18.5.21

Nhà nước Do Thái: xung đột và thành hình

Cuộc xung đột Do Thái và Palestine đã khởi đầu được mấy hôm. Dự đoán là phe Do Thái sẽ quyết tâm triệt hạ tất cả những cơ sở và ban lãnh đạo của Hamas nhằm tiến tới thiết lập một thành phố Gaza nằm dưới sự coi sóc của chính quyền Do Thái. Song song đó các chính quyền Do Thái sẽ tiếp tục lấn đất bằng cách xây các khu định cư ở Bờ Tây nhằm cắt khu Bờ Tây thành các khu nhỏ trước khi sáp nhập hoàn toàn vào Israel. Có như vậy thì mới đạt được hoà bình lâu dài cho nhà nước Do Thái. Đó là chiến lược của họ. Còn đúng hay sai về mặt luật pháp quốc tế thì lại là một chuyện khác. Giả sử 10 năm tới họ sáp nhập hoàn toàn phần đất của người Ả Rập thì 100 năm sau sẽ là một việc ngây ngô nếu có ai đó đòi thực hiện chính sách hai quốc gia. 

Nguồn gốc của cuộc xung đột Do Thái và Palestine không hẳn là chỉ duy nhất xuất phát từ tôn giáo. Nếu như chỉ duy nhất xuất phát từ tôn giáo thì hẳn hai phe, một phe theo đạo Do Thái và một phe theo đạo Hồi, đã đánh nhau to một mất một còn hồi vùng này còn nằm dưới sự coi sóc của người Anh hay trước đó là từ đế quốc Ottoman, và làm gì có chuyện mà hai nhóm người theo Do Thái giáo và Hồi giáo sống chung với nhau, người Do Thái đi mua đất lại từ người Hồi giáo để lập nên các đồn điền. 


Cuộc xung đột chỉ bắt đầu khi những người Do Thái bắt đầu tuyên bố độc lập, lập nên nhà nước Do Thái. Cuộc xung đột đó khởi nguồn từ các yếu tố chính trị, mang bóng dáng của một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm. 


Lúc mới thành lập nhà nước, những người lãnh đạo nhà nước Do Thái chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội, và họ muốn biến Israel thành một nhà nước theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nhưng dĩ nhiên trước hết là một nhà nước dân chủ. Họ thực hiện dân chủ ngay từ đầu vì xã hội có nhiều nhóm theo các khuynh hướng khác nhau và dân chủ là cách duy nhất để có thể duy trì được đồng thuận và thoả hiệp trong các chính sách. 


Nhắc lại một chút là cũng chính vì có những nhóm chính trị khác nhau mà Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hình thành nên một quốc hội dân chủ đa đảng đầu tiên. Chỉ khi các phe xử lý và triệt tiêu nhau bằng bạo lực thì dân chủ mới chấm dứt. Do đó, dân chủ chỉ xuất hiện khi xã hội hình thành các nhóm đa dạng gắn kết về tư tưởng.


Chính vì nhà nước Do Thái chủ trương thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa — mà hai ví dụ điển hình còn tồn tại đến ngày nay đó là hệ thống hợp tác xã và các công xã gọi là kibbutz — mà Liên Xô ngay lập tức ủng hộ việc thành lập nhà nước Do Thái. 


Việc thành lập một nhà nước xã hội chủ nghĩa ngay tại vùng Trung Đông mới là cái gai đối với các nước độc tài Ả-Rập còn lại. Các nước Ả Rập sợ rằng Do Thái sẽ là một vệ tinh của Liên Xô, làm lan truyền chủ nghĩa xã hội và đưa những chiến binh cộng sản xâm nhập vào xã hội của các chế độ Hồi giáo nhằm làm cách mạng. Khoảng thời gian sau Thế chiến thứ Hai này là khoảng thời gian cạnh tranh quyết liệt giữa hai phe tư bản và cộng sản (xã hội chủ nghĩa). Xã hội chủ nghĩa là một mỹ từ nhằm tuyên truyền cho tổ chức cộng sản đứng bên dưới nó. Chính vì vậy mà các nước Ả Rập quyết liệt chống lại việc thành lập một nhà nước Do Thái ngay tại vùng Trung Đông. 


