Cuộc chiến của Nga vào Ukraine hiện đã đến hồi quyết định khi quân Nga đang tập trung để tiến vào thủ đô Kyiv của Ukraine.
Với nhiều người, Ukraine là một nước nhỏ. Nhưng thật ra Ukraine không hẳn là một nước nhỏ, mà nó có đủ tất cả các tiềm năng để trở thành một cường quốc ở châu Âu.
Ukraine có diện tích đất hơn 600 ngàn cây số vuông, gần gấp đôi diện tích của Việt Nam, đứng thứ hai châu Âu, chỉ sau Nga, và hơn Pháp 10% diện tích đất. Bảy mươi phần trăm diện tích đất là đất nông nghiệp, trong đó hai phần ba là đất đen, loại đất giàu dinh dưỡng, và do đó, Ukraine được xem là một trong những vùng đất màu mỡ nhất trên thế giới. Xuất khẩu nông nghiệp của Ukraine thuộc nhóm đầu châu Âu, và vì vậy mà nó được mệnh danh là rổ bánh mỳ của châu Âu.
Ukraine có dân số gần 44 triệu người, đứng thứ 7 châu Âu, sau Tây Ban Nha (47 triệu), Ý (60 triệu), Pháp (65 triệu), Anh (68 triệu), Đức (84 triệu), và Nga 146 triệu. Những ngành công nghệ phát triển của Ukraine có thể kể đến gồm công nghệ thông tin, đóng tàu, và cả ngành công nghiệp hàng không.
Ukraine còn là nước có trữ lượng khoáng sản lớn, một nữa trong số đó đang được khai thác và là nước đứng trong nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới về quặng sắt, mangan, titan, graphite, và uranium.
Điểm sơ qua những thông tin như vậy để thấy rằng nếu Ukraine có một chiến lược phát triển đúng đắn, cộng với hệ thống dân chủ đang dần bắt rễ, thì chỉ cần vài mươi năm tới, nó sẽ trở thành một cường quốc đáng kể ở Đông Âu.
Một cường quốc tiềm năng ở châu Âu nếu được trang bị một kho vũ khí hạt nhân thì Ukraine nghiễm nhiên trở thành một tay chơi lớn của thế giới. Đó là lý do mà Mỹ, Anh, và cả Nga đã áp lực để phi hạt nhân hoá Ukraine thông qua hiệp định Budapest.
Mục tiêu của việc xâm lược như phía Nga đang tung ra đó là Ukraine là một phần lịch sử thuộc về nước Nga và việc đưa quân vào Ukraine là nhằm mục đích phi quân sự hoá Ukraine, biến Ukraine thành một vùng trái độn nhằm ngăn ngừa khả năng tấn công của Âu Mỹ thông qua Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhưng thật ra câu chuyện không hề đơn giản như vậy. Giả sử như Nga phi quân sự hoá hoàn toàn Ukraine, lập nên một chính quyền thân Moscow, và rút quân về hoặc thậm chí đóng một phần quân lính ở lại, thì người Ukraine với tinh thần dân tộc mãnh liệt như hiện nay, sẽ bằng nhiều cách khác nhau thiết lập lại chế độ dân chủ và xây dựng lại nền quốc phòng của mình. Và chắc chắn là họ bằng các cách khác nhau tìm cách xa rời mối quan hệ với Moscow sau những trải nghiệm như vầy. Không ai có thể một sớm một chiều tiêu diệt được hơn 40 triệu dân. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn biết điều này.
Khi quyết tâm bằng mọi giá chiếm lấy Ukraine, mục tiêu, dù không nói ra, của Vladimir Putin lớn hơn nhiều. Ông không cần thêm quyền lực, vì quyền lực của ông đã có đủ. Ông cũng không cần tiền, vì chắc chắn là ông không nghèo. Cái mà ông thực hiện chắc chắn phải xuất phát từ một niềm tin to lớn rằng nước Nga phải có một vị trí xứng đáng hơn trên trường thế giới. Và để trả cái giá cho chiến tranh, chắc chắn là ông muốn nhiều hơn là việc phi quân sự hoá Ukraine. Mục tiêu đó phải là sáp nhập Ukraine trở lại thành một phần của Liên bang Nga.
