4.3.22

Chiến lược hoà bình cho Việt Nam

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những nước nhỏ, rằng họ cần làm gì để bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho quốc gia khi láng giềng của họ là những nước lớn?

Việt Nam là một ví dụ như vậy.


Vậy, nếu bạn là một lãnh đạo quốc gia, những chiến lược nào bạn có thể thực thi để có thể bảo đảm cả hai mục tiêu an ninh và thịnh vượng? Tôi nghĩ dưới đây là những chiến lược:


Thứ nhất, đảm bảo Việt Nam theo đuổi những nguyên tắc chung của thế giới văn minh và đặt mình trong cùng một vị trí với họ. Những nguyên tắc đó bao gồm: (i) bảo đảm Việt Nam là một nước dân chủ; và nếu được, cố gắng biến Việt Nam trở thành một tượng đài xiển dương tự do ở Đông Nam Á; và (ii) thực hiện và thúc đẩy việc hành xử dựa trên luật lệ quốc tế. Chỉ khi tạo ra được một vị trí đáng được tôn trọng trong thế giới văn minh, Việt Nam mới có những người bạn và đồng minh thật sự. Trong một thế giới đầy bất ổn, việc có những đồng minh đối với những nước nhỏ là bước đi sống còn. 


Thứ hai, biến Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính, khoa học, và công nghệ ở Đông Nam Á. Với một vị thế như vậy, Việt Nam tất sẽ kết nối với các nền kinh tế và giao lưu trao đổi về học thuật với các nước phát triển văn minh. Một cuộc tấn công nếu xảy ra vào Việt Nam cũng là một cuộc tấn công vào hệ thống kinh tế, tài chính, và khoa học của khu vực và thế giới. Một cuộc tấn công như vậy tất sẽ nhận được sự lên án của thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ. Cái giá của chiến tranh đối với kẻ địch tất sẽ rất lớn.


Thứ ba, xây dựng một nền quốc phòng tự chủ và có khả năng đánh trả. Nếu kẻ thù biết rằng Việt Nam không những có khả năng phòng thủ đất nước mà còn có khả năng tấn công phủ đầu, gây thiệt hại nặng cho đối phương, tất sẽ khiến kẻ thù đắn đo trước khi phát khởi một cuộc chiến chống Việt Nam. 


Cuối cùng, bãi bỏ chính sách ngoại giao đu dây, mà thay vào đó là chính sách ngoại giao thực tế nhằm tích cực thúc đẩy Việt Nam đạt được cả ba mục tiêu trên. Trong một thế giới đang phân chia hai cực, việc Việt Nam đứng giữa hai sợi dây nó chỉ chứng tỏ rằng Việt Nam không có một chính kiến nào, và việc không có một chính kiến nào cũng đồng tình với việc Việt Nam không nhận được những tình cảm đáng có nào từ cả hai phía. Một chính sách ngoại giao mà không thúc đẩy mối quan hệ bạn bè là một chính sách thất bại. Và thực tế chứng minh cho thấy rằng Việt Nam có rất nhiều bạn, ký rất nhiều hiệp định với các đối tác chiến lược, nhưng thật sự ai là bạn thật của Việt Nam? Chẳng có ai cả. 


Muốn bắt đầu thực hiện bất cứ một chiến lược nào ở trên, việc đầu tiên phải làm đối với Việt Nam là thiết lập một thể chế dân chủ. 


Một cuộc chiến mới đang hình thành nhằm sắp xếp lại trật tự chung của thế giới mà trong đó phe Âu Mỹ đang tập hợp các nước dân chủ để chống lại phe độc tài đứng đầu bởi Nga và Trung Quốc. Việt Nam không thể chọn đứng về phía Nga và Trung Quốc được — một lựa chọn như vậy sẽ khiến Việt Nam bị cô lập với phương Tây, dẫn đến suy yếu và cuối cùng sẽ mất nước. Việt Nam chỉ có một chọn lựa duy nhất và bắt buộc đó là chọn đứng về phía tự do và dân chủ, tức về phe Âu Mỹ. Chọn lựa này cho phép Việt Nam kết nối, học hỏi, và giao thương với thế giới văn minh và tiến bộ phương Tây. Và chỉ bằng cách đó Việt Nam mới phát triển và hùng mạnh. 


Thiết lập một thể chế dân chủ không chỉ giúp Việt Nam thắt chặt mối quan hệ với thế giới phương Tây mà nó còn giúp Việt Nam chọn được những lãnh đạo có khả năng qua các cuộc bầu cử, và đó là những người sẽ giúp dẫn dắt đất nước đi tới tương lai.


Do đó, cố gắng và nỗ lực của bất cứ người Việt Nam nào còn quan tâm đến đất nước hiện nay đó là thúc đẩy để diễn ra một cuộc bầu cử tự do cùng sự xuất hiện của các chính đảng khác nhau, làm nền tảng cho một thể chế dân chủ và tự do. 


Nguyễn Huy Vũ

5.3.2022