Lẽ dĩ nhiên khi các nước Ả Rập phát động chiến tranh chống lại Do Thái, các lãnh đạo độc tài và giới lãnh tụ tôn giáo không nói thẳng ra là phải bóp nó chết để không lan truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa làm nổi loạn xã hội của chúng ta. Họ sẽ bịa ra một câu chuyện khác đó là kích động sự thù hằn tôn giáo giữa người Ả Rập ở Palestine với người Do Thái và khuếch trương các mâu thuẫn cũng như cung cấp vũ khí và các khoản hỗ trợ để mượn người Ả Rập triệt hạ đất nước Do Thái non trẻ. 


Người Do Thái có các nhóm khác nhau. Một nhóm vận động được sự ủng hộ của Liên Xô, còn các nhóm khác vận động được sự ủng hộ của Anh, Mỹ. Chính sách của người Do Thái lúc đầu mới thành lập nước là trung lập, không theo nước nào cả. Liên Xô lúc đầu ủng hộ Do Thái vì nghĩ rằng họ theo chủ nghĩa xã hội và họ đang thực hiện các chính sách xã hội chủ nghĩa. Còn người Mỹ ủng hộ vì dân Do Thái vận động hành lang ở chính trường Mỹ và cũng vì Do Thái là nước theo hình mẫu dân chủ ngay từ đầu. Nếu người Liên Xô muốn dùng Do Thái như một đồng minh ý thức hệ thì người Mỹ cũng vậy. Người Do Thái sau đó từ từ nghiêng về phương Tây và Hoa Kỳ, và cho đến nay họ được xem như là một thành viên không chính thức của Liên minh châu Âu, có các trao đổi về văn hoá, khoa học kỹ thuật chung nhau. 


Khi Liên Xô hiểu ra vấn đề thì lại quay sang ủng hộ các nước Ả Rập và tấn công ngược lại Do Thái, không muốn Hoa Kỳ và Do Thái lôi kéo thêm nhiều đồng minh. Hiểu được điều đó mới hiểu tại sao trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa liên minh các nước Ả Rập chống lại Do Thái thì phía Do Thái có đồng minh Hoa Kỳ chống lưng, còn phía phe Ả Rập thì ngoài các nước Ả Rập còn có Liên Xô và Cuba, hai nước cộng sản, chống lưng. Liên Xô (và sau này là Nga) khi ủng hộ các nước Ả Rập trong cuộc chiến năm 1973 hay các cuộc chiến sau này như trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ với Syria trong vòng hơn 10 năm lại đây chủ yếu vì họ muốn có một vị thế chiến lược trong khu vực nhằm đối trọng lại với người Mỹ. 


Giới cầm quyền ở Jordan, Ai Cập, hay Ả Rập Xê út sau khi hiểu ra vấn đề rằng Israel và Mỹ không có ý muốn làm cách mạng ở vùng này thì sau đó họ lại trở thành đồng minh của Mỹ và cũng chẳng còn ủng hộ các nhóm phiến quân chống chính quyền Do Thái nữa. Cho nên năm trước mới có việc ông con rể của tổng thống Donald J Trump giúp thoả thuận ký hiệp ước hoà bình giữa các nước Ả Rập với Do Thái mà thực chất là từ lâu rồi giữa các nước này và Do Thái chẳng còn xích mích gì nữa. 


Chỉ có duy nhất Iran là còn thù địch với Israel vì thật ra Iran cũng là một nạn nhân của cuộc chiến ý thức hệ còn sót lại. Iran thù địch với Mỹ và cho rằng Israel là một cánh tay nối dài của Mỹ ở Trung Đông. Iran vì vậy mà vừa ủng hộ các nhóm phiến quân Ả Rập ở Palestine chống Israel, vừa cố làm bom nguyên tử để bảo vệ mình. Israel lo ngại Iran làm xong bom nguyên tử thì có ngày nó bỏ bom mình nên liên tục phá hoại chương trình làm vũ khí của Iran. 