Một việc sáp nhập như vậy nếu diễn ra nó sẽ khiến cán cân quân sự thăng bằng hơn về phía Nga. Nước Nga mới lúc này sẽ có khoảng 200 triệu dân, một vựa lúa mỳ lớn, những mỏ khoáng sản và dầu khí khổng lồ, một kho vũ khí hạt nhân, cùng một lực lượng chuyên gia đáng kể. Thế lực của Nga vì vậy mà sẽ hồi sinh. Một nước Nga với sức mạnh vượt trội đến lượt nó là nỗi lo của các nước châu Âu khi nó phá vỡ thế cân bằng sức mạnh.
Về lâu về dài, cùng với việc sáp nhập, chắc chắn giới cầm quyền Nga sẽ thực hiện các chương trình di dân nhằm Nga hoá, đồng nhất Ukraine vào nước Nga hiện nay, và tiêu diệt các thành phần chống đối.
Đối diện với viễn cảnh đó, các nước Âu Mỹ đã phản ứng kịch liệt với Nga và viện trợ tích cực cho Ukraine. Họ chắc chắn không muốn thấy một Liên Xô hồi sinh đe doạ đến hoà bình và an ninh của châu Âu và thế giới. Cùng với sự viện trợ liên tục của Âu Mỹ, với khả năng chiến đấu bền bỉ vì không còn gì để mất của Ukraine, Nga chắc chắn sẽ sa lầy ở Ukraine.
Một trong những lập luận ngây thơ của nhiều người rằng bởi vì Ukraine là một nước láng giềng có xu hướng ngả theo phương Tây, mà cụ thể là gia nhập vào liên minh châu Âu và liên minh Bắc Đại Tây Dương cho nên Nga mới ra tay. Nếu lập luận như vậy thì tại sao Nga đã không ra tay trước với các nước láng giềng bé nhỏ Baltic, những nước mà diện tích chỉ có vài chục ngàn cây số, dân số vài triệu người trước khi họ gia nhập vào NATO? Với những nước nhỏ này cùng tiềm lực quốc phòng của họ, việc Nga đem quân xâm chiếm sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều việc tiến công Ukraine. Câu trả lời nằm ở tiềm lực của quốc gia, và Ukraine là một nước đầy tiềm lực, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn hẳn nếu nó được sáp nhập vào Nga. Và một khi mà Nga muốn sáp nhập Ukraine vào nước mình thì cho dù Ukraine có muốn ngả theo phương Tây hay không thì trước sau gì Nga cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để sáp nhập Ukraine vào Nga.
Khi người Ukraine ngả theo phương Tây để nhận được sự giúp đỡ của phương Tây thì họ còn có một khả năng bảo vệ sự độc lập quốc gia của họ. Ngược lại, nếu người Ukraine không ngả theo phương Tây, chắc chắn giờ này họ đã nhanh chóng trở thành một miếng mồi ngon của Nga.
Đối phó với một nước lớn luôn có dã tâm thôn tính nước nhỏ thì nước nhỏ cần phải tìm một đối trọng bên ngoài để giúp xây dựng nội lực và hỗ trợ an ninh, cần phải có những lãnh đạo chính danh thông qua bầu cử đóng vai trò đoàn kết quốc gia, chứ không phải là đi thực thi những chính sách làm vừa lòng nước lớn — bởi một nước lớn muốn xâm lược nước nhỏ chẳng khi nào họ muốn nước nhỏ trở nên hùng mạnh và được bảo vệ về an ninh cả.
Nguyễn Huy Vũ
6.3.2022