồn vốn. Và đứng sau tác động lên cả ba đại lượng đó là văn hoá, giáo dục và tri thức. Văn hoá bao gồm những kiến thức được học từ gia đình và cộng đồng, những thói quen, tín ngưỡng, niềm tin, sự suy nghiệm, khả năng phán xét, và nhận thức nói chung của một con người. Văn hoá nó dẫn dắt một người rằng có nên xem trọng tri thức và giáo dục không, và từ đó ảnh hưởng đến mức tri thức và giáo dục mà người đó cố gắng tiếp nhận được. Làm việc chăm chỉ, biết tiết kiệm, biết cách mua bán, giao tiếp, biết đầu tư, biết cách giải quyết vấn đề…là những thói quen mà một người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình và cộng đồng, và đó cũng là những tính cách quyết định mức độ sung túc của một người.
Không đâu mà khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách văn hoá, cách biệt như ở Nam Mỹ. Cách biệt giữa thành phố và nông thôn, giữa người da trắng, da màu và da đen, giữa vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển. Chỉ cần lái xe đi vài tiếng đồng hồ đã cảm thấy được sự cách biệt.
Da càng trắng thì thường càng giàu. Chính trường vì vậy cũng chủ yếu được kiểm soát bởi đa số những người da trắng.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Đó là ở văn hoá.
Nam Mỹ cũng như Bắc Mỹ, nơi đây được gọi là Thế giới Mới (New World). Ở Thế giới Mới này, vô số những người nhập cư đến đây hàng ngày hàng giờ. Họ đến từ mọi miền của thế giới. Nếu như ngày nay, người châu Á chủ yếu tìm kiếm các cơ hội nhập cư vào Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada, vì ở đây có họ hàng, bà con, có cộng đồng, có công việc, cơ hội, có nền giáo dục tốt, có chế độ an sinh xã hội hay nhiều lý do khác nhau, thì Nam Mỹ vẫn còn là một vùng đất cách biệt, hoang sơ, ít được biết đến, nhưng nó vẫn ngày ngày đón nhận thêm những dòng người nhập cư, chủ yếu là người da trắng từ các nước châu Âu lục địa, từ Mỹ, từ Canada, và một số người Hoa từ Trung Quốc lục địa.
Trong thế giới hỗn tạp với vô số con người của thế giới mới này, như Bắc Mỹ, không ai biết ai, không ai tin ai, và người ta hoạt động chủ yếu dựa vào uy tín. Mà uy tín có được hoặc là nhờ ở sự hợp tác lâu dài, quen biết lẫn nhau, hoặc là từ ở sự giới thiệu.
Ở châu Âu, nhờ ở vai trò tổ chức xã hội chặt chẽ của chính quyền, bằng cấp và tước vị được ghi nhận như là thước đo cho trình độ, khả năng hay uy tín của một người. Bằng cấp hay tước vị do đó được dùng như một thứ để tham khảo trong các hoạt động đề bạt hay hợp tác.
Điều này hoàn toàn vắng bóng ở Thế giới Mới. Cả Nam Mỹ và Bắc Mỹ do đó các hoạt động dựa chủ yếu trên sự giới thiệu. Uy tín và mạng lưới bạn bè của một người trở nên cực quan trọng. Cả hai điều này, uy tín và mạng lưới bạn bè, đều mang tính kế thừa, và nó thuộc một phần về văn hoá. Gia đình có uy tín trong một hoạt động nào đó thì những đứa con nhờ đó cũng thừa hưởng điều này. Nhờ thừa hưởng uy tín và mạng lưới bạn bè mà thế hệ kế tiếp có thể dễ dàng phát triển những hoạt động của mình.
Cả hai điều này, uy tín và mạng lưới bạn bè, là những thứ đòi hỏi thời gian xây dựng mà người ngoài không dễ dàng có được. Điều đó lý giải tại sao sự giàu có và thành công quẩn quanh ở một nhóm người, một nhóm sắc tộc, mà khó thể mở rộng ra các sắc tộc khác dù hầu như không có bất kỳ một rào cản nào khác hạn chế những sắc tộc khác tham gia vào các hoạt động từ kinh tế đến chính trị.
Khi những người da trắng đầu tiên di cư qua những vùng đất Nam Mỹ, công việc đầu tiên họ chọn là khai phá nông nghiệp, mở những nông trại, đồn điền. Họ tập trung ở các vùng đồng bằng, dọc những dòng sông, hoặc những thảo nguyên rộng lớn có khí hậu ôn đới. Ngày nay, những vùng này trở thành những thành phố sầm uất với nhiều người da trắng. Người thổ dân bản địa sống chủ yếu ở các vùng duyên hải nghèo khó hoặc vùng rừng Amazon.
Người da trắng đến Nam Mỹ đem theo luôn văn hoá châu Âu của họ. Trong văn hoá này, ngoài đức tin Thiên chúa, họ cũng chú trọng quan tâm đến kiến thức và học vấn hơn hẳn những người dân bản địa khác. Nhờ học vấn và tri thức, người da trắng dần dà nắm giữ hầu hết các chức vụ then chốt trong hệ thống công quyền dù họ hiện nay là một thiểu số trong cộng đồng.
Nguyễn Huy Vũ
2/5/2021