Iran thù địch với Mỹ khởi đầu từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran. Trước khi có nhà nước thần quyền Hồi giáo hiện nay, Iran được cai trị bởi đế chế Pahlavi. Vua Shah của đế chế Pahlavi là một người thân Mỹ và phương Tây, chủ trương của ông là cải cách kinh tế xã hội nhằm làm tăng tính chính danh của mình và đập tan các nhóm cộng sản đang len lỏi vào đất nước. Ông cho thực hiện một loạt cải cách mà sau này được gọi là cuộc Cách mạng Trắng, trong đó có chia lại ruộng đất cho dân nghèo và cải cách giáo dục sang chế độ thế quyền. Kẻ thù của ông do đó là hai nhóm chính, một nhóm là các địa chủ bị mất đất và nhóm thứ hai là những người theo văn hoá truyền thống với các giáo sỹ Hồi giáo thấy rằng quyền lực của mình trong việc giáo hoá tín đồ, dạy dỗ dân chúng bị tước mất. Họ chống đối và kết hợp với nhau cùng với các nhóm cộng sản cánh tả lật đổ ông. Ngay sau khi lập nên nước Hồi giáo, ngay lập tức Liên Xô là nước đầu tiên công nhận, hi vọng họ trở thành một đồng minh của mình. Các lãnh đạo tinh thần nhà nước Hồi giáo Iran sau đó thấy rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần không ăn khớp với chủ nghĩa Hồi giáo thần quyền nên chỉ duy trì mối quan hệ với Liên Xô và sau đó với Nga vì các lợi ích ngắn hạn. Ngay khi lập nên nhà nước Hồi giáo ở Iran thì các nhóm vũ trang bắt giam các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ gây ra cuộc khủng hoảng con tin vào năm 1979. Hoa Kỳ ngay lập tức áp đặt cấm vận. Các nhà ngoại giao sau đó được thả ra, đổi lại Hoa Kỳ dỡ bỏ các cấm vận. Nhưng sau đó 6 năm thì Hoa Kỳ lại áp đặt cấm vận lại vào năm 1987 vì Iran hỗ trợ các nhóm phiến quân khác nhau nhằm biến vùng này thành một vùng nằm trong vòng ảnh hưởng của các thế lực thần quyền Iran. 


Người Ả Rập ở Palestine do đó trở thành một con cờ bị lợi dụng của các thế lực khác nhau. Năm xưa, họ không thể chấp nhận việc phân chia vùng Palestine thành hai quốc gia khác nhau như đề xuất của Liên Hiệp Quốc vì đứng sau họ là các nước Hồi giáo Ả Rập. Ngày nay, phe Hamas cũng không thể chấp nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái, vì đứng sau họ là Iran và một nhóm dân Hồi giáo cực đoan. Người Ả Rập ở Palestine chia làm hai, nhóm ôn hoà ủng họ Fatah, còn nhóm cực đoan ủng hộ Hamas. Nếu các lãnh đạo Hamas trở nên ôn hoà thì ngay lập tức sẽ xuất hiện một Hamas khác vì không thể loại trừ được hết tất cả những người Ả Rập ở Palestine vốn muốn ăn thua đủ với người Do Thái. 


Và cuối cùng, sẽ là một thiếu sót nếu không tóm lược sơ khởi hành trình dựng nước của người Do Thái. Vùng Palestine là tên gọi của một vùng rộng lớn nằm dưới sự cai trị của người Anh gồm cả lãnh thổ của Israel và vùng Bờ Tây và dải Gaza ngày nay. Trước Thế chiến thứ Hai, vùng này, cũng như nhiều vùng khác ở Trung Đông, kể cả Iran ngày nay, đều có dân Do Thái sinh sống. Sau khi bị các thế lực khác nhau đánh chiếm, từ thời La Mã cho đến Ottoman, và sau đó là người Anh, thì người Do Thái không có quê hương, họ bị bách hại và nhiều người bỏ xứ ra đi tản mác. Họ gắn kết nhau chủ yếu nhờ tôn giáo, vì vậy mà nói là dân Do Thái nhưng màu da và màu tóc của họ khác nhau, ngôn ngữ thường dùng hàng ngày của họ cũng khác nhau. Có dân Do Thái Đông Âu, Tây Âu, thì cũng có dân Do Thái Ả Rập, châu Phi, và cả Do Thái châu Á. Họ bị khinh miệt, nghi ngờ và phân biệt đối xử ở khắp những nơi họ đến định cư. 


Nhìn thấy cảnh khốn cùng của dân Do Thái, một nhà báo gốc Do Thái ở Viên, Áo, tên là Theodor Herzl mới viết một cuốn sách nhỏ có tên gọi là “Nhà nước Do Thái”, đưa ra viễn kiến rằng chỉ có thành lập một nhà nước Do Thái riêng cho họ thì người Do Thái mới không còn bị kỳ thị nữa ở châu Âu. Và để thực hiện viễn kiến đó, ông đề xuất rằng người Do Thái nên tổ chức mua đất để định cư và từ đó thành lập nên nhà nước của mình. Theodor Herzl sau đó đi vận động ở các cộng đồng Do Thái khác nhau nhằm quyên tiền ủng hộ, tổ chức chuyên chở người Do Thái về mua đất định cư. Dân Do Thái về định cư ở vùng Palestine đông dần và sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai thì họ vận động Liên Hiệp Quốc cho thành lập nhà nước Do Thái đầu tiên. Lúc đầu, đa số người Do Thái không biết dùng chữ của tổ tiên họ, tức chữ Hebrew. Vì đã lưu lạc khoảng 2000 năm, sống ở đâu thì họ chỉ nói được tiếng nói vùng đó là chủ yếu. Tiếng Hebrew của tổ tiên họ là một ngôn ngữ chết lúc này, không ai nói, và nó chỉ là ngôn ngữ dùng trong các quyển kinh tôn giáo. Các lãnh đạo sau đó quyết chọn dùng tiếng Hebrew làm ngôn ngữ quốc gia và dạy cho người dân từng vài trăm chữ để làm quen. Từ từ, tiếng Hebrew hồi sinh thành một ngôn ngữ sống động như ngày nay. 


Người Do Thái cho đến ngày thành lập nước năm 1948 thì họ vẫn là một sắc dân thiểu số ở vùng Palestine. Trong cuộc chiến đầu tiên, khi người Ả Rập nổi dậy chống lại họ, lính Do Thái vừa tấn công người Ả Rập vừa loan truyền tin đồn rằng người Do Thái rất ác, thảm sát cả một ngôi làng, dân Ả Rập vì vậy mà sợ chạy, bỏ xứ đi tị nạn. Dần dần, cùng với việc liên tục đón nhận thêm người Do Thái ở các nước khác quay về, nhất là những người Do Thái ở khối Liên Xô cũ sau khi Liên Xô sụp đổ, sau này người Do Thái trở nên chiếm đa số. Giờ đây họ chiếm tỉ lệ khoảng 80%, còn lại là dân Israel gốc Ả Rập. 


Nhóm người Do Thái ở Liên Xô cũ về đa phần trẻ và được đào tạo tốt đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Israel. Đây là thời điểm mà Israel thử nghiệm chính sách kinh tế Yozma. Đối diện với một lượng lớn người nhập cư về, chính quyền Israel buộc phải lo các kế hoạch an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho họ. Hàng trăm ngàn người như vậy, đa phần là chuyên gia, kỹ sư có học. Nền kinh tế của Israel lúc này không thể hấp thụ được hết những người này. Buộc các nhà làm chính sách nghĩ ra các phương kế khác nhau. 


Một trong các đề xuất là khuyến khích họ khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp cần kỹ năng thôi thì không đủ mà cần thêm vốn, khả năng quản lý, đầu tư, mở rộng sản xuất, kết nối với thế giới để bán hàng. Những kỹ sư này có thể làm ra sản phẩm nhưng vấn đề còn lại thì hầu như không thể vì họ không biết và nền kinh tế của Israel lúc này cũng chưa đạt được tới khả năng đó. Lúc đầu, giới chính sách cung cấp tiền hỗ trợ trực tiếp cho họ, những người khởi nghiệp. Nhưng đa số tiền hỗ trợ không đi vào đâu cả, chính sách coi như thất bại. Sau những lần thử và thất bại như thế, chính quyền sau đó thử nghiệm một chính sách mới và đem lại thành công rực rỡ, dẫn đến hàng loạt các công ty công nghệ của Israel sau đó được liệt kê lên các sàn chứng khoán của Hoa Kỳ. Chính sách này sau đó được các nước khác học hỏi, thi hành. Singapore là một nước như vậy, và Singapore cũng đạt được những thành công. 


Chính sách này được gọi là Yozma, tiếng Hebrew nghĩa là khởi đầu. Một cách tóm lược thì chính quyền Israel đưa ra điều kiện rằng khi mà một doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực được ưu tiên nhận được vốn đầu tư từ một tổ chức nước ngoài thì chính quyền sẽ cho doanh nghiệp của mình được vay một khoản ưu đãi nhất định, cùng với nó là các điều kiện ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đối tác đầu tư vào đây. Nhờ vào chính sách Yozma này mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel sau đó tăng tốc, hợp tác được với các quỹ đầu tư thế giới, và đưa doanh nghiệp Israel kết nối với thế giới tài chính, công nghệ ở Mỹ và phương Tây. 


Nguyễn Huy Vũ

17.5.